Những đứa trẻ ở vùng cao Nghệ An vượt hàng nghìn km đoàn tụ với bố mẹ dịp hè
(Baonghean.vn) - Vì muốn đoàn tụ với bố mẹ dịp nghỉ hè, nhiều đứa trẻ ở vùng cao đã phải tự mình bắt xe khách vượt hàng nghìn km để vào miền Nam. Không thể cấm được, chính quyền chỉ có thể hỗ trợ các em bằng cách đề nghị các nhà xe quan tâm và phát đồ ăn, nước uống miễn phí.
Hành trình hàng nghìn km
Gần một tuần nay, đi dọc Quốc lộ 7 đoạn qua các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, không khó để bắt gặp hình ảnh những em học sinh tay xách, nách mang đứng chờ xe khách bên đường. Đặc biệt, tại các bến xe ở huyện Kỳ Sơn, mỗi ngày có hàng trăm em học sinh tới để bắt xe vào miền Nam. Trong số đó, có nhiều em còn chưa đến 10 tuổi, nhưng vẫn một thân một mình đi bắt xe mà không có người lớn đi cùng. Dù sắp phải bước vào hành trình hàng nghìn km, đầy vất vả nhưng khuôn mặt của em nào cũng lộ rõ sự háo hức, bởi không lâu nữa các em sẽ được đoàn tụ với bố mẹ sau thời gian dài.
Theo ông Lê Hồng Lập – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, đây là hình ảnh quen thuộc trong nhiều năm trở lại đây. “Bắt đầu từ cuối tháng 5, khi các trường học bước vào kỳ nghỉ hè thì các em học sinh cũng đổ xô đi bắt xe khách vào miền Nam đoàn tụ với bố mẹ. Trong đó, điều đáng lo lắng nhiều em phải tự đi một mình trong suốt hành trình đấy”, ông Lập nói và cho hay, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ có tổng dân số khoảng 80.000 người, nhưng thống kê năm 2022, có hơn 16.000 lao động đi làm việc ở tỉnh khác. Trong số này, đa phần đi làm thuê tại các nông trường cao su của Binh đoàn 15 ở các tỉnh Tây nguyên cũng như làm thuê ở các tỉnh Đông Nam bộ.
“Cứ ra Tết, phía Binh đoàn 15 lại điều xe ôtô đến tận Kỳ Sơn để đón các lao động, cuối năm lại chở về. Nhiều hộ gia đình đi cả vợ lẫn chồng, con cái thì gửi cho ông bà nội, ngoại hoặc họ hàng. Có em thì ở nội trú được thầy cô chăm sóc. Họ đi làm xa quanh năm, chỉ về mỗi dịp Tết nên các con rất nhớ. Vì thế vừa nghỉ hè là các em đổ xô đi bắt xe để mong được đoàn tụ với bố mẹ”, ông Lê Hồng Lập nói.
Theo ông Lập, việc các cháu di chuyển hàng nghìn cây số mà không có người thân đi cùng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, phòng đã có văn bản chấn chỉnh, đề nghị UBND các xã nắm bắt, đồng thời yêu cầu người thân cử người đi cùng và có biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, yêu cầu là vậy nhưng vì hoàn cảnh gia đình, phần lớn các em vẫn phải một mình lầm lũi suốt chặng đường dài.
Không còn cách nào khác, trong những ngày này, lực lượng Công an huyện Kỳ Sơn cùng chính quyền địa phương chỉ có thể tổ chức phát sữa, nước uống, bánh kẹo cho các cháu. Đồng thời tổ chức nắm danh sách các em đi đợt này, làm việc với các nhà xe đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. Về phía các nhà xe cũng có những hỗ trợ về giá vé, bố trí nơi ăn uống, giường nằm… cho các em.
Những chuyến xe yêu thương
Chị Hà Thị Hạnh là chủ chiếc xe khách chuyên chạy tuyến Mường Xén - Bến xe Miền Đông. Theo chị Hạnh, các cháu học sinh miền núi tại Nghệ An vào miền Nam thăm bố mẹ vào ngày hè không phải là chuyện mới. Có những chuyến xe vào Nam, nhà xe của chị chở tới gần 30 khách là trẻ nhỏ vào thăm bố mẹ.
"Mình nhận chở các cháu vào rồi thì phải lo cho các cháu thôi. Bình thường hai vợ chồng tôi và một lái xe, nhưng dịp này phải thuê thêm 3 người nữa để phụ quản lý, chăm sóc các cháu, nhất là mỗi khi xuống ăn cơm hay vệ sinh hàng ngày. Các cháu nhỏ thì nhà xe lo ăn uống, tắm rửa, các cháu lớn hơn thì có thể tự làm hoặc được nhân viên nhà xe hỗ trợ", chị Hạnh cho hay.
Cũng theo chị Hạnh, thông thường thì ông bà đưa các cháu ra bến xe gửi rồi cung cấp thêm thông tin như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của bố mẹ. Nhà xe sẽ ghi vào cuốn sổ rồi thường xuyên giữ liên lạc với người thân các cháu trong suốt hành trình. Mỗi “hành khách nhí” nhà xe chỉ thu nửa giá vé. Thậm chí, có những gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhà xe không thu tiền của các cháu. Để khuyến khích các cháu, nhà xe còn mua thêm bánh kẹo làm quà để các cháu ngoan ngoãn trong hành trình. Mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 ngày nên các cháu cũng khá mệt mỏi. Nhiều cháu háo hức, vui mừng nhưng cũng có cháu còn ít tuổi thì khóc. Nhà xe phải liên hệ với bố mẹ các cháu, thông qua mạng xã hội liên tục cập nhật tình hình, quay video và chụp hình ảnh các cháu ăn, uống gửi cho người thân yên tâm.
Những chuyến xe chở hành khách đặc biệt này bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5, khi các trường học ở miền núi kết thúc năm học cho đến khoảng giữa tháng 6 hàng năm. Chiều ngược lại, nhà xe sẽ đón các cháu từ các tỉnh phía Nam về để kịp năm học mới, công việc kết thúc trước ngày 5/9. Chị Hạnh cũng có những hành khách đặc biệt khi suốt 8 năm, đều đặn kỳ nghỉ hè nào cũng bắt xe vào với bố mẹ, hết hè lại lên xe về quê. Các cháu chủ yếu ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn..., có bố mẹ đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam.
Anh Xồng Bá Lẩu (34 tuổi, tại huyện Kỳ Sơn) cho biết, anh cùng vợ vào Bình Phước làm công nhân ở một nông trường cao su suốt 5 năm qua. Trong quãng thời gian này, mỗi năm anh chỉ được ở gần các con trong mấy ngày Tết. Vì thế, rất nhớ các con, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ chưa đến 8 tuổi. Ngày 29/5 vừa qua, khi biết các con được nghỉ hè, anh liền gọi điện cho nhà xe, nhờ đón hai con vào.
"Con được nghỉ hè, bố mẹ thì không về được, mà nhớ chúng nó quá. Thấy nhiều người mua vé ô tô cho con vào nên tôi cũng xin số nhà xe. Gọi cho họ, họ bảo cứ yên tâm, chỉ cần người nhà đưa đến bến xe Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), ghi đầy đủ thông tin, địa điểm, cách liên lạc với bố mẹ thì họ sẽ đưa vào tận bến xe, ăn uống của bọn trẻ dọc đường họ cũng lo cho luôn", anh Lẩu cho hay.
Sau khi "chốt" với nhà xe, anh Lẩu gọi điện về nhà dặn 2 con chuẩn bị quần áo, dặn người thân đưa đến bến xe trước giờ khởi hành. “Biết là nguy hiểm nhưng còn cách nào khác đâu. Cũng vì mưu sinh cả, với lại trẻ em người Mông vất vả quen rồi”, anh Lẩu cười nói.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, hiện nay chưa có thống kê chính xác nào nhưng số lượng các em đến hè lại vào các tỉnh miền Nam để đoàn tụ với gia đình là rất lớn. Trong đó, phần lớn khi hết kỳ nghỉ hè thì quay trở về học tiếp nhưng cũng có một số em không trở lại.
“Có em vào đó học luôn, vì trong đó cũng có trường, có nhà trẻ. Nhưng cũng có nhiều em, đặc biệt các em THCS hoặc THPT thì bỏ học luôn để đi làm cùng bố mẹ. Đó cũng là lý do một phần khiến tỷ lệ học sinh nghỉ học vào dịp đầu năm học ở huyện Kỳ Sơn luôn cao”, vị này nói.