Quỳ Châu phát huy lợi thế, nâng cao thương hiệu và tiềm năng OCOP
Huyện Quỳ Châu có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng diện tích đất nông nghiệp lớn để phát triển các mô hình nông sản an toàn.
Phát huy thế mạnh của địa phương
Những ngày này, gia đình chị Trần Thị Loan ở thị trấn Tân Lạc đang huy động tối đa nhân lực để sản xuất hương trầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Khi mới thành lập, cơ sở của chị Loan chỉ có 2 - 3 người thợ, đến nay quy mô đã lớn hơn, số lao động lên tới hàng chục người; mỗi ngày sản xuất 10 vạn búp hương trầm đa dạng kích cỡ.
Vào dịp gần Tết Nguyên đán, số lượng hương trầm bán ra thị trường tăng gấp 5 - 6 lần. Nhờ phát triển ổn định nghề làm hương truyền thống, mỗi năm gia đình chị Loan thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 đến 25 lao động.
Chị Loan cho biết, để đảm bảo uy tín cũng như chất lượng sản phẩm, thời gian qua, cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng để đưa máy móc vào sản xuất, cùng với đó là giám sát chặt chẽ việc sản xuất và lưu thông sản phẩm. Mặc dù vụ sản xuất tập trung vào 3 tháng cuối năm nhưng nguồn nguyên liệu được tuyển lựa, chuẩn bị ngay từ đầu năm.
Nhờ đảm bảo chất lượng và uy tín nên sản phẩm hương trầm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. “Sản phẩm hương trầm của cơ sở chúng tôi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019. Từ đó đến nay, chúng tôi luôn nâng cao chất lượng, đa dạng kích thước sản phẩm để phù hợp với nhu cầu khách hàng”, chị Loan chia sẻ.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, thời gian này các thành viên cũng đang tích cực sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đó là những tấm vải thổ cẩm với hoa văn trang trí bắt mắt, mang nét đặc trưng riêng. Sản phẩm nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên, được thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng, vì thế chất lượng thổ cẩm khác hẳn các vùng, miền khác.
Bà Sầm Thị Bích, người sáng lập ra HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến cho biết, thay vì nhuộm thủ công, HTX đầu tư máy móc và chuyển giao công nghệ nhuộm cho thành viên nhằm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX giữ được độ bền đẹp. Năm 2019, HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm (khăn, chân váy, khăn trải bàn) đạt chuẩn 3 sao OCOP; đến năm 2023 có thêm 3 sản phẩm nữa được công nhận OCOP 3 sao (túi, ví, cà vạt).
“Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn trong nước và được bán ở các nước Pháp, Đức, Nhật, Lào... Thu nhập bình quân của mỗi lao động trong HTX từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX là 500 triệu đồng”, bà Sầm Thị Bích chia sẻ thêm.
Sau 4 năm triển khai chương trình, xã Châu Tiến đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đó là các đồ thổ cẩm, mật ong mường Chiềng Ngam, du lịch cộng đồng. Có được kết quả đó, chính quyền địa phương đã thành lập tổ giúp việc OCOP đăng ký, hướng dẫn cho các chủ thể được lựa chọn xây dựng sản phẩm đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí.
Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: “Trong năm 2024, xã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ công nhận 4 sản phẩm đó là: Thịt chua Quang Dung, thịt vịt bầu Quỳ, nếp thơm Hoa Tiến, rượu men truyền thống mường Chiềng Ngam. Dự kiến trong năm 2025, xã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ công nhận thêm các sản phẩm: gạo thơm Hoa Tiến, cá nướng, thịt bò giằng, thịt lợn giằng...”.
Phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP
Thực hiện Đề án số 06- ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu về “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025”, ngành nông nghiệp huyện luôn nỗ lực tập trung chỉ đạo lấy nền tảng phát triển kinh tế ổn định, tập trung chuyển hướng ngành nông nghiệp làm then chốt thay thế cho ngành dịch vụ, thương mại, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp OCOP cấp tỉnh.
Theo đó, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo quy trình: IBM, SRI, an toàn sinh học, VietGAP… hướng đến hình thành các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đối với HTX Phúc Thịnh Phát ở xã Diên Lãm tính đến nay đã có 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao gồm: Chè hoa vàng Pù Huống, mật ong rừng Pù Huống, rượu mú từn, rượu nấm lim xanh (được công nhận OCOP năm 2021); lạp sườn, măng muối tỏi ớt, thịt bò giàng, thịt trâu gác bếp (được công nhận OCOP năm 2022).
Dù mới thành lập được 4 năm nhưng các sản phẩm của HTX Phúc Thịnh Phát được thực hiện nghiêm ngặt khâu chọn chất lượng nguyên liệu đầu vào và cẩn thận khâu đóng gói sản phẩm. Đồng thời, chú trọng vào khâu đăng ký thương hiệu, nhãn mác, bao bì và mã tem QR truy xuất nguồn gốc.
Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Quỳ Châu tổ chức triển khai, đánh giá, thẩm định và thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) huyện và trình UBND tỉnh đánh giá, công nhận 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trong đó, từ năm 2019-2020 có 5 sản phẩm OCOP gồm: Sản phẩm dệt thổ cẩm Hoa Tiến của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến; hương trầm Hà Loan; hương thẻ Bình Minh; hương trầm Thiết Hợi; sản phẩm du lịch cộng đồng Hoa Tiến.
Cuối năm 2021 có 4 sản phẩm OCOP hạng 3 sao của HTX Phúc Thịnh Phát gồm: Rượu mú từn Pù Huống, rượu nấm lim xanh Pù Huống, sản phẩm trà hoa vàng Pù Huống và mật ong rừng Pù Huống.
Từ năm 2022 đến nay, có thêm 9 sản phẩm tiếp tục đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, huyện có 2 cửa hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Biền Kiên tại xã Châu Bính và cửa hàng Greenmart 2 tại thị trấn Tân Lạc gắn việc tiêu thụ sản phẩm với du lịch cộng đồng (Homestay) tại xã Hoa Tiến kết hợp du lịch sinh thái.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm và tiềm năng OCOP, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, theo hướng sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; giao phòng NN&PTNT tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các nguồn kinh phí thuộc các chương trình dự án khác nhau, nhất là nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các chủ thể; nội dung hỗ trợ sẽ tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ đầu tư trang bị sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; vận động, tuyên truyền thành lập các tổ chức kinh tế như: Hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại, gia trại tham gia phát triển các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh gắn với từng địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu