Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Niêm - tấm gương cộng sản kiên cường của quê hương Diễn Châu

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 31/10/2024 15:31

Là người hoạt ngôn, đồng chí Lê Niêm là người đảm nhận nhiều cuộc diễn thuyết, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931.

Đồng chí Lê Niêm quê ở làng Đức Thịnh, xã Đông Câu, tổng Vạn Phần (nay là xóm 6, xã Diễn Hải), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đồng chí sinh năm 1906, là thành viên của dòng họ Lê có tinh thần yêu nước ở xã Đông Câu. Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống lịch sử văn hóa, được ươm mầm cách mạng trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, đồng chí Lê Niêm đã sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, căm thù giặc.

Đồng chí Lê Niêm (1906-1987).

Năm 1927, được sự dìu dắt, giác ngộ của thầy giáo Trương Đức Hạp (tức Sáu Tuệ), thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Diễn Châu, đồng chí Lê Niêm trở thành 1 trong 4 hội viên tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở làng Đức Thịnh.

Những năm 1928 - 1929, thông qua nhiều hình thức vận động như các Hội Hiếu, Hội Canh đồng, Hội Lợp nhà và các lớp học chữ Quốc ngữ, các đồng chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách mạng. Dưới tác động của những hoạt động tuyên truyền đó, phong trào cách mạng ở Đông Câu nhanh chóng có sự chuyển biến, tạo điều kiện để phong trào cách mạng ở Đông Câu phát triển nhanh sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời.

Cuối tháng 3/1930, Chi bộ Cộng sản làng Đức Thịnh, một trong những chi bộ đầu tiên của huyện Diễn Châu được thành lập gồm 5 đồng chí: Lê Niêm, Bùi Dự, Đào Kỳ, Bùi Uyên, Hà Hoàn (không rõ Bí thư). Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Lê Niêm trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Diễn Châu - Uỷ viên Chi bộ Cộng sản Đức Thịnh.

Dưới sự vận động, tuyên truyền của đồng chí Lê Niêm cùng các đảng viên khác, chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ,... ở xã Đông Câu nói chung, làng Đức Thịnh nói riêng lần lượt ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), đồng thời thể hiện tình đoàn kết, chia lửa với nhân dân Hưng Nguyên trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, Tỉnh uỷ Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, công tác chuẩn bị cho cuộc biểu tình được đồng chí Lê Niêm và các chi bộ nhanh chóng được triển khai. Đồng chí Lê Niêm đã cùng với Chi bộ Đảng lãnh đạo các tổ chức quần chúng khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo cho cuộc biểu tình: tổ chức Nông hội đỏ tiếp tục vận động quyên góp tiền để rèn đúc vũ khí, cung cấp lương thực cho đội Xích vệ đang luyện tập ngày đêm; đoàn thể phụ nữ tham gia công tác rải truyền đơn... Là người hoạt ngôn, đồng chí Lê Niêm còn nhận nhiệm vụ là người đứng đầu trong các cuộc diễn thuyết, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh trong thời kỳ này.

Theo sự phân công của Phủ uỷ, đồng chí Lê Niêm nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn biểu tình tổng Hoàng Trường trong cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga. Sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống từ đình Long Ân vang lên dõng dạc, đồng chí Lê Niêm đã lãnh đạo nhân dân tổng Hoàng Trường tập trung theo các xã. Sau khi làm lễ kỷ niệm, theo sự chỉ huy của đồng chí Lê Niêm, nhân dân tiến lên đường 1 nhập vào cùng đoàn người của tổng Vạn Phần, hướng thẳng Phủ lỵ Diễn Châu. Đến ngã ba Cầu Bùng, đoàn biểu tình đã lên đến khoảng 2.000 người, vừa đi vừa giương cờ, đồng thanh hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Đoàn biểu tình kéo sát về phủ lỵ, nhân dân các làng ven đường hò reo hưởng ứng, tiếp tục nhập vào đoàn người mỗi lúc một đông.

Được sự lãnh đạo của các đồng chí Lê Niêm, Nguyễn Đức Biểu, Lê Tao, nhân dân tiếp tục giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu và cuồn cuộn khí thế, vững bước tiến qua cầu Bùng. Để uy hiếp tinh thần đoàn biểu tình, chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động lính khố xanh, lính lê dương tập trung nòng súng nhắm bắn vào đoàn người khiến nhiều người hy sinh và hàng chục người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Lê Niêm và đoàn biểu tình quyết định tạm rút lui để bảo toàn lực lượng. Mặc dù cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 bị khủng bố nhưng tinh thần cách mạng của quần chúng vẫn tiếp lửa, tạo động lực cho những cuộc đấu tranh tiếp theo.

Ngày 17/11/1930, đồng chí Lê Niêm và Chi bộ cùng đông đảo bà con nhân dân tập trung nghe diễn thuyết và tổ chức lễ truy điệu cho những chiến sĩ, quần chúng cách mạng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh này.

Trong thời gian tiếp theo, đồng chí Lê Niêm đã lãnh đạo nhân dân xã Đông Câu phối hợp với nhân dân tổng Vạn Phần, Hoàng Trường tiến hành nhiều cuộc đấu tranh như: Cuộc đấu tranh vây bắt tên Chánh Khương ở làng Hoàng La, tổng Hoàng Trường ngày 26/11/1930; cuộc đấu tranh chống Lý trưởng Hoàng Lễ ở Vạn Phần ngày 8/12/1930; cuộc diễn thuyết tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến tại chợ Mới Nu ngày 30/12/1930,...

Trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của nhân dân Diễn Châu nói chung, xã Đông Câu nói riêng, thực dân Pháp đã dồn lực lượng để “dẹp loạn cộng sản”. Chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về bắt bớ, đàn áp khiến nhiều cơ sở cách mạng bị tan vỡ, số đảng viên còn lại rất ít.

Ngày 14/6/1931, do bị chỉ điểm nên đồng chí Lê Niêm bị bắt và giam tại Nhà lao Diễn Châu. Tháng 7/1931, đồng chí Lê Niêm bị giải vào Nhà lao Vinh. Tại đây, dù đối mặt với các cực hình tra tấn, đồng chí vẫn không khai báo nửa lời. Biết đồng chí Lê Niêm là người chỉ huy đoàn biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7/11/1930 của nhân dân Diễn Châu, Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí lần thứ nhất với mức án 3 năm tù giam và 2 năm quản thúc theo Bản án số 195, ngày 1/12/1931. Đến tháng 5/1932, đồng chí tiếp tục bị Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án lần thứ hai với mức án “tù khổ sai chung thân vì tham gia trừng trị những đối tượng gian ác ở Đức Thịnh, Diễn Châu” theo Bản án số 115, ngày 6/5/1932.

Ngày 29/11/1932, đồng chí Lê Niêm bị địch đày đi giam tại Nhà tù Lao Bảo với số tù 2682. Nhân dịp Tết năm 1935, đồng chí được giảm án xuống còn 13 năm tù khổ sai. Ngày 14/7/1939, đồng chí bị giải đi giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Như vậy, từ năm 1930 đến tháng 6/1945, đồng chí Lê Niêm bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến như: Nhà lao Vinh, Nhà tù Lao Bảo, Nhà đày Buôn Ma Thuột,...

Dù ở bất cứ đâu, đồng chí Lê Niêm vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản Xô viết Nghệ Tĩnh bất khuất, kiên trung. Đồng chí đã coi nhà tù đế quốc là trận tuyến mới, tổ chức đoàn kết bạn tù đấu tranh, buộc kẻ thù phải giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt, giành lấy sự sống - sống để về với Đảng, với phong trào cách mạng của nhân dân.

Tháng 6/1945, đồng chí Lê Niêm ra tù, về quê đã bắt liên lạc, tập hợp các đồng chí Phan Thiềng, Đậu Hận,... để gây dựng lại các cơ sở đảng, tiếp tục lãnh đạo quần chúng chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền. Tháng 7/1945, với sự phấn đấu không ngừng, đồng chí Lê Niêm đã cùng với đồng chí Trương Đức Đại củng cố lại được cơ sở trong các làng xã, tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh không nộp thuế, không đi phu, đi lính, đồng thời tổ chức nhiều cuộc biểu tình, treo cờ Đảng,...

Ngày 8/8/1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh tổ chức Đại hội đại biểu, gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa. Trước tình hình mới, Ban Thường vụ Việt Minh Nghệ Tĩnh đã kịp thời lập Uỷ ban Khởi nghĩa và phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Ngay lập tức, đồng chí Lương Xanh (người Diễn Kỷ) - đại diện Phủ uỷ đã cùng với các đồng chí Lê Niêm, Trương Đức Đại tiến hành thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa và lãnh đạo nhân dân các làng Đức Thịnh, Trung Mỹ, Kim Âu tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Sự hoạt động năng nổ của đồng chí Lê Niêm đã góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Đông Câu nói riêng và toàn phủ Diễn Châu nói chung.

Tháng 1/1946, đồng chí Lê Niêm được tổ chức và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Hành chính lâm thời làng Đức Thịnh. Một tháng sau, được sự tín nhiệm của Tỉnh uỷ, đồng chí Lê Niêm nhận nhiệm vụ lên Thanh Chương tiếp tục gây dựng cơ sở đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Niêm luôn phát huy tinh thần của người đảng viên cộng sản, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng ở quê nhà.

Từ năm 1946 đến năm 1951, đồng chí Lê Niêm đã đặt chân đến các địa phương: Nghĩa Đàn, Yên Thành với nhiệm vụ tiếp tục ươm mầm cách mạng, phát triển cơ sở đảng trong thời kỳ lịch sử mới do Tỉnh uỷ giao phó. Năm 1951, đồng chí làm Bí thư Chi bộ Mậu dịch và trở thành Bí thư Chi bộ Kho thóc Nghệ An vào năm 1956,... Dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Niêm vẫn luôn phát huy cao độ tinh thần và nhiệt huyết của mình, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được đảng cấp trên giao phó.

Ngày 8/1/1987, do tuổi cao cùng những di chứng trong lao tù, đồng chí Lê Niêm đã yên nghỉ trong sự tiếc thương của gia đình, bạn hữu và các đồng chí.

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Niêm - người cán bộ lão thành cách mạng luôn gắn liền với sự cống hiến không mệt mỏi vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu Đảng mới thành lập, đồng chí Lê Niêm đã có nhiều đóng góp cho công tác phát triển đảng viên nói riêng và cho sự nghiệp cách mạng địa phương nói chung. Với những đóng góp của mình, đồng chí Lê Niêm đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhì do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trao tặng ngày 27/8/1985./.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-le-niem-tam-guong-cong-san-kien-cuong-cua-que-huong-dien-chau
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-le-niem-tam-guong-cong-san-kien-cuong-cua-que-huong-dien-chau
Đồng chí Lê Niêm - tấm gương cộng sản kiên cường của quê hương Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO