Doanh nghiệp khoáng sản Nghệ An đứng trước nguy cơ đóng cửa vì Thông tư 44

Thu Huyền 22/03/2018 08:57

(Baonghean) - Lâu nay, việc quản lý cấp phép mỏ chưa chặt chẽ, đá trắng xuất khẩu chủ yếu xuất thô nên tạo ra hiệu ứng chảy máu tài nguyên. Vì thế, việc Nhà nước tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản để tăng giá trị hàng hóa là chính sách đúng đắn và cần thiết. Song nhiều chính sách lại chồng chéo, nhất là Thông tư số 44/2017/TT-BTC về việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên thiếu tính thực tế đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao, thậm chí là phá sản.

Thực tế khó khăn

Nghệ An là tỉnh có nhiều loại tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản. Trong những năm qua, nguồn thu từ thuế tài nguyên trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.

Công ty TNHH Phả Ngọc ở Mỹ Sơn (Đô Lương) khai thác chế biến bột đá. Ảnh: Thu Huyền
Công ty TNHH Phả Ngọc ở Mỹ Sơn (Đô Lương) khai thác chế biến bột đá. Ảnh: Thu Huyền

Ở một góc độ khác thì công tác quản lý khoáng sản còn những bất cập; việc quản lý cấp phép mỏ chưa chặt chẽ, đá trắng xuất khẩu chủ yếu xuất thô nên tạo ra hiệu ứng “chảy máu” tài nguyên. Sau Luật Khoáng sản năm 2010 ra đời, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đã được cải thiện rất nhiều.

Tuy vậy, tình hình khai thác khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động xây dựng và tiêu thụ vật liệu xây dựng trầm lắng do việc hạn chế đầu tư công của nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vì thế sản lượng tiêu thụ chậm. Do có sự cạnh tranh lớn về nguồn cung trong và ngoài tỉnh nên giá thành sản phẩm như đá xây dựng, cát sỏi bán ra rất thấp, không đủ lợi nhuận để hoạt động và tái đầu tư. Thị trường đá ốp lát ngày càng thu hẹp do tình hình xây dựng giảm gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá ốp lát trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn đó cộng với nhiều loại thuế phí đang khiến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên một đơn vị diện tích đất mỏ doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí: Tiền đền bù giải phóng mặt bằng (nếu là đất lâm nghiệp hay rừng trồng của dân); Tiền tái tạo lại rừng (nộp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý); Tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; Tiền thuê đất mỏ; Tiền cấp quyền khai thác.

Theo tổng hợp, tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tính đến cuối năm 2013 là 148 DN, đến cuối năm 2016 chỉ còn 84 DN. Đến 6 tháng đầu năm 2017 có thêm 29 DN thông báo đóng cửa. Và được biết, hiện có hơn 20 DN khác đang làm thủ tục tạm dừng hoạt động.

Đặc biệt, ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính có Thông tư số 44/2017/TT-BTC về việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên, yêu cầu các địa phương trong vòng 3 tháng phải ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên theo khung giá này.

Theo phản ánh, biên độ khung giá sàn và giá trần được xây dựng tại Thông tư 44 không phù hợp với quy định Luật Thuế Tài nguyên 2009. Chẳng hạn, Thông tư 44 quy định giá tính thuế cho mã tài nguyên II401 đá hoa trắng (không phân loại màu sắc, chất lượng) kích thước ≥ 0,4m3 sau khai thác đang dự thảo giá tối thiểu 700.000 đồng/m3, tối đa 1.000.000 đồng/m3. Mức giá này cao gấp trên 2,8 lần giá đang áp dụng tại Nghệ An. Mã nhóm tài nguyên II403, đá hoa trắng sản xuất bột cacbonat, Thông tư 44 áp giá là 280.000-400.000/m3, mức thu này cao gấp khoảng 3,3 lần mức thu hiện tại của Nghệ An và Yên Bái.

Việc này đẩy tất cả các đơn vị trong ngành khai thác và chế biến đá hoa trắng vào tình trạng hết sức khó khăn. Việc áp dụng biểu giá này dẫn đến các khoản: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các mỏ, thuế tài nguyên của các mặt hàng đá hoa trắng ngay lập tức tăng lên khoảng 3 lần. Tất cả các đơn vị khai thác và chế biến đá hoa trắng tại Nghệ An cũng như Yên Bái (hai địa phương có đá hoa trắng trên toàn quốc) đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi Nhà nước áp dụng hàng loạt thuế phí môi trường nhằm tăng nguồn thu và giảm thiểu tác động môi trường, hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực khoáng sản hiểu, đồng cảm và chia sẻ. Nhưng từ khi thêm 2 chế tài thu tiền cấp quyền, thuế đất với giá cao và tăng liên tục, sau hạch toán giá thành thì chi phí đã chiếm gần 40% giá thành sản phẩm.

Vì thế, hoạt động của doanh nghiệp khoáng sản ngày càng khó khăn. Việc tăng tiền thuê đất mỏ lên 300% thì mỗi năm chỉ tăng thêm được 5 - 7 tỷ đồng; giá tính thuế tài nguyên tối thiểu thêm 5 - 7 tỷ đồng nữa. Nhưng đổi lại gần 100 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động thì mất một nguồn thu thuế hơn 100 tỷ đồng/năm, chưa kể đến hàng ngàn lao động mất việc làm.

Nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa

Tại Quỳ Hợp, Công ty khai thác đá Trung Liêm hoạt động hơn chục năm nhưng 2 năm nay liên tục thua lỗ do thị trường bị thu hẹp. Có gần 30 ha đất mỏ nhưng doanh nghiệp này chỉ mới đầu tư khai thác 3ha. Lãnh đạo công ty cho biết, nếu những quy định Thông tư 44 áp dụng, chắc chắn công ty phải dừng hoạt động hoặc phải trả bớt 50% diện tích đất còn lại.

Hoạt động kinh doanh khai thác cát đang gặp nhiều khó khăn do thuế phí tăng cao. Ảnh: Thu Huyền

Còn đối với Công ty CP khoáng sản và TM Trung Hải thì mới đầu tư dây chuyền 6 triệu USD và đây là thời điểm những mẻ hàng đầu tiên ra lò, các đơn hàng đã ký tại 10 nước. Để có đơn hàng, công ty đang buộc hạ giá thành, chấp nhận thua lỗ ban đầu để cạnh tranh với các nước. Theo tính toán, nếu thực hiện quy định mới thì chỉ riêng 2 loại thuế tài nguyên, cấp quyền, mỗi năm công ty phải trả trên 13 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa phá sản...

Việc ban hành tiền thuế tài nguyên và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cao hơn nhiều so với giá bán trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Đặc biệt đối với đá hoa trắng làm ốp lát, đá hoa trắng làm bột CaCO3 chủ yếu sản phẩm là thị trường xuất khẩu. Việc tăng thuế tài nguyên (tỷ lệ tăng từ 6% năm 2009 đến nay là 15% và mức giá tối thiểu quy định theo Thông tư 44 của Bộ Tài chính cao hơn nhiều lần giá giao dịch trên thị trường) làm cho các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu khoáng sản đang chồng chất khó khăn cả từ khách quan và chủ quan. Trong khi các nước như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều chính sách hỗ trợ thì chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều, thuế phí, thuế tài nguyên tăng cao, khiến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh gay gắt về thị trường với các nước này. Các doanh nghiệp tranh bán, thậm chí bán dưới giá thành và đang tự làm khó nhau.

Doanh nghiệp khai thác chế biến đá trắng lao đao và doanh nghiệp khai thác cát cũng sống dở chết dở với chính sách thuế phí mới. Trước tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp khai thác cát ở Tân Kỳ, Đô Lương, Nghĩa Đàn đã phải ngừng hoạt động. Tại Tân Kỳ, 13 doanh nghiệp ngừng hoạt động 1 tuần nay. Ông Trần Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH và thương mại dịch vụ Hải An (Tân Kỳ) cho hay, mỏ cát của doanh nghiệp chúng tôi được cấp giấy phép ở Nghĩa Đồng, hoạt động năm 2014, thị trường chủ yếu ở các huyện không có mỏ cát như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Lâu nay giá cát tại mỏ là 30.000 đồng/m3, nhưng với thuế phí tăng cao đột biến như hiện nay thì buộc phải tăng giá bán, dự kiến khoảng 100.000 đồng/m3, tăng hơn 300%. Và như vậy, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Đóng cửa mỏ 29 khu vực khai thác khoáng sản ở Nghệ An

Đóng cửa mỏ 29 khu vực khai thác khoáng sản ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - 6 tháng đầu năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ đối với 29 khu vực mỏ, 8 khu vực mỏ khác đang rà soát để UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ.

Còn Công ty TNHH đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực có mỏ ở Bài Sơn, Đô Lương với trữ lượng khoảng 1 triệu m3. Mỗi năm doanh nghiệp này đóng góp ngân sách trên dưới 1 tỷ đồng gồm thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế GTGT, tiền thuê đất mỏ. Theo ông Bùi Xuân Hải - Giám đốc công ty: Với quy định mới, chỉ có phí bảo vệ tài nguyên môi trường giữ nguyên (4.000-5.000 đồng/m3 tùy loại), còn các loại thuế GTGT, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền sử dụng đất đều tăng mạnh. Ví như đối với doanh nghiệp chúng tôi, trước đây tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 101 triệu đồng/năm thì theo cách tính mới tăng lên 586 triệu đồng/năm; thuế tài nguyên trước chỉ đóng 9.000 đồng/m3 nay gần 37.000 đồng/m3. Thuế phí tăng sốc quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, trước khi Thông tư có hiệu lực chúng tôi đã phải ngừng hoạt động 8 tháng, nay càng vất vả hơn.

Ông Hải và một số doanh nghiệp khác bức xúc cho hay, ở huyện Thanh Chương kề bên không có mỏ nào được cấp, chủ yếu khai thác thổ phỉ. Nhiều điểm mỏ không nộp đồng thuế nào đã bán dưới giá thành (từ 25.000-28.000 đồng/m3) cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp khai thác cát kề bên ở Nam Đàn, Đô Lương. Nay với quy định mới, lại tiếp tục đè gánh nặng lên các doanh nghiệp được cấp phép, các điểm mỏ khai thác thổ phỉ tự tung tự tác không chịu phí cứ thế sống tốt. Tình trạng khai thác cát ở Thanh Chương huyện biết, các cơ quan chức năng biết nhưng không hiểu sao chưa thấy xử lý” - ông Hải lo lắng.

(Còn nữa)

Mới nhất

x
Doanh nghiệp khoáng sản Nghệ An đứng trước nguy cơ đóng cửa vì Thông tư 44
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO