Cần 'trợ lực' thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
(Baonghean.vn) - Mặc dù Chính phủ, ngành ngân hàng liên tục triển khai chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Để kích cầu tín dụng đòi hỏi cần có các giải pháp đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh.
Khó khăn trong tăng trưởng tín dụng
Từ ngày 15/3/2023 đến nay, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất, mức giảm từ 0,5 - 2%/năm.
Đồng thời với giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai các gói tín dụng. Trong đó, nổi bật là gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03 của Thống đốc. Đến ngày 31/8/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến cuối tháng là 737,4 tỷ đồng; dư nợ được hỗ trợ tại ngày cuối tháng 225 tỷ đồng tại 10 chi nhánh ngân hàng thương mại với 36 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất hơn 3,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đồng thời, phải tuân thủ cam kết giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến thời điểm 30/9/2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn Nghệ An (không tính Ngân hàng phát triển) ước đạt 221.040 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 21.249 tỷ đồng, bằng 10,6%; mức tăng này được đánh giá khá cao so với cùng kỳ năm 2022 (7,6%).
Huy động tốt, nguồn vốn dồi dào, nhiều ngân hàng như: BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank,… liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu.
Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sụt giảm, mặc dù ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, kích thích cầu tín dụng song tăng trưởng tín dụng hiện vẫn rất khó khăn. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 5,5%, cách xa mục tiêu 14% năm 2023 mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Đây cũng được đánh giá là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Mặc dù NHNN đã ban hành các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng như giảm lãi suất, cho vay trả nợ các tổ chức tín dụng khác,... nhưng thực trạng này vẫn chưa được khắc phục. Gói 15.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản, hiện vẫn chưa có khách hàng thuộc diện tiếp cận; và trước đó, ngân hàng đã đưa ra khá nhiều gói vay ưu đãi nhưng nhu cầu tín dụng thấp, doanh nghiệp không mấy quan tâm, vốn vẫn "ế".
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 30/9/2023 tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 273.999 tỷ đồng (không tính Ngân hàng Phát triển), so với đầu năm tăng 13.475 tỷ đồng. Như vậy, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 11,2%.
Tìm giảipháp tăng trưởng tín dụng
Tại Ngân hàng BIDV Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc cho biết, nếu như quý I, II tăng trưởng thấp thì quý III đã tăng tốc, tăng trưởng dư nợ hiện đạt 8%, mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay chắc chắn sẽ đạt. Tuy nhiên, khách hàng của BIDV Nghệ An chủ yếu doanh nghiệp lớn, dự án lớn nên tăng trưởng dư nợ tốt hơn mặt bằng chung. Còn đối với mảng khách hàng lẻ, vay cá nhân cho đến nay vẫn rất thấp, khó khăn.
Chia sẻ về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Nghệ An, là do 2 nguyên nhân chính: Nhu cầu tín dụng thấp và tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn.
Bà Hương lý giải: Nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn chung, lĩnh vực bất động sản vẫn trầm lắng, các ngành sản xuất sụt giảm mạnh, doanh nghiệp ít có đơn hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập, lợi nhuận giảm nên nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm và dẫn tới nhu cầu vay vốn giảm.
Về lý do thứ hai, do 2 năm qua các kênh huy động vốn cho nền kinh tế là chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn, dẫn tới áp lực cấp vốn từ tín dụng tăng cao. Tuy nhiên, đối với kênh tín dụng có những tiêu chuẩn bắt buộc về hồ sơ, về điều kiện tài chính nhằm đảm bảo kiểm soát được chất lượng tín dụng, những tiêu chuẩn này luôn được duy trì và không giảm. Trong khi nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng chung đến hoạt động của tất cả khách hàng, làm suy giảm tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách, dẫn tới việc giảm độ tín nhiệm trong xếp hạng khách hàng. Vì thế, tài trợ tín dụng yêu cầu thêm nhiều điều kiện hơn, càng khó hơn cho khách hàng khi tiếp cận vốn vay.
Vậy giải pháp nào để ngân hàng dễ dàng cấp vốn cho doanh nghiệp? Ở góc độ ngân hàng, để giảm áp lực về chi phí cho khách hàng, cùng chia sẻ khó khăn chung của toàn nền kinh tế, tăng cường kích thích nhu cầu tín dụng, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất, thường triển khai các gói tín dụng với lãi suất tốt, thường xuyên thiết kế các sản phẩm dịch vụ để đảm bảo tiết kiệm chi phí tài chính cho khách hàng.
Hiện nay, ở ngân hàng chúng tôi, lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 6,5%/năm đến 9,0%/năm, trong đó đặc biệt có gói tín dụng vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và gói tín dụng trung dài hạn “Đồng hành vững bước” với mức lãi suất theo từng chương trình hấp dẫn, nhiều ưu đãi.
Nhằm khắc phục khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng cần thường xuyên rà soát quy trình để có thể tinh giảm một số bước; tư vấn kỹ, hướng dẫn cho khách hàng việc cung cấp, bổ sung đầy đủ các hồ sơ để đánh giá đúng năng lực tài chính của khách hàng nhằm kịp thời cấp tín dụng bổ sung nguồn vốn cho khách hàng.
Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh thì chỉ sự nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có thêm giải pháp "trợ lực" từ các ban ngành, chính quyền địa phương. Cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản, có các chương trình kích cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, cần có chính sách thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp có các phương án kinh doanh hiệu quả để các ngân hàng thương mại tiếp cận cấp tín dụng…