Điền kinh Nghệ An và sức bật từ những vận động viên trẻ
(Baonghean.vn) - Là một trong những môn cơ bản của Olympic, được ví là môn thể thao "nữ hoàng" và cũng từng có những VĐV đỉnh cao quốc gia nhưng những năm 2010, điền kinh Nghệ An trải qua giai đoạn chững lại về thành tích. Tuy nhiên, những năm gần đây, những gương mặt trẻ đã giúp điền kinh Nghệ An dần khởi sắc trở lại.
Những thăng trầm
Nhắc đến điền kinh Nghệ An, giới chuyên môn nghĩ ngay đến Trần Thị Soa - VĐV thuộc sự quản lý của ngành thể thao tỉnh đầu tiên và duy nhất đến nay tham dự Olympic. Cuối những năm 1970, Trần Thị Soa từng liên tiếp vô địch quốc gia và trở thành “nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam lúc bấy giờ. Chị đã 2 lần đứng đầu danh sách 10 vận động viên tiêu biểu trong các năm 1978, 1979, là đại diện Việt Nam tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới được tổ chức tại Cuba vào năm 1979 và đỉnh cao là đại diện cho Việt Nam tham dự Olympic Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) vào năm 1980.
Sau Trần Thị Soa, từ năm 2000 - 2010, điền kinh Nghệ An từng có những VĐV ở đỉnh cao quốc gia như Nguyễn Thanh Hải (chạy cự ly ngắn), Ngô Đăng Quang (đẩy tạ), Ngô Xuân Dũng (đi bộ)…
Các vận động viên điền kinh Nghệ An tham gia Giải điền kinh TP Hồ Chí Minh mở rộng - giải đấu tập huấn trước thềm Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, từ năm 2011, thành tích của điền kinh Nghệ An có xu hướng đi xuống khi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh huy chương tại Giải điền kinh Vô địch quốc gia - giải đấu lớn nhất trong năm của bộ môn này. Tại các giải trẻ (gồm Giải điền kinh trẻ quốc gia và Giải điền kinh quốc gia các lứa tuổi trẻ), số huy chương các vận động viên Nghệ An giành được cũng khá khiêm tốn. Cũng vì vậy mà nhiều năm liền điền kinh Nghệ An không đóng góp một gương mặt nào cho đội tuyển quốc gia để tham dự các giải đấu lớn như ASIAD, SEA Games hay các giải điền kinh quốc tế…
Nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ dành cho VĐV thành tích cao còn thấp; các VĐV điền kinh gặp khó khăn hơn rất nhiều để tìm được việc làm sau khi giải nghệ so với các môn võ thuật hay các môn bóng nên họ không an tâm trong việc gắn bó với sự nghiệp thể thao; việc thuyết phục các gia đình cho phép những vận động viên nghiệp dư có tố chất trở thành các vận động viên điền kinh chuyên nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 - 2017, do khó khăn về kinh phí, Trung tâm Huấn luyện đào tạo và thi đấu TDTT tỉnh không duy trì được các lớp thể thao nghiệp dư ở huyện, và điền kinh là một trong những môn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước đó, bộ môn điền kinh mỗi năm mở 10 lớp nghiệp dư ở các huyện để tạo nguồn VĐV năng khiếu và hầu hết các VĐV được chọn vào đội dự tuyển đều từ các lớp tạo nguồn này; thì giai đoạn này, việc tuyển chọn VĐV dự tuyển chỉ được thực hiện từ các giải phong trào như Hội khỏe Phù Đổng, các giải chạy việt dã…
Khởi sắc và hy vọng
Tuy nhiên, từ năm 2017, việc Trung tâm Huấn luyện đào tạo và thi đấu TDTT Nghệ An được phép mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư ở các huyện, thành, thị đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tuyển chọn các vận động viên điền kinh.
Cùng với đó, khi Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 “Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu” và Thông tư 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 “Quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao” ra đời, chế độ dành cho các vận động viên thành tích cao được cải thiện đã tạo động lực quan trọng để các vận động viên nói chung, các vận động viên điền kinh nói riêng an tâm cống hiến, vươn lên cải thiện thành tích cho thể thao tỉnh nhà.
Bà Hà Thị Kim Ánh – Trưởng bộ môn Điền kinh của Trung tâm Huấn luyện đào tạo và thi đấu TDTT Nghệ An cho biết: “Đội tuyển điền kinh Nghệ An hiện có 31 vận động viên, trong đó có 7 VĐV nam, 24 vận động viên nữ, được chia làm 2 tổ chuyên môn: Chạy ngắn và đi bộ.
Từ năm 2018 đến nay, thành tích của các vận động viên Nghệ An được cải thiện ở cả các giải trẻ và giải vô địch Quốc gia. Đặc biệt, năm 2022 này, các vận động viên Điền kinh Nghệ An giành 5 HCV, 5 HCB và 4 HCĐ tại các giải trẻ; giành 1 HCB và 1 HCĐ tại giải vô địch Giải điền kinh vô địch quốc gia các nội dung tiếp sức. Ngoài ra còn giành 6 HCB và 1 HCĐ tại các giải mở rộng do các tỉnh, thành phố tổ chức.
Số huy chương điền kinh Nghệ An giành được từ năm 2018 - 2022. Đồ hoạ: Minh Quân |
Số lượng và phân loại huy chương mà điền kinh Nghệ An giành được từ 2018 - 2022. Đồ hoạ: Minh Quân |
Với những kết quả trên, tuy chưa quá nổi bật so với các tỉnh, thành khác, nhưng điền kinh Nghệ An đã dần khởi sắc, dần thoát khỏi khoảng lặng và sự giẫm chân tại chỗ trong thành tích giữa những năm 2010”.
Đặc biệt, trong năm 2022, điền kinh Nghệ An đã đóng góp 2 gương mặt trẻ cho đội tuyển Quốc gia tham dự SEA Games 31 là Nguyễn Đình Vũ (SN 2003, nội dung chạy tiếp sức nam 4 x 100m) và Tô Thị Nga (SN 2001, chạy tiếp sức nam 4 x 100m). Dù không giành được huy chương ở kỳ SEA Games này nhưng những gương mặt trên đã khẳng định sự vươn lên của điền kinh Nghệ An sau một thời gian chững lại.
Nguyễn Đình Vũ (số 215) là một trong những vận động viên đầy triển vọng của điền kinh Nghệ An. Ảnh: NVCC |
Trong đó, Nguyễn Đình Vũ - người đã thi đấu xuất sắc trước những đối thủ nổi bật của điền kinh Việt Nam trong 2 năm vừa qua, hứa hẹn tiếp tục có những sự phát triển, giành thành tích ấn tượng.
Còn tại Giải điền kinh trẻ quốc gia, điền kinh Nghệ An chứng tỏ sự vượt trội ở các nội dung đi bộ, từ 3000m đến 10.000m nữ, khi có đến 2 VĐV giành những vị trí cao nhất tại nội dung đi bộ 10.000m nữ là Đậu Thị Na (SN 2004) và Hồ Thị Vân (SN 2006). Đậu Thị Na từng được chọn thi nội dung đi bộ 20.000m nữ tại Giải VĐQG 2021 tháng 12/2021, tranh tài cùng các đàn chị giàu thành tích như Nguyễn Thị Thanh Phúc (Đà Nẵng, HCV SEA Games 31), Phạm Thị Thu Trang (Hà Nội, HCV SEA Games 30)…
Còn Hồ Thị Vân là VĐV xuất sắc nhất ở lứa tuổi dưới 18, vừa phá kỷ lục quốc gia trẻ nhóm tuổi 2005-2006 tại Giải vô địch điền kinh các lứa tuổi trẻ Quốc gia năm 2022 được tổ chức ở tỉnh Kon Tum vào tháng 7 năm nay.
Đây cũng là những gương mặt được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sắp diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh - Giải đấu cuối cùng và quan trọng nhất trong năm, cũng như các giải đấu khác trong những năm tới.
Chúng tôi rất mừng vì bộ môn điền kinh tỉnh đã tìm lại được chính mình bằng những thành tích trong năm qua, bởi trước đó, có giai đoạn đội gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng các vận động viên điền kinh sẽ nỗ lực tập luyện, rèn bản lĩnh và thi đấu thật tốt để giành được kết quả như mong đợi tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sắp tới.