Đồng chí Nguyễn Trần Đạt - người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Trần Đạt có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước.
Cẩm Bình nằm ở phía Đông Bắc huyện Cẩm Xuyên, là một trong những địa phương có truyền thống yêu nước lâu đời. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Cẩm Xuyên đã nhiều lần chung lưng đấu cật cùng nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp. Những tên tuổi như Trần Cuông, Nguyễn Hàng Chi… đã trở thành những tấm gương về lòng yêu nước và kiên trung cho nhân dân noi theo.
Đồng chí Nguyễn Trần Đạt (Nguyễn Đạt, Nguyễn Tín) sinh năm 1900 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Yên Ốc, tổng Vĩnh Lại, nay là thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 11 tuổi, đồng chí được gia đình cho theo học lớp chữ Hán, sau đó tiếp tục theo học mấy năm chữ Quốc ngữ. Tiếp nối truyền thống quê hương, gia đình, đồng chí Nguyễn Trần Đạt sớm chứng tỏ là một người con chăm ngoan, hiếu học, ham tìm hiểu văn thơ tiến bộ và có tư tưởng yêu nước.
Vào những năm 1926-1927, hội Phục Việt đã về Cẩm Xuyên gây dựng cơ sở. Nhờ những hoạt động của hội, tư tưởng yêu nước tiến bộ đã ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến các tầng lớp trí thức, thanh niên yêu nước Cẩm Bình, trong đó có đồng chí Nguyễn Trần Đạt.
Cuối tháng 3/1930, sau khi Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh ra đời, đồng chí Trần Hữu Thiều (Bí thư lâm thời) đã về bắt liên lạc với một số thanh niên yêu nước và phát triển phong trào cách mạng ở Cẩm Xuyên… Cẩm Bình lúc này tuy chưa phát triển đảng viên và chưa có chi bộ cộng sản, song đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các thanh niên yêu nước, có cảm tình Đảng trong làng như Trần Nhơn, Nguyễn Đình Tuy… đã hăng hái tham gia nhiều cuộc mít tinh, biểu tình tại địa phương.
Tháng 3/1931, Chi bộ Yên Ốc được thành lập gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trần Đạt được Đảng tín nhiệm phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Ngay sau đó, thực hiện chủ trương của Ban cán sự Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các đồng chí của mình đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và quần chúng thông qua các tài liệu như: cuốn Đường Kách mệnh, bản Luận cương chính trị năm 1930…
Nhờ hoạt động tuyên truyền của đồng chí Nguyễn Trần Đạt và Chi bộ Yên Ốc, chỉ trong một thời gian ngắn nhân dân trong làng đã tích cực gia nhập vào các tổ chức quần chúng như: Nông hội, Tự vệ, Hội Phụ nữ…và đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại chính sách khủng bố của địch.
Trung tuần tháng 3/1931, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và Chi bộ Yên Ốc đã kêu gọi nhân dân Yên Ốc, Yên Bình, Yên Xá, Yên Dưỡng tổ chức mít tinh hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân ở 2 tổng Hạ Nhất (Thạch Hà) và Vân Tán (Hương Khê). Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các đồng chí đảng viên diễn thuyết tại chùa Sim, cồn Mụ Huê, chợ Đình, đoàn biểu tình đã tổ chức tuần hành thị uy. Quần chúng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh đã thu hút thêm đông đảo nhân dân tham gia và khiến cho cường hào địa phương run sợ.
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Cẩm Xuyên, đêm 30/4/1931, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các đồng chí được phân công đã tổ chức rải truyền đơn khắp các ngả đường ở Yên Ốc, Yên Bình. Sáng ngày 1/5/1931, tiếng trống mõ báo hiệu đồng loạt nổi lên, nhân dân Yên Ốc dưới sự chỉ huy của Chi bộ Yên Ốc, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã hợp nhất với đoàn biểu tình các làng thuộc tổng Vân Tán (Cẩm Xuyên), Hạ Nhất (Thạch Hà) kéo về địa điểm tập trung tại đền Thượng tướng Nguyễn Biên (Cát Khánh).
Đoàn vừa đi, vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh: “Tinh thần ngày 1/5 muôn năm; Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến; Tăng tiền công, giảm giờ làm…”. Khi quần chúng đang mít tinh nghe diễn thuyết thì địch đã cho lính đến đàn áp, nổ súng bắn dọa. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của các đồng chí đảng viên, quần chúng nhân dân vẫn giữ vững đội hình, đồng thanh hô vang các khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi.
Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, địch đã xả đạn vào đoàn biểu tình khiến 2 người chết. Để bảo toàn lực lượng, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các đồng chí đảng viên thống nhất hướng dẫn đoàn biểu tình của các làng giải tán.
Tháng 8/1931, để đối phó với phong trào cách mạng ngày một dâng cao ở Yên Ốc, thực dân Pháp đã bắt nhân dân đóng góp tranh tre, gỗ lạt đóng trại, rào dậu 4 phía và dựng lên các điếm canh với các dụng cụ giam cầm, tra tấn như gông cùm, gươm đao. Bên cạnh đó, chúng còn cho bộ máy tay sai địa phương phối hợp với bang tá, đoàn phu tiến hành các đợt lùng sục, vây ráp và bắt bớ cán bộ đảng.
Sau một tháng địch lùng sục, đồng chí Nguyễn Trần Đạt bị địch bắt và giam tại đồn Yên Ốc. Tại đây, Nguyễn Trần Đạt và nhiều đồng chí đảng viên khác đã bị địch tiến hành nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo như: treo lên cành cây giới rồi sai lính đánh tay đôi như giã gạo cho đến khi các đồng chí ngất xỉu đi; sau đó, chúng tiếp tục dội nước cho tỉnh và bắt đầu một đợt tra tấn khác…
Dù đối mặt với nhiều cực hình nhưng đồng chí Nguyễn Trần Đạt vẫn giữ vững lời thề với Đảng. Không khai thác được gì từ đồng chí, chúng đã giải đồng chí lên giam tại Nhà lao Hà Tĩnh, sau đó đày đi Buôn Ma Thuột. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, mặc dù đối mặt với chính sách tù đày hà khắc nhưng đồng chí Nguyễn Trần Đạt vẫn một lòng kiên trung, cùng các anh em, đồng chí của mình đứng lên đấu tranh biến nhà tù thành trường học cách mạng, chống lại các chế độ hà khắc, cải thiện sinh hoạt...
Sau ngày 9/3/1945, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và một số đồng chí là tù chính trị ở các nhà tù như: Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Lao Bảo được trả tự do. Ngay sau khi về quê hương, đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã bắt liên lạc và cùng các đồng chí Trần Hữu Duyệt, Phạm Thể… bắt tay vào cuộc tuyên truyền, vận động nhà giàu bỏ tiền gạo cứu tế cho dân nghèo. Tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Trần Đạt, Nguyễn Kỳ Hối, Nguyễn Han… đã tham gia cuộc họp tại nhà đồng chí Trần Hoác và thống nhất thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Yên Ốc.
Giữa tháng 8/1945, sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, nhận bức điện khẩn của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh với nội dung: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, không câu nệ làng trước hay huyện trước. Các đồn lính khố xanh nhất định phải chiếm lấy. Kế hoạch cướp chính quyền do địa phương linh hoạt”, đồng chí Nguyễn Trần Đạt và các đồng chí trong Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Yên Ốc đã tiến hành hội họp và nhận định: Thời điểm này, hệ thống bang tá, hương lý, cường hào đã hoang mang, dao động cực độ; lính khố đỏ, khố xanh Pháp bỏ ngũ về sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng của địa phương; lực lượng khởi nghĩa tại Yên Ốc đã chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh.
Ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Yên Ốc, đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã vận động đông đảo bà con nhân dân nhất tề đứng dậy cướp chính quyền. Trước khí thế sục sôi, ý chí quật cường của người dân, lý trưởng, cường hào, hương lý không dám phản ứng mà đã ngoan ngoãn giao nộp con dấu và các loại giấy tờ sổ sách của xã cho cách mạng. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền tại Yên Ốc đã thành công.
Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công, ngày 7/2/1946, đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã được tổ chức tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tân Bình. Tháng 8/1969, do ảnh hưởng của chế độ lao tù và tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã mất tại quê nhà.
Với những đóng góp của bản thân và gia đình trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Trần Đạt đã nhận được những phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Thủ tướng Phạm Văn Đồng truy tặng; Bảng Gia đình vẻ vang năm 1974 do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp truy tặng./.
-----
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tập I (1930-1954), NXB Chính trị Quốc gia năm 1997
- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Bình tập 1 (1930-2005), xuất bản tháng 9/2009
- Lời kể, hình ảnh tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Trần Đạt cung cấp