Độc đáo bức tranh thổ cẩm gần trăm năm tuổi của đồng bào Thái ở Nghệ An
Tại vị trí trang trọng nhất của căn nhà sàn, chị Lô Thị Hoa treo bức tranh thổ cẩm gia truyền đã gần một trăm năm tuổi.
Một ngày mùa Xuân năm Ất Tỵ, chúng tôi đến thăm homestay Hoa Thụ tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện vùng cao Con Cuông của xứ Nghệ. Sự trong trẻo, mướt mát của cây lá vườn nhà và bầu không khí lành lạnh điểm thêm làn khói bếp cay nồng khiến du khách đến với bản làng nơi đây cảm thấy thân thuộc, gần gũi, ấm cúng.
Gian phòng khách dưới nếp sàn, nhiều tiểu cảnh trang trí đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi đặc biệt bị thu hút bởi bức tranh thổ cẩm được treo trang trọng bên trên khung cửi dệt vải.
Giới thiệu về bức tranh, chị Lô Thị Hoa, chủ homestay Hoa Thụ cho biết, “bức tranh này được bà nội của chị dệt bằng tay, sử dụng nguyên liệu, màu sắc thiên nhiên trồng trong vườn nhà. Bức tranh mô phỏng kỹ thuật, hoa văn thổ cẩm đặc trưng của đồng bào và đã được trao truyền qua 3 thế hệ, đã gần 100 năm”.
Chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi đã qua chừng ấy thời gian, song màu sắc của bức tranh vẫn tươi sáng, rực rỡ như mới. Nổi bật trên nền trắng là khung viền màu đỏ tươi, các tông màu xanh, đỏ, nâu được phối hài hoà, đường chỉ thêu sắc nét.
Chị Hoa tiếp lời, cách nay vào năm đã có một nhóm du khách Nhật Bản đến thăm bản làng và đã có một phụ nữ đến từ đất nước mặt trời mọc say mê bức tranh này, tha thiết muốn mua nhưng chị đã không bán. Bức tranh không chỉ lưu giữ, thể hiện những kỹ thuật dệt, nhuộm màu thiên nhiên, ẩn chứa phong tục tốt đẹp của đồng bào, mà còn là vật báu gia truyền của đời trước để lại cho con cháu.
Hỏi về phong tục của đồng bào Thái thể hiện ở bức tranh này, chị Lô Thị Hoa cho hay, xưa những cô gái Thái từ tấm bé đã được bà, mẹ truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm. Và mỗi người con gái đều phải tự tay dệt, may cho mình những bộ đồ, khăn áo, chăn gối bằng thổ cẩm, sử dụng nguyên liệu được trồng trong vườn nhà và rừng núi để làm của hồi môn khi về nhà chồng.
Hoa văn dệt thêu trên trang phục của người con gái Thái thường mô phỏng những hình tượng cỏ cây, hoa lá và các quan niệm, phong tục của đồng bào mình. Đồng thời, gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình giữa thiên nhiên trong lành.
Nền của bức tranh được tạo từ sợi bông, giữ nguyên màu trắng tự nhiên. Còn các màu sắc khác được tạo từ các loại lá cây. Có những loại cây có thể trồng trong vườn nhà như lá cẩm, củ nghệ, hoa mười giờ… Song cũng có những loài phải vào rừng để lấy như củ nâu, vỏ cây săng vì…
Và tuỳ vào cách pha màu, cách hấp nhuộm theo bí quyết riêng của mỗi người mà cho ra các màu sắc khác nhau. Chất liệu vải và màu thiên nhiên từ cây lá, cùng với những công đoạn hấp, nhuộm, dệt đặc biệt đã giúp giữ màu sắc bền bỉ qua thời gian hàng chục, hàng trăm năm.
“Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau khi đã xong việc đồng áng, việc nội trợ, các bà các mẹ mới ngồi vào khung cửi dệt. Vì thế, bức tranh này mất 1 năm mới hoàn thành. Đây là vật báu gia truyền, gia đình sẽ lưu giữ để trao lại cho con cháu mai sau" – chị Lô Thị Hoa bày tỏ.