Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Sáng 28/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Trần Nhật Minh - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách chủ trì hội nghị.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều. Đây là dự thảo sửa đổi nhằm đáp ứng việc thực hiện chủ trương mô hình chính quyền 2 cấp, nâng cao chất lượng, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động.
Tham gia góp ý, đại diện các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và địa phương cấp huyện cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trên cơ sở kế thừa và phát triển các nguyên tắc tổ chức bộ máy hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh tính tự chủ, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dự thảo luật cũng tuân thủ quy định hình thức ban hành Luật, cấu trúc hợp lý, khoa học.

Các đại biểu cũng đã tham gia góp ý nhiều nội dung, trong đó quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần ngắn gọn, rõ ràng, như tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; tập trung dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng thời, dự thảo luật cần quy định, phân biệt rõ phân quyền, phân cấp, uỷ quyền giữa các cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương; gắn làm rõ thẩm quyền của Trung ương và chính quyền địa phương 2 cấp, tránh chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, quyền hạn hoặc đùn đẩy trách nhiệm, chờ xin ý kiến, “xin - cho”.

Các đại biểu cũng phân tích, góp ý sâu về thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh và cấp xã; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố; làm rõ các khái niệm đảm bảo minh bạch; cần bổ sung điều luật riêng về “đặc khu cấp xã” với tiêu chí cụ thể hoặc đổi tên gọi để tránh trùng lặp khái niệm.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định “cứng” trưởng ban HĐND xã là chuyên trách, nhằm tăng hiệu lực hoạt động cho HĐND cấp xã. Một số đại biểu cũng có ý kiến khác nhau liên quan đến quy định thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND cấp xã, có hay không được phép thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương…

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh đồng tình cơ bản với nội dung dự thảo, một số đại biểu cũng góp ý cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện ban hành văn bản rút gọn trong trường hợp thiên tai, hoả hoạn, cấp bách về an ninh – quốc phòng; đồng thời xem xét một số quy định để đảm bảo tính đồng bộ với các luật, quy định liên quan; chỉnh sửa câu chữ gọn và rõ, làm cơ sở để dễ triển khai vào thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham gia, đồng chí Trần Nhật Minh - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tiếp thu và khẳng định các ý kiến góp ý sẽ được tổng hợp đầy đủ gửi đến từng đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu và chuyển tải đến kỳ họp Quốc hội.

Đồng chí Trần Nhật Minh cũng mong muốn các cơ quan và các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, có thêm các ý kiến góp ý gửi về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổng hợp.