Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ngãi.
Chiều 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nêu ý kiến về một số nội dung như về chức vụ của sĩ quan, tuổi phục vụ tại ngũ; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; nâng lương sĩ quan trước thời hạn; chế độ, chính sách đối với sĩ quan.
Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An đồng tình với việc điều chỉnh, nâng hạn tuổi phục vụ sĩ quan tại ngũ để có nhiều thời gian hơn phục vụ quân đội, nhất là với những sĩ quan có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đào tạo chuyên môn sâu, đặc thù; đồng thời, phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng cho rằng, về quy định trường hợp được kéo dài tuổi phục vụ trong Quân đội, luật chỉ nên quy định nguyên tắc chung, còn trường hợp đặc biệt kéo dài tuổi nghỉ hưu tại ngũ thì giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, như vậy mới bảo đảm được tính bao quát, toàn diện và linh hoạt trong việc thi hành luật.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng thống nhất với nội dung dự thảo Luật quy định về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rạch ròi thẩm quyền của Bộ Quốc phòng hay Bộ Nội vụ trong vấn đề về lương; trong đó, đại biểu nghiêng về quan điểm giao cho Bộ Nội vụ quy định để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý Nhà nước về tiền lương.
Còn Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nhìn nhận, để xây dựng dự thảo Luật, Bộ Quốc phòng đã triển khai rất kỹ lưỡng thông qua tổ chức tổng kết, lấy ý kiến từ cấp cơ sở đến cấp bộ và của các ban, bộ, ngành, địa phương, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để nội dung đảm bảo phản ánh được nhiệm vụ đặc thù, đặc biệt của Quân đội, có tính ổn định lâu dài, có tính khả thi cao.
Tướng Thuận cũng cho rằng, về quan điểm chung, sửa đổi, bổ sung Luật lần này, Quốc hội chỉ nên quy định về điều kiện, nguyên tắc chung, những vấn đề lớn, còn lại phân cấp mạnh mẽ cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định chi tiết như về quy định độ tuổi, ngoài cấp bậc, quân hàm thì còn có độ tuổi chuyên nghiệp, chuyên môn, những ngành, lĩnh vực trong Quân đội chuyên môn, đào tạo công phu, kỹ thuật cao; đồng thời, quan tâm quy định chính sách có tính khả thi trong thực tiễn như về nhà ở cho quân nhân…