Xây dựng Đảng

Gương chiến đấu, hy sinh anh hùng của nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát

Ngô Đức Tiến 18/10/2024 11:07

Ngày 20/9/2024 , Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, Nhà giáo, cựu biệt động thành phố Sài Gòn - Gia Định, vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

lethibachcat-cover.png

Ngô Đức Tiến • 18/10/2024

Ngày 20/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, nhà giáo, cựu biệt động thành phố Sài Gòn - Gia Định, vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

TỪ CÔ GÁI LÀNG CHÀI TRỞ THÀNH GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC

Lê Thị Bạch Cát sinh ngày 10/10/1940 tại làng chài Mai Bảng (xã Nghi Thủy huyện Nghi Lộc, nay là phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), trong một gia đình ngư dân nghèo có truyền thống hiếu học, yêu nước. Cha là ông Lê Viết Thanh (1895 -1966) là một ông giáo trường làng có giao lưu kết bạn với những đảng viên trong tổ chức Tân Việt, một tổ chức yêu nước do các trí thức cấp tiến ở Nghệ Tĩnh thành lập và hoạt động trong những năm 1927/1929, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mẹ là bà Bùi Thị Tranh (1898-1961), làm nghề vá lưới. Ông bà sinh hạ được 5 người con, 2 trai 3 gái, Lê Thị Bạch Cát là con gái út.

Cụ Lê Viết Thanh - Thân sinh LS Lê Thị Bạch Cát
Cụ Lê Viết Thanh - Thân sinh liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù nhà nghèo, nhưng là con gái út, thuở nhỏ Lê Thị Bạch Cát được cha mẹ và các anh chị nuôi ăn học. Chị học cấp 1 ở trường làng, học cấp 2 ở trường cấp 2 Nghi Trung. Tuổi thiếu niên và thanh niên của chị gắn liền với những hoạt động của đội thiếu niên thanh niên Cứu quốc làng chài Nghi Thủy. Tốt nghiệp cấp 2, chị thi đậu vào Trường Trung cấp sư phạm Nghệ An, sau 2 năm miệt mài học tập chị đạt bằng giỏi và được phân công về làm giáo viên Trường cấp 1 Nghi Tân năm học 1958-1959.

Anh chị em ruột của liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát
Anh chị em ruột của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

Nhờ thành tích hoạt động chuyên môn nổi trội, nhất là hoạt động văn thể của trường, cuối năm học đó chị được cử đi học Trường Sư phạm Thể dục Thể thao Trung ương ở Từ Sơn, Bắc Ninh (sau này là Đại học TDTT Hà Nội). Sau 2 năm nỗ lực học tập chị đạt thành tích xuất sắc, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Năm học 1960 - 1961 chị được cử về dạy tại Trường Đại học Sư phạm Vinh và kiêm nhiệm dạy bộ môn này ở Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng Vinh. Chị là một trong những giáo viên đầu tiên về giảng dạy và góp phần sáng lập khoa Giáo dục Thể chất Trường Đại học Vinh. Về giảng dạy ở Vinh, những ngày nghỉ chị lại tranh thủ về quê giúp mẹ vá lưới, nướng cá và chăm sóc mẹ ốm đau.

Chuyên gia Liên Xô và các thầy cô, giáo sinh bộ môn thể dục. Lê Thị Bích Cát đứng thứ 3 phải sang.Ảnh: GĐCC
Chuyên gia Liên Xô và các thầy cô, giáo sinh bộ môn thể dục. Lê Thị Bạch Cát đứng thứ 3 phải sang. Ảnh: Tư liệu

Tháng 11/1961 đến tháng 2/1962, chị được điều ra dạy tại Trường bồi dưỡng cán bộ của Bộ Giáo dục. Từ tháng 3/1962, chị lại được trở về giảng dạy tại Trường TDTT Từ Sơn Bắc Ninh. Tại ngôi trường này, ngày 5/10/1964, giảng viên Lê Thị Bạch Cát vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Từ một cô gái làng chài Mai Bảng Nghi Thủy, Cửa Lò, chị trở thành giảng viên trẻ xuất sắc.

BỨC QUYẾT TÂM THƯ BẰNG MÁU VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHIẾN ĐẤU HY SINH ANH DŨNG CỦA NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH SÀI GÒN - GIA ĐỊNH

Giảng dạy và hoạt động trong những năm tháng đất nước đang sục sôi khí thế lao động học tập và chiến đấu chống Mỹ cứu nước, thanh niên cả miền Bắc đang thực hiện phong trào BA SẴN SÀNG xung phong vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương", nữ giảng viên, đảng viên trẻ Lê Thị Bạch Cát đã viết một bức thư bằng máu gửi lên Bộ Giáo dục, gửi lên Trung ương Đoàn xin được xung phong vào miền Nam chiến đấu.

Nguyện vọng chính đáng của chị được cấp trên chấp thuận, ngày 28/4/1964 theo Quyết định số 697/QĐ BGD, chị Lê Thị Bạch Cát được Bộ Giáo dục chính thức chuyển hồ sơ sang Ban Thống nhất Trung ương chuẩn bị học tập, huấn luyện để đi B. Hơn 300 cán bộ, phần lớn là những cán bộ ban ngành trường học ở miền Bắc, trong đó có nhiều con em miền Nam được tập trung về Phú Thọ học tập, rèn luyện trong 3 tháng.

lethibachcat3.jpg
Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát (ngoài cùng, bên trái) trước khi vào hoạt động cách mạng ở miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Đoàn cán bộ đi B năm ấy lấy biệt danh là Đoàn 33, chị Lê Thị Bạch Cát cũng mang mật danh Lê Liên Xuân. Ngày 22/12/1964, nhằm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội ta làm ngày xuất quân của Đoàn 33 đi chiến trường.

Trên đường Trường Sơn, Đoàn 33 vào đến các chiến trường thì chia tách thành các đoàn nhỏ rẽ về các chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Khu 6. Riêng đoàn đi Ông Cụ B dài vào chiến trường Nam Bộ sau 86 ngày đêm hành quân còn trên 200 chiến sĩ vào căn cứ của Trung ương cục ở ấp Bời Lời chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh. Ở đây sau một thời gian học tập tình hình và nhiệm vụ miền Nam, Đoàn 33 được chia nhỏ, một số ở lại Trung ương Cục, số đi miền Tây, số đi miền Trung, miền Đông Nam Bộ. Chị Lê Thị Bạch Cát được phân công về chiến trường Sài Gòn - Gia Định với biệt danh là Y4.

Đồng chí Trần Trọng Tân (Hai Tân), bấy giờ là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn Gia Định (sau 1975 ông làm Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương) trực tiến tiếp nhận, hướng dẫn, phân công công tác cho Lê Thị Bạch Cát về Thành đoàn làm công tác trí vận (làm công tác xây dựng cơ sở trong đội ngũ trí thức, giáo chức, sinh viên các trường ở nội đô).

Lê Thị Bạch Cát , bí danh là Lê Liên Xuân
Chân dung liệt sĩ nhà giáo - nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Tư liệu

Tại đại bản doanh trong khu rừng già ở vùng tam giác sắt Bến Cát Bình Dương, Lê Thị Bạch Cát cùng một vài đồng chí ở Thành đoàn liên tiếp đón nhận, mở các lớp học đặc biệt cho các trí thức yêu nước từ nội thành vào chiến khu. Có lớp 3-4 người, có lớp hơn 10 người. Thời gian có khi vài tuần hoặc dài hơn. Vừa học tập, vừa lao động tự túc vừa tập luyện quân sự phòng tránh đánh địch. Với đối tượng đặc biệt là những trí thức trẻ chưa từng hiểu biết gì về cách mạng nhưng bằng trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ, cô giáo Lê Thị Bạch Cát đã cảm hóa, thu phục, cuốn hút, truyền cảm hứng cho các học viên.

Đặc biệt, chị có năng khiếu bẩm sinh về văn nghệ, thể dục thể thao, chị có giọng hát hay và tay múa dẻo nên đã tận dụng năng lực sở trường của mình dạy hát, dạy múa, tập thể dục... để truyền cảm hứng cho các học viên. Những bài ca kháng chiến vang lên trong các lớp học. Bản thân chị cũng qua các lớp học này để tìm hiểu thêm đời sống, tâm tư nguyện vọng của thanh niên trí thức ở nội đô. Những tri thức sinh viên qua các lớp học của cô giáo Liên Xuân mà các học viên thường gọi thân mật là cô Sáu Xuân khi trở lại nội đô nhiều người là hạt nhân của phong trào yêu nước của giáo chức, học sinh sinh viên nội đô Sài Gòn - Gia Định.

Cuộc đấu tranh của HS, SV và quần chúng nhân dân chống Mỹ - Ngụy trước bùng binh chợ Bến Thành
Cuộc đấu tranh của HS, SV và quần chúng nhân dân chống Mỹ - Ngụy trước bùng binh chợ Bến Thành. Ảnh: Tư liệu

Sau những thử thách bước đầu ở các lớp học đặc biệt của Thành đoàn, tháng 12 năm 1965, cô giáo Lê Thị Bạch Cát được Thành ủy tin tưởng cử lên Đà Lạt làm điệp báo hoạt động đơn tuyến ở Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức (sau này là Lâm Đồng).

Bấy giờ Đà Lạt là trung tâm đầu mối các trường quân sự của chính quyền Sài Gòn, đội ngũ mật vụ của địch dày đặc. Lê Thị Bạch Cát được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở, tổ chức phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Hai tháng đầu chị được bố trí ăn nghỉ tại nhà anh Lê Viết Nghinh là anh trai đầu của chị vào Đà Lạt tha phương cầu thực sinh sống làm ăn đã lâu, anh Nghinh cũng là cơ sở hoạt động bí mật của ta cài cắm.

Từ một cô giáo ở rừng, chị phải học nói, học làm người Đà Lạt để ra hoạt động vừa công khai vừa bí mật. Chỉ trong một thời gian ngắn chị đã liên hệ với các cơ sở bí mật ở nội đô, móc nối xây dựng được hơn 40 cơ sở bí mật, đào tạo được 10 du kích mật, xây dựng được 6 "lõm chính trị", đặc biệt là tổ chức được Hội nhân dân, sinh viên, học sinh đòi dân chủ trong các trường học, khu phố.

Từ ngày 26/3 đến đầu tháng 4/1966, chị Lê Thị Bạch Cát cùng với các đồng chí của mình vận động tổ chức được nhiều cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Đà Lạt, có cuộc hơn 5.000 người xuống đường biểu tình kéo đến chiếm Đài phát thanh Đà Lạt; mặc dù bị địch đàn áp dã man nhưng đã gây tiếng vang lớn.

Chiếc xe 67 liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát sử dụng ở Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu
Chiếc xe 67 liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát sử dụng ở Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1965, chị Lê Thị Bạch Cát được điều động về bổ sung vào lực lượng biệt động võ trang tuyên truyền của Sài Gòn - Gia Định. Về Sài Gòn, chị mang căn cước mới tên là Đinh Thị Lan sinh năm 1944, nhưng đồng đội thường thân mật gọi chị là Cô Sáu, Chị Sáu Xuân. Chị được bố trí ở hẳn trong nội đô, là nhà của ông Hoàng Văn Chắt, còn có tên khác là Nguyễn Cảnh Khóa, vốn là bạn học của ông Hoàng Viết Thanh, thân phụ của chị, cùng quê làng chài Mai Bảng, cùng hoạt động trong đảng Tân Việt, nhưng vào Sài Gòn làm ăn và định cư từ năm 1936. Ông Chắt cũng là cơ sở hoạt động của Khu ủy Sài Gòn Gia Định. Từ đây, với vỏ bọc là thợ may, thợ thu gom bao bì, người bán rau các chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, Bến Thành... Cô Sáu đã xây dựng được hơn 10 cơ sở bí mật ở các quận 2, quận 3, quận 4, có cơ sở ra tận Thủ Đức.

Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh Tư liệu
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Tháng 11 năm 1967 để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 , Khu ủy Sài Gòn Gia Định bố trí lại cấp ủy, chị Sáu Xuân được bổ sung vào Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn trực tiếp lãnh đạo chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 và 4 , những quận trung tâm, và là một trong bốn đơn vị biệt động thành Sài Gòn Gia Định.

Chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng lực lượng, tiếp nhận mua sắm cất dấu vũ khí trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân 1968, Sáu Xuân đã phát động nhân dân nổi dậy vũ trang chiến đấu đánh địch ở các khu vực Phạm Ngũ Lão, bến Chương Dương, bến Vân Đồn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, treo cao cờ Mặt trận, nhiều địa điểm các quận trung tâm trong đêm 30 rạng sáng mồng 1 Tết Mậu Thân.

Các chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn - Ảnh TTXVN
Các chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân). Ảnh TTXVN

Ngay sau Tết Mậu Thân, đội biệt động do chị Lê Thị Bạch Cát lãnh đạo lại tiếp tục củng cố lực lượng chuẩn bị đánh địch.

Đợt 2 chiến dịch Mậu Thân diễn ra vào đầu tháng 5 năm 1968. Bấy giờ, yếu tố bất ngờ không còn nữa, kẻ địch bố trí hàng tiểu đoàn binh lính canh phòng, vây ráp. Trung đội biệt động đã tổ chức chiến đấu đánh địch, giành giật với địch trên từng con đường góc phố, đến trưa ngày 5/5/1968, đơn vị rút lui vào cơ sở 83/2 Đề Thám - Cô Giang, trong cuộc chiến đấu không cân sức, chị Lê Thị Bạch Cát bị trọng thương. Để bảo toàn lực lượng, chị Sáu Xuân lệnh cho trung đội phó và các đồng chí "đi ngay, cải trang và rút lui nhanh, về nói với các đồng chí mình tôi ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng".

Bọn địch bao vây tìm cách bắt sống chị Sáu, nhưng chị đã dùng súng và lựu đạn ngoan cường đánh lại quân địch. Trước lúc hy sinh chị hô to: "Đả đảo đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh muôn năm". Căm giận vì không bắt sống được chị, bọn lính địch đã đưa thi hài của chị Sáu lên xe rồi chở đi thủ tiêu.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của nhà giáo - S Lê Thị Bạch Cát
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

GƯƠNG ANH HÙNG LÊ THỊ BẠCH CÁT SỐNG MÃI CÙNG QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC

Chị Lê Thị Bạch Cát đã hy sinh anh dũng tại địa chỉ đỏ 83/2, đường Cô Giang ngày 5/5/1968, năm ấy chị vừa 28 tuổi xuân. Ngay sau chiến dịch Mậu Thân, trong các báo cáo của Thành ủy, Thành đoàn, của lực lượng võ trang thành phố Sài Gòn Gia Định, của Tiểu ban giáo dục miền Nam đều ghi danh Lê Thị Bạch Cát là tấm gương tiêu biểu của một trí thức tiêu biểu, một nữ biệt động tài giỏi, mưu trí, dũng cảm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, năm 1967/1968 là Thành ủy viên, Chánh văn phòng Thành ủy kiêm Trưởng ban Trí vận, thủ trưởng trực tiếp của Lê Thị Bạch Cát ngày ấy (sau 1973 ông Nguyễn Hữu Dũng về cứ làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương cục, Trưởng tiểu ban Giáo dục miền Nam) đã chủ trương phát động một đợt học tập sâu rộng trong đội ngũ giáo viên và học sinh trong vùng giải phóng, từ đó tỏa rộng ra các tầng lớp nhân dân. Ông nói: "Trong dòng máu của Lê Thị Bạch Cát có dòng máu yêu nước của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, của quê hương Bác Hồ".

Làng chài Nghi Thủy (Cửa Lò) - quê hương của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh Thành Cường
Làng chài Nghi Thủy (Cửa Lò) - quê hương của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Thành Cường

Ông Phạm Chánh Trực, giai đoạn 1965-1967 là Ủy viên Thường vụ Khu đoàn, phụ trách Đoàn ủy các trường đại học ở Sài Gòn nhận xét: "Chị Sáu Xuân là người bản lĩnh, năng động, hoạt bát, phát hiện vấn đề và giải quyết sự việc một cách chỉn chu, đầy đủ độ tin cậy. Chị luôn chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, có năng lực tổ chức, chỉ huy, sống trách nhiệm cao với tập thể, hòa nhã với mọi người, vui vẻ, hay hát và hát hay".

(Sau 1975 ông Nguyễn Hữu Dũng là Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục; ông Phạm Chánh Trực là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh).

Chân dung liệt sỹ Sáu Xuân - Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Tư liệu
Chân dung liệt sĩ Sáu Xuân - Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Tư liệu

Tôi biết chị Sáu Xuân từ năm 1966 khi đó chị đi với anh Ba Kích lên cứ... Chị Sáu Xuân là người miền Bắc, vượt Trường Sơn vô Nam hoạt động vô cùng gian khổ vậy mà vẫn hòa dịu, cảm hóa được nhiều người đi theo cách mạng.

Bà Nguyễn Thanh Hiền, một đồng đội nữ biệt động Sài Gòn

Bà Nguyễn Thanh Hiền, một đồng đội nữ biệt động Sài Gòn kể lại: "Tôi biết chị Sáu Xuân từ năm 1966 khi đó chị đi với anh Ba Kích lên cứ. Ngày đó tôi là giao liên chiến khu. Sau đó chị Sáu Xuân về hoạt động ở nội đô, buôn bán rau quả ở chợ Cầu Muối. Chị Sáu Xuân là người miền Bắc, vượt Trường Sơn vô Nam hoạt động vô cùng gian khổ vậy mà vẫn hòa dịu, cảm hóa được nhiều người đi theo cách mạng. Đợt hai của Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 trong 4 mũi do Quận ủy triển khai thì chị Sáu Xuân phụ trách mũi 83/2 Đề Thám, còn tôi phụ trách một mũi. Hai mũi còn lại do chị Mười Hòa (Bùi Thị Hòa) và chị Sáu Tam (Lê Thị Hoa) phụ trách. Sau trận đánh ở hẻm 83, tôi gặp chị Tám Tôn (Trần Thị Diễn) kể lại: “Chị Sáu Xuân đã ra lệnh cho mọi người rút lui để bảo toàn lực lượng còn mình ở lại cầm chân địch cho đến lúc hy sinh. Tấm gương chiến đấu của chị thật vô cùng gan dạ, dũng cảm”.

Những đóng góp của nhà giáo - người nữ Đội trưởng biệt động Sài Gòn anh hùng đối với cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, tấm gương hy sinh anh dũng của chị Lê Thị Bạch Cát đã truyền cảm hứng cách mạng cho đồng đội, đồng chí đồng bào cả hai miền Nam Bắc vươn lên trong lao động học tập chiến đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào", làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thân nhân LS Lê Thị Bạch Cát và con đường, ngôi trường mang tên Lê Thị Bạch Cát ở TP HCM
Thân nhân liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát và con đường, ngôi trường mang tên Lê Thị Bạch Cát ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: GĐCC

Từ sau năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã lập bia dẫn tích tại hẻm 83/2 Đề Thám - Cô Giang ghi dấu chiến công lịch sử trong trận đánh ngày 5/5/1968 của Lê Thị Bạch Cát và đồng đội. Một con đường và một ngôi trường ở thành phố Hồ Chí Minh mang tên Lê Thị Bạch Cát. Tuổi trẻ thành phố còn có sáng kiến đặt tên giải thưởng cho những học sinh đoàn viên trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập rèn luyện mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Ở quê nhà (Nghi Thủy, Cửa Lò), năm 2000, Trường THCS Nghi Thủy được mang tên Lê Thị Bạch Cát, con đường đi ngang qua mảnh đất chị cất tiếng khóc chào đời bên cạnh nhà thờ họ Lê có cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nơi chị thường ngồi đánh thẻ, những năm thiếu thời, con đường dẫn ra cảng cá, nay được mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Cây thị hơn 100 tuổi trong sân nhà thờ họ Lê, cạnh nhà bà Cát; Địa chỉ nhà cũ của LS Lê Thị Bạch Cát tại khối Nghi Thủy; Nhà giáo Chu Cấp và cháu bà Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Thành Cường
Cây thị hơn 100 tuổi trong sân nhà thờ họ Lê, cạnh nhà bà Cát; Địa chỉ nhà cũ của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát tại khối Nghi Thủy; Nhà giáo Chu Cấp và cháu bà Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Thành Cường

Hoạt động trong điều kiện bí mật, có khi đơn tuyến, đồng đội của chị, kẻ mất người còn, việc xác minh sự kiện, con người gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng đội, đồng chí, kể cả học sinh của chị đã cùng với gia đình phối hợp với Quận ủy, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Hội cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An, kiên trì, bền bỉ sưu tầm xác minh tư liệu, lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát, và nguyện vọng chính đáng ấy đã được khẳng định, đền đáp.

Được tin nhà giáo - nữ biệt động Sài Gòn Lê Thị Bạch Cát được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Trường Đại học TDTT Hà Nội làm hồ sơ đề nghị đổi tên trường thành Trường Đại học Lê Thị Bạch Cát, ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở quê nhà Nghệ An đang náo nức chuẩn bị lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng của nữ liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, để góp phần làm cho lòng yêu nước, tấm gương hy sinh của nữ anh hùng sống mãi cùng quê hương đất nước.

Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường
Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường
Gương chiến đấu, hy sinh anh hùng của nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO