Kinh tế

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân

Quang An 12/09/2024 12:12

Các ý kiến góp ý về 2 dự thảo Luật này sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổng hợp nghiên cứu và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Sáng 12/9, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các ban, sở, ngành, địa phương góp ý vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân. Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành, địa phương.

bna_toan.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang An

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Luật Phòng không nhân dân là 2 dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.

Trong thời gian qua, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo tích cực nghiên cứu, tổ chức các phiên họp, hội nghị, hội thảo để tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật nêu trên. Dự kiến, 2 dự án Luật này sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 9 chương, 61 điều; quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…

bna_ubmttq.jpg
Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh góp ý vào các dự thảo luật. Ảnh: Quang An

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng ý, thống nhất cao với dự thảo luật và cho rằng đây là vấn đề được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm trên cả nước, gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những góp ý cụ thể cho dự thảo luật.

Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ, chi tiết hơn nữa với loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng…, để người dân có phương án phòng cháy, vì đây là những khu vực có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt, với một số tuyến đường, ngõ hẻm chật hẹp, phương tiện chữa cháy không tiếp cận được, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy cũng cần quy định rõ trong luật để có cơ sở giải quyết, xử lý…

kiểm lâm
Đại diện Chi cục Kiểm lâm góp ý nội dung trong dự thảo luật PCCC và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Quang An

Chi cục Kiểm lâm cho rằng, đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng cần tách ra trong Luật Phòng cháy, chữa cháy chung và đưa vào dự thảo luật chuyên ngành. Như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, dễ dàng triển khai thực hiện tại cơ sở.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo luật các giải pháp xử lý vướng mắc đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác rà phá bom mìn sau chiến tranh cũng cần đưa vào dự thảo luật để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình khởi công, xây dựng công trình…

a lâm
Đại diện lãnh đạo TP. Vinh góp ý vào các dự thảo luật. Ảnh: Quang An

Tại TP. Vinh hiện nay tập trung nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo lãnh đạo TP. Vinh, hiện nay, theo thống kê, các vụ cháy trên địa bàn thành phố có đến 70% nguyên nhân là do điện, chập điện, quá tải điện. Do đó, trong dự thảo luật cũng cần quy định rõ và sát thực tế về công suất dây dẫn điện, tư vấn thiết kế hệ thống điện các công trình, nhà ở. Bên cạnh đó, cần có quy chuẩn về vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu dễ cháy, khó cháy… để các đơn vị, người dân thực hiện đúng.

Các ý kiến khác xoay quanh vấn đề về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng cháy, chữa cháy, quy định tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, hệ thống cấp nước phòng cháy, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy…

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần sắp xếp bố cục, từ ngữ chuyên môn chặt chẽ, dễ hiểu, logic hơn trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn phường Bến Thủy. Ảnh: Q.A
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Q.A

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương với 54 điều. Luật này quy định về nguyên tắc, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân...

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí, đồng thuận cao với dự thảo luật này, trong đó lưu ý hơn đối với nội dung quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không…

an chung
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang An

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ban, ngành, địa phương đã có các ý kiến góp ý thiết thực, sâu sát với 2 dự thảo Luật này. Các ý kiến sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổng hợp nghiên cứu và có ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Mới nhất

x
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO