Kinh tế

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì giá cước vận tải biển tăng cao

Thu Huyền 05/06/2024 15:59

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá mạnh, nhưng giá cước vận tải tăng cao đang khiến doanh nghiệp khó khăn khi xuất hàng.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%). Xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

bna_thi-truong-dau-ra-giam-nguyen-lieu-kho-khan-khien-san-xuat-ca-hop-xuat-khau-o-kcn-nam-cam-san-xuat-cam-chung-anh-thu-huyen.jpg
Sản xuất tại nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu, Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Tại Nghệ An, thông tin từ phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự ước 5 tháng đầu năm 2024 đạt 1.107,5 triệu USD, tăng 25,04% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng khá như: Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 72%; Tôn thép các loại tăng 29,2%. Một số sản phẩm tăng do gia tăng đơn hàng xuất khẩu như hàng dệt may tăng 10,8%, dăm gỗ tăng 70,3%. Một số sản phẩm có thêm nhiều nhà máy đi vào hoạt động ổn định cũng tăng cao như giày dép các loại tăng 34,7%, dây điện và cáp điện tăng 86,5%... Ngoài ra, nguồn cung gạo trên thế giới thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu, cũng giúp gạo xuất khẩu tăng 96,3%...

bna_do-hoa-bde36b09fcdb3df48ee54a56d7b87458.jpg
Đồ họa: Hữu Quân

Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ 2023, điển hình như hàng thủy sản (bột cá biển) giảm 26% do lượng tồn kho từ năm trước còn tương đối nhiều, khách hàng chưa có nhu cầu nhập thêm. Hoa quả chế biến và nước hoa quả, giảm 35%; Đá ốp lát và đá cục giảm 10%. Nguyên nhân chính của việc giảm các đơn hàng là do lạm phát và việc thắt chặt chi tiêu ở một số quốc gia trên thế giới: Châu Âu, Hoa Kỳ,… khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước này giảm.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Nghệ An đạt 898,5 triệu USD, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dự ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2024 đạt 1.018,5 triệu USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cước vận tải biển tăng đột biến

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do giá cước vận tải tăng cao. Theo các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các thị trường Mỹ, châu Âu khoảng 4.000 - 4.500 USD/container và bị áp phụ phí khoảng 1.500 - 3.000 USD/container. Tính tổng chi phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua tăng 70%. Hàng đông lạnh đi châu Âu còn tăng mạnh hơn.

Nếu như năm 2021, giá cước tàu biển tăng cao do thiếu container rỗng, khó khăn của dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến toàn cầu, thì tới năm 2022 ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine đã khiến giá cước tàu tăng cao liên tục. Đầu năm 2024, căng thẳng Biển Đỏ lại khiến cước vận tải biển cùng hàng loạt phụ phí tiếp tục tăng lên. Một số tuyến vận tải biển khác cũng tăng theo.

bna_tau-container-cap-cang-cua-lo-anh-thu-huyen-3475f5a47b7a347a49b5732dac64dd69.jpeg
Tàu container cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Chẳng hạn câu chuyện xuất khẩu tinh dầu thông Công ty CP thông Nghệ An. Sản phẩm tinh dầu thông của doanh nghiệp này đã được xuất khẩu tới Hàn Quốc, Pakistan, Philippines, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Singapore và châu Âu. Anh Trần Trọng Huỳnh - Phó phòng kinh doanh Công ty CP Thông Nghệ An cho biết: Nhà máy chế biến tinh dầu thông của chúng tôi có khả năng sản xuất 10.000 tấn nhựa thông và 3.000 tấn tinh dầu thông mỗi năm. Hiện nay đang vào mùa thu hoạch thông, nguyên liệu đảm bảo cho chế biến, nhưng giá vận chuyển xuất khẩu tăng quá cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Cước vận tải đường biển hiện tăng rất cao, cách đây nửa tháng, từ Hải Phòng đi Ấn Độ tăng hơn 2 lần. Các chỗ để chạy hàng từ Việt Nam đi Ấn Độ rất ít, trong khi đó dầu thông mang tính chất nguy hiểm, là chất lỏng dễ cháy nổ, các hãng tàu hạn chế nhận hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp đặt chỗ từ nhiều tuần nhưng vẫn chưa chắc chắn. Nếu như trước đây phí mất cân bằng container (CIC) phía nhà nhập khẩu chịu nhưng nay phía chủ hàng ở Việt Nam phải chịu chi phí này. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vỏ container cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo tính toán của doanh nghiệp, chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm, và với tình hình như hiện nay thì còn tăng cao hơn” - anh Huỳnh chia sẻ.

bna_hang-container-boc-xep-tai-cang-cua-lo-anh-thu-huyen.jpeg

Được biết, hiện tại tất cả các giao dịch thương mại đang bị thị trường Trung Quốc chi phối. 2 tuần nay và thị trường đang dự báo sẽ kéo dài cho tới khi Mỹ kết thúc việc áp luật thuế mới, toàn bộ container rỗng đang bị chuyển về Trung Quốc do họ trả chi phí cao hơn các nước khác. Nên sắp tới dự đoán ở Việt Nam sẽ cực kỳ thiếu container rỗng. Hiện tại, việc đặt chỗ trên tàu rất khó, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang chuyển hướng sang đi máy bay, vì thường xuyên bị hoãn và cước tăng cao.

Thực tế, từ năm 2021 đến nay, có quá nhiều yếu tố đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Việt đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán. Thời gian vận chuyển lâu hơn cũng khiến chi phí tăng, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, chi phí, phụ phí tăng lên,…

Một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn bởi về vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.

Vận chuyển nội địa hoặc một số tuyến vùng Nam bán cầu thì cơ bản giá cả ổn định. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng sang Mỹ, châu Âu… sẽ bị ảnh hưởng. Vì tránh điểm nóng, đi đường dài hơn dẫn tới chi phí tăng, thiếu container. Trong chuỗi cung ứng logistics có rất nhiều khâu từ cảng, xếp hàng, bốc dỡ, do đó, các doanh nghiệp cần cố gắng giảm các chi phí ở các khâu khác. Ngoài ra, cần đàm phán với các hãng tàu nước ngoài đối với giá tăng thêm, tránh trường hợp hãng tàu lợi dụng để tăng giá cước lên.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH cảng Cửa Lò

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì giá cước vận tải biển tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO