Đoàn cán bộ giáo dục y tế K271: Kỷ niệm 53 năm vượt Trường Sơn chống Mỹ

Hiền Anh 11/04/2023 16:46

(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng vạn, hàng triệu nam nữ con em miền Bắc vượt Trường Sơn vào tiền tuyến lớn miền Nam trực tiếp tham gia chống Mỹ cứu nước, trong đó có đoàn cán bộ Dân chính bao gồm 151 thành viên của hai ngành Giáo dục và Y tế.

Theo Công văn của Ban Tổ chức Trung ương gửi Cục tác chiến Bộ Quốc phòng, đoàn được thành lập sau ngày 20 tháng 11 năm 1970 tại khu rừng cạnh đường số sáu Xuân Mai (Hòa Bình). Đoàn gồm 151 thành viên, được phiên chế thành 7 chi trong đó có 15 đồng chí đi vào chiến trường Bình Trị Thiên và Khu 5, 136 đồng chí vào chiến trường Nam Bộ. Đoàn gồm hai phần ba là giáo viên và cán bộ quản lý ở khắp các tỉnh thành miền Bắc vừa trải qua 4 tháng đào tạo tuyển lựa ở Trường bồi dưỡng T105 của Bộ Giáo dục ở Bần Yên Nhân tỉnh Hưng Yên và một phần ba là các y bác sĩ vừa tốt nghiệp các trường trung cấp, đại học của Bộ Y tế. Đây là lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ", tăng cường nguồn nhân lực mới cho hai ngành Giáo dục và Y tế của cách mạng miền Nam. Đoàn xuất phát tại phố Đội Cấn Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 1970 nên thường gọi là Đoàn K271.

Bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam bằng tuyến đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Cuộc hành quân lịch sử

Những ngày cuối tháng Chạp, giáp Tết Canh Tuất năm 1970, hơn 150 chàng trai cô gái tạm biệt miền Bắc thân yêu hăm hở vác ba lô lên đường vượt Trường Sơn. Sau 2 ngày đi tàu hỏa, ôtô lên tập kết ở Cự Nẫm, Quảng Bình, đoàn bắt đầu lội suối băng đèo, hành quân bộ trên dãy Trường Sơn. Mặc dầu đã được rèn luyện hơn 3 tháng vác ba lô gạch, súng đạn hành quân ở Trường đào tạo của Ủy ban Thống nhất Trung ương ở Hòa Bình, nhưng khi đi trên đường Trường Sơn mới trải qua những khó khăn ác liệt.

Đoàn hành quân được một tháng thì chia tay 15 đồng đội rẽ về hai chiến trường: Bình Trị Thiên và Liên khu 5, còn lại 136 đồng đội trong đó có 94 thầy cô giáo, 42 y bác sĩ, những thầy giáo, thầy thuốc hàng ngày quen với bảng đen phấn trắng, quen với bệnh viện, bệnh nhân nay phải trèo đèo lội suối, mang vác nặng hàng tháng trời.

Khi cuộc hành quân gần 3 tháng trời đi vào đất miền Đông Nam Bộ chỉ còn 4,5 trạm giao liên là đến nơi tập kết của Ban Tổ chức Trung ương cục ở Khu căn cứ R (Tây Ninh) thì gặp trận càn Đông Dương. Đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn huy động hơn 10 vạn quân hòng đánh vào căn cứ Trung ương cục ở Tây Ninh và chặt đứt đường dây 559 chi viện cho Nam Bộ.

Hơn 3 tháng trời nằm trong vòng vây của địch, trong các trận bom B52 dày đặc; trong tiếng pháo tiếng bom đạn ác liệt, hơn một trăm con người cùng với các đơn vị bộ đội chạy giặc chống càn lẩn trốn trong các khu rừng dọc biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia. Tại thời điểm này, trên chính trường Cam Pu Chia nổ ra cuộc chính biến của Lon Nol. Không còn đất an toàn, đường giao liên ngoài vào, trong ra bị địch chia cắt. Các kho hậu cần gạo muối bị địch chiếm. Cả đoàn sống lay lắt, thoi thóp bằng lá bép, môn thục và các loại măng rừng. Cả tháng không có hạt gạo, hạt muối nào. Thiếu gạo đã đói khổ, thiếu muối càng cơ cực hơn. Thương nhất là các y bác sĩ nữ mới 19-20 tuổi phải trải qua những trận sốt rét ác tính. Có ngày cả 20 người bị sốt nằm liệt trên võng.

Cuộc gặp mặt của Đoàn K271 tại Campuchia.

Trong gian khổ, thiếu thốn, tình đồng đội gắn kết keo sơn anh chị em chia nhau từng hạt gạo viên thuốc cuối cùng. Anh Kiều Ngọc Thất bị sốt nặng, anh Trần Thanh Xuân và cô Nguyễn Thị Bảy mặc dầu người nhỏ yếu nhưng vừa mang ba lô, vừa cáng bạn hành quân. Anh Phạm Văn Mạch vừa mang ba lô trước bụng, vừa cõng cô Thẩm Thị Hạ sau lưng. Anh Đậu Hùng cõng cô Nguyễn Minh Trâm. Cô Nguyễn Thị Nhiên sốt nặng vào ngày hành kinh không làm chủ được việc vệ sinh, các anh Võ Minh Huệ, Ngô Đức Tiến tắm rửa, cáng em Nhiên, để em Nhiên vào gốc cây rồi ngồi canh biệt kích cho em Nhiên nằm nghỉ. Ngày 24/5/1970, anh Hà Văn Tuần hy sinh, đoàn được giao liên đưa sang khu rừng khác, nhưng các anh Nguyễn Văn Hay, Cát Thế Truyền vẫn ở lại dùng dao găm đào đất chôn cất đồng đội.

Ngày 25/5/1970 đoàn trên đường đi tìm kho gạo bị biệt kích bao vây. Anh Đinh Đăng Định bị địch bắn 3 phát đạn vào chân, anh em đồng đội đã cõng anh Định thoát khỏi vòng vây địch. Cũng trong đợt càn này, em Nguyễn Thị Thòa chạy lạc vào rừng có lúc đi vào giữa bãi bom B52 nằm đói lả giữa rừng. May mắn gặp một tổ trinh sát của bộ đội ta, lại nghi ngờ là biệt kích phượng hoàng nữ của ngụy lạc rừng nên tra hỏi. Về sau mới biết đây là nữ y sĩ Viện Sốt rét chi viện cho Nam Bộ nên đưa trở về đơn vị và tặng thêm một gói muối nhỏ. Bấy giờ những hạt muối quý hơn vàng. Năm 1970 đói cơm thiếu muối ấy, đồng chí Phạm Xuân Đào đã hy sinh, đến năm 1972 đồng chí Nguyễn Xuân Thắng hy sinh sau đợt máy bay địch ném bom rải thảm.

Trong những ngày gian khổ ác liệt nhất lại sáng lên tình đồng đội sống chết có nhau, lại sáng lên lý tưởng vì miền Nam ruột thịt quyết tâm vào đến tận chiến trường Nam Bộ để cống hiến cho cách mạng miền Nam.

Mãi đến giữa tháng 10/1970 khi không thể tìm diệt được căn cứ Trung ương cục vì bị ta đánh mạnh, Mỹ ngụy rút lui, toàn đoàn mới vào đến căn cứ của Trung ương cục trên tỉnh Công Pông Chàm (Căm Pu Chia). Sau mấy tháng nghỉ dưỡng bệnh, các anh chị giáo viên được phân công tỏa về các căn cứ, các tiểu ban của Trung ương cục. Một số về Tiểu ban Giáo dục miền B3 một số về Tổng hội Việt kiều mở các lớp sư phạm, bình dân học vụ. Có 4 đồng chí Nghệ An được cử về vùng sông Tiền, sông Hậu ven biên giới ta và bạn ở vùng xôi đỗ, ta và địch xen cài. Khi địch rút thì mở lớp sư phạm, khi địch càn thì thầy trò chạy vào bưng biền. Có 2 thầy giáo Trần Hanh và Thái Duy Trấp bị địch bắt tra khảo nhưng vẫn kiên gan giữ vững khí tiết tìm mọi cách trở về căn cứ. Số 42 anh chị em y, bác sĩ được phân công về Ban Dân Y miền rồi tỏa về các bệnh viện của Trung ương cục.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà cho Ban liên lạc Các nhà giáo đi B. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Sau chuyến hành quân lịch sử với thời gian kéo dài hơn gấp 3 lần các chuyến đi bình thường, khi vào đến căn cứ Trung ương cục và tỏa về các ban ngành, chủ yếu là khối Tuyên huấn miền như: Đài phát thanh, Thông tấn xã, Trường Tuyên huấn, Trường Sư phạm, các trường đào tạo con em liệt sĩ như: Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám... và các bệnh viện dân y. Dù hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng hòa nhập vào đời sống kháng chiến và có những cống hiến xứng đáng cho việc đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe ở các cơ quan đầu não Trung ương Cục. Một số đồng đội được kết nạp ngay tại chiến trường. Năm 1973 có 3 đồng đội Kiều Ngọc Thất, Văn Đức Yến, Đinh Văn Tòng hy sinh.

Đến ngày 30/4/1975 toàn thắng, phần lớn 136 đồng đội đoàn K271 về tham gia Ủy ban Quân quản Sài Gòn Gia Định, có 5 đồng đội về các tỉnh lân cận. Anh chị em vẫn giữ liên lạc như những năm tháng ở rừng chiến khu, ai cũng tâm niệm: “Mười tháng hành quân và gần 6 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ là thời gian thử thách ác liệt nhất, nhưng cũng là những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ”.

Năm 1976, có một nhà báo nước ngoài phỏng vấn nhà giáo Nguyễn Xuân Thụy: Ông có hối tiếc gì về quỹ thời gian của mình đã mất trong quá khứ vượt Trường Sơn. Thầy giáo Nguyễn Xuân Thụy trả lời ngay: “Tôi không có gì phải ân hận. Giờ đây, nếu Đảng cần vượt Trường Sơn một lần nữa, tôi vẫn sẵn sàng!”.

Son sắt thủy chung những mối tình kháng chiến

Đoàn K271 khi vào đến chiến khu của Trung ương cục, trong số 136 anh chị em thì có 65 người đã có vợ ở ngoài Bắc và 71 người con trai, con gái còn độc thân. Những người đã có vợ con phần nhiều có cha mẹ già yếu, vợ trẻ con thơ. Các chị ở nhà có khi hai ba năm chưa nhận được thư chồng nhưng vẫn đảm đang thay chồng chăm sóc cha mẹ nuôi dạy con cái son sắt chờ đợi ngày thống nhất gia đình sum họp. Có 6 chị có chồng hy sinh, mất mát quá lớn. Chị vợ anh Phạm Xuân Đào vất vả nuôi 4 đứa con khôn lớn. Năm 1973 nhà bị bom Mỹ xóa sạch, mẹ con được dân làng dựng lại 3 gian nhà tạm vẫn khắc khoải trông chồng mãi đến năm 1976 mới nhận được giấy báo tử. Có 3 người vừa cưới vợ được mấy ngày thì phải xa nhau. 71 người con trai, con gái độc thân, phần lớn là những thầy giáo, thầy thuốc trẻ.

Niềm vui của các cán bộ đi B khi nhận được hồ sơ cá nhân. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Trên đường hành quân vượt Trường Sơn những năm tháng cùng công tác và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, đã có nhiều mối tình được chắp nối trong đó có 52 người, 26 cặp đôi đã nên vợ, nên chồng là sự kết nối giữa cán bộ hai ngành Giáo dục và Y tế trong cùng một đoàn. Vợ chồng vừa là đồng đội, vừa là đồng chí mà đặc thù của cán bộ kháng chiến hai ngành này đều liêm khiết gương mẫu nên không có người giàu.

Có những đám cưới đơn sơ diễn ra trong rừng chiến khu, có những đám cưới diễn ra trong mấy tháng quân quản, có đám cưới diễn ra những năm đầu mới giải phóng... 26 sáu cặp vợ chồng của những mối tình kháng chiến dù hoàn cảnh có khác nhau nhưng tất cả 26 cặp đôi ấy vẫn giữ được tình cảm thủy chung cho đến tuổi già. Đoàn K271 trở thành đoàn dân chính có số lượng cặp vợ chồng kháng chiến đông nhất. Đó cũng là niềm tự hào, là hồng phúc của đoàn (đồng đội thường gọi vui là những cặp đôi kháng chiến Y Dục - Y tế Giáo dục).

Giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết keo sơn

Sau ngày đất nước thống nhất, được sự khâu nối của một số hạt nhân ở hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An và một số tỉnh bạn, hàng năm đến ngày 27/1 hay ngày 30/4 - kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ban liên lạc Đoàn K271 thường tổ chức những cuộc gặp gỡ ở từng nhóm nhỏ để động viên khuyến khích nhau chia sẻ, thông cảm động viên nhau trong cuộc sống.

Từ sau ngày đổi mới, phương tiện đi lại thuận lợi hơn, Ban liên lạc đã kết nối được các cuộc gặp gỡ đồng đội Đoàn K271 ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Rất mừng cho nhau khi ra đi mới có hơn 20 đảng viên, thì sau ngày 30/4/1975, tất cả các đồng đội đều được kết nạp đảng; nhiều người học thêm 2 - 3 bằng đại học, phấn đấu trở thành những cán bộ quản lý, giảng dạy, chữa bệnh, tham gia cấp ủy chính quyền các địa phương, một số trở thành những nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu khoa học... Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cũng giữ gìn phẩm chất đạo đức, giữ gìn vun đắp những thành quả cách mạng mà mình cùng với Đoàn K271 và bao đồng chí đồng đội đã cống hiến hy sinh.

Phó Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga trao trả hồ sơ cho các cán bộ 'đi B'. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Mỗi lần gặp gỡ là mỗi ngày vui của tuổi già cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, nhắc nhau sống vui sống khỏe, sống gương mẫu, nuôi dạy con cháu thành những công dân tử tế. Tiêu chí của các cuộc gặp gỡ kỷ niệm của đoàn là nuôi dưỡng, giữ gìn tình cảm đồng đội kháng chiến trong sáng thủy chung, không khoe khoang thành tích, không ôn nghèo kể khổ, không chê trách phán xét ai, tự mình hỗ trợ nhau tổ chức những ngày vui.

Kỷ niệm 53 năm vượt Trường Sơn tham gia chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, trong số hơn 90 đồng đội đã liên lạc (15 người đi Khu 5 và Bình Trị Thiên, 20 người thất lạc thông tin do chuyển ngành chuyển chỗ ở) có 6 liệt sĩ và 40 đồng đội đã qua đời do bệnh tật đau yếu. Số còn lại còn liên lạc được trước Tết 2023 là 50 người, người nhiều tuổi nhất là nhà giáo Đinh Hối, sinh năm 1935 gần thượng thọ 90; người ít tuổi nhất cũng đã chạm tuổi cổ lai hy. Hơn 30 người đăng ký về dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 53 năm ngày đoàn vượt Trường Sơn tham gia chống Mỹ cứu nước tại thị xã du lịch biển Cửa Lò ngày 11 tháng 4 năm nay, vui vẻ khiêm tốn nhận mình là những người hạnh phúc.

Xưa ta còn trẻ, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Nay mình về già, được gặp nhau hạnh phúc nào bằng!

Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội cựu giáo chức - Công đoàn Giáo dục Nghệ An tổ chức buổi gặp mặt các nhà giáo đi B năm 2020. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Mới nhất

x
Đoàn cán bộ giáo dục y tế K271: Kỷ niệm 53 năm vượt Trường Sơn chống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO