Đô Lương: Hướng đến xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa cho các huyện vùng Tây Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - UBND huyện Đô Lương vừa hoàn tất đóng cửa chợ TTTM Đô Lương và di chuyển người dân kinh doanh ra khu vực chợ mới. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc hướng đến xây dựng Đô Lương thành trung tâm phân phối hàng hoá cho khu vực Tây Nam của Nghệ An.  

Chính thức hoàn thành việc đóng cửa chợ TTTM Đô Lương. Clip: Tiến Đông

Xoá bỏ chợ cũ nhếch nhác

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, xứ Lường xưa và Đô Lương ngày nay đã nổi danh với sự trù phú, đô hội. Nằm ở vị trí rất đẹp khi có ranh giới hành chính tiếp giáp với cả 6 huyện (Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc), lại là đầu mối hội tụ của các tuyến giao thông đường bộ quan trọng (QL7A, QL15, QL46A), án ngữ ở cửa ngõ của vùng Tây Nam Nghệ An trù phú, đây được xem là trung tâm của tỉnh Nghệ An, nơi thu hút đông đảo người dân khắp nơi về trao đổi buôn bán hàng hóa, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Thực tế, từ trước tới nay, Đô Lương luôn được xem là trung tâm trung chuyển hàng hoá từ khu vực Vinh, Diễn Châu đến các huyện miền núi phía Tây và ngược lại. Cách đây gần 30 năm, vào cuối năm 1994, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán và giao thương hàng hoá trên địa bàn huyện Đô Lương và các khu vực lân cận, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thành lập chợ TTTM Đô Lương.

Bên trong khu vực chợ cũ Đô Lương. Ảnh: Tiến Đông

Bên trong khu vực chợ cũ Đô Lương. Ảnh: Tiến Đông

Trải qua gần 30 năm hoạt động, chợ TTTM Đô Lương đã trở thành nơi buôn bán tấp nập. Thời điểm sôi động nhất, khu chợ này có đến hơn 800 quầy ốt kinh doanh cố định và lưu động, với lưu lượng người vào chợ mỗi ngày khoảng hơn 2.000 lượt. Dù vậy, sau một thời gian dài hoạt động, chợ TTTM Đô Lương đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn về PCCC ở mức báo động.

Chợ TTTM Đô Lương có vị trí tại khối 3, thị trấn Đô Lương, thuộc thửa đất số 11, tờ bản đồ số 8. Khu vực này có diện tích 13.496,8m2, hiện tại thửa đất này chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cũng như Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương theo tỷ lệ 1/10.000, khu vực chợ TTTM Đô Lương, sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hoá, thay vào đó là quy hoạch xây dựng khu công viên.

Theo kế hoạch, sau khi đóng cửa thành công chợ TTTM Đô Lương, UBND huyện Đô Lương sẽ tiến hành thanh lý tài sản Nhà nước, giải phóng mặt bằng, đồng thời thiết kế, lập quy hoạch chi tiết khu công viên. Ảnh: Tiến Đông

Theo kế hoạch, sau khi đóng cửa thành công chợ TTTM Đô Lương, UBND huyện Đô Lương sẽ tiến hành thanh lý tài sản Nhà nước, giải phóng mặt bằng, đồng thời thiết kế, lập quy hoạch chi tiết khu công viên. Ảnh: Tiến Đông

Trước tình hình đó, ngày 15/2/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 571/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương (chợ mới), để thay thế cho chợ TTTM Đô Lương. Sau hơn 3 năm hoàn thiện các bước thủ tục đầu tư và thi công, dự án này đã được chủ đầu tư là Hợp tác xã Hải An - Đô Lương hoàn thiện các hạng mục và đưa vào hoạt động. Đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa lĩnh vực thương mại, góp phần biến đổi mạnh mẽ diện mạo kinh tế địa phương, mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.

Song song với việc đưa vào hoạt động chợ mới, ngày 6/4/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 881/QĐ-UBND xoá bỏ chợ TTTM Đô Lương tại thị trấn Đô Lương. Sau khi có quyết định chính thức của UBND tỉnh, UBND huyện Đô Lương cũng đã tiến hành các thủ tục liên quan để di dời toàn bộ người dân kinh doanh ra khu vực chợ mới, đồng thời tiến hành đóng cửa, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn chợ TTTM Đô Lương.

Tại khu vực chợ cũ, được xem là nơi đóng quân của đồn Đô Lương xưa, nơi từng xảy ra cuộc binh biến Đô Lương vào ngày 13/1/1941, lâu nay người dân có tổ chức thắp hương nhưng rất tạm bợ. Ảnh: Tiến Đông

Tại khu vực chợ cũ, được xem là nơi đóng quân của đồn Đô Lương xưa, nơi từng xảy ra cuộc binh biến Đô Lương vào ngày 13/1/1941, lâu nay người dân có tổ chức thắp hương nhưng rất tạm bợ. Ảnh: Tiến Đông

Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương cho biết: Phải thừa nhận, khu vực chợ cũ là nơi tập trung buôn bán của đông đảo người dân thị trấn nói riêng và các xã lân cận nói chung trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sự xuống cấp về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là công tác PCCC luôn khiến cho chúng tôi nơm nớp lo sợ mỗi khi bước vào mùa nắng nóng. Sau khi xây dựng chợ mới, cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động, di chuyển hơn 1.000 hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ cũ ra khu vực chợ mới.

"Sau khi huyện đóng cửa thành công chợ cũ, UBND thị trấn sẽ tiếp nhận quản lý. Trước mắt, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đầu tư, xây dựng vỉa hè xung quanh khu vực chợ cũ, để sau này khi huyện làm xong các thủ tục thanh lý tài sản, sẽ xây dựng thành khu công viên, làm nơi vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hoá cho người dân địa phương" - ông Sơn cho biết thêm.

Chợ TTTM Đô Lương chính thức đóng cửa sau khoảng 30 năm hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Chợ TTTM Đô Lương chính thức đóng cửa sau khoảng 30 năm hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Triển vọng về một đầu mối phân phối hàng hoá

Có mặt tại khu vực chợ mới, nằm cách khu vực chợ cũ khoảng 500m, bên QL7A, điều dễ dàng nhận thấy nhất chính là một khu vực sầm uất, với thiết kế hiện đại luôn có đông đúc người dân vào, ra mua sắm. Phía bên ngoài là những dãy ki ốt cao tầng vây quanh khu chợ truyền thống. Theo lối cổng chính đi vào bên trong là 2 đình chính của chợ (đình A và đình B), với nhiều khu vực kinh doanh ngành hàng nông sản, rau, củ, quả, bách hoá tổng hợp, quần áo, vải vóc, điện tử... Khoảng cách giữa các đình chợ được bố trí rộng rãi, tạo điều kiện cho phương tiện vào bốc, dỡ hàng hoá và đảm bảo công tác PCCC.

Dãy ki ốt cao 3,5 tầng bao quanh đình chợ đã trở thành điểm nhấn cho đô thị Đô Lương. Ảnh: Tiến Đông

Dãy ki ốt cao 3,5 tầng bao quanh đình chợ đã trở thành điểm nhấn cho đô thị Đô Lương. Ảnh: Tiến Đông

Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng chợ mới tại thị trấn Đô Lương có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng, thay thế hoàn toàn cho chợ TTTM Đô Lương.

Dự án này được thực hiện trên diện tích 3,44 ha, gồm 1.338 ki ốt, quầy hàng, sạp hàng, và ki-ốt cao 3,5 tầng bao quanh bên ngoài. Sau khi hoàn thành, các hộ kinh doanh tại chợ cũ được ưu tiên bố trí ki ốt kinh doanh tại chợ mới. Các hộ kinh doanh được lựa chọn trả tiền thuê diện tích bán hàng tại chợ mới theo 3 phương án: Trả tiền hàng năm (12 tháng/lần); trả tiền 3 lần trong vòng 3 năm hoặc trả 1 lần cho cả thời gian thực hiện dự án (47 năm). Giá tiền thuê theo diện tích được thực hiện theo quy định tại Quyết định 73/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.

Niềm vui của các hộ tiểu thương khi đã chuyển ra chợ mới. Ảnh: Tiến Đông

Niềm vui của các hộ tiểu thương khi đã chuyển ra chợ mới. Ảnh: Tiến Đông

Bà Nguyễn Thị Mai, một hộ kinh doanh tại chợ cũ, nay đã chuyển sang chợ mới buôn bán cho biết: Gia đình bà chọn hình thức trả tiền 1 lần cho cả thời gian thực hiện dự án, với hình thức thanh toán này, ngoài việc được chủ đầu tư chiết khấu 15% so với giá thuê theo quy định của tỉnh thì còn được hỗ trợ chi phí di chuyển chợ ở mức cao nhất. Tính tổng số tiền đã đóng chia ra hàng tháng thì số tiền mỗi tháng tiền thuê ki ốt chỉ khoảng 1 triệu đồng, trong khi diện tích rộng rãi, thoáng mát và xe vào bốc dỡ hàng hoá thuận tiện hơn nhiều lần so với chợ cũ.

Lối đi giữa các khu vực trong chợ mới rất rộng rãi, được che chắn nên không bị mưa, nắng. Ảnh: Tiến Đông

Lối đi giữa các khu vực trong chợ mới rất rộng rãi, được che chắn nên không bị mưa, nắng. Ảnh: Tiến Đông

Rất nhiều hộ tiểu thương đã di chuyển ra khu vực chợ mới buôn bán từ năm 2021 đến hiện tại đã ổn định việc kinh doanh. Bà Hường, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm khô cho biết: Do đặc thù nên mặt hàng chúng tôi kinh doanh thường rất nhiều, trước đây ở chợ cũ hàng chất đống ở chợ luôn nơm nớp lo cháy. Còn bây giờ, chợ mới rộng, đẹp, khang trang, mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Cứ hết giờ là đóng quầy lại về nhà ngủ mà không phải lo lắng gì.

Nhiều hộ dân chuyển ra chợ mới buôn bán từ năm 2021 đã ổn định việc kinh doanh và phát triển hơn so với thời điểm đang ở chợ cũ. Ảnh: Tiến Đông

Nhiều hộ dân chuyển ra chợ mới buôn bán từ năm 2021 đã ổn định việc kinh doanh và phát triển hơn so với thời điểm đang ở chợ cũ. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, đã có hơn 99% tiểu thương từ khu chợ cũ chuyển vào chợ mới buôn bán. Đặc biệt hơn khi khu vực chợ mới dần khẳng định được vai trò, vị trí, trở thành đầu mối trung chuyển hàng hoá cho nhiều huyện khu vực phía Tây Nam của tỉnh. Nhất là tại khu vực chợ rau, củ, quả, mỗi đêm thường có từ 70-100 xe tải đến từ các địa phương trong tỉnh cũng như các xe tải từ tỉnh khác như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Hải Dương... đến nhận và đổ hàng.

Khoảng cách giữa đình A và đình B của chợ mới được bố trí cách xa nhau, đảm bảo cho các phương tiện vào bốc, dỡ hàng hoá. Ảnh: Tiến Đông

Khoảng cách giữa đình A và đình B của chợ mới được bố trí cách xa nhau, đảm bảo cho các phương tiện vào bốc, dỡ hàng hoá. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương: Việc hoàn thành đóng cửa chợ cũ và di chuyển gần như toàn bộ người dân kinh doanh tại chợ cũ ra chợ mới là bước tiến lớn trong việc sắp xếp, quy hoạch lại đô thị Đô Lương, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Đô Lương thành thị xã trước năm 2030. Đồng thời, phát triển hệ thống thương mại dịch vụ, hệ thống phân phối hàng hóa theo hành lang QL7, theo như Quyết định 168/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà UBND tỉnh mới ban hành.

"Điều này cũng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Đô Lương thành trung tâm phân phối hàng hóa và đầu mối các hoạt động thương mại và dịch vụ xã hội chính cho huyện và vùng huyện Tây Nam của tỉnh" - ông Thành nhấn mạnh.

tin mới

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa bàn xa nhất phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 23,099km đường biên tiếp giáp với huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với nhiều đường mòn, lối mở; có Quốc lộ 7A đi qua và Cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào...

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

(Baonghean.vn) - Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2.

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

(Baonghean.vn) - Di dời, giải tỏa thành công ngôi nhà ở giữa khuôn viên trường tiểu học sau 6 năm; hoàn thành ghép 2 cụm dân cư đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

(Baonghean.vn) - Cho tôi hỏi, cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ gây thất thoát 100 triệu đồng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? Vấn đề quan tâm của chị Ngân Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An).

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã nhiều lần dời thời hạn bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua huyện Yên Thành vẫn còn gần 2km chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. 

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

(Baonghean.vn) -Đêm xuống, Nguyễn Văn Chương mang bộ đồ câu ếch rời khỏi nhà. Ít ai biết rằng, “thành quả” trong những đêm đi soi ếch là những món hàng có giá trị do người đàn ông này đột nhập nhà riêng hay cửa hàng của người dân quanh vùng để lấy trộm.

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu qua biên giới và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.