Giống keo lai ở Nghệ An tăng giá gần gấp đôi vẫn 'cháy hàng'

Văn Trường 10/10/2023 10:15

(Baonghean.vn) - Keo lai tăng giá trở lại, nhiều địa phương đồng loạt thu hoạch và triển khai trồng mới, dẫn đến tình trạng cây giống “cung không đủ cầu”. Thời điểm này, mặc dù giá cây giống keo lai tăng vọt gần gấp đôi, nhưng vẫn “cháy” hàng.

bna_van truong 1.JPG
Một số diện tích đất trồng keo ở huyện Đô Lương đã xử lý thực bì nhưng người dân đang phải chờ cây giống keo. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, bà con đang triển khai trồng rừng vụ thu, tuy nhiên, một số hộ đang còn thiếu cây giống. Gia đình ông Phan Bình ở xã Bài Sơn mới thu hoạch xong hơn 1 ha keo, hiện đã tập trung nhân lực để xử lý thực bì, đào hố trồng keo. Hơn 2 tuần vừa qua ông Bình chỉ mới trồng được một nửa diện tích, còn lại chưa mua được giống để trồng.

Ông Phan Bình chia sẻ: Thời điểm này thời tiết thuận lợi, nhiều hộ dân sau khi thu hoạch keo xong thì đồng loạt triển khai trồng rừng nên xảy ra tình trạng thiếu giống cục bộ. Giá keo lai các mùa trước đây chỉ từ 500 - 600 đồng/cây, nay tăng lên 1.000 đồng/cây vẫn khó mua.

Đại diện UBND xã Bài Sơn cho biết: Địa bàn xã có gần 300 ha keo, theo chu kỳ 4-5 năm là khai thác, trồng mới. So với các năm, năm nay chu kỳ này khai thác nhiều hơn khoảng 40-50 ha trồng mới nên xảy ra tình trạng thiếu giống.

bna_van truong 5.JPG
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương đang tích cực chăm sóc lứa keo giống tiếp theo để phục vụ người trồng rừng. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương chia sẻ: Năm 2023, huyện Đô Lương triển khai trồng trên 600 ha keo, hiện nay, các xã đã trồng được trên 350 ha, diện tíchcòn lại bà con đang xử lý thực bì, đào hố triển khai trồng cây. Tuy nhiên, một số xã đang xảy ra tình trạng thiếu giống keo chất lượng cao. Giống keo trên địa bàn chủ yếu do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương sản xuất.

Ông Phan Hồng Tiến - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương cho biết: Đơn vị hiện có 2 vườn ươm, hàng năm sản xuất trên 2,5 triệu cây giống keo, phục vụ cho bà con địa bàn huyện Đô Lương và các xã Quang Thành, Thịnh Thành, Tây Thành, Đại Thành (Yên Thành). Riêng vụ thu năm nay đơn vị sản xuất trên 1,5 triệu cây giống, nhưng do khách hàng từ khắp nơi đổ về mua nên không đủ cung ứng. Hiện nay, đơn vị đang tích cực chăm sóc lứa giống tiếp theo, khoảng trên 300.000 cây (khoảng gần 1 tháng nữa) mới xuất bán được.

Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Quỳ Châu là thủ phủ của cây keo lai, nhưng hiện nay, cây giống keo lai cũng đang khan hàng. Ông Nguyễn Sỹ Luận - Chủ tịch UBND xã ChâuHội chia sẻ: Xã Châu Hội có trên 3.000 ha rừng keo, hàng năm trồng mới trên 200 ha, hiện nay, mới trồng được trên 70% diện tích. Thiếu các nguồn giống keo chất lượng cao, xã đang phải mua trôi nổi ở các nơi đưa về từ Bình Định, Đồng Nai… về để trồng, các giống mua trôi nổi chưa được kiểm định nên rất lo về chất lượng.

bna_van truong 3.jpeg
Lâm trường Cô Ba, huyện Quỳ Châu sản xuất giống keo chỉ vừa đủ cung ứng cho nội bộ đơn vị, chưa có bán ra ngoài cho nhân dân. Ảnh: Văn Trường

Huyện Quỳ Châu là địa phương có diện tích keo lớn nhất tỉnh, với trên 21.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác và trồng mới trên 4.000 ha. Toàn huyện có 3 đơn vị sản xuất cây giống là Lâm trường Cô Ba, Lâm trường Quỳ Châu và HTX Đầu tư và Phát triển rừng Đại Lâm. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng đủ lượng giống cho khoảng trên 40% diện tích trồng rừng, còn lại chủ yếu bà con mua các loại giống cây trôi nổi từ khắp nơi về.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống (có giấy phép đăng ký kinh doanh), mỗi năm sản xuất được từ 30-35 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Tuy nhiên, vấn đề giống cây lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang còn những hạn chế như: Địa bàn tỉnh đang có trên 100 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp quy mô nhỏ lẻ, nhiều cơ sở không đăng ký hoạt động sản xuất giống với cơ quan quản lý Nhà nước; các nguồn giống không được đầu tư, chăm sóc, quản lý, bảo vệ.

bna_van truong mn3.jpeg
Tạo giống tại vườm ươm keo của Lâm trường Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường

Nhiều cơ sở không đăng ký hoạt động sản xuất giống với cơ quan quản lý Nhà nước nên khó kiểm soát chất lượng về giống. Hàng năm, các địa phương ở Nghệ An phải mua trên 10 triệu giống cây ở khắp các nơi từ Bình Định, Đồng Nai về chưa kiểm soát được chất lượng cây giống.

Nhằm đảm bảo chất lượng cây giống, Chi cục Kiểm lâm khuyến cáo, các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất; Tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng giống tốt, giống có nguồn gốc rõ ràng...

Mới nhất

x
Giống keo lai ở Nghệ An tăng giá gần gấp đôi vẫn 'cháy hàng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO