Thời sự

Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận về sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật

Thành Duy - Thu Nguyễn 18/06/2024 19:55

Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn và Quảng Ngãi.

BĂN KHOĂN QUY ĐỊNH LOẠI HÌNH DI SẢN TƯ LIỆU

Thảo luận về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, dự thảo quy định di sản văn hóa phi vật thể phải được “kế thừa, tái tạo và trao quyền liên tục qua nhiều thế hệ” là chưa phù hợp, không khả thi.

bna_z5550942553408_5805d516bce7a30bb0d2602efcb85af9.jpg
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng thời, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “đô thị di sản” nhằm lấy đó làm cơ sở xây dựng các quy chế bảo vệ và phát huy di sản kiến trúc đô thị vốn rất cần thiết hiện nay.

Về xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích, ông Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về hồ sơ khoa học di tích phải được Hội đồng khoa học thẩm định.

“Thực tế ở Nghệ An đã thực hiện quy trình này trong nhiều năm qua. Kết quả cho thấy các hồ sơ được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định rất chất lượng vì tranh thủ, tiếp thu được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động di sản văn hóa”, đại biểu Trần Nhật Minh nói, đồng thời đề nghị bổ sung trường hợp di tích có tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài không hòa giải được vào quy định về trường hợp quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với di tích.

Cũng liên quan đến dự án luật này, đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đề nghị cần cân nhắc liệu có nên bổ sung thêm loại hình “di sản tư liệu”, bên cạnh di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Vì hiện nay, di sản tư liệu phần lớn nằm trong di sản văn hóa phi vật thể.

bna_z5550942573661_99dc42f1491356b2069fe44e4419d8f7.jpg
Đại biểu Thái Văn Thành phát biểu thảo luận. Ảnh: Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình cần xây dựng một chương riêng trong luật về di sản tư liệu, vì trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cần phát huy loại hình văn hóa này.

Bên cạnh đó, đại biểu Thái Văn Thành cũng đề nghị xây dựng quy định quản lý nhà nước về di sản văn hóa đảm bảo logic, tránh nhầm lẫn với phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng bày tỏ ủng hộ xây dựng Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp. Dự thảo cũng đã quy định nguyên tắc hoạt động quỹ rất rõ ràng, có kiểm tra, quản lý, định kỳ có kiểm toán công khai minh bạch.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó mở thêm loại hình “di sản tư liệu” qua đó góp phần bảo vệ, phát huy các tư liệu.

bna_z5550942586308_f2fe63214b8c640a2739ab605372a28f.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu ý kiến vào một số nội dung trong dự thảo luật như: nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế di sản để phù hợp tình hình hiện nay trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; thêm nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích và khoanh vùng, cắm mốc và tổ chức các hoạt động khác cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt các chủ trương, dự án về tu bổ, tôn tạo di tích từ các nguồn xã hội hóa.

Về hình thức ghi danh di sản văn hóa, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, dự thảo quy định di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu chỉ có 2 hình thức ghi danh gồm: bằng danh mục quốc gia và danh sách của UNESCO là chưa phù hợp.

Trong khi hình thức ghi danh di sản văn hóa vật thể có 2 cấp độ ghi danh là quốc gia (tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt) và thế giới. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hình thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu cấp tỉnh để đảm bảo tương ứng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể quản lý di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu; giúp phát huy các di sản.

bna_5550942569074_957c8ba387e279e247c3d01c57940d34.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3 chiều 18/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Về hệ thống bảo tàng, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị không nên dùng thuật ngữ “bảo tàng ngoài công lập” mà thay bằng “bảo tàng tư nhân”; đồng thời, đề nghị nên có một quy định thiết kế chung về điều kiện thành lập bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân; tuy nhiên, cần bổ sung thêm các điều kiện khác chặt chẽ hơn đối với thành lập bảo tàng công lập; cũng như có thêm quy định về cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo quản, trưng bày, trải nghiệm, nhân lực để quản lý đối với bảo tàng tư nhân.

CÂN NHẮC KHI QUY ĐỊNH VỀ THUẾ, ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ TRONG LUẬT DƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính –Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nêu băn khoăn khi trong dự thảo luật, phạm vi các dự án đầu tư đề nghị được hưởng hỗ trợ mức ưu đãi đầu tư đặc biệt còn rất rộng.

Trong khi, rất nhiều các ưu đãi hiện nay cho lĩnh vực dược đã được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Chuyển giao khoa học công nghệ. Như vậy sẽ dẫn đến không đảm bảo tính khả thi, trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.

bna_z5550942578312_e05063e45eb09749436fcf464f56f76b.jpg
Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Từ góc độ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Vân Chi nêu quan điểm, các quy định về thuế, ưu đãi đầu tư nên chiểu theo quy định các luật chuyên ngành, không nên mỗi luật lại có quy định ưu đãi vào nội dung luật; như vậy sẽ phá vỡ toàn bộ khuôn khổ pháp lý của các chính sách về thuế, ưu đãi đầu tư.

Còn trong trường hợp qua rà soát, nếu thấy có những lĩnh vực cụ thể nào đó cần được bổ sung ưu đãi như về thuế thì sẽ bổ sung vào Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sẽ được sửa đổi thời gian tới.

bna_z5549950655125_3b12e39e37c997c63cf363f8df3b2566.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 18/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Đại biểu Nguyễn Văn Chi cũng băn khoăn khi dự thảo luật đưa ra kiến nghị “các cơ sở nghiên cứu và sản xuất thuốc được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp và cho phép kéo dài thời gian sử dụng”. “Hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập trước thuế lập Quỹ Khoa học và Công nghệ và được sử dụng trong 5 năm. Nếu trong 5 năm không sử dụng hết thì phần quỹ phải hoàn nhập vào thu nhập để nộp thuế”, đại biểu cho biết, qua đó, đề nghị cần đánh giá kỹ tác động chính sách này.

bna_z5549793847540_d780e866b87a43af924c20008cdc36fe.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 18/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Trước đó, trong sáng 18/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đầu giờ chiều cùng ngày, Quốc hội nghe các tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trước khi Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án luật trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc đã lần lượt có các báo cáo thẩm tra.

Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận về sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO