Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lý Tự Trọng (1915-1932): Đấu tranh oanh liệt đến hơi thở cuối cùng cho Đảng

BTXVNT 05/11/2024 16:09

Lý Tự Trọng lúc nhỏ tên là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1915 trên đất Xiêm (nay là Thái Lan), con ông Lê Hữu Đạt, quê quán xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đầu năm 1926, Lê Hữu Trọng được Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Xiêm cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến Quảng Châu, anh được gặp đồng chí Lý Thuỵ ( tức Nguyễn Ái Quốc) và được Người tổ chức vào nhóm Thiếu niên tiền phong Việt Nam. Lê Hữu Trọng và các hội viên trong nhóm này được đồng chí Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị kế hoạch đưa sang Liên Xô học tập và Người cải họ Lê của Lê Hữu Trọng sang họ Lý. Lê Hữu Trọng đổi thành tên Lý Tự Trọng.

Lý Tự Trọng
Chân dung đồng chí Lý Tự Trọng (1915-1932).

Sau khi được Nguyễn Ái Quốc dạy thêm về địa lý, lịch sử nước nhà, Lý Tự Trọng được Người giới thiệu vào học tiếng Trung Quốc tại trường trung học của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Do thông minh và ham học nên anh đã rút ngắn được thời gian học tập tại trường và sau đó được điều về giúp việc ở cơ quan Tổng bộ. Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với đảng bạn, các cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc; đồng thời, tổ chức chuyển thư từ, tài liệu của Tổng bộ về nước.

Mùa Thu năm 1929, Lý Tự Trọng được điều về Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Về Sài Gòn, anh xin làm công nhân nhặt than tại Bến Nhà Rồng với bí danh là Trọng Con. Lúc cơ quan Trung ương Đảng chuyển vào Sài Gòn, nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vô cùng nặng nề. Anh vừa làm giao thông liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam Kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ với các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn- Chợ Lớn. Công việc hết sức nặng nề nhưng anh hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.

Ngày 8/2/1931, để bảo vệ cho đồng chí Phan Bôi đang diễn thuyết tuyên truyền cách mạng, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên Thanh tra mật thám Pháp Lơ-gơ-răng gần sân vận động Sài Gòn. Lý Tự Trọng bị mật thám Pháp bắt. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man; nhưng anh không khai nửa lời. Ngày 15/4/1931, chính quyền Pháp tại Sài Gòn đã mở phiên tòa Đại hình xét xử Lý Tự Trọng và anh bị kết án tử hình tuy chưa hết tuổi vị thành niên.

Tượng đài Lý Tự Trọng. Ảnh tư liệu
Tượng đài Lý Tự Trọng. Ảnh tư liệu

Trong thời gian bị giam tại khám lớn Sài Gòn, bị mua chuộc dụ dỗ bằng mọi hình thức, thực dân Pháp không hề lay chuyển được ý chí sắt thép của Lý Tự Trọng. Anh luôn luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng sau này. Khí phách hiên ngang của anh đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục và kinh ngạc, chúng gọi anh là “Ông Nhỏ" và ca ngợi “ thật là con người gang thép”.

Tháng 11/1932, bất chấp dư luận và luật pháp, thực dân Pháp đã xử bắn Lý Tự Trọng khi anh mới 17 tuổi.

Lý Tự Trọng đã anh dũng hy sinh, nhưng dũng khí đấu tranh của anh mãi mãi ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Câu nói nổi tiếng của anh được các thế hệ thanh niên Việt Nam lấy làm lẽ sống cho mình: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể là con đường nào khác”.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/ly-tu-trong-1915-1932
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/ly-tu-trong-1915-1932
Đồng chí Lý Tự Trọng (1915-1932): Đấu tranh oanh liệt đến hơi thở cuối cùng cho Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO