"Độc chiêu" của gã giám đốc mê cờ bạc
Với mong muốn làm giàu nhanh chóng, từ một giáo viên tiểu học, Đặng Hồng Anh (huyện Yên Thành) chọn cách bỏ nghề để đi kinh doanh. Tuy nhiên, việc kinh doanh không như dự tính, Hồng Anh đã “phù phép” biến những chiếc xe thuê rồi bán cho người khác để kiếm tiền đắp vào những cuộc vui chơi cá nhân...
Từ thầy giáo thành giám đốc công ty
Cuối năm 2015, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Nghệ An nhận được đơn trình báo của một số cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái về việc khách hàng thuê xe nhưng quá thời hạn hợp đồng vẫn không trả. Dù các cơ sở kinh doanh đã tìm nhiều cách liên lạc nhưng khách hàng vẫn tìm nhiều lý do để trốn tránh.
Điều đáng nói, đối tượng được các cơ sở kinh doanh trên tố cáo lại đang nằm trong diện “theo dõi” của các trinh sát Công an tỉnh Nghệ An. Đó chính là Đặng Hồng Anh (SN 1979, trú tại xã Tân Thành (huyện Yên Thành) đang trong thời gian tại ngoại, chờ xét xử về tội đánh bạc. Hắn liên tục có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế. Chỉ trong thời gian ngắn, Hồng Anh cùng đồng bọn thường xuyên thay đổi các loại xe ô tô thuê tự lái, thậm chí lại còn mua 2 chiếc xe ô tô trả góp cùng một lúc. Những dấu hiệu trên đã khiến cho các trinh sát đặt ra nhiều sự nghi vấn về dòng tiền chảy vào túi Đặng Hồng Anh.
Qua tìm hiểu những nguồn thông tin tin cậy, các trinh sát được biết Đặng Hồng Anh từng là giáo viên một trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn. Ngoài việc làm giáo viên cắm bản, Hồng Anh còn dành thời gian nhận làm “cò” cung cấp xăng dầu, điện cho các trạm phát sóng viễn thông ở miền núi. Với nguồn thu nhập ổn định, Hồng Anh quyết định xin nghỉ dạy để thành lập công ty TNHH chuyên cung cấp dầu, điện cho các trạm phát sóng ở các huyện miền núi. Từ ngày thành lập công ty, Hồng Anh dần có nhiều mối quan hệ lại cộng thêm công ty làm ăn phát đạt, phất như diều gặp gió, hắn bắt đầu dấn thân vào các ván bạc đỏ đen.
Năm 2015, Đặng Hồng Anh bị bắt trong một vụ đánh bạc. Hoàn thành giai đoạn điều tra, Hồng Anh được cho tại ngoại để chờ xét xử. Cùng thời điểm này, công ty của Hồng Anh làm ăn thua lỗ, chưa kể những khoản nợ ăn chơi cờ bạc khiến Hồng Anh không thể xoay xở. Thiếu tiền tiêu xài, Đặng Hồng Anh bàn với Trần Duy Đông (SN 1986), người cùng xã, cùng nhau lừa đảo tài sản. Với đầy đủ bằng chứng, chiều 16/3/2016, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hồng Anh cùng đồng bọn để làm rõ hành vi lừa đảo.
18 chiếc xe thuê và hơn 7 tỷ đồng
Vụ án đầu tiên mà Hồng Anh cùng đồng bọn thực hiện chính là vào tháng 11/2015, Đặng Hồng Anh thuê một chiếc Toyota Innova của anh Nguyễn H.S. (Diễn Châu) với giá 750 nghìn đồng/ngày, thời gian thuê từ ngày 2/11 đến 2/12/2015. Thuê được xe, Đặng Hồng Anh lập tức mang đi cầm nhưng không được nên y đã nhờ đối tượng Trần Duy Đông đi cầm.
Ngày 19/11/2015, Trần Duy Đông thuê người làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô trên mang tên Trần Duy Đông với giá 2,5 triệu đồng/bằng lái, rồi đem đi cầm tại nhà anh Phú (trú xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu). Tại đây, Phú kiểm tra đăng ký xe ô tô thấy trùng hợp với biển kiểm soát và tên của Đông, nhưng vẫn yêu cầu phải có vợ của Đông đến và có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mới cho cầm xe. Trần Duy Đông nói lại yêu cầu này với Đặng Hồng Anh và hắn đã nhờ bạn là Cao T.L. (trú tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) đóng giả làm vợ của Đông.
Khoảng 18h cùng ngày, Đông về nhà lấy giấy đăng ký kết hôn rồi cùng Cao T. L. đến nhà anh Phú. Tại đây, Phú đồng ý cho cầm xe và Đông phải viết một giấy vay nợ số tiền 300 triệu đồng. Đông đã đưa toàn bộ số tiền cầm xe cho Đặng Hồng Anh.
Đến hết hạn hợp đồng, anh Nguyễn H.S. nhiều lần gọi điện yêu cầu trả xe và tiền thuê xe nhưng Đặng Hồng Anh trốn tránh và tắt điện thoại. Ngày 8/3/2016, anh Nguyễn H.S. đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xe ô tô tự lái của Đặng Hồng Anh đến Công an tỉnh Nghệ An.
Với thủ đoạn này, từ thời điểm cuối năm 2015 đến trước lúc bị bắt, Trần Duy Đông đã thực hiện 6 vụ lừa đảo. Riêng đối tượng Đặng Hồng Anh, hắn khai nhận, với thủ đoạn tương tự, hắn đã thực hiện 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 14 chiếc xe ô tô của các chủ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, trong đó chủ yếu là xe Innova 7 chỗ và đem đi cầm cố lấy tiền trả nợ và đánh bạc.
Mỗi chiếc xe sau khi hoàn thiện bộ giấy tờ giả, hắn đem đi cầm cố với giá từ 300 đến 400 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng này còn khai nhận, lợi dụng chính sách mua xe trả góp của các hãng kinh doanh ô tô, hắn đã mua 2 chiếc xe ô tô trả góp BKS 37C-116.06 và 37C-186.79 của hãng Ford. Mặc dù giấy tờ, đăng ký xe đã bị đơn vị bán hàng giữ nhưng sau khi lấy được hai chiếc xe về Đặng Hồng Anh tiếp tục nhờ người làm giả giấy tờ và đem bán.
Theo kết luận cơ quan điều tra, trong vòng 4 tháng, Anh và Đông đã thực hiện 18 hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản từ các công ty thuê xe tự lái chiếm đoạt 18 xe và thu lợi bất chính 7,2 tỷ đồng.
Ân hận muộn màng
Phiên tòa xét xử Đặng Hồng Anh diễn ra cuối tháng 6/2017, phiên tòa có rất nhiều bị hại đến dự khán. Đặng Hồng Anh bị truy tố là người cầm đầu của đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn này.
Theo kết luận tại cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, để có tiền trả nợ, Đặng Hồng Anh và Trần Duy Đông đã lấy danh nghĩa giám đốc để đi thuê xe tự lái, sau đó nhờ các đối tượng ở các huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu làm giả giấy tờ đăng ký rồi đem xe đi cầm, cắm ở nhiều địa phương, đã thực hiện 18 hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của chúng là thuê xe ô tô tự lái rồi về nhờ các đối tượng quen biết cung cấp thông tin cá nhân họ tên, ngày/tháng/năm sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân... để làm giả giấy đăng ký xe ô tô. Sau đó, chúng mang xe đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.
Được biết, khi thuê xe, Đặng Hồng Anh bỏ ra số tiền lớn hơn mức thuê bình thường, từ 30 - 40 triệu đồng đặt cọc và hợp đồng có dấu đỏ của công ty. Bởi vậy, các chủ cho thuê xe rất tin tưởng hắn. Các chủ cho thuê xe ô tô lại ở nhiều địa điểm khác nhau nên không biết chúng thuê nhiều xe như vậy.
Trước khi HĐXX bước vào nghị án, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối lỗi và xin nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hai đối tượng cầm đầu là Đông, Hồng Anh đều tỏ ra hối lỗi và cam đoan sẽ bồi thường các thiệt hại gây ra. Riêng Hồng Anh nói trước tòa: “Xin tòa giảm án để bị cáo sớm được trở về lao động kiếm tiền bồi thường thiệt hại đã gây ra. Nếu đời bị cáo không trả được thì sẽ viết di chúc để con, cháu trả hết khoản nợ đó”.
“Bị cáo không bao giờ chối bỏ trách nhiệm, mong nhận được sự khoan hồng để khi quay về còn có cơ hội, có sức lao động làm việc. Trong thực tế thì quan điểm của bị cáo là mục đích khắc phục hậu quả mình gây ra là quan trọng nhất. Nhưng nếu bị cáo lãnh mức án 19 năm tù (đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị phạt 18-19 năm tù) thì khi ra tù bị cáo đã 60 tuổi rồi khi đó bị cáo không còn sức nữa”.
Theo những người dân địa phương từng là hàng xóm của Hồng Anh cho biết: Đặng Hồng Anh với danh nghĩa giám đốc thành đạt, rất hay tham gia các hoạt động ủng hộ từ thiện và phong trào thể thao, văn hóa, giáo dục của địa phương. Với sự phóng khoáng, tính tình cởi mở lại xuất thân từ nghề giáo nên được nhiều bà con trong làng biết đến. Ngay khi nghe tin, rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi biết Hồng Anh dính vào cạm bẫy cờ bạc”.
Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Hồng Anh 16 năm tù, Trần Duy Đông 12 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, buộc Đặng Hồng Anh phải bồi thường cho người bị hại hơn 3,3 tỷ đồng, Trần Duy Đông bồi thường hơn 2,6 tỷ đồng.