Doanh nghiệp Nghệ An 'thiệt kép' vì thiếu quan tâm phát triển thương hiệu
(Baonghean.vn) - Hiện nay, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Nghệ An còn quá ít, chưa có tính ổn định và sự phát triển chưa cao.
Thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp tại Nghệ An đăng ký sở hữu trí thuệ và nhãn hiệu hàng hoá, sáng 31/10, Chi nhánh VCCI Nghệ An tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Tham gia có đại diện các sở ngành liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn về thương hiệu.
Nghệ An hiện có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hoá, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. So với toàn quốc, số đối tượng được cấp bằng bảo hộ của các doanh nghiệp Nghệ An xếp loại trung bình khá, nhưng so với các tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng thì tỷ lệ quá nhỏ, và rất ít doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thương hiệu.
Kết quả điều tra nhu cầu của doanh nghiệp về đăng ký SHTT và nhãn hiệu hàng hoá ở Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân |
Vừa qua, VCCI Nghệ An phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện điều tra nhu cầu của doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Qua điều tra 427 doanh nghiệp (DN NN, DN Tư nhân, Công ty TNHH, doanh nghiệp nước ngoài, DN liên doanh, Công ty cổ phần, HTX), chỉ có 16,4% DN đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% DN đang tìm hiểu, có 50,4% DN chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ; 11,7% DN chưa có nhu cầu, chưa quan tâm, chưa có ý định đăng ký; số còn lại các doanh nghiệp nhập các loại sản phẩm, vật liệu từ các nhà máy có uy tín trong nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH |
Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Nghệ An còn quá ít so với hoạt động kinh tế của tỉnh, chưa có tính ổn định và sự phát triển chưa cao, tỷ lệ đơn đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh so với cả nước còn thấp, chỉ bằng 0,46%. Các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đăng ký, bảo hộ chưa đều, đặc biệt là sáng chế chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Bà Đặng Thanh Vân - Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu và quản trị, Giám đốc Công ty Thanks, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Ảnh: TH |
Chia sẻ tại hội thảo về nhận thức của doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Phương, Trưởng phòng Tin học - Thống kê KH&CN (Trung tâm thông tin KHCN và tin học tỉnh) cho rằng hiện nay doanh nghiệp chưa mặn mà với đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do nhận thức còn hạn chế, chưa thực sự xem đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là công cụ để phát triển bền vững.
"Nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin về pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đăng ký nhãn hiệu nói riêng. Doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề này vì chưa lường hết những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp mình có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh khi không đăng ký quyền sở hữu, cũng như chưa hiểu rõ những quyền lợi mà doanh nghiệp mình sẽ được hưởng" - bà Phương nói.
Cam Vinh đã trở thành thương hiệu riêng có của Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Hội thảo cũng được nghe bà Đặng Thanh Vân – Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu và quản trị, Giám đốc Công ty Thanks, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp đề xuất Chi nhánh VCCI tại Nghệ An và các cơ quan chức năng tăng hỗ trợ DN về thủ tục và các cơ chế chính sách khi DN thực hiện đăng ký SHTT và nhãn hiệu hàng hoá; có giải pháp rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để tạo thuận lợi cho DN cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, tập huấn xây dựng quản trị và quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông và xây dựng Website thương mại điện tử.
Các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra chặt chẽ các vấn đề vi phạm bản quyền, hàng giả trên mọi lĩnh vực, tuyên truyền cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu biết về các vấn đề sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hoá…
Thu Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|