Đồng chí Đặng Thúc Hứa (1870-1931): Dấn thân cho cách mạng, một lòng hướng về Tổ quốc
Đồng chí Đặng Thúc Hứa hiệu là Ngọ Sinh, sinh năm 1870, tại làng Lương Điền, tổng Bích Hào (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Thân phụ là Đặng Thúc Hài, đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 31 (1887) được bổ làm Huấn đạo tỉnh Quảng Trị, sau đó, được bổ làm Tri huyện Thanh Hóa. Khi thực dân Pháp chiếm Thanh Hóa, Đặng Thai Hài xin từ quan và về dạy học tại quê nhà, đồng thời tham gia phong trào yêu nước.
Thân mẫu là Đinh Thị Hoa, con gái của Tiến sĩ Đinh Nho Điền (quê ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Bà là một phụ nữ thông minh, đảm đang và có tinh thần yêu nước.
Đặng Thúc Hứa có anh trai là Đặng Thai Sơn và em trai là Đặng Quý Hối đều tham gia hoạt động cách mạng.
Lớn lên Đặng Thúc Hứa theo học chữ Hán, đỗ Tú tài trong kỳ thi Hương năm 1900. Tuy vậy, Đặng Thúc Hứa không ra làm quan mà tham gia vào Hội Duy Tân vào năm 1904. Đặng Thúc Hứa cùng với em trai mở Trại Cày ở Đá Bia, xây dựng Hưng nghiệp hội xã ở chợ Đàng, chăm lo kinh phí cho đồng sự xuất dương và quyên góp tiền bạc mua sắm vũ khí chống thực dân Pháp.
Năm 1908, Đặng Thúc Hứa sang Nhật. Phong trào Đông Du không thành công, năm 1910, Đặng Thúc Hứa cùng Phan Bội Châu về Xiêm (Thái Lan) thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở để từ đó các nhà yêu nước sang Trung Hoa tìm đường cứu nước, cũng như giúp đỡ phong trào cách mạng trong nước một cách lâu dài.
Tại Xiêm, Đặng Thúc Hứa cùng với đồng sự khảo sát, nghiên cứu tập hợp lực lượng xây dựng cơ sở ở Bản Đông, huyện Phi Chịt, tỉnh Pixanulôc.
Những thành viên được Đặng Thúc Hứa huấn luyện tại Xiêm, khi sang Quảng Châu (Trung Quốc) trở thành lực lượng nòng cốt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh...
Ngày 26/8/1926, Đặng Thúc Hứa thành lập Hội Việt kiều toàn Xiêm. Từ đây, việc liên kết đồng bào Việt kiều càng được đẩy mạnh và được tổ chức chặt chẽ hơn.
Năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm. Tuy thời gian gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không nhiều, nhưng Đặng Thúc Hứa đã có bước chuyển biến rất quan trọng trong tư duy. Từ đây, Đặng Thúc Hứa quyết đi theo “Đường cách mạng do Nguyễn Ái Quốc vạch ra”.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đến giữa năm 1930, tại Bản Đông, huyện Phi chịt, tỉnh Pixanulôc (Xiêm), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Việt kiều được thành lập, đồng chí Đặng Thúc Hứa là người đảng viên cộng sản đầu tiên ở tuổi 60. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với tinh thần của một đảng viên cộng sản, với cương vị phụ trách, Đặng Thúc Hứa vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực hoạt động và cùng với Việt kiều ở Xiêm hướng về Tổ quốc, đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hoạt động của đồng chí Đặng Thúc Hứa và kiều bào ở Xiêm đã góp phần quan trọng cho cách mạng nước ta.
Ngày 12/2/1931, tại Noong Búa, đồng chí Đặng Thúc Hứa đã mất sau chuyến công tác dài ngày. Đồng chí đã để lại nhiều tình cảm thương tiếc của đồng chí, bà con Việt kiều ở Xiêm.