Dòng chảy phương Bắc 2: Đức có trụ vững trước sức ép?

Thúy Ngọc 19/09/2020 11:20

(Baonghean.vn) - Nghị viện châu Âu vừa ra nghị quyết kêu gọi tất cả các nước thành viên từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dù cho dự án này đã hoàn thành tới 90% khối lượng công việc.

Nghị viện châu Âu cho rằng đây là cách để châu Âu thể hiện lập trường cứng rắn và thống nhất liên quan đến nghi vấn thủ lĩnh phe đối lập Nga Aleksei Navalny bị đầu độc. Nhưng cũng giống như trong rất nhiều vụ việc trước đó, châu Âu luôn phải đối mặt với sự chia rẽ trong chính nội bộ liên quan đến cách thức phản ứng trước các hành động của Nga, và lần này, quốc gia mà châu Âu khó thuyết phục nhất chính là Đức.

“Chất xúc tác” Navalny

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí đầy tham vọng của Nga và Đức, là nguồn kết nối cung cấp khí đốt dồi dào từ Nga tới thị trường Đức và các nước Tây Âu. Dự án sẽ xây dựng tuyến đường ống dưới biển Baltic, đi qua các vùng lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có trị giá 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư, nửa còn lại chia đều cho 5 công ty năng lượng của châu Âu là OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell.

Nghị viện châu Âu kêu gọi các nước thành viên dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Euro News

Đường ống mới có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu nhập khẩu khí đốt trong tương lai của Liên minh châu Âu. Với việc hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2, hầu như toàn bộ khí đốt tự nhiên của châu Âu từ Nga sẽ được cung cấp qua các đường ống dưới Biển Baltic hoặc thông qua một đường ống dưới nước mới khác, TurkStream, dưới Biển Đen, ở phía nam, giảm sự phụ thuộc vào các tuyến đường trung chuyển qua Ukraine, vốn ngày càng khó đàm phán do xung đột vũ trang ở nước này.

Đa số các quốc gia châu Âu đều lo ngại dự án này sẽ càng làm tăng sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Từ lâu, Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại châu Âu. Ngoài những nước trực tiếp liên quan đến dự án, đặc biệt là Đức, đa số các quốc gia châu Âu đều lo ngại dự án này sẽ càng làm tăng sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và châu Âu vẫn trong trạng thái căng thẳng kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận định rằng, khí đốt không chỉ là nguồn thu kinh tế của Nga mà còn là một công cụ chính trị mà Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng sử dụng trong mối quan hệ với châu Âu, nhất là trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại các nước đông Âu.

Những gì từng xảy ra ở Ukraine là minh chứng rõ nét cho nhận định này, khi giá khí đốt bị đội lên cao hoặc Nga cắt giảm nguồn cung khi giới chức Ukraine thể hiện xu hướng ngả về phương Tây. Các nước châu Âu còn lo ngại rằng, một khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Nga sẽ chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”. Càng có nhiều ngả đường để đưa khí đốt sang châu Âu, Nga càng có điều kiện để gây sức ép với những quốc gia có đường ống của Nga đi qua, chỉ đơn giản bằng một động tác khóa hoặc mở van đường ống!

Châu Âu lo ngại Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến châu lục này càng phụ thuộc hơn vào nguồn khí đốt từ Nga. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, dưới sự bảo vệ quyết liệt của Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn được xây dựng bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích. Dù tiến độ bị chậm trễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đường ống vẫn dự kiến được đưa vào khai thác vào giữa năm 2021. Mọi việc sẽ không có gì thay đổi nếu không có vụ việc châu Âu cáo buộc Nga đầu độc lãnh đạo của phe đối lập Aleksei Navalny - cáo buộc mà Nga kiên quyết bác bỏ. Vụ việc này như một “chất xúc tác” để châu Âu cố gắng đạt được lập trường thống nhất đối với Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong một nghị quyết được các thành viên của Nghị viện châu Âu thông qua, Nghị viện châu Âu kêu gọi các nước thành viên “tẩy chay” Dòng chảy phương Bắc 2 với lý do vụ đầu độc ông Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok là một phần trong "nỗ lực có hệ thống" của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm dập tắt phe đối lập. Nghị quyết cũng kêu gọi Liên minh châu Âu nhanh chóng lập một danh sách các biện pháp chống lại Nga càng sớm càng tốt, đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhắc lại việc nhiều nhân vật chính trị ở Nga nghi ngờ bị đầu độc, vì thế châu Âu cần sử dụng các hệ thống dẫn khí đốt của Nga để tạo nên sức ép buộc Nga phải thay đổi.

Đức “tiến thoái lưỡng nan”

Tuy nhiên, nghị quyết mà Nghị viện châu Âu thông qua là một nghị quyết không mang tính ràng buộc, nghĩa là việc có từ bỏ Dòng chảy phương Bắc 2 hay không vẫn là quyết định cuối cùng của mỗi quốc gia thành viên. Và ngay lập tức, mọi sự chú ý lại đổ dồn về Đức - quốc gia có vai trò then chốt nhất trong dự án này tại châu Âu. Bởi thế, Đức hiện nay được cho là đang chịu sức ép rất lớn về chuyện “đi” hay “ở” trong dự án này.

Sơ đồ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Forbes

Xét về khía cạnh hình ảnh, Đức hiện đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, vị trí mà Đức cần phải thể hiện rất rõ vai trò tiên phong trong củng cố khối đoàn kết châu Âu, trong đó có phản ứng một cách thống nhất trong quan hệ đối ngoại của khối. Bên cạnh đó, sự việc ông Aleksei Navalny đang thổi bùng sự bất bình bị kìm nén bấy lâu nay tại châu Âu liên quan đến các nhân vật nghi ngờ bị Nga đầu độc.

Thậm chí, trong chính nội bộ chính phủ Đức cũng có nhiều tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ quan điểm của Liên minh châu Âu về việc đã đến lúc phải có biện pháp cứng rắn với Nga. Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, ông Norbert Röttgen cho rằng Đức cần phải “phản hồi bằng ngôn ngữ duy nhất mà ông Putin hiểu, đó là ngôn ngữ của khí đốt tự nhiên!”

Thế nhưng, Đức đang ở trong “thế khó” nếu muốn đáp ứng lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu. Đức coi Dòng chảy phương Bắc 2 là nền tảng rất quan trọng trong chính sách năng lượng mới, giảm dần việc sử dụng năng lượng hạt nhân và than đá.

Berlin coi Nord Stream 2, được thiết kế để đưa khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, là nền tảng của chính sách năng lượng khi nó thoát khỏi năng lượng hạt nhân và than đá, bởi sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cam kết đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân trên cả nước. Đường ống mới cũng sẽ bảo vệ Đức khỏi tình trạng thiếu nhiên liệu nếu cuộc chiến ở Ukraine leo thang hoặc việc vận chuyển nhiên liệu bị gián đoạn vì một lý do khác.

Dòng chảy phương Bắc 2 gây nhiều tranh cãi trong giới chính trị gia châu Âu. Ảnh: AP
Dòng chảy phương Bắc 2 gây nhiều tranh cãi trong giới chính trị gia châu Âu. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, việc rút khỏi Dòng chảy phương Bắc 2 khi dự án đã hoàn thành tới 90% khối lượng công việc sẽ gây ra một “cú sốc” về tài chính với 2 công ty lớn của Đức tham gia dự án là Uniper và Wintershall Dea khi mỗi công ty đã đổ vào đây gần 1,2 tỷ USD. Sự coi trọng của Đức đối với dự án này đã được minh chứng qua việc Đức từng gửi một đề xuất với Mỹ. Theo đó, Đức sẽ chi tới 1 tỷ Euro để xây dựng hai trạm tiếp nhận nguồn khí đốt nhập khẩu từ Mỹ, đối lại Mỹ sẽ dừng phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt từ cuối năm ngoái với các doanh nghiệp tham gia dự án này.

Cho đến thời điểm này, Đức dường như vẫn đang sử dụng kế sách “hoãn binh”. Đức một mặt vẫn lập luận rằng việc tiếp tục thực hiện dự án là cách để kiểm soát hành vi của Nga tốt hơn, bởi Nga là bên phải phụ thuộc vào nguồn thu từ khí đốt hơn là Đức phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Mặc khác, Đức cho rằng các bước đi tiếp theo cần phải lên kế hoạch dựa trên câu trả lời của Nga liên quan đến vụ việc Navalny. Chính vì vậy, tương lai của Dòng chảy phương Bắc 2 đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi khi chưa ai có thể dự đoán Đức có trụ vững trước sức ép của các nước thành viên EU cũng như sức ép từ chính nội bộ hay không.

Mới nhất
x
Dòng chảy phương Bắc 2: Đức có trụ vững trước sức ép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO