Những đóng góp thầm lặng của nhà giáo đi B trong đại thắng mùa Xuân 1975
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, ôn lại những trang sử hào hùng của cuộc chiến đấu chống Mỹ và bè lũ tay sai, không thể không nhớ đến hàng vạn cán bộ miền Bắc chi viện (gọi là cán bộ đi B) của các ngành Y tế, Giáo dục, Báo chí, Điện ảnh, Văn nghệ, Ngân hàng, Bưu điện… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn gửi gắm sự tri ân đến các nhà giáo đi B của quê hương Nghệ An.
Những nhà giáo đi B
Tính từ ngày 22/5/1961 đến ngày 10/12/1974 - ngày mà “đoàn nhà giáo miền Bắc đi B” lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, có tất cả 31 đoàn với 2.752 nhà giáo. Trong số đó, theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 200 nhà giáo Nghệ An… “Nào tiến hành giáo dục phổ thông, nào phát triển bình dân học vụ, trường lớp mở rộng… ngày đêm dạy dỗ, mong con em nối chí anh hùng…” - Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết trong bài văn bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sĩ.
Nhiều nhà giáo chỉ đạo xây dựng nền giáo dục chống văn hóa nô dịch ở cấp Trung ương như: Trưởng tiểu ban Nguyễn Hữu Dụng (quê Nam Đàn), sau giải phóng là Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo; Trưởng tiểu ban Giáo dục Bạc Liêu, liệt sĩ Phan Văn Cường (quê Đô Lương); Chỉ đạo giáo dục tỉnh Sóc Trăng, liệt sĩ Chu Đình Bảng; Phó trưởng tiểu ban Cần Thơ, giáo viên văn học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, liệt sĩ Phan Đình Hồng (quê Yên Thành); Chu Cấp (quê Yên Thành) phụ trách giáo dục Mỹ Tho…

Đa số các thầy cô trực tiếp đào tạo giáo viên giảng dạy ở các trường lớp tập trung ở vùng giải phóng hoặc trực tiếp xây dựng giáo dục ở từng xã, ấp. Đặc biệt, một số thầy cô hoạt động trong lĩnh vực gian khổ khác, như cô giáo thể dục, Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát (quê Cửa Lò) - nguyên Bí thư Quận đoàn trưởng Đội biệt động, quận 1, Sài Gòn; giáo viên văn học liệt sĩ Nguyễn Cảnh Hân (quê Thanh Chương) - phóng viên Báo Quân giải phóng…
Các thầy đi xa nhất, gian khổ nhất là tìm đường xuống Tây Nam Bộ (Khu 9 hay T3), có 7 người đi thì hy sinh 3 người. Các thầy xuống Khu 8 (Trung Nam Bộ hay T2) và công tác Việt kiều ở Campuchia có 11 người thì hy sinh 2 người, 4 người bị bắt, trong đó có 2 thầy là Chu Cấp và Trần Văn Mậu bị địch đày ra Côn Đảo; 2 thầy Thái Duy Trấp và Trần Hanh một mực không khai báo nên bị chúng đẩy vào lính ngụy và cả hai thầy đều đã trốn thoát, tìm về được vùng giải phóng. Công tác Việt Kiều ở vùng sông Cả còn có các thầy Ngô Đức Tiến (quê Yên Thành); Hồ Minh Kha (quê Quỳnh Lưu)…
Ở chiến khu D, Đồng Nai, Bà Rịa, có 5 thầy thì đã hy sinh mất 3. Thầy giáo liệt sĩ dạy môn Hóa quê Hưng Nguyên là Hoàng Nghĩa Minh vào vùng này từ năm 1965. Vùng chiến khu Tây Ninh, Bình Phước Long có nhiều thầy cô làm ở các cơ quan Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời, Mặt trận Dân tộc giải phóng, ở tiểu ban giáo dục R (Trung ương Cục) dạy ở các trường tập trung, trường y tế… và ở các xã, ấp...
Tìm hiểu chiến trường Khu V và Tây Nguyên kiên cường, đã có 20 nhà giáo vào đây, hy sinh 2 thầy là Phan Thanh Hóa (quê Nghi Lộc), dạy ở Trường Sư phạm Ba Tơ; thầy Phan Văn Bưu (quê Yên Thành) bị pháo kích trong một lần đi tuyên truyền chiếu phim lưu động ở Quế Sơn, Quảng Nam. Thầy Trần Doãn Cư (quê Đô Lương) - Hiệu trưởng Trường cấp 2 Bình Sơn, Quảng Ngãi - một ngôi trường, một pháo đài chống Mỹ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Sau ngày giải phóng Quảng Trị vào các năm 1973, 1974, có hơn 100 thầy cô quê Nghệ An vào tăng cường trong đó; có nhiều người mới tốt nghiệp các trường sư phạm.
Lực lượng các thầy cô đi B còn góp công rất lớn trong việc tiếp quản các cơ sở giáo dục và ổn định xã hội sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Việc tiếp nhận giáo viên đến khai báo, phân loại rồi đưa những người có tham gia ngụy quân, ngụy quyền đi học cải tạo là rất khẩn trương. Các thầy cô đi B là nhân lực nòng cốt trong việc tổ chức tập huấn về đường lối giáo dục cách mạng, mở lại trường lớp để hoàn thành chương trình năm học 1974-1975.

Trong hoàn cảnh xã hội chưa thật ổn định sau ngày giải phóng, phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 vào tháng 6/1975 với nhiều nội dung mới, nhất là các môn khoa học - xã hội, thì việc chỉ đạo, tiến hành rất phức tạp và khó khăn. Nhưng rồi mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Việc chuẩn bị khai giảng năm học mới 1975 - 1976 theo chương trình sách giáo khoa mới được khẩn trương chuẩn bị.
Khi những nhà giáo trở về với phấn trắng, bảng đen
Các năm tiếp theo, tình hình xã hội giáo dục dần ổn định, nhiều thầy cô đi B được trở về quê hương sau nhiều năm xa cách. Phần đông các thầy cô trở lại với bảng đen, phấn trắng. Chỉ có số ít các thầy cô giữ các chức vụ quản lý trong ngành hoặc chuyển đến các cơ quan Đảng, Nhà nước…
Khóa 75 THPT Huỳnh Thúc Kháng chúng tôi may mắn được thầy giáo đi B (1973) Hoàng Tư Hậu trực tiếp giảng dạy môn Hóa học. Đúng với ý nghĩa của tên gọi, thầy là một người hiền hậu, tận tâm, tận lực đối với học sinh. Chúng tôi thường gọi thầy bằng “Ba!” bởi thầy luôn gần gũi, lo lắng chăm chút cho học sinh như một người cha trong gia đình. Thầy luôn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn của học sinh để yêu cầu học sinh đến nhà thầy kèm học miễn phí. Sau những giờ học căng thẳng, thầy lại nhắc đến những ngày tháng đi B với niềm tự hào và thương nhớ đồng đội vô hạn.
Thầy Hoàng Tư Hậu cho biết: “Thương nhớ đồng đội trong những ngày tháng ở Trường Sơn, trong những ngày gian khổ mưa bom, bão đạn nên năm 2000, các anh em đã tìm đến nhau và tự nguyện thành lập Ban liên lạc nhân kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng. Trải qua 25 năm hoạt động, Ban liên lạc đã tập hợp tương đối đầy đủ các nhà giáo đi B. Trong thời gian này, Ban liên lạc đã biên tập xuất bản, rồi tái bản tập sách “Nhà giáo Nghệ An đi B, một thời để nhớ”. Tập sách đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng giải Khuyến khích về khoa học lịch sử vào năm 2017.
Được sự ủng hộ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục, Hội cựu Giáo chức tỉnh, nhiều học sinh cũ và một số cơ quan…, Ban liên lạc đã tổ chức gặp mặt được 8 lần vào các dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Năm 2018, kỷ niệm chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, toàn thể các nhà giáo đi B đã ký tên gửi kiến nghị lên Chính phủ, Trung ương và Bộ GD&ĐT truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ nhà giáo Lê Thị Bạch Cát.

Cô giáo Lê Thị Bạch Cát, người con của miền biển Cửa Lò, vào chiến trường khu Sài Gòn - Gia Định tham gia biệt động thành (bí danh Sáu Xuân); tháng 5/1966, cô tham gia thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng; tháng 3/1968, là Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn quận 3. Trong trận đánh ác liệt ngày 5/5/1968, Sáu Xuân dũng cảm, mưu trí chỉ huy đồng đội chiến đấu, cầm cự với địch trong nhiều giờ. Khi không còn đạn, trong tình thế nguy cấp, Sáu Xuân ra lệnh cho đồng đội rút lui, còn bản thân ở lại cản đường địch bằng quả lựu đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh.
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2025), Ban liên lạc cũng đã đề xuất tổ chức cho đồng đội thăm lại chiến trường xưa và dự Lễ kỷ niệm 50 năm xây dựng nền giáo dục cách mạng miền Nam; dự Lễ khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ ở đồi 82 Tây Ninh…”.
Gần 200 nhà giáo xứ Nghệ đi B đã mang theo vào chiến trường truyền thống của lớp lớp nhà giáo tỉnh nhà. Sự cống hiến, hy sinh anh dũng của các nhà giáo đi B tỉnh Nghệ An đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng, hào hùng toàn vẹn mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta.