Chắc chẳng phải bây giờ Diễn Ngọc mới là vùng “đất chật, người đông”, mà từ hàng trăm năm trước, nơi đây đã là vùng dân cư tập trung đông đúc. Vì lẽ đó, về Diễn Ngọc, thật khó để tìm được những khung cảnh của “cây đa bến nước sân đình” và thật khó để tìm một không gian riêng, rộng lớn cho các đền, thờ, miếu mạo. Ấy nhưng, chính cái sự ken dày ấy dường như lại khiến cho những công trình văn hóa ở Diễn Ngọc mang một màu sắc riêng, đậm đà chất biển.
Tuần Thiện Đàn (hay còn gọi là đền Thiện) là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của vùng. Ngôi đền nằm trong một con ngõ nhỏ ở xóm Tây Lộc, chen giữa bốn bề là khu dân cư đông đúc và tạo ấn tượng từ chiếc cổng vàng cổ kính, cửa sơn thiếp đỏ. Khe khẽ vài bước chân, trên diện tích rộng chỉ vài trăm mét vuông là một công trình cổ kính, được xây dựng gần 200 năm. Từng chi tiết được khảm trên các công trình, những cánh cửa, những chiếc xà gỗ đều nhuộm sẫm màu thời gian, tạo nên sự cổ kính, linh thiêng. Đóng nhẹ chiếc cổng, Tuần Thiện Đàn như nằm trong im lặng, tách biệt với cuộc sống xô bồ khiến cho ai bước vào đều cảm thấy tĩnh tâm, nhẹ nhàng…
Thiện Đàn là tên gọi chung của những di tích do những người yêu nước lập nên, nhằm giữ gìn truyền thống dân tộc, khuyến khích điều thiện, tuyên truyền các tư tưởng yêu nước, thương nòi, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức. Tuần Thiện Đàn có từ bao giờ? Hỏi người dân Diễn Ngọc và bà con trong vùng, có lẽ ai cũng biết bởi việc hình thành Tuần Thiện Đàn gắn với những chuyến đi biển của người dân nơi đây. Ông Trần Đình Chuyên – Phó Ban quản lý di tích Tuần Thiện Đàn rất tự hào bởi đây là một trong những di tích đang lưu giữ gần 300 hiện vật, trong đó có 232 cổ vật bao gồm nhiều chất liệu như gỗ, sứ, đồng, giấy và một hệ thống tượng Phật, hoành phi, câu đối đồ sộ, trong đó có bộ mộc bản gần 100 tấm.
Chuyện xưa cũng kể lại rằng, Tuần Thiện Đàn ra đời từ cơ duyên của một chuyến đi biển. Đó là năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức (1871), ông Nguyễn Ngọc Mỹ, người xóm Cổng, làng Lý Nhân (Diễn Ngọc ngày nay) là một chủ thuyền giàu có, hiền lành, phúc hậu. Trong một chuyến ra khơi, khi thuyền vừa chuẩn bị bỏ neo thì ông phát hiện có vật lạ đang dập dềnh. Sau khi trục vớt lên thì biết đó là pho tượng Quan Thánh Đế Quân. Kỳ lạ, từ khi vớt được pho tượng này, ông cầu xin “được mẻ cá lớn”, người dân trước mỗi chuyến vào lộng ra khơi hoặc gặp những chuyện khó khăn hoạn nạn đều được ngài phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Biết ơn và sùng bái ngài, mọi người bàn bạc chung tay góp sức để xây dựng lại nơi thờ Quan Thánh Đế Quân và đặt tên là Tuần Thiện Đàn. Sau này, qua nhiều lần tu sửa, điện thờ đức Quan Thánh Đế Quân ngày một bề thế, khang trang với bộ khung nhà bằng gỗ lim, xung quanh xây tường, mái ngói lợp âm dương với nhà Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và Nghi môn.
Người dân trong vùng rất tự hào bởi Tuần Thiện Đàn đã đi theo chiều dài lịch sử của dân tộc, trải qua bao thăng trầm, đây vừa là nơi để tập hợp những người làm việc thiện, hướng thiện, vừa là tổ chức cách mạng bí mật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, dù trong chiến tranh, Diễn Ngọc nói riêng và huyện Diễn Châu nói chung nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, thường xuyên bị máy bay địch bắn phá nhưng Tuần Thiện Đàn ở giữa lòng dân vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Một số di tích gần đó bị tiêu hủy, nhân dân đã rước tượng, bài vị của các vị Phật, thánh, thần và đồ tế khí về hợp tự tại đây. Năm 2020, Tuần Thiện Đàn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Quan Lớn Bùng cũng là một di tích đã được xếp hạng và công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2016. Nếu đi từ cổng chính, đường vào đền Quan Lớn Bùng chỉ là một lối đi nhỏ, chung đường với cư dân trong thôn Trung Yên. Cách đây hơn 20 năm, nơi đây vẫn là một bãi đất trống, dấu tích xưa cũ về ngôi đền này chỉ còn ở trong ký ức những người cao niên trong làng.
Khi xưa, ngôi đền này vốn là nơi thờ Quan Lớn Bùng tức Bùi Thế Đạt (1704 – 1781), một người có công lớn đối với lịch sử quê hương Diễn Châu và đất nước. Sinh thời, vị tướng này từng được thêu danh vào cờ để vinh danh ở Phủ Chúa. Ngày ông tạ thế được triều đình Hậu Lê cử đoàn đại biểu về dự lễ tế; được phong là “Trung Đẳng Phúc Thần” và được tặng bốn chữ vàng “Thế – Đốc – Trung – Trinh”; được xây dựng đền thờ để nhân dân thập phương đến dâng hương, cầu cho quốc thái dân an.
Đền Quan Lớn Bùng từng là ngôi đền thiêng được nhân dân trong vùng đến phúng viếng. Sau hơn 200 năm tồn tại, đầu thế kỷ XX, ngôi đền bị phá dỡ. Về sự kiện đặc biệt này, ông Nguyễn Đình Hòa – Trưởng ban Quản lý đền còn nhớ rất rõ: Trong trí nhớ của tôi ngày còn nhỏ, đền Quan Lớn Bùng rất thiêng và là nơi người dân đến cầu an vào mỗi dịp lễ, tết, ngày rằm. Tuy nhiên, vì biến thiên của lịch sử, đền không còn nguyên vẹn. May thay, những người từng tháo dỡ đền ngày ấy vẫn còn ý thức gìn giữ các hiện vật của đền, một phần gửi lên đền Thiện. Phần quan trọng nhất là các hiện vật của ngài được Vua Hy Tông ban tặng như lư hương, long ngai, voi đá, ngựa đá, vệ sĩ, văn bia, hậu quân… lại được chôn ngay trên nền đền cũ và chưa từng bị phá hủy.
Năm 1997, dưới sự chứng kiến của đông đảo nhân dân trong vùng, việc quy tập các hiện vật của đền được thực hiện một cách cẩn trọng. Điều đặc biệt là dù trải qua hàng chục năm, qua chiến tranh, qua bao nhiêu “vật đổi sao dời” nhưng khi đào lên, tất cả các hiện vật vẫn còn gần như nguyên vẹn. Sau khi được quy tập, người dân trong vùng cũng đã góp công, góp sức dựng lại đền Quan Lớn Bùng và các hiện vật bằng đá được vua ban ngày nào trở thành những hiện vật “độc nhất”, rất khó tìm thấy ở các di tích khác. Hàng năm, vào ngày 8/1 Âm lịch, Lễ hội Quan Lớn Bùng lại được tổ chức để thể hiện tấm lòng thành kính của người dân trong vùng dâng lên ngài.
Diễn Ngọc là một xã chỉ có diện tích hơn 300ha nhưng có trên 16.000 nhân khẩu với hơn 3.000 hộ dân, là một trong những xã có mật độ dân cư đông nhất huyện. Cũng hiếm có xã nào như xã Diễn Ngọc, bởi chỉ một xã nhưng có đến 4 chợ: chợ Vân Bầu, chợ Bí, chợ chiều Hải Lộc, chợ sớm Diễn Bích. Xã có hơn 150 cửa hàng kinh doanh và có 4 làng nghề, hơn 90% người dân trong độ tuổi lao động trong thôn có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 2%. Năm 2022, xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dẫn chúng tôi đi dạo qua từng ngõ nhỏ, anh Đậu Xuân Hương – cán bộ chính sách của xã Diễn Ngọc vui mừng khi nói rằng “ở Diễn Ngọc chỉ cần chăm chỉ, thì ra ngõ là có thể kiếm tiền”. Mà quả thật như vậy, ở Diễn Ngọc có gần 400 tàu thuyền, trong đó có hơn 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, có bến cá tấp nập sáng trưa, có làng nghề chế biến hải sản, làng nghề bánh đa, làng nghề chế biến tôm nõn nên để giải quyết việc làm cho người dân ngay trên địa bàn không khó. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, người dân xã Diễn Ngọc đang từng ngày làm giàu ngay trên quê hương của mình và biến vùng đất này từ một vùng thuần nông, thuần ngư trở thành một “thị tứ” nhỏ, kinh doanh sầm uất.
Là người viết sử làng, ông Lê Đức Nhân (năm nay đã 94 tuổi) rất đỗi tự hào khi nói về vùng quê của mình. Ông cũng nói rằng Diễn Ngọc có được sự trù phú, giàu có như hiện nay bởi người dân trong vùng đi lên từ vùng đất khó. Việc tự thích nghi để ứng phó với thiên nhiên, chiến đấu với giặc dữ để bảo vệ bình yên cuộc sống, chung lưng đấu cật, chí thú làm ăn để xây dựng làng mạc được bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo nên tính cách, khí chất riêng của người Diễn Ngọc.
Về Diễn Ngọc, nghe kể chuyện xưa, thấy được sự đổi thay của ngày nay mới thấy được hết trầm tích của vùng đất rất đỗi linh thiêng này…