Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Hồ Nhiếp - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Diễn Châu

Nguyễn Vân Anh 13/11/2024 06:21

Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến mấy, đồng chí Hồ Nhiếp vẫn luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản.

Đồng chí Hồ Nhiếp sinh năm 1914, tại làng Long Ân Trung, tổng Hoàng Trường (nay là xã Diễn Trường), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Hồ Liên, vốn là người hiền lành, trung hậu, đã bỏ làm quan, cùng với các sĩ phu 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành lập đồn khởi nghĩa. Thân mẫu là bà Thị Thao, một người phụ nữ cần cù, chịu khó. Hai ông bà đều được bà con xóm làng hết lòng kính trọng và quý mến.

Làng Long Ân Trung xưa nằm phía Bắc huyện Diễn Châu, nơi đây có truyền thống hiếu học, yêu nước nồng nàn và đấu tranh kiên cường. Từ năm 8 tuổi, Hồ Nhiếp đã được cha mẹ cho đi học chữ Hán. Hàng ngày được cha kể cho nghe những câu chuyện Văn Thân, Cần Vương, cụ Nghè Ôn, lớn lên lại được chứng kiến cảnh nhân dân bị bóc lột nặng nề bởi bọn đế quốc, phong kiến nên Hồ Nhiếp sớm có tinh thần căm thù giặc mạnh mẽ.

Chân dung đồng chí Hồ Nhiếp
Chân dung đồng chí Hồ Nhiếp.

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, đồng chí Võ Mai (quê làng Vạn Phần) sau khi dự lớp học ở Trường Hoàng Phố (Trung Quốc) đã trở về huyện Diễn Châu bắt mối liên lạc với một số thanh niên tiên tiến ở Vạn Phần để thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Diễn Châu. Hoạt động của tổ chức đã cuốn hút nhiều lớp thanh niên có chí hướng đấu tranh ở tổng Hoàng Trường. Ít lâu sau thì tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổng Hoàng Trường cũng ra đời, gồm các đồng chí như Chu Huệ, Hồ Hùng, Chu Đàm, Chu Trang...(1).

Thời gian này, đồng chí Chu Trang, Chu Đàm, vốn người cùng làng, lại thường qua lại nhà Hồ Nhiếp chơi đã vận động đồng chí đi theo cách mạng, giới thiệu kết nạp vào tổ Thanh niên tổng Hoàng Trường cùng các đồng chí Hồ Tuyền, Hồ Xiển.“Hôm ấy trăng lờ mờ không tỏ mặt người, chỉ thấy dáng người thanh thanh, giọng nói toàn là tiếng Bắc, các đồng chí Trang, Đàm đứng dậy giới thiệu 3 anh em Tuyền, Xiển và tôi được kết nạp vào Hội Thanh niên cách mạng đồng chí, sau đó 3 anh em tôi đứng dậy tuyên thề: ...chúng tôi xin thề hết sức trung thành phục vụ cách mạng vô điều kiện, nếu sau này có điều gì phản trắc chúng tôi xin chịu kỷ luật cấp trên trừng phạt, 3 anh em tôi xin thề! Xin thề!...”(2). Đồng chí Hồ Nhiếp cùng với đồng chí Chu Trang, Chu Đàm, Chu Huệ… đã về các làng ở huyện Diễn Châu để tuyên truyền, gây dựng cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của hội Thanh niên, quần chúng nhân dân Diễn Trường đã đứng lên đòi trả lại ruộng đất, giảm cúng tế, tố cáo tội ác của lý trưởng, hào lý...

Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Diễn Châu phát triển mạnh dưới hình thức lập trại như: trại cày Eo Nghẹt (Quỳnh Lưu) do đồng chí Hoàng (người Thanh Hóa) về tổ chức gồm các đồng chí Hồ Tựu, Hồ Tác, Hồ Thể...; trại cày tại cánh đồng Mủng (Quỳnh Lưu) gồm có Chu Huệ, Chu Truật, Hồ Hùng, Chu Duy; trại cày Tràng Kè (Yên Thành) do đồng chí Võ Mai thành lập gồm có Hồ Nhiếp, Chu Đàm, Chu Trang; trại cày Trịnh Sơn (Yên Thành) do đồng chí Chu Văn Đàm tổ chức; trại cày Truông Vên (Quỳnh Lưu) do đồng chí Lê Ty tổ chức gồm Lê Tài, Chu Cư...

Tháng 9/1929, tiểu tổ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hoàng Trường được đồng chí Nguyễn Phong Sắc- Bí thư lâm thời kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (gọi tắt là Chi bộ Hoàng Trường), gồm các đảng viên như: Hồ Xiển (Bí thư), Chu Trang, Chu Đàm, Hồ Nhiếp, Chu Huệ, Chu Toàn, Lê Ty…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 28/4/1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tổng Hoàng Trường được đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tổng Hoàng Trường. Những người hoạt động trong Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được chuyển sang Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm các đồng chí như Chu Huệ, Hồ Nhiếp, Chu Trang... Đồng chí Hồ Nhiếp cùng các cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân theo Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng khắp nơi tổng Hoàng Trường ngày càng mạnh mẽ.

Đầu tháng 10/1930, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Diễn Châu quyết định phát động một cuộc đấu tranh rầm rộ toàn huyện. Nhận được chỉ thị cấp trên, Chi bộ tổng Hoàng Trường đã họp bàn kế hoạch và phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đồng chí Hồ Nhiếp đi xuống các thôn Hoàng Hà, Cự Nại, Ngọc Mỹ để vận động quần chúng đấu tranh.

Ngày 14/10/1930, Chi bộ tổng Vạn Phần và Hoàng Trường huy động hơn 500 nông dân giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ đấu tranh đòi giảm sưu, hoãn thế, bỏ lệ tuần canh, đòi chia ruộng đất cho dân cày… Đoàn biểu tình bị lính khố xanh do tri phủ Võ Vọng điều động đến đàn áp, chúng nổ súng làm nhiều người chết và bị thương, trong đó có đồng chí Hồ Sỹ Tiềng, người làng Đông Tháp (Diễn Hồng) đi đầu cầm cờ chỉ huy. Ngày 15/10/1930, Chi bộ Hoàng Trường họp Hội nghị mở rộng để rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biểu tình, bàn kế hoạch tổ chức truy điệu đồng chí Hồ Sỹ Tiềng.

Từ sau cuộc biểu tình ngày 14/10/1930, địch tăng cường đàn áp nhưng không thể dập tắt được ý chí đấu tranh của quần chúng nhân dân. Nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết về chủ trương của Đảng dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hoàng Trường vẫn diễn ra thành công. Tiêu biểu như cuộc mít tinh tại Cồn Trăn (xã Hoàng Trường) với 190 người tham gia, do đồng chí Chu Huệ diễn thuyết; cuộc mít tinh tại Cồn Cù với 170 người tham dự do đồng chí Hồ Nhiếp chủ trì; cuộc mít tinh tại đình Đế Thích với 180 người tham gia, cuộc mít tinh do đồng chí Chu Truật chỉ huy tại đình Xã Tắc… Các cuộc mít tinh đều có sự tham gia đông đảo của các hội viên các tổ chức Nông hội, Phụ nữ, Tự vệ đỏ…

Ngày 4/11/1930, đồng chí Hồ Nhiếp lên huyện họp bàn kế hoạch đấu tranh, Đảng bộ Diễn Châu đã quyết định tổ chức biểu tình lần thứ hai vào ngày 7/11/1930 với quy mô toàn huyện để kỷ niệm ngày cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 13. Hội nghị thống nhất lấy tiếng trống đình Long Ân làm hiệu lệnh tập trung quần chúng vùng Bắc Diễn Châu. Tiếp thu chủ trương, đồng chí Hồ Nhiếp về tổ chức họp tại nhà thờ họ Trương(3) để triển khai việc làm cụ thể, có kế hoạch vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình. Từ chiều 6/11/1930, không khí ở tổng Hoàng Trường như ngày hội, đồng chí Hồ Nhiếp và các đồng chí trong chi bộ đã bố trí người đưa tài liệu, truyền đơn về các cơ sở, chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu, tự vệ lo sắm vũ khí chuẩn bị cho cuộc biểu tình.

Đình Long Ân, xã Diễn Trường (Diễn Châu) - nơi tập trung nhân dân Bắc Diễn Châu đi biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 7-11-1930
Đình Long Ân, xã Diễn Trường (Diễn Châu) - nơi tập trung nhân dân Diễn Châu đi biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1930. Ảnh: Tư liệu

Theo đúng kế hoạch, sáng 7/11/1930, tiếng trống đình Long Ân vang lên, thúc giục mọi người nhanh chóng về nơi tập trung. Đoàn tổng Lý Trai, dọc theo Tỉnh lộ 38 kéo vào ga chợ Sy bị địch chặn lại nên không xuống kịp đúng giờ quy định. Nhân dân tổng Hoàng Trường dọc theo Quốc lộ 1 tiến vào phủ lỵ. Đoàn tổng Vạn Phần vòng qua chợ Giàn sau đó tiến lên đường 1. Các đồng chí Chu Huệ, Chu Trang, Phan Ước, Hồ Tuyền, Hồ Bật, Hồ Nhiếp, Lê Tài đi đầu đoàn biểu tình. Đi đến ngã ba cầu Bùng, đoàn tổng Hoàng Trường và Vạn Phần nhập làm một, hơn 2.000 người vừa kéo về phủ lỵ vừa hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ Xô viết, đánh đổ đế quốc Pháp, Nam Triều phong kiến, giảm sưu thuế cho nông dân…, khí thế cuộc biểu tình dâng cao như nước vỡ bờ. Hoảng sợ trước cuộc đấu tranh của nhân dân, kẻ địch điên cuồng bắn xả vào đoàn biểu tình làm hơn 30 người hy sinh và hàng chục người khác bị thương. Trước tình hình nguy cấp đó, đoàn biểu tình phải giải tán. Buổi chiều cùng ngày chúng đưa 8 người ra Bến Tải (khúc sông Bùng) bắn chết nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Máu đỏ cả một khúc sông Bùng. Sau cuộc biểu tình, Phủ ủy chỉ thị cho Tổng ủy và các chi bộ tổ chức lễ truy điệu những người hy sinh.

Sau lễ truy điệu, Chi bộ Hoàng Trường tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh nhỏ ở một số làng. Trong 2 ngày (11 và 12/11/1930), hơn 800 nông dân tổng Hoàng Trường tập trung tại chợ Hà kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã, tưởng nhớ những người đã hy sinh trong ngày 7/11/1930 và tố cáo tội ác giặc Pháp.

Cuối tháng 12/1930, Tổng ủy Hoàng Trường chia làm 7 chi bộ trong toàn tổng (gồm 5 chi bộ chính thức và 2 chi bộ ghép). Đó là các chi bộ A, B, C, D, Đ, E, G(4). Đồng chí Hồ Nhiếp lúc này hoạt động ở Chi bộ B và được phân công đi các làng trong toàn tổng để thành lập thêm các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Cứu tế đỏ… nhằm củng cố tổ chức Đảng và tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng tiếp tục phát triển lên cao khiến bọn hương hào, lý trưởng hoang mang, nằm im không dám hoạt động chống phá cách mạng, lý trưởng làng Long Ân mang triện trả cho xã bộ nông, một số tên phải chạy lên đồn Tây nhờ che chở... nhiều nơi ở Diễn Châu đã thành lập được chính quyền Xô viết.

Tháng 4/1931, địch mở các cuộc vây làng, càn quét, đốt phá, vơ vét tài sản của nhân dân liên tiếp ngày và đêm ở các thôn trong tổng Hoàng Trường. Nhiều cán bộ, đảng viên không may bị địch bắt như đồng chí Hồ Thể(5), đồng chí Chu Trợc, đồng chí Chu Toàn... Thực dân Pháp tìm mọi cách dìm phong trào vào trong biển máu.

Lúc này, tình thế nguy nan, cơ quan tổng ủy không thể đóng được trong nhà dân, phải di chuyển liên tục, lên núi cao cách xa làng, có khi đóng ở làng Đấu thuộc địa phận Quỳnh Lưu, ở Khe Sở thuộc địa phận Yên Thành... Khoảng tháng 8/1931, khi tổ chức Đảng đang đóng tại khe Chanh - một khu vực hiểm trở, kín đáo, giáp ranh 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu thì bị giặc bất ngờ ập đến vây bắt, một số chạy thoát được, các đồng chí Hồ Nhiếp, Trương Nghiệm, Chu Truật, Vũ Độ... đều bị bắt. Sau nhiều ngày giam cầm và tra tấn tại Nhà lao phủ Diễn Châu, đồng chí Hồ Nhiếp bị chuyển về Nhà lao Vinh, chịu mọi cực hình nhưng đồng chí vẫn không khai gì hết. Đồng chí Hồ Nhiếp bị kết án 9 năm tù giam, 9 năm quản thúc (Bản án số 85 ngày 23/8/1931 của Tòa án Nghệ An), bị tịch thu hết tài sản và đi đày ở Buôn Ma Thuột.

Trong lao tù, đồng chí Hồ Nhiếp vẫn ngày đêm luyện võ, đấu tranh quyết liệt, đòi chúng giải quyết các yêu sách như: bỏ lệnh đánh đập, ốm đau được nghỉ, thuốc men để dùng, có xà phòng tắm giặt, phát cho 2 bộ quần áo thay đổi. “Tên xếp lao điện cho tên giám binh vào, anh em đứng lên yêu sách, lập tức tên giám binh sai lính bắt Chu Huệ, Chu Văn Biên, Trần Hường, Dương Văn Lan, Độ Quảng Ngãi và tôi, đem ra xà xim lao ngoài, cùm 2 chân, ăn cơm lạt 1 tuần. Chúng giam riêng anh em tôi, thông luôn 6 tháng. Anh em tôi đều bị chúng tăng án, riêng tôi bị tăng 3 năm. Huệ, Biên, Hường đi Lao Bảo, Lan, Độ và tôi đi KonTum”(6). Năm 1932, đồng chí Hồ Nhiếp bị đưa đi KonTum, rồi cuối năm 1933 lại bị chuyển đi Buôn Ma Thuột.

Đến cuối năm 1936, đồng chí Hồ Nhiếp được ra tù trong dịp Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, trở về địa phương đồng chí tiếp tục hoạt động trong các tổ tán trợ, nhận trách nhiệm đấu tranh công khai chống lý hào tham nhũng thông qua nhóm đọc sách, báo để tuyên truyền cách mạng, các phường, hội cũng được lập ra để giúp đỡ nhau, góp tiền mua sách, báo phục vụ công tác tuyên truyền.

Năm 1939, địch cho khám nhà đồng chí Hồ Nhiếp, phát hiện mấy tờ báo Nhành lúa và sách cấm bằng tiếng Pháp, chúng bắt đồng chí về Nhà lao Diễn Châu khoảng 3 tháng, kết án 2 năm tù giam rồi đưa đi Vinh với các tội danh: “1. Tàng trữ sách, báo cấm; 2. Lập tư trường không xin phép; 3. Mượn cớ dạy học để hoạt động chính trị”(7).

Hết hạn tù đồng chí Hồ Nhiếp được thả tự do và nhanh chóng hoạt động cách mạng trở lại. Mãi cho đến năm 1944 phong trào ở địa phương bị lắng xuống, thời gian này đồng chí bị mất liên lạc với Đảng.

Đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Đức Năng người làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên về bắt liên lạc với đồng chí Hồ Nhiếp để gây dựng lại tổ chức tổng Hoàng Trường. Tổ chức “Việt Minh bí mật” được thành lập gồm các đồng chí: Hồ Phan, Chu Tường, Chu Hiếu, Chu Duy Thiều, do Hồ Nhiếp làm tổ trưởng. Thời gian này, nhà đồng chí là nơi họp hành thường xuyên của tổ Việt Minh bí mật.

Mùa Thu năm 1945, Ban khởi nghĩa tổng Hoàng Trường được thành lập gồm: Chu Hiến, Chu Tường, Hồ Hiệu, Chu Duy Thiều… do đồng chí Hồ Nhiếp làm Trưởng ban. Đồng chí Hồ Nhiếp cùng Ban khởi nghĩa tổng chỉ huy quần chúng nhân dân đứng đấu tranh giành chính quyền trong toàn tổng. Chi bộ lâm thời của tổng Hoàng Trường được thành lập, đồng chí Hồ Nhiếp được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời tổng Hoàng Trường, đồng thời là Bí thư Chi bộ lâm thời Hoàng Trường; Chủ nhiệm Việt Minh tổng Hoàng Trường.

Thời gian sau này, đồng chí Hồ Nhiếp tiếp tục giữ nhiều chức vụ tại địa phương như: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Long Chung, huyện Diễn Châu; Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hợp Tiến, huyện Diễn Châu; Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hùng Châu, huyện Diễn Châu…

Sau cải cách ruộng đất, đồng chí tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ xã Diễn Trường; Hội đồng nhân dân xã Diễn Trường; Ủy viên Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Diễn Châu; tổ trưởng Đảng, cán bộ phòng hành chính Sở Kiến trúc Hà Nội.

Từ năm 1966, là một cán bộ hưu trí, đồng chí Hồ Nhiếp tiếp tục sinh hoạt ở địa phương và được bầu làm tổ trưởng hội phụ lão, trưởng ban vận động phong trào bổ túc văn hóa và thời sự. Ngày 20/10/1990, đồng chí qua đời.

Trong bất cứ cương vị nào đồng chí cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Với những công lao đóng góp to lớn cho cách mạng, đồng chí Hồ Nhiếp đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1977) cùng nhiều huân chương và huy hiệu cao quý khác. Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến mấy, đồng chí Hồ Nhiếp vẫn luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản.


Chú thích:
1) Theo lịch sử Đảng bộ huyện Diễn Châu, đầu năm 1927 ở Nghệ An có 4 tiểu tổ Thanh niên, riêng ở Diễn Châu thành lập được 2 tiểu tổ.
2,6,7) Trích hồi ký đồng chí Hồ Nhiếp lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tr.7, tr56, tr64. Đồng chí Hồ Tuyền, Hồ Xiển, Hồ Nghiêm, là anh em trong họ, cùng học một trường với Hồ Nhiếp.
3) Di tích nhà thờ họ Trương Đại Tôn, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
4) Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Trường 1930-2009.
5) Đồng chí Hồ Thể, anh trai Hồ Nhiếp, sinh năm 1901, hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Diễn Trường tính đến năm 1927. Năm 1931 bị địch bắt trói và treo lên xà nhà, tra tấn đến chết tại đồn Long Ân, được công nhận là Liệt sỹ năm 1930-1931.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-ho-nhiep-nguoi-chien-sy-cong-san-kien-trung-cua-que-huong-dien-chau
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-ho-nhiep-nguoi-chien-sy-cong-san-kien-trung-cua-que-huong-dien-chau
Đồng chí Hồ Nhiếp - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh