Đón Tết nơi đảo xa

26/01/2017 08:20

(Baonghean.vn) - Trên các đảo tiền tiêu, đâu đâu cũng được nghe chất giọng thân thương, sự rắn rỏi, can trường của người Nghệ giữa muôn trùng sóng gió. Nơi ấy, các anh vừa vui Tết, đón Xuân, vừa dõi theo từng cánh sóng, từng lát quét trên trên màn hình ra đa để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn khi những gốc mai, chậu cúc đã khoe sắc vàng rực rõ dưới nắng xuân, chúng tôi vượt gần 200m đường dốc để đến với đỉnh núi cao nhất (cao điểm cao 169) trên đảo Lý Sơn, nơi đặt Trạm ra đa 550. Dù đã rất mệt sau khi vượt hơn 180 hải lý từ huyện đảo Lý Sơn trong điều kiện sóng to, gió lớn cùng con dốc đứng, nhưng khi lên đến nơi, chúng tôi ai cũng tỏ ra rất phấn khích.

Cũng phải, bởi ở cao điểm này có thể cảm nhận được trời đất như chan hòa cùng tiếng sóng. Và còn bởi dù Tết đã về khắp nơi nơi trên giải đất hình chữ S thân yêu, dù ở khắp mọi miền của Tổ quốc, không khí đón Xuân mới đang ngập tràn, các anh, những người lính hải quân vẫn miệt mài theo dõi từng lát cắt trên màn hình ra đa của trạm.

Trang trí bàn thờ đón Tết trên đảo Lý Sơn
Trang trí bàn thờ đón Tết trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Cảnh Nam

Bất ngờ khi có chúng tôi đến thăm, một giọng nói rất đỗi quen thuộc cất lên: “Ơ! Chào các anh. Các anh đến khi mô rứa?”. Nhận ra giọng Nghệ An, tôi đến hỏi chuyện anh thì được biết anh là Trung úy Đặng Văn Xuân, sinh năm 1983, quê ở xã Diễn Thắng (Diễn Châu). Anh Xuân nhập ngũ năm 2003. Trước đây anh đóng quân ở Phú Quốc, sau đó về Bộ Tư lệnh vùng 3 công tác và được phân công ra đảo Lý Sơn vào tháng đầu năm 2016. Thế nên chuyện đón Tết xa nhà với anh đã trở nên quá đỗi bình thường.

Anh Xuân tâm sự: “Vào những ngày giáp Tết, chỉ mong có một người cùng quê trong các đoàn đến thăm, chúc mừng là anh em lính đảo như nhìn thấy quê nhà. Hơn nữa, có đồng hương là có cơ hội gửi vài món quà nhỏ về động viên gia đình. Anh em nơi đây ai cũng mong được ăn Tết cùng người thân, bè bạn chứ. Nhưng tất cả tự cảm thấy cần phải gạt tình cảm riêng tư vì nhiệm vụ chung, đó là bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liên của Tổ quốc mình”.

Chia tay anh Xuân, chúng tôi lại tiếp tục đến với các chiến sỹ Trạm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Đồn Biên phòng Lý Sơn. Đón chúng tôi ngay từ đầu cổng, sau cái bắt tay thân tình, Trung úy Nguyễn Minh Sơn - Trạm trưởng dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh đồn.

Nhà ở P. Đông Vĩnh (TP. Vinh), Trung úy Sơn tâm sự: Tết đến rồi, mình chỉ muốn được về cùng vợ con ra đường Lênin hoặc Phan Đình Phùng mua vài cành đào, ít hoa quả về biếu ông bà nội ngoại và trang trí trong nhà, thế là đủ... Nhưng không sao, mình cũng đã điện về rồi động viên vợ con, gia đình rồi. Vợ mình còn bảo tự hào về ông xã nữa mà. Thế nên mình rất vui và càng thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn".

Chúng tôi chia tay và không quên chúc anh Sơn sang năm mới vững tay súng, chắc tay lái để về với Trạm ra đa 550. Về đến nơi, bữa cơm tất niên đã được cán bộ, chiến sỹ dọn sẵn với đủ đầy hương vị Tết từ đất liền, cũng bánh chưng xanh, dưa hành, giò chả, thịt gà, thịt lợn… tất cả đều do bàn tay của những người lính trẻ của đơn vị đảm trách. Bên mâm cơm, họ kể cho nhau nghe cái Tết ấm áp ở quê nhà, về người con gái yêu thương, những mối tình vụng dại thuở học trò, hát tặng nhau những làn điệu dân ca quê nhà, những bài hát về người lính hải quân. Tiếng hát hòa chung tiếng sóng biển làm cho không khí Xuân của Trạm thêm sôi nổi, đầm ấm.

Hạ sỹ Lê Văn Chương cùng đồng đội trang trí cành mai Tết.
Hạ sỹ Lê Văn Chương cùng đồng đội trang trí cành mai Tết. Ảnh: Cảnh Nam

Hạ sỹ Lê Văn Chương 19 tuổi quê ở huyện Nghi Lộc, mới lên ra đảo cách nay 3 tháng bỗng đứng lên xin thủ trưởng cho hát bài “Điệu ví, giặm là em”. Với chất giọng vẫn còn vỡ của một thanh niên mới lớn, Chương mạnh dạn phiêu: “Rồi một chiều chợt nhớ quê hương/ Nghe em hát dân ca xứ Nghệ/ Câu hát ru như một thời thuở bé/ Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa/ Điệu ví quê hương giữa bộn bề bận rộn/ Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi!/ Sao điệu ví nghĩa tình đến thế/ Nao nao lòng đứa con ở nơi xa/...

Nghe Chương hát, tất cả không gian như lắng lại, cảm xúc ai nấy đều dâng trào nỗi nhớ quê nhà mãnh liệt, quan sát thấy rất nhiều người thuộc bài hát và hát nhẩm theo. Cũng phải, riêng ở Nghệ An, Hà Tĩnh - cái nôi sản sinh ra làn điệu dân ca ví, giặm mượt mà và sâu lắng làm chất liệu trong bài ca chàng lính trẻ đang hát ở đây đã có gần 20 cán bộ, chiến sỹ.

Rồi khi Chương hát xong, tất cả dành cho anh những tràng pháo tay giòn giã và cũng là lúc chúng tôi chia tay với đảo ngọc Lý Sơn mang theo những gửi gắm, những cánh thư viết vội cùng những lời nhắn gửi của các anh để về với đất liền.

Đêm Tất niên trên đảo Lý Sơn.
Đêm Tất niên trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Cảnh Nam

Chia tay những người lính đảo, chúng tôi ai cũng có chung một cảm nhận rằng, dù cuộc sống ở các đơn vị còn nhiều khó khăn nhưng với tình đồng chí, đồng đội; tránh nhiệm với quê hương, Tổ quốc. Bên cạnh đó là sự quan tâm đặc biệt đơn vị, các cấp ngành đối với những người con đang sống, làm việc ngoài đảo xa. Mà cụ thể nhất là việc tổ chức ăn Tết, đón Xuân trên đảo ấm cũng đủ đầy như ở quê nhà sẽ giúp người lính vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, để họ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời biển của quê hương./.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đón Tết nơi đảo xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO