Kinh tế

Hàng trăm hộ nghèo Quỳ Châu được trao 'cần câu' tạo sinh kế

Xuân Hoàng - Quang An 14/07/2024 14:28

Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Châu được trao “cần câu” vươn lên thoát nghèo.

Tạo niềm tin giảm nghèo

Cầm bản danh sách số hộ được hỗ trợ con giống từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia, chúng tôi về bản Hội 3 của xã Châu Hội (Quỳ Châu), tìm đến gia đình chị Vi Thị Hải - một trong số những hộ được hỗ trợ giống lợn đen địa phương khi chị đang cho đàn lợn ăn.

ho ngheo 5
Chị Vi Thị Hải ở bản Hội 3, xã Châu Hội tích cực chăm sóc đàn lợn đen địa phương sau khi được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: Xuân Hoàng

Chị Hải bộc bạch, gia đình chị có 8 thành viên, gồm 2 ông, bà, vợ chồng chị Hải và 4 người con. Cả nhà chỉ trông chờ vào 1,2 sào lúa nước, nên hàng năm luôn thiếu lương thực. Vợ chồng chị là lao động chính nhưng không có việc làm ổn định nên thu nhập thấp, cái nghèo đeo bám mãi.

Cách đây 4 năm, vợ chồng chị Hải mạnh dạn vay 40 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Với số tiền đó, vợ chồng chị Hải mua 4 con bò sinh sản về nuôi, kiếm thêm thu nhập. Từ đó đến nay, hàng năm đàn bò sinh sản được thêm 2 – 3 con, năm nào gia đình chị cũng bán 1 con bò để trang trải cuộc sống.

“Mặc dù có nguồn thu nhập từ bán bò thịt, nhưng gia đình thiếu thốn đủ bề, không tích góp được tiền. Ngôi nhà gỗ làm từ mấy chục năm trước, nay đã hư hỏng, xuống cấp, vẫn chưa thể làm mới được. Do đó, vẫn chưa thoát được hộ nghèo”, chị Hải chia sẻ.

họ ngheo 1
Sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn lợn của gia đình chị Vi Thị Hải đã sinh sản và cho thu nhập từ bán lợn giống. Ảnh: Quang An

Dẫn chúng tôi thăm khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn được xây dựng bằng viên táp lô, mái lợp tấm fibro xi măng, khu vực trước chuồng trại khoảng 100m2 được quây kín bằng lưới thép B40.

Chị Hải phấn khởi cho hay: Đầu năm 2023, gia đình được xã, huyện hỗ trợ 4 con lợn đen địa phương để nuôi nhằm phát triển kinh tế, từng bước xóa nghèo. Nhờ hằng ngày được chăm sóc chu đáo, cho ăn đủ rau, cám và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đàn lợn phát triển tốt. Đầu năm 2024, đã có 2 con lợn nái sinh sản được 12 con, mới rồi gia đình bán 10 con giống cho hộ dân trong bản được gần 10 triệu đồng. Hiện tại, 2 con lợn nái đang chửa, tới đây sẽ sinh sản và sẽ lại có thêm thu nhập.

“Giống lợn đen địa phương dễ nuôi, nhưng mỗi lứa sinh sản không được nhiều con như lợn nái lai. Tuy nhiên, nguồn thu nhập từ đàn lợn đã tạo điều kiện cho gia đình tôi có hướng chăn nuôi, sản xuất mới, tạo niềm tin thoát nghèo trong những năm tới”, chị Hải bày tỏ.

ho ngheo 3
Đàn bò của gia đình ông Lang văn Hùng ở bản Hội 1, xã Châu Hội. Ảnh: Xuân Hoàng

Chúng tôi đến gia đình ông Lang Văn Hùng ở bản Hội 1, xã Châu Hội, thấy trong khu vực chuồng trại có 6 con bò vàng địa phương, trong đó có 1 con được bấm thẻ ở tai. Là hộ nghèo nên gia đình ông Hùng luôn trăn trở làm thế nào để sớm thoát được nghèo, sau khi tìm hiểu các mô hình, ông quyết định nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản để tăng nguồn thu nhập.

Hàng năm, gia đình mua bò gầy về nuôi nhốt, kết hợp chăn thả, cùng với đó được Nhà nước cấp cho 1 con bò cái sinh sản. Hàng ngày, bò được chăn thả trên đồi, tối về cho ăn thêm cỏ voi do gia đình trồng được, cùng với tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo của cán bộ thú y, nên đàn bò phát triển ổn định.

“Bò vỗ béo thì gia đình sẽ bán khi có lãi, còn con bò cái do Nhà nước cấp, gia đình để nuôi sinh sản, với hy vọng sẽ nhân lên thành đàn. Đây sẽ là nguồn thu nhập chính để xóa được hộ nghèo sau này”, ông Lang Văn Hùng cho hay.

ho ngheo
Con bò cái sinh sản do Nhà nước cấp cho gia đình ông Lang Văn Hùng đang được chăm sóc tốt. Ảnh: Quang An

Theo ông Nguyễn Sỹ Luận - Chủ tịch UBND xã Châu Hội, Dự án chăn nuôi bê, lợn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 đã cấp cho 45 hộ nghèo, mỗi hộ 1 con bò sinh sản, là giống bò địa phương. Cùng đó, 21 hộ nghèo, cận nghèo được cấp lợn đen địa phương, mỗi hộ được cấp 4 con lợn. Sau khi cấp giống vật nuôi, xã giao cho cán bộ chuyên môn và cán bộ các bản thường xuyên nhắc nhở các hộ chăm sóc.

Qua theo dõi cho thấy, hầu hết các hộ sau khi được cấp bò, lợn đều làm chuồng trại và có trách nhiệm chăm sóc chu đáo. Nhiều hộ đã có nguồn thu nhập sau khi lợn nái được cấp sinh sản.

“Số lượng lợn được cấp mỗi hộ 4 con tạo thuận lợi trong quá trình chăm sóc; nhưng với bò, mỗi hộ chỉ được cấp 1 con là còn ít, cần tăng lên 2 con/hộ để bà con có cơ hội thoát nghèo nhanh hơn”, ông Nguyễn Sỹ Luận mong muốn.

Không những xã Châu Hội, đến các xã khác như Châu Bính, Châu Thuận, Châu Hoàn… đều nghe người dân hồ hởi khoe được Nhà nước cấp bê, lợn bản địa để nuôi. Diện tích đồng cỏ ít nên bà con tận dụng đất vườn để trồng cỏ, trồng rau, bổ sung thức ăn cho bò, lợn. Nhiều hộ trữ được nguồn thức ăn từ rơm khô, làm chuồng trại chu đáo, đàn bò phát triển tốt.

Hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo được cấp con giống

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được huyện Quỳ Châu triển khai thực hiện từ năm 2022 đến nay đã có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng lợi.

Ông Lê Mỹ Trang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết: Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 và 2023 đến nay, huyện Quỳ Châu triển khai cấp 473 con bê giống địa phương cho 473 hộ (mỗi hộ được cấp 1 con bê) và 604 con lợn đen địa phương cho 151 hộ (mỗi hộ được cấp 4 con lợn), cùng với trên 10 tấn cám.

Người dân xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) sản xuất vụ mùa 2022. Ảnh Xuân Hoàng
Bà con nông dân vùng cao gieo cấy lúa hè thu - mùa. Ảnh: Xuân Hoàng

Tổng kinh phí mua bê, lợn, cám và làm chuồng gần 11,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 10 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp để làm chuồng trại hơn 1,3 tỷ đồng. Với số bê và lợn nói trên, một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã: Châu Thuận, Châu Bính, Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Bình, Châu Nga, Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm đã được cấp để nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân, từng bước thoát nghèo.

“Vốn ngân sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của năm 2024, các địa phương đang lấy ý kiến của người dân và thống kê cụ thể, sẽ triển khai cấp con giống trong thời gian tới. Đối với hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo sau thời gian hơn 1 năm cấp giống bê, lợn bản địa cho thấy, hầu hết đang được duy trì, trong đó nhiều hộ đã có thu nhập từ bán con giống sau khi lợn nái sinh sản”, ông Lê Mỹ Trang cho hay.

Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Quỳ Châu hiện nay còn chiếm 32,37% và hộ cận nghèo chiếm 18,07%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, nguồn vốn của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là “cần câu” để giúp bà con thoát nghèo trong những năm tới.

Hàng trăm hộ nghèo Quỳ Châu được trao 'cần câu' tạo sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO