Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An

ThS. Trần Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh 22/10/2024 18:28

Đồng chí Nguyễn Tiềm, người chiến sĩ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An khi mới tròn 18 tuổi.

“Nhớ ai, ai có nhớ ta không?

Ta nhớ người xa cách mấy trùng

Nhớ lúc luận bàn câu vận mệnh

Nhớ khi hò hét nợ non sông…”

Mỗi khi đọc những câu thơ trong bài “Nhớ bạn” của đồng chí Nguyễn Tiềm gửi đồng chí Lê Viết Thuật những ngày bị giam cầm trong lao tù đế quốc, chúng ta lại nhớ về người chiến sĩ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An khi mới tròn 18 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Tiềm (hay còn gọi là Quảng, Cát, Nhung), sinh ngày 10/11/1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xóm Hạ, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xã Trung Phúc Cường), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Tiềm (1912-1932).

Làng Dương Liễu xưa, nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Tiềm là trung tâm của tổng Nam Kim, một vùng đất có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Đây là nơi Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng Giáp Nguyễn Đức Quý từng chiêu dụ nghĩa binh, dựng cờ khởi nghĩa; nơi Tướng Cao Thắng từng đóng quân ở Đình Dương Liễu… trong phong trào Văn thân - Cần Vương cuối thế kỷ XIX.

Từ thuở nhỏ, Nguyễn Tiềm vốn là một cậu bé thông minh, hiếu học, sau khi được cha dạy chữ Hán, cho theo học chữ Quốc ngữ ở trường làng, anh tiếp tục theo học Trường Tiểu học Pháp - Việt và thi đậu vào Trường Quốc học Vinh.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hàng ngày chứng kiến cảnh nhân dân bị kìm kẹp dưới ách cai trị của chính quyền thực dân, phong kiến, người thanh niên đầy nhiệt huyết Nguyễn Tiềm đã sớm được giác ngộ và tham gia các hoạt động yêu nước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh hăng hái tham gia vào các hoạt động do Hội Phục Việt tổ chức.

Năm 1926, Nguyễn Tiềm hòa mình cùng hàng trăm học sinh tại Vinh, quần chúng công nông, các tiểu thương tuần hành quanh thành phố và tập trung tại chùa Diệc để dự đám tang cụ Phan Chu Trinh. Sự kiện này đánh dấu hoạt động yêu nước đầu tiên của Nguyễn Tiềm trong sự nghiệp cách mạng. Từ đây, khát vọng chống Pháp được thắp lên trong tâm hồn cậu học sinh Nguyễn Tiềm.

Cuối năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội Thanh niên) hoạt động mạnh ở Nghệ An. Là 1 trong 3 đoàn viên học sinh của Hội Hưng Nam tại Trường Quốc học, Nguyễn Tiềm đã được Hội Thanh niên ở Vinh kết nạp vào hội. Anh đã hăng hái hoạt động và cùng hai hội viên khác lập thành tiểu tổ Hội Thanh niên ở Trường Quốc học Vinh.

Với những nỗ lực trong hoạt động, cuối tháng 11/1929, đồng chí Nguyễn Tiềm đã được cử làm Bí thư Tổng Sinh hội Nghệ An. Với cương vị này, đồng chí Nguyễn Tiềm đã có nhiều đóng góp rất quan trọng. Nguyễn Tiềm cùng với các đồng chí trong Chi bộ Đảng chuyển tổ chức Sinh đoàn Trường Quốc học thành tổ chức Sinh hội của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng thời đổi tên báo “Hồng Sinh” của Tổng Sinh hội thành báo “Xích Sinh” nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, phê phán những nhận thức sai lệch về chủ nghĩa cộng sản. Khi phong trào đấu tranh ngày càng cao đòi hỏi có nhiều truyền đơn, báo chí để tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Tiềm đã tự bỏ tiền mua dụng cụ, lập bộ phận ấn loát của Tổng Sinh hội.

Để phát triển lực lượng tuyên truyền, Nguyễn Tiềm đã không quản ngại nguy hiểm, đến tận các trường ở Nam Đàn, Thanh Chương, thị xã Hà Tĩnh, Đức Thọ… để giác ngộ học sinh tham gia cách mạng. Với sự nhiệt tình, năng lực hoạt động của Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Ban Chấp hành Tổng Sinh hội, phong trào học sinh trong Trường Quốc học đã có tiếng vang lớn trong quần chúng công nhân và nông dân.

Trong thời gian học tại Trường Quốc học Vinh, Nguyễn Tiềm đã lãnh đạo học sinh trong trường đòi tự do xem sách báo tiến bộ, tự do lập hội, tự do bãi khóa, tự do du học nước ngoài, phản đối đánh đập, chửi mắng và đuổi học sinh… Để tránh âm mưu thâm độc của kẻ thù là rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận, nói xấu cách mạng, đồng chí Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Tổng Sinh hội Nghệ An đã kịp thời phát truyền đơn vạch rõ âm mưu phản cách mạng, kêu gọi học sinh trong các trường tẩy chay trò hề diễn thuyết của Tổng đốc Hồ Đắc Khải. Với những hoạt động đó, đồng chí Nguyễn Tiềm thực sự đã hòa mình trong phong trào quần chúng cách mạng.

Sau ngày 1/5/1930, phong trào cách mạng càng lên cao và mở rộng phạm vi đến nhiều địa phương trong tỉnh. Lo sợ trước ảnh hưởng của Nguyễn Tiềm, ngày 3/5/1930, thực dân Pháp đã đuổi đồng chí ra khỏi Trường Quốc học. Từ đó, Nguyễn Tiềm thực sự trở thành người cán bộ cách mạng của Đảng.

Để tăng cường bổ sung thêm lực lượng lãnh đạo cho phong trào cách mạng, mặc dù trẻ tuổi nhưng đồng chí Nguyễn Tiềm đã được Phân cục Trung ương Trung Kỳ tín nhiệm chỉ định vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Nghệ An phụ trách công tác tuyên truyền vào tháng 6/1930. Trên cương vị và nhiệm vụ mới được Đảng tin tưởng giao phó, đồng chí Nguyễn Tiềm đã đem tất cả năng lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của mình trực tiếp chỉ đạo, góp phần vào thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng ở các địa phương như Vinh, Nam Đàn, Thanh Chương… trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 10/1930, ở tuổi 18, đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều thách thức, nhiệm vụ mới nhưng với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm Bí thư Tổng Sinh hội, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, người Bí thư trẻ tuổi Nguyễn Tiềm đã nhanh chóng bắt nhịp với những làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Đầu năm 1931, tại làng Lệ Nghĩa (huyện Anh Sơn), Nguyễn Tiềm đã chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy để đánh giá tình hình, đề ra chủ trương đối phó với các cuộc khủng bố trắng của địch, duy trì tổ chức cơ sở đảng và giữ vững phong trào. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy sa lưới địch, đồng chí Nguyễn Tiềm vừa lo củng cố tổ chức, vừa phải đối phó với cuộc khủng bố trắng của địch, vừa phải tìm cách giải quyết khó khăn về đời sống cho nhân dân bằng các hoạt động thiết thực như phát động phong trào tương trợ, đùm bọc lẫn nhau giữa các địa phương, một làng bị khủng bố các làng khác nổi lên phản đối; phong trào vay lúa cứu đói dấy lên trong các phủ huyện; vận động các thầy thuốc giỏi trong làng lập cơ sở chữa bệnh; vận động nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng những người đau yếu….

Cuối tháng 5/1931, cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy đều bị đánh phá nghiêm trọng, nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ lần lượt bị bắt và hy sinh. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Nguyễn Tiềm được bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy phụ trách công tác tuyên truyền, xây dựng cổ vũ phong trào, giáo dục đảng viên và quần chúng cách mạng. Tuy bị truy lùng ráo riết, cơ quan Xứ ủy bị lộ nhưng Nguyễn Tiềm vẫn cùng với Lê Viết Thuật bám sát quần chúng, duy trì hoạt động của Xứ ủy.

Cặp da của đồng chí Nguyễn Tiềm dùng đựng tài liệu trong thời gian làm việc tại nhà thờ họ Nguyễn Duy ở Thanh Phong, Thanh Chương năm 1930.

Vốn bị bệnh phổi lại làm việc quá sức, đồng chí đã ngã bệnh và bị bắt trong lúc đang chữa trị. Trong những ngày bị giam ở Sở Mật thám và Nhà lao Vinh, dù bị tra tấn dã man trong lúc sức khỏe đang suy kiệt song đồng chí Nguyễn Tiềm vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Không khuất phục được ý chí, bản lĩnh của Nguyễn Tiềm, năm 1932 Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã tuyên án tử hình đồng chí. Nhưng trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ phải giảm án xuống khổ sai chung thân và đày đồng chí vào nhà tù Lao Bảo.

Tiếp tục bị giam cầm, tra tấn trong chốn rừng thiêng nước độc, ăn uống kham khổ, thuốc men thiếu thốn, bệnh tình đồng chí ngày càng nguy kịch.

Ngày 11/10/1932, đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) khi vừa tròn 20 tuổi, để lại cho Đảng và nhân dân lòng tiếc thương vô hạn về tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước và đạo đức cách mạng của người cộng sản đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ một thanh niên yêu nước, trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, đồng chí Nguyễn Tiềm đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên khi mới 18 tuổi. Sau 2 năm lăn lộn với phong trào cách mạng của nhân dân, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Tiềm tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho phong trào cách mạng trên quê hương Nghệ An lại rất to lớn, được Đảng, Nhà nước ta khẳng định, tôn vinh, tri ân và ghi vào trang sử quê hương với niềm ngưỡng mộ, tự hào.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-nguyen-tiem-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-bi-thu-dau-tien-cua-tinh-uy-nghe-an
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-nguyen-tiem-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-bi-thu-dau-tien-cua-tinh-uy-nghe-an
Đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh