Donald Trump - Tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại

Kiều Anh 17/12/2020 08:32

Mặc dù gây tranh cãi sâu sắc nhưng Tổng thống Trump đã để lại những dấu ấn đậm nét về các chính sách quốc phòng trong suốt 4 năm qua.

Donald Trump có lẽ là Tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại. Mặc dù các nhà sử học sẽ cần một thời gian dài để đánh giá về nhiệm kỳ Tổng thống với nhiều dấu ấn đặc biệt của ông nhưng một số tác động từ những chính sách của Tổng thống Trump đã ít nhiều được thể hiện rõ ràng. Một trong số đó chính là di sản về quốc phòng của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo nhà quan sát Loren Thompson nhận định trên Forbes, Tổng thống Trump đã làm được những điều trong 4 năm qua cho quân đội Mỹ nhiều hơn hầu hết những điều mà một số tổng thống trước đó hoàn thành được trong 8 năm.

Vì Tổng thống Trump chuẩn bị rời Nhà Trắng nên việc nhìn nhận lại những di sản về quốc phòng an ninh của ông có ý nghĩa quan trọng bởi đây chính có thể chính là nền tảng mà người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục phải xây dựng.

Tránh những cuộc chiến tranh mới

Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không đưa quân Mỹ can thiệp vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Ông cũng bày tỏ sự bất đồng với những cuộc phiêu lưu quân sự của người tiền nhiệm khi Tổng thống Obama tăng cường quân đội ở Afghanistan năm 2009, can thiệp vào Libya năm 2011, đưa quân trở lại Iraq năm 2014 và tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria năm 2014.

Thay vào đó, Tổng thống Trump thích sử dụng những công cụ khác, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt kinh tế để đối phó với các mối đe dọa, thậm chí cả với những nước lân cận như Venezuela hay với những nước mà Wasington cho là mối nguy hiểm với khu vực như Iran. Vì vậy, dười thời ông Trump, quân đội Mỹ đã có 4 năm tương đối hòa bình và có thể tái xây dựng lực lượng thay vì tham gia vào những "cuộc chiến liên miên".

Nhắm đến Trung Quốc

Tổng thống Trump đã dẫn đầu nỗ lực xem xét lại chiến lược quốc phòng quốc gia khi dịch chuyển trọng tâm quân sự từ việc chống khủng bố sang đối phó với những kẻ thù và trở ngại của nước Mỹ. Mặc dù Nga thường được miêu tả là kẻ thù của quân đội Mỹ nhưng theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, trọng tâm của chiến lược mới chủ yếu tập trung vào "Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc". Theo đó, Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính cho việc chuẩn bị về quân sự của Mỹ trong tương lai gần cũng như nhu cầu cần phát triển các vũ khí mới.

Suy nghĩ lại về an ninh tập thể

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu các đồng minh chia sẻ ngân sách quốc phòng trong 2 thế hệ nhưng chỉ đến thời Tổng thống Trump, nỗ lực này mới được đẩy đi xa hơn. Tổng thống Trump đã cảnh báo những quốc gia như Đức và Hàn Quốc rằng nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động phòng thủ chung, Mỹ sẽ ngừng bảo vệ họ.

Tổng thống Trump tin rằng việc Mỹ chấp nhận rủi ro nhiều hơn và đóng góp lớn hơn cho những quốc gia không có thái độ "có đi có lại" sẽ ảnh hưởng đến những giá trị lâu dài của liên minh. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Biden thì cho rằng khi những rạn nứt và đổ vỡ trong liên minh gia tăng thì việc tái xây dựng lòng tin sẽ là vấn đề không đơn giản.

Hồi sinh năng lực phòng thủ hạt nhân

Tổng thống Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2016 bằng lời kêu gọi hiện đại hóa mạnh mẽ lực lượng hạt nhân chiến lược của quốc gia. Trong khi tất cả 3 trụ cột trong bộ ba hạt nhân Chiến tranh Lạnh là tên lửa trên biển, tên lửa trên đất liền và máy bay ném bom tầm xa đều đã rệu rã, chính quyền Tổng thống Trump đã cấp ngân sách đầy đủ cho một kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân kế thừa từ thời Tổng thống Obama. Ông cũng cấp ngân sách cho kế hoạch hiện đại hóa quan trọng đầu tiên của hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Gia tăng đầu tư quân sự

Tổng thống Trump đã tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc thêm 20% trong 4 năm qua song sự gia tăng này không phân bố đều giữa việc chuẩn bị khả năng chiến đấu, cấu trúc lực lượng và đầu tư. Việc nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất. Điều này khiến cho tất cả các cơ quan quân đội đều tập trung phát triển các loại vũ khí mới, đồng thời chủ động theo đuổi nghiên cứu các loại công nghệ như tàu ngầm không người lái và vũ khí siêu thanh. Việc quân đội theo đuổi những loại công nghệ mới như kỹ thuật số cũng góp phần khiến các lực lượng của Mỹ dẫn đầu so với các đối thủ như Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Quân đội Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Tổ chức các chiến dịch đa phạm vi

Một đặc điểm cốt lõi trong chiến lược quốc phòng quốc gia của Tổng thống Trump là việc công nhận rằng các lực lượng quân sự của Mỹ sẽ cần tiến hành các chiến dịch trong tương lai ở cả 5 phạm vi chiến đấu như: trên không, trên đất liền, trên biển, trong không gian và trên mạng.

Để phát triển ở cấp độ lớn hơn, các sĩ quan quân đội đang phát triển các học thuyết và mạng lưới có thể giúp họ kết hợp cả 5 phạm vi trên để đạt những hiệu quả tối ưu. Chẳng hạn, một mối đe dọa trên không dù do bộ phận cảm biến của Hải quân theo dõi và phát hiện nhưng có thể được đánh chặn bằng các vũ khí của lực lượng Không quân. Hay như các vũ khí tầm xa của Lục quân có thể tiêu diệt được những thách thức trên biển của Hải quân. Sự kết hợp giữa các lực lượng và trên các phạm vi khác nhau này đã được thảo luận trong nhiều năm nhưng vấn đề ngân sách và động lực để thực hiện chỉ thực sự gia tăng dưới thời Tổng thống Trump.

Xây dựng lực lượng Không gian

Lĩnh vực chiến đấu mà ưu thế của quân đội Mỹ bị đe dọa lớn nhất khi Tổng thống Trump nhậm chức là không gian. Các lực lượng chung và toàn bộ xã hội Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào các hệ thống theo quỹ đạo như GPS và mạng lưới vệ tinh tình báo không gian địa lý trong khi Nga và Trung Quốc đã phát triển được các phương pháp khác nhau để "vượt mặt" Mỹ về khả năng chiến đấu trong không gian.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt các chương trình mới nhằm thúc đẩy khả năng chiến đấu trong không gian của quân đội Mỹ với nhiều chương trình bí mật.

Mỹ cũng đã lập một lực lượng quân đội mới được gọi là Lực lượng Không gian. Mặc dù Lực lượng Không gian vẫn nằm trong Bộ Không quân Mỹ nhưng lực lượng này đã được đánh giá và khẳng định với một vị trí quan trọng hơn dưới thời Tổng thống Trump.

Hợp nhất chính sách kinh tế và quân sự

Một trong những sự phát triển khác thường nhất dưới thời Tổng thống Trump là việc hợp nhất các thương vụ mua bán vũ khí của Lầu Năm Góc với các mặt khác trong chính sách kinh tế quốc gia. Quy trình này vẫn chưa hoàn thành nhưng đã đạt được ở mức độ lớn hơn so với trước đây. Việc buôn bán và phát triển vũ khí đều được coi như những nhân tố bổ sung trong chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh trong sản xuất và khoa học.

Hướng tiếp cận mới này tương tự như những năm đầu trong Chiến tranh Lạnh khi những nghiên cứu quân sự giúp tạo ra những phát minh đột phá như internet và máy tính kỹ thuật số. Do Trung Quốc được coi là một mối đe dọa về quân sự và kinh tế với Mỹ nên việc suy nghĩ về các chương trình quốc phòng theo hướng này là một điều hợp lý.

Hiện nay, việc chính quyền đảng Dân chủ của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thay đổi những chiến lược trên hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ. Tuy nhiên, dù đội ngũ của ông Biden không thích Tổng thống Trump hoặc không tán thành với các chính sách của ông đến đâu thì họ vẫn không thể phủ nhận rằng những dịch chuyển về mặt quân sự dưới thời Tổng thống Trump đã định nghĩa nên di sản của ông về quốc phòng và là một sự thay đổi cần thiết với xu hướng chung của tình hình thế giới./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Donald Trump - Tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO