Thị trường

Tết về, thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) không đủ hàng bán cho người nước ngoài

Trân Châu 10/01/2025 06:44

Nhờ phương pháp dệt thủ công truyền thống và hoa văn tinh tế, chị em phụ nữ của HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu có thu nhập khá ổn định. Những tháng gần Tết Nguyên đán này, mỗi tháng HTX xuất được hàng trăm cái khăn cho khách hàng châu Âu.

HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến ở bản Hoa Tiến - Châu Tiến (Quỳ Châu) nằm cạnh con sông Hiếu, có cánh đồng Tạ Chum bằng phẳng, trù phú. Nơi đây còn nét độc đáo ít nơi nào có được, đó là có hơn 200 cọn nước hàng chục năm qua êm ả chở nước lên các thửa ruộng bậc thang. Về Hoa Tiến mùa này, róc rách tiếng nước chảy từ các cọn nước kịp sản xuất Đông xuân, các ô thửa nhộn nhịp bà con cày cấy vụ Xuân để Tết được nghỉ ngơi vui lễ hội. Ngoài đồng là vậy, còn trong bản, chị em ở HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến miệt mài ngày đêm khi đơn hàng ngày một nhiều, tất cả là các sản phẩm là khăn tơ tằm đặt hàng từ Hà Nội cho khách hàng từ nhiều quốc gia, chủ yếu là châu Âu. Đang đứng xem các chị dệt lụa, kiểm hàng thì có hai đoàn khách nước ngoài từ Hà Nội đến tham quan, tìm hiểu. Họ thích thú ngắm nhìn các sản phẩm, xem chị em bản Hoa Tiến dệt vải và rồi ở lại trải nghiệm dịch vụ homestay tại đây với ngủ nhà sàn, thưởng thức các món ăn hấp dẫn của núi rừng.

Bna- Thổ cẩm Hoa tiến
Thổ cẩm Hoa Tiến với hoa văn độc đáo, được du khách ưa chuộng. Ảnh: Trân Châu

Chị Sầm Thị Bích - đại diện HTX thổ cẩm Hoa Tiến chia sẻ: Tổ dệt có nhiều chị em cung cấp tơ, sợi, xe sợi nhưng có 4 chị em dệt giỏi, làm cả ngày đêm mà không đủ hàng để bán. Khách từ Hà Nội đặt nhiều, chủ yếu là khăn tơ tằm tự nhiên với các màu sắc tự nhiên, độc đáo của bản Hoa Tiến. Các khăn này được các chị ở đây thêu trực tiếp lên khăn bằng các hoa văn và màu sắc tự nhiên của tơ, của rừng núi. Nói rừng núi vì màu dệt được làm từ cây lá rừng và hoa văn cũng là những bức tranh sinh động về đời sống, núi rừng. Nét độc đáo ở đây là các hoa văn màu sắc rất trang nhã, hài hoà mà vẫn giữ được hồn cốt thổ cẩm là lục, lam chàm, tím... mà các chị được truyền dạy từ các bà, các mế.

 thổ cẩm Hoa tiến2
Chị Sầm Thị Bích chuẩn bị hàng để chuẩn bị xuất bán ra Hà Nội. Ảnh: Trân Châu

Hỏi chị Sầm Thị Bích khi chị đang kiểm tra một cái khăn khá cầu kỳ chuẩn bị đi nhập, chị lần lượt chỉ vào các sản phẩm và giới thiệu: Đây là hoa văn cây rau dún, một loại rau phổ biến ven sông, suối, chị em thường đi hái về ăn, bây giờ "cảm ơn" nó cho nó lên đây. Thế đây là hoa văn gì? Đây là con chẫu chàng, cũng là con vật và là món ăn gần gũi của đồng bào Thái nhà ta, cũng cho nó lên đây. Còn đây hoa trạng nguyên, đây là mặt trời, đây là hươu, nai, ngôi sao, chim muông, giá đỡ cồng chiêng, đây là hoa ban...

img_7662.jpeg
Những hoa văn trang nhã trên sản phẩm thổ cẩm làm bằng tơ tằm ở Hoa Tiến. Ảnh: Trân Châu

Cứ thế, chị Bích giới thiệu với chúng tôi hàng chục hoa văn, nét thêu mà dưới bàn tay điêu luyện tài tình cùng óc thẩm mỹ sáng tạo của các chị, từng tấm khăn như lụa mô phỏng đời sống tinh thần của bản làng dần hiện ra ánh lên trong sắc tơ tự nhiên.

Chính hoa văn lạ, cầu kỳ và màu sắc nhã nhặn đã giúp cho sản phẩm thổ cẩm của Châu Tiến hấp dẫn khách hàng người ngoại quốc. Từ yêu thích sản phẩm, yêu thích nét văn hoá cổ xưa, họ đã không quản xa xôi tìm về đây để trải nghiệm các hoạt động sản xuất trồng bông, dệt vải, ngắm nhìn các chị các bà ngồi dệt từng sợi từng sợi tơ trên khăn áo truyền thống.

Do phải kéo, đan từng sợi nên mỗi chiếc khăn tơ tằm một người dệt phải mất gần 3 ngày, và khăn được bán với giá 600-750 nghìn đồng/chiếc. Cán bông, xe sợi vào khung, từng hoa văn lại phải có cách xe, dệt riêng, khung riêng, tỉ mỉ và nhẫn nại và nhẹ nhàng, cảm nhận chỉ có đồng bào miền núi chịu thương chịu khó nơi đây mới làm được.

img_7216.jpeg
Thổ cẩm Hoa Tiến (Châu Tiến) Quỳ Châu. Ảnh: Trân Châu

Trước đây, hoa văn trên thổ cẩm rất rực rỡ với các màu sắc đỏ, đen, trắng, tím, xanh lá... càng nổi bật càng rực rỡ trong sắc xuân, trong lễ hội. Trang phục làm từ thổ cẩm là tinh hoa, tài sản, là của hồi môn của các cô gái khi về nhà chồng. Nhưng nay, bắt kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng ngoại quốc ưa chuộng các sắc màu tự nhiên, trang nhã, thổ cẩm Châu Tiến đã áp dụng các kỹ thuật nhuộm làm sao để có màu tự nhiên nhất, đồng thời các chị, các mẹ nghiên cứu phối trộn hoa văn hài hoà, tạo nên những sản phẩm độc đáo với các màu sắc như be, nâu sáng, nâu vàng, xanh nhạt, lam nhạt, hồng nhạt, xanh xám...

Bản Hoa Tiến dù không có nhiều các hộ làm nghề dệt vải nhưng kỹ thuật dệt lại rất giàu kinh nghiệm, làm được các mẫu khó. các chị đã hài hoà giữa nhu cầu của khách và giới thiệu lan toả các giá trị truyền thống của bản làng người Thái Nghệ An. Sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến có tính ứng dụng cao, sử dụng giữ ấm trong mùa đông, được du khách yêu thích. Các chị em cũng làm du lịch cộng đồng, tập đón khách, phục vụ ăn nghỉ cho khách với các món ăn truyền thống như xôi nếp cẩm, gà nướng, cá nướng, nấm nướng, chẻo, canh ột, cá tịt mũi... mà thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Cách bán hàng độc đáo

Chị Sầm Thị Nga - một người dệt giỏi ở đây cho biết, chúng tôi chỉ biết dệt và rất yên tâm vì đầu ra có cô Sầm Thị Tình, con gái của chị Sầm Thị Bích ở Hà Nội bao tiêu, lo bán sản phẩm cho toàn bộ trong bản.

Chị Sầm Thị Tình sinh ra và lớn lên ở Châu Tiến, Quỳ Châu, từ nhỏ đã sớm được trải nghiệm các công việc trồng bông, dệt vải của bà, của mẹ, được mẹ, được bà hát ru cho các bài thơ nói về nghề dệt, nghề truyền thống của bản làng.

Tình yêu quê hương cùng với khát vọng mong muốn được giới thiệu nét văn hoá độc đáo của quê nhà đã thôi thúc chị phải tìm mọi cách để đưa đặc sản địa phương đến với Thủ đô và bạn bè trong cả nước. Và chị đã kết nối, mở cửa hàng giới thiệu thổ cẩm Hoa Tiến tại Hà Nội ở hai địa điểm tại Craplink và Hoa Tien Brocade. Có những thời điểm rất khó khăn, đó là các năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chị em Hoa Tiến vẫn không bỏ cuộc, cần mẫn trồng bông dệt vải, chuẩn bị hàng để phục vụ cho các dịp lễ, Tết.

img_7661.jpeg
Chị Sầm Thị Tình bên khung dệt truyền thống của gia đình. Ảnh: CSCC

Nói về thu nhập, chị Sầm Thị Bích cho biết, doanh thu thổ cẩm mỗi năm đạt hơn từ 1 đến 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, trừ tiền công thì chị em trong nhóm được hưởng khoảng 30-40 phần trăm công dệt. Đó là nguồn thu nhập khá ở bản làng. Còn đối với dịch vụ nghỉ dưỡng homestay, chị em cũng tích cực trồng rau, nuôi gà, học nấu ăn, chế biến các món ăn cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ khách du lịch. Chị em còn nhận sợi chuối, sợi dứa về để kéo thành sợi dệt vải.

img_7664.jpeg
Sản phẩm được giới thiệu tại Hà Nội. Ảnh: CSCC

Thêm một trải nghiệm dịch vụ homestay ở bản làng Hoa Tiến là du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, được ngắm cảnh các chị cần mẫn dệt vải, xe tơ trong những ngày cận Tết, thấy sắc Xuân đã về với bản làng.

Bản Hoa Tiến chỉ cách Quế Phong khoảng 10 km nên kết nối được cả du lịch Quế Phong, nơi có thác Sao Va nổi tiếng. Chị Vi Thị Hoài, một chủ homestay cho biết, mùa hè khách còn tới đông hơn, chị thì lo phòng ngủ, bữa ăn cho khách. Còn các chị em trong tổ người dệt, người nấu ăn, người làm sợi, hỗ trợ nhau cùng nhau giữ gìn và lan toả các sản phẩm dệt thủ công của bản. Hạnh phúc bình dị của các chị là đã có việc yêu thích để làm và có thu nhập ngay tại quê nhà.

 khách
Du khách trải nghiệm dịch vụ homestay ở bản Hoa Tiến. Ảnh: Trân Châu

Mới nhất

x
Tết về, thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) không đủ hàng bán cho người nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO