Doanh nghiệp Nghệ An đứng trước lệnh áp thuế mới của Mỹ
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đều kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm đàm phán với phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Thị trường tiềm năng
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Nghệ An (sau Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc). Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Nghệ An - Hoa Kỳ đạt 256,8 triệu USD, chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Trong đó, xi măng 77,4 triệu USD; dệt may 59 triệu USD; giày, dép các loại đạt 35,4 triệu USD; Tôn thép các loại 20,37 triệu USD;... Nhu cầu kết nối hiện nay với Hoa Kỳ tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như: nông - thủy sản, đá các loại, hạt nhựa, vật liệu xây dựng, thiết bị linh kiện điện tử,..
Theo số liệu của Hoa Kỳ năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thặng dư thương mại giữa hai nước đạt khoảng 123 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Mexico và Trung Quốc. Cơ cấu ngoại thương của hai nước mang tính bổ trợ, giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp cận hàng hóa với giá cạnh tranh và chất lượng tốt. Trong tháng 01/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Việc áp dụng thuế đối ứng được cho là để thúc đẩy các quốc gia xem xét lại chính sách thương mại và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho sản phẩm của Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, cho biết: Việc Mỹ áp đặt mức thuế đối kháng 46% lên hàng hóa, trong đó có những mặt hàng từ tỉnh Nghệ An, đã đặt ra một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ảnh hưởng trước tiên nhất là các doanh nghiệp có lượng hàng hóa xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ như: xi măng, dệt may, giày dép, thép, gạch ốp lát, nước hoa quả, hàng thủy sản hay các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu qua công ty mẹ để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ như: linh kiện điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời,.... Doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ giảm lợi nhuận, giảm đơn hàng xuất khẩu, thậm chí đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có khả năng đóng cửa và có thể thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm công nhân, tình trạng thất nghiệp cũng sẽ gia tăng.

Việc giảm xuất khẩu sang Mỹ cũng làm giảm nhu cầu đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ khác nhau trong tỉnh. Các lĩnh vực như vận tải, logistics, đóng gói và các nhà cung cấp nguyên liệu thô phụ thuộc vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu có thể sẽ trải qua sự suy giảm hoạt động kinh doanh và doanh thu.
Nếu mức thuế nhập khẩu quá cao áp cho Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ rất có khả năng sẽ tìm kiếm các lựa chọn cung ứng thay thế để giảm thiểu đáng kể chi phí gia tăng. Các quốc gia như Ấn Độ, Mexico và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á không phải chịu mức thuế tương tự sẽ trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là các nhà cung cấp tiềm năng. Các quốc gia này có thể cung cấp chất lượng sản phẩm tương tự với chi phí nhập khẩu thấp hơn đáng kể, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Việt Nam. Sự thay đổi này có thể có những tác động lâu dài đối với khối lượng xuất khẩu của Nghệ An sang thị trường Mỹ.

Việc thuế quan quá cao còn tác động bất lợi đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nghệ An, đặc biệt là trong các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ (Linh kiện điện tử, hàng dệt may, da giày,.. là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh). Nếu thị trường Mỹ trở nên kém khả thi hoặc kém lợi nhuận hơn đáng kể do thuế quan cao, các nhà đầu tư tiềm năng có thể do dự, trì hoãn trong việc thành lập hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất định hướng xuất khẩu ở Nghệ An, làm cản trở các mục tiêu phát triển kinh tế và công nghiệp hóa dài hạn của tỉnh.
Doanh nghiệp nói gì?
Ông Nguyễn Quốc Hưng – trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vilaconic cho biết: Vilaconic xuất khẩu rất đa dạng về thị trường. Trong năm 2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu tới 90 quốc gia và vùng lãnh thổ nên việc Mỹ đánh thuế không ảnh hưởng quá lớn đến việc kinh doanh xuất khẩu của Vilaconic. Hiện tại, xuất khẩu vào Mỹ của Vilaconic chủ yếu là mặt hàng gạo chất lượng cao. Giá gạo trung bình của Việt Nam đang cao hơn Thái Lan và Ấn Độ. Việc Mỹ đánh thuế lên Việt Nam thì doanh nghiệp càng khó cạnh tranh hơn với Thái, Ấn Độ (bị đánh thuế thấp hơn) trên thị trường Mỹ. Vilaconic đang phối hợp cùng nhà phân phối độc quyền sản phẩm Vilaconic tại Mỹ để đưa ra những giải pháp kịp thời, không đứt gãy chuỗi chung ứng.

Thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% như "cơn sóng dữ" với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn kỳ vọng chính sách sẽ được điều chỉnh theo thực tiễn thương mại và quan hệ hợp tác song phương. May mặc là ngành tiêu dùng thiết yếu, vì vậy, hy vọng có thể sẽ được linh hoạt trong chính sách điều chỉnh thuế.
Là một trong những doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu hàng hóa lớn sang Mỹ, đại diện Công ty May Minh Anh cho hay: Công ty May Minh Anh có đến 95% hàng hóa xuất sang Mỹ. Hiện nay, mức thuế xuất khẩu đang áp là 10%, hợp đồng ký kết tới quý III/2025, nên trước mắt chưa ảnh hưởng, nhưng nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, bởi có những công ty xuất khẩu tới 80%, thậm chí 90% sản lượng sang thị trường này. Do đó, chúng tôi kỳ vọng chính quyền ông Trump có thể sẽ điều chỉnh mức thuế phù hợp hơn sau các vòng đàm phán.

Được biết, mức thuế xuất khẩu bình quân của hàng may mặc Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tăng từ 18% lên 46%, là mức cao nhất trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn vào thị trường này, chỉ sau Trung Quốc 54% và cao hơn các quốc gia cạnh tranh khác như Bangladesh 37%, Indonesia 32%, Ấn độ 27%, Thổ Nhĩ Kỳ 10%. Việc áp mức thuế trên gây tác động khó lường đến ngành may Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Các đơn hàng đã ký đến hết quý II/2025 có thể bị hoãn, hủy hoặc chậm thanh toán, gây rủi ro về dòng tiền cho doanh nghiệp. Các đơn hàng đang đàm phán quý III/2025 có thể không thành công. Nhu cầu tiêu dùng dệt may tại Hoa Kỳ giảm, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu bởi giá tăng quá cao. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các quốc gia cạnh tranh khác có mức thuế thấp hơn, gây thiếu hụt đơn hàng cục bộ hoặc các doanh nghiệp phải giảm giá sâu để duy trì khách hàng. Nguy cơ lỗ nặng do giảm giá bán bù mức thuế tăng để giữ việc làm.
Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp cho biết, trước mắt đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khách hàng mới để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Mặt khác, ngành may mặc kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành may thúc đẩy tiêu dùng hàng dệt may nội địa: Thông qua điều chỉnh thuế VAT xuống dưới 8% và giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng sức mua trong nước, hỗ trợ tiêu thụ một phần sản lượng của ngành may. Ổn định chi phí sản xuất, tạm dừng tăng tiền điện và tăng lương tối thiểu vùng trong những tháng cuối năm 2025 để giảm gánh nặng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, không hạ xếp hạng tín dụng, không tăng lãi suất hoặc cắt giảm hạn mức tín dụng đối với doanh nghiệp ngành may có kết quả sản xuất, kinh doanh không tích cực do ảnh hưởng tiêu cực từ biến động thị trường, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may trong nhiều năm qua. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, thị trường Mỹ chiếm tới 40%. Rào cản lớn nhất hiện nay là ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó, nếu không kiểm soát được xuất xứ của những nguyên liệu này, rủi ro bị áp thuế là rất lớn. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may cần đầu tư công nghệ nhằm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng. Về phía Chính phủ cần triển khai các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là ngành sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước để doanh nghiệp chủ động hơn về đầu vào và tăng cường khả năng phòng vệ trước biến động thương mại quốc tế.
Cùng với ngành dệt may, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như linh kiện điện tử, gỗ, da giày, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm... cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu mức áp thuế mới từ Mỹ được áp dụng. Thông tin từ Sở Công Thương, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đều kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm đàm phán với phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Hoặc giảm bớt mức thuế sẽ áp mức 46%, tương đồng với mức thuế trung bình mà Việt Nam áp cho các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 9,4%.