Xã hội

Tuổi 28 kiên cường của Anh hùng Lê Thị Bạch Cát

Mỹ Hà 11/10/2024 10:17

Ở tuổi 28, người chiến sĩ cách mạng Lê Thị Bạch Cát đã ngã xuống trên mảnh đất Sài Gòn. Ghi nhận cho những đóng góp to lớn của người con gái phố biển Cửa Lò, năm 2024, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nữ chiến sĩ ấy.

Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và đảm nhiệm một nhiệm vụ đặc biệt, nên việc tìm kiếm, thu thập thông tin về bà là một chặng đường gian nan nhưng cũng đầy những cảm xúc, bất ngờ.

Giảng viên trẻ của 4 trường đại học

Lê Thị Bạch Cát sinh năm 1940, tại xóm Mai Động, làng Mai Bảng, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Bố là thầy giáo làng, dạy chữ Hán, nên ngày nhỏ, Bạch Cát được đi học và sớm là thành viên tích cực trong các hoạt động Đoàn, Đội của địa phương. Những năm 1958 - 1959, bà là một trong những cô giáo thế hệ đầu của Trường Phổ thông cấp 1, xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc.

Ảnh - Mỹ (8)
Nghi Thủy - quê hương của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Mỹ Hà

Dạy học ở địa phương một thời gian ngắn, sau đó, với sự nhanh nhẹn, thông minh, có năng khiếu thể dục, thể thao, cô giáo Lê Thị Bạch Cát được Ty Giáo dục Nghệ An cử đi học lớp Sư phạm thể thao tại Trường Thể dục, Thể thao Trung ương do Liên Xô đào tạo và được giữ lại làm giảng viên. Gắn bó với nghề Sư phạm từ năm 1960 - 1965, giảng viên Lê Thị Bạch Cát đã có 7 lần chuyển qua 8 cơ quan, trong đó có 4 trường đại học, nay là Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Thể dục, Thể thao Hà Nội; Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh; Trường Thể dục, Thể thao Trung ương.

Ngoài ra, Lê Thị Bạch Cát còn tham gia giảng dạy tại 2 trường phổ thông, trong đó, có Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, 1 trường bổ túc văn hóa cán bộ. Dấu ấn của bà trong những năm đứng trên bục giảng là đã đề xướng, sáng lập bộ môn “Văn hóa, Thể thao, Nhạc, Họa”, tiền thân Khoa Giáo dục thể chất của Trường Đại học Vinh. Với thành tích này, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục”.

Ảnh - Mỹ (3)
Gian trưng bày tư liệu về liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát tại ngôi trường mang tên bà ở thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Tuổi thanh xuân rực rỡ

"Em đi trả nghĩa để thầy/ Cầm viên phấn dìu dắt bầy em" là câu thơ được ghi trong bức “huyết thư” được nhà giáo Lê Thị Bạch Cát gửi đến Ban Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, với mong ước lớn lao được đi B, vào Nam chiến đấu.

Gia nhập vào đội hình đặc biệt, lớp học mang phiên hiệu K33 ngày đó của bà và các đồng nghiệp có hơn 300 cán bộ thuộc ngành Giáo dục, Văn hóa, Y tế, Thể dục thể thao.

3 tháng huấn luyện trước khi nhận nhiệm vụ, việc gửi thư về nhà gặp nhiều khó khăn, các học viên cũng phải tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật. Trước khi vào Nam, các học viên được đổi sang tên gọi mới để giữ bí mật trên đường hành quân. Cái tên Lê Thị Bạch Cát trong giấy tờ cũng được gửi lại đất Bắc, từ đây, bà mang biệt danh mới là Lê Liên Xuân.

lethibachcat3.jpg
Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát (ngoài cùng, bên trái) trước khi vào hoạt động cách mạng ở miền Nam. Ảnh tư liệu

Từ ngày bà vào Nam chiến đấu cho đến khi ngã xuống, thời gian vỏn vẹn chỉ có 4 năm. Trong những năm tháng đó, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát còn gọi tên gọi khác là Sáu Xuân. Thời gian chiến đấu ở Sài Gòn, bà từng được phân công về Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác sinh viên. Giai đoạn được biệt phái đến thành phố Đà Lạt, bà đã cùng cơ sở bí mật bám sát địa bàn, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng.

Sau này, khi trở lại Sài Gòn, bà Sáu Xuân tiếp tục được điều động về công tác tại Quận 4 với chức vụ Quận ủy viên phụ trách thanh niên, Bí thư Quận đoàn thành phố Sài Gòn. Dưới vỏ bọc nữ công nhân nhà máy sản xuất đồ hộp có tên Đinh Thị Lan, bà Sáu Xuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ địch vận, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng...

Ảnh - Mỹ (5)
Thầy và trò Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (thị xã Cửa Lò). Ảnh: Mỹ Hà

Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, bà Sáu Xuân được Khu ủy chuyển đến liên quận 2-4 (nay là Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) với chức danh Quận ủy viên, Bí thư Ban Chấp hành Thanh niên kiêm Bí thư Chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2-4.

Thực hiện kế hoạch của cuộc Tổng tiến công, bà Sáu Xuân trực tiếp chỉ đạo phát động nhân dân, phối hợp các đội vũ trang và các đơn vị biệt động khác nổi dậy, tấn công địch tại các khu vực Phạm Ngũ Lão, bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, bến Vân Đồn, giáng cho địch những đòn đau đớn.

Ngày 5/5/1968, trong một đợt tấn công, bà Sáu Xuân và đồng đội phải rút vào hẻm 83 Đề Thám để cầm cự. Khi trận đánh đang giằng co, là Trung đội trưởng, bà Sáu Xuân ra lệnh cho 2 đồng chí không bị thương rút ra để bảo toàn lực lượng, còn bà và 2 đồng chí của mình ở lại, quyết tử với địch, chiến đấu ngoan cường, bắn đến viên đạn cuối cùng. Trước khi ngã xuống, dù bị thương nhưng bà đã không quên dùng trái lựu đạn cuối cùng ném về phía địch và hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tuổi thanh xuân của nhà giáo, chiến sĩ Lê Thị Bạch Cát vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 28.

Ảnh - Mỹ (11)
Một tiết học địa phương tìm hiểu về cuộc đời Anh hùng Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Mỹ Hà

Niềm tự hào của người dân phố biển

55 năm sau ngày liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát hy sinh, ngày 20/9/2024, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng bà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thời gian trôi qua, những người anh, chị, em ruột thịt của bà cũng đã không còn; đón nhận niềm vinh dự này là ông Lê Văn Dược - cháu ruột, con anh trai của bà.

Ông Dược chia sẻ: Chúng tôi nhận được quyết định này vào cuối buổi chiều ngày 20/9/2024 và tôi đã trằn trọc suốt đêm không thể ngủ được. Khi bà đi làm cách mạng, tôi còn nhỏ, không có ký ức nào. Bố tôi, hẳn là vì thương nhớ em gái út nên khi còn sống ông cũng rất hiếm khi nhắc về những kỷ niệm cũ.

Khi ông đi xa, tôi biết ông vẫn luôn đau đáu vì chưa tìm được mộ bà, chưa hoàn thiện được hồ sơ để ghi nhận những công lao, đóng góp của bà. Là con, là cháu, tôi tự biết, trách nhiệm đó thuộc về mình.

Ông Lê Văn Dược

Ảnh - Mỹ (9)
Nơi thờ tự liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát tại gia đình. Ảnh: Mỹ Hà

Hành trình đi tìm tư liệu cho liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát được ông Dược và gia đình bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Trong quá trình đó, điều may mắn đầu tiên có lẽ là gia đình nhận được sự giới thiệu của Cục Thể dục - Thể thao, sau đó, làm việc với cán bộ Cục Lưu trữ Quốc gia 3 để tiếp cận toàn bộ hồ sơ của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, từ khi bà đi học, làm giáo viên, giảng viên và lên đường vào Nam chiến đấu.

Từ những tư liệu "vàng" này, hơn 30 năm qua, ông Dược đã tiếp tục đến những mảnh đất nơi liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát từng sinh sống, làm việc, chiến đấu, gặp lại những nhân chứng, nghe nhiều câu chuyện kể về bà. Tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, mưu trí và sự hy sinh quả cảm, dấn thân vì đồng đội là những yếu tố quan trọng khiến gia đình luôn tin vào việc bà sẽ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh - Mỹ (10)
Những hình ảnh được ông Lê Văn Dược lưu giữ trong quá trình đi tìm tư liệu về liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Mỹ Hà

Dù liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát đã ra đi nhưng ở gia đình ông Lê Văn Dược vẫn luôn có một góc trân trọng để lưu lại những kỷ vật, hình ảnh mà gia đình đã ghi lại trong hành trình hơn 30 năm tìm lại tư liệu về bà.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tên của nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát được đặt cho một con đường phường 13, Quận 11, một trường THCS và trở thành tên gọi của một giải thưởng dành cho người trẻ ở thành phố mang tên Bác.

Ngay tại thị xã Cửa Lò, hiện cũng có một con đường mang tên Lê Thị Bạch Cát. Ngôi trường mang tên bà, nhiều năm trước cũng đã vang lên bài hát truyền thống “Chúng em rất tự hào rằng trường em mang tên người anh hùng Lê Thị Bạch Cát”.

Ngày trước bố mẹ đặt tên Bạch Cát, tên gọi gắn với người dân miền biển, mang ý nghĩa của “gió Lào, cát trắng”. Bạch Cát, sau này cũng được hiểu là tự nhiên, mạnh mẽ, tươi vui, như chính cuộc đời đầy anh dũng của bà. Ở một nơi xa ấy, chắc bà vẫn luôn mỉm cười...

Mới nhất

x
Tuổi 28 kiên cường của Anh hùng Lê Thị Bạch Cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO