Kinh tế

Hiệu quả từ bảo tồn nguồn lợi cá mát ở Quỳ Châu

Bé Vinh 22/07/2024 17:01

Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm” cho thấy triển vọng phát triển du lịch gắn với sinh kế của bà con xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu.

anhA1 (2)
Bản Nặm Cướm và dòng suối Nặm Cướm nhìn từ trên cao. Ảnh: Bé Vinh

Suối Nậm Cướm bắt nguồn từ một dòng chảy nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Theo tiếng Thái, Pù Huống nghĩa là núi lớn. Dãy núi lớn này là tên gọi chung một vùng rộng lớn kéo dài một vùng giáp ranh giữa các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Tương Dương.

Dòng Nậm Cướm bốn mùa trong veo, cây cối tươi tốt là nơi sinh sống lý tưởng của các loại cá suối như: Cá mát, cá còm, chạch… Đây cũng là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho các đồng lúa xanh tươi tốt ở các bản Cướm, bản Chao của xã Diên Lãm.

anhA5 (2)
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Diên Lãm đón 40 đoàn khách đến tham quan du lịch và ngắm cá mát trên các đoạn suối Nặm Cướm được bảo vệ. Ảnh: Bé Vinh

Con suối này như một cái “ao” chung của bản làng, nguồn lợi từ thủy sản như món quà của thiên nhiên ban tặng cho các hộ dân sinh sống dọc con suối khi đời sống khó khăn trước đây. Thế nhưng, khi người dân địa phương sử dụng các loại dụng cụ để đánh bắt cá theo tận diệt như kích điện, nổ mìn thì nguồn lợi thủy sản ở Nậm Cướm gần như cạn kiệt.

Anh Lang Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diên Lãm cho biết: Trước thực tế bắt đầu cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên các khe, suối, Đảng ủy và chính quyền xã thấy rằng cần phải thực hiện việc bảo tồn lại nguồn lợi thủy sản cá mát và các loại cá trên dòng suối Nặm Cướm. May mắn thời điểm này, bà con tham gia chuyến tham quan học hỏi tại một xã của huyện Tương Dương - địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn cá mát.

anhA2 (2)
Chính quyền địa phương thả lưới bắt cá, đánh giá hiệu quả mô hình. Ảnh: Bé Vinh

Sau chuyến tham quan đó, tại kỳ họp HĐND cuối năm 2022, đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm” được thông qua và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đại biểu HĐND xã.

Khi bắt tay vào triển khai, cả hệ thống chính trị cơ sở đã vào cuộc bằng việc, ra thông báo nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Những quy định được đưa ra mang tính răn đe nghiêm minh như: Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Diên Lãm sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Người dân trên địa bàn đánh bắt thủy sản trái với quy định sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính.

Sau 1 năm rưỡi xây dựng mô hình, khi khảo sát nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy, rất nhiều đàn cá mát bơi lội dưới mặt nước trong veo. Mỗi lần người dân và các đoàn khách tham quan đến đây, chỉ cần thả ít cám gạo sẽ thấy từng đoàn cá nổi lên ăn, ai cũng thích thú. Mô hình đã đón nhiều đoàn khách đến đến tham quan chụp ảnh.

 anhA2 (3)
Chính quyền địa phương cắm biển cấm đánh bắt nguồn lợi thủy sản đầu năm 2023. Ảnh: Bé Vinh

Từ đầu năm 2024 đến nay, chính quyền địa phương và cán bộ Ban quản lý bản Cướm đã thử thả lưới các đoạn suối. Mỗi mẻ thu về từ 1,5 đến 2kg cá mát, cá láu…

Hiệu quả bước đầu của mô hình đã cho thấy hướng đi hiệu quả trong việc bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản bản địa ở Quỳ Châu. Trong thời gian tới, xã Diên Lãm nói riêng, huyện Quỳ Châu nói chung sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình bảo vệ đàn cá trên các khe suối gắn với việc phát triển du lịch sinh thái.

Mới nhất

x
Hiệu quả từ bảo tồn nguồn lợi cá mát ở Quỳ Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO