Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Tư Vạn với những đóng góp hào hùng cho phong trào Xô viết ở Thanh Chương

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 01/11/2024 23:27

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Tư Vạn góp phần dệt nên một Xô viết Thanh Chương hào hùng, đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Tư Vạn (bí danh là Sơn), sinh năm 1902, tại làng Hòa Quân, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương (nay là xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Nguyễn Tư Vạn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Khôi. Thân mẫu là bà Đậu Thị Nhỏ, một người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó và hết lòng chăm lo chồng, con.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước lầm than nô lệ, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Hòa Quân nói riêng đều rên xiết dưới chế độ thực dân phong kiến bạo tàn. Toàn làng Hòa Quân có khoảng 100 hộ gia đình, với 307 mẫu ruộng thì những thửa ruộng phì nhiêu màu mỡ đều nằm trong tay bọn địa chủ, phú nông, gần 30 mẫu công điền thổ dành cho hội hè cúng tế ở đình chùa, miếu mạo. Những cánh đồng khô cằn, trong thung lũng sâu mới dành cho người dân cày cấy.

Đã vậy, bọn hào lý trong làng ra sức hoành hành, đè nén sưu nặng, tức cao. Người dân còn cực khổ trăm bề vì nạn bắt phu, bắt lính, tạp dịch. “Tức nước vỡ bờ”, chính hoàn cảnh này đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của Nhân dân khắp cả nước.

Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung Kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn (nay thuộc xã Thanh Long) vào ngày 20/3/1930. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương, đồng thời, quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Huyện ủy lâm thời đã coi công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, phân công cán bộ về tận thôn xóm để tuyên truyền giác ngộ, làm cho quần chúng hiểu biết về Đảng và cách mạng [1].

Những hoạt động sôi nổi của tổ chức Đảng đã tác động to lớn đến chàng thanh niên Nguyễn Tư Vạn và những người yêu nước ở Hòa Quân. Anh đã sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia vào các cuộc đấu tranh, biểu tình trong làng, xã, huyện.

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các chi bộ Đảng, liên tục các sự kiện cách mạng đã diễn ra ở Thanh Chương, kéo dài suốt từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1930, ở nhiều địa phương trong toàn huyện và đều có sự tham gia tích cực của đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên, Đậu Đình Lĩnh,… Tuy nhiên, ở Hòa Quân, do chưa có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo nên vẫn chưa thổi bùng được ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Dù vậy, những quần chúng ưu tú tại Hoà Quân đã được Huyện ủy Thanh Chương để ý, lựa chọn, bồi dưỡng thành hạt giống đỏ, để chuẩn bị thành lập tổ chức cơ sở Đảng, Nguyễn Tư Vạn là một trong những hạt giống ấy.

Đầu tháng 5 năm 1930, đồng chí Nguyễn Hữu Viện người Võ Liệt, là thầy giáo dạy học tại xã Hòa Quân, cán bộ Tuyên truyền của Huyện bộ Thanh Chương được giao nhiệm vụ trở về rải truyền đơn, tuyên truyền xây dựng cơ sở vùng Hòa Quân. Thực hiện chủ trương của Huyện bộ, Nguyễn Hữu Viện đã phối hợp với Nguyễn Tư Vạn thực hiện cuộc biểu tình ngày 15 tháng 7 năm 1930, chỉ đạo Nhân dân xã Hòa Quân kéo về Huyện đường. Tuy nhiên, do thông tin bị lộ nên cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt.

Sau một thời gian hoạt động sôi nổi và tích cực, đầu tháng 8 năm 1930, đồng chí Nguyễn Tư Vạn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng trong thời gian này, tại Nhà thờ họ Nguyễn Tư (nay thuộc xóm 1, xã Thanh Hương), dưới sự chủ trì của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đảng Hòa Quân được thành lập, mang bí danh HQ [2]. Chi bộ có 8 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Tư Vạn, Đậu Đình Lĩnh, Nguyễn Tư Kiên, Đinh Văn Tiệm, Lê Như Mỹ, Nguyễn Xuân Phớn, Nguyễn Hữu Viện và Nguyễn Thị Sen. Đồng chí Nguyễn Tư Vạn được bầu làm Bí thư, Nguyễn Tư Kiên làm Phó Bí thư [3].

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Hòa Quân là bước ngoặt quan trọng, mở ra trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hòa Quân, bởi từ đây, phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến ở Hòa Quân đã có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng và sự thông minh, linh hoạt, đồng chí Nguyễn Tư Vạn đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện cán bộ cho Đảng như:

Ngày 10 tháng 8 năm 1930, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng biểu tình phá đồn Kiểm lâm Hòa Quân; phá đồn điền Hoàng Nghĩa Đầu và Hoàng Nghĩa Cầu ở Đồng Hòa giành lại một số ruộng đất cho Nhân dân.

Ngày 15 tháng 8 năm 1930, Chi bộ Đảng đã vận động trên 60 quần chúng tham gia cuộc biểu tình tại đồn Thanh Quả.

Ngày 20 tháng 8 năm 1930, Chi bộ chủ trương biểu tình thị uy theo lệnh của Tổng bộ, tập trung quần chúng gồm 110 người có đầy đủ giáo mác, gậy gộc dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tư Vạn đi qua các thôn Đồng Du – Thanh La (Tức xã Thanh Lĩnh ngày nay)[4].

Phát huy khí thế đó, Chi bộ Hòa Quân đã lãnh đạo quần chúng trên địa bàn cùng nhân dân toàn huyện Thanh Chương tham gia biểu tình cướp Huyện đường. Đêm 31 tháng 8 năm 1930, trống của xã Hòa Quân được đưa lên trên đỉnh núi Sừng Bò để chờ lệnh. Tự vệ các làng chốt chặn mọi ngả đường, cắt đứt đường chi viện của địch về Thanh Chương, bảo vệ và dẫn đường cho cuộc biểu tình đi qua. Một giờ sáng ngày 01 tháng 9 năm 1930, đúng theo kế hoạch từ trước, khi tiếng trống lệnh tiếp nối nhau vang lên trên các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, trên núi Tiến, xã Võ Liệt và rú Nguộc, xã Ngọc Sơn thì tại Hòa Quân, tiếng trống gióng lên dồn dập trên đỉnh Sừng Bò, cùng tiếng chiêng, mõ tre và tiếng hò reo càng thôi thúc quần chúng Nhân dân tham gia biểu tình.

Đoàn người rầm rập tiến về phía Huyện đường với cờ đỏ búa liềm, giáo mác, gậy gộc… Khí thế ngút trời khiến binh lính và tay sai ở Huyện đường hoảng sợ, nhanh chóng tháo chạy. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã, thay vào đó là sự hình thành của chính quyền Xô viết. Cuộc biểu tình ngày 01 tháng 9 năm 1930 được coi là mốc mở đầu, đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc.

Sau cuộc biểu tình này, nhân đà thắng lợi, Chi bộ Hòa Quân tiếp tục tổ chức quần chúng tuần hành thị uy, đào mương chống hạn, mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, trấn áp bọn hào lý ở địa phương, làm cho chúng sợ hãi và tê liệt. Chính quyền địch tan rã, để quản lý làng xã, Chi bộ Đảng đã thành lập Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản Đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, Tự vệ đỏ, tiến hành tịch thu ruộng đất công, tiền lúa công của làng xã mà bọn địa chủ, hào lý đã chiếm dụng, xóa bỏ sưu thuế, giảm tô chính, bỏ tô phụ, bài trừ nợ cao, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu,… Trật tự trị an trong làng xã được ổn định, mọi việc trong làng xã đều do Nông hội giải quyết. Trong xã không có bóng vía một tên hào lý nào.

Ngày 12 tháng 9 năm 1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng tham gia mít tinh, biểu tình phản đối chính sách khủng bố của Pháp tại chợ Phuống, tổng Võ Liệt và truy điệu 3 quần chúng hy sinh tại cuộc biểu tình 01 tháng 9 năm 1930. Ngày 29 tháng 9 năm 1930, Chi bộ tiếp tục tổ chức lãnh đạo quần chúng làm lễ truy điệu những người hy sinh trong cuộc biểu tình 12 tháng 9 năm 1930 tại đình Hoà Quân.

Ngày 25 tháng 10 năm 1930, Bí thư Nguyễn Tư Vạn lại cùng Chi bộ Hòa Quân huy động hơn 300 quần chúng tham gia đấu tranh đòi bọn quan lại, hào lý địa phương phải trả lại tiền nghĩa thương, xóa bỏ nợ công, lấy lại công điền, công thổ chia cho dân cày nghèo.

Trước sức mạnh của Nhân dân, chúng phải trả lại 300 quan tiền nghĩa thương, tuyên bố thủ tiêu 400 quan tiền lãi của hội tế thánh và tế thần, xóa nợ lãi của địa chủ phú nông, bỏ địa tô, đồng thời đốt hết sổ sách ở trong tay hào lý. Kết quả này đã khích lệ rất lớn tinh thần đấu tranh của Nhân dân, làm cho họ càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng.

Tiếp nối thành công ấy, Chi bộ Đảng chủ trương giao cho Nông hội đỏ đảm nhiệm cuộc đấu tranh tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo vào ngày 02 tháng 12 năm 1930. Cũng trong tháng 12, Chi bộ tiếp tục chỉ đạo thành lập Hội Cứu tế đỏ với 30 hội viên nhằm giúp đỡ Nhân dân những lúc gặp khó khăn, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân học chữ Quốc ngữ.

Đầu năm 1931, bất lực trước sức mạnh của quần chúng, Lý trưởng Phan Bá Uyên, Chánh đoàn Lê Bá Dũng, Phó lý Nguyễn Tư Đôn… đã yêu cầu binh lính Tây đồn Đại Định về đàn áp, đồng thời tăng cường thêm lực lượng đoàn phu. Mặt khác, chúng ngấm ngầm tung mật thám dò la, tìm hiểu những đối tượng tích cực, có vai trò quan trọng trong các tổ chức cộng sản để chuẩn bị kế hoạch đàn áp, truy bắt các đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng.

Biết đồng chí Nguyễn Tư Vạn là một trong những cán bộ cốt cán của Chi bộ Hòa Quân, chúng liệt đồng chí vào loại đối tượng cực kỳ nguy hiểm và sai bọn mật thám lùng sục khắp nơi. Chúng đốt, phá nhà đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Hữu Viện,...

Những hành động tàn bạo của địch đã gây cho Chi bộ Hòa Quân nhiều tổn thất, hoạt động khó khăn. Trong một chiến dịch đàn áp truy lùng, các cán bộ đảng viên, quần chúng cách mạng lần lượt bị địch bắt như ông Đậu Đình Lĩnh, Lê Bá Tuấn,… 4 người còn lại là đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Hữu Viện và ông Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ đã may mắn thoát khỏi truy lùng của kẻ địch, rút vào rừng hoạt động bí mật.

Ban ngày, các đồng chí làm việc trong rừng sâu, ban đêm lại trở về rải truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền, nhằm duy trì và nâng cao khí thế đấu tranh trong quần chúng Nhân dân tại thời điểm khó khăn này, đồng thời, tiếp nhận lương thực của bà con để duy trì hoạt động. Biết được các hoạt động trên, thực dân Pháp và tay sai lại ra lệnh thiết quân luật, làm chòi canh gác, chặn bắt những cán bộ, đảng viên đêm về làng rải truyền đơn, tiếp nhận lương thực. Trong tình thế nghiêm ngặt, phong trào dù bị lắng xuống nhưng quần chúng Nhân dân vẫn tìm cách đem gạo, đem khoai tiếp tế, một lòng bảo vệ cán bộ, bảo vệ quần chúng cách mạng.

Để giải vây cho các đồng chí ở Hòa Quân, Huyện bộ Thanh Chương chủ trương phát động quần chúng biểu tình thị uy, bắt và kết án những tên hào lý. Nhờ vậy, nhiều đồng chí như Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Hữu Viện,.. được trở về hoạt động gây dựng lại phong trào. Các đồng chí đã ra Thanh Nha tìm Tổng bộ, bàn kế hoạch khôi phục lại địa bàn Ngọc Lâm (Thanh An) [5], đồng thời, lấy tự vệ toàn tổng về bắt tên Lý trưởng Ngọc Lâm là Cảnh Kỳ. Khí thế cách mạng tại đây được khôi phục và ngày càng phát triển.

Tháng 4 năm 1931, Nguyễn Tư Vạn tham gia cùng Huyện bộ trong kế hoạch tổ chức khôi phục lại địa bàn Hòa Quân. Họ đã lấy Tự vệ Chi bộ Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tam, Giáp Tứ chia làm ba nhóm, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ bắt một số quan lại, hào lý áp bức Nhân dân, gây tổn thất cho phong trào cách mạng. Mờ sáng hôm sau, các nhóm đã bắt được tên Lý trưởng Phan Bá Uyên và Phó đoàn Nguyễn Văn An.

Nhóm do đồng chí Nguyễn Tư Vạn phụ trách đã bắt được Phan Bá Tiu, Nguyễn Tư Khai, đem vào rừng xử tử. Sau sự việc này, bọn quan lại còn lại sợ hãi, không dám manh động, các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng được khôi phục dần.

Đêm mùng 01 tháng 5 năm 1931, thực hiện chỉ thị của Huyện bộ, Chi bộ Hòa Quân đã huy động trên 100 người của Hòa Quân, Thanh Khiết dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tư Vạn, phối hợp cùng tự vệ trong tổng đi tuần hành, thị uy để bắt bọn cường hào Thanh La, kết quả là 4 tên cường hào gian ác bị tiêu diệt.

Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Tư Vạn được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tổng đội. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường lực lượng, lập thêm nhiều chốt trên địa bàn huyện Thanh Chương, quyết tâm ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng. Do đó, phong trào cách mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 7 năm 1931, bọn địch do tên Bang tá Tổng Nguyễn Tiến Tính (Soạn) cầm đầu, cùng một số lính khố xanh, khố lục kéo về làng đóng đồn tại nhà đồng chí Nguyễn Tư Kiên [6]. Chúng lập Chánh, Phó Lý trưởng, ngũ hương, bang tá xã, tộc biểu và đoàn phu, ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Chúng truy nã, lùng bắt, đốt nhà, cướp của, tra tấn không chỉ những người trực tiếp tham gia cách mạng mà ngay cả người thân của họ cũng không tha. Cuộc khủng bố gay gắt của địch đã khiến nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa, nương vườn đi lánh nạn. Chi bộ Đảng Hòa Quân một lần nữa phải lánh vào rừng để tránh sự truy sát và tiếp tục hoạt động.

Từ tháng 8 năm 1931, huyện Thanh Chương ở vào tình thế hết sức căng thẳng. Do sự chỉ điểm của hai tên phản bội ở Chi bộ Hà Giang (Quảng Xá), cơ quan Huyện ủy bị bao vây, một số cán bộ Huyện ủy bị sa lưới địch. Cơ quan Huyện ủy phải chuyển sang Rọ Con (núi Ngọc Lâm). Những người cộng sản ở Thanh Chương phải chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.

Bọn lính đồn và Bang tá thọc sâu vào rừng núi để truy nã các cơ quan, cán bộ, đảng viên và chặn đường tiếp tế cho cán bộ. Gạo muối đều cạn. Sống cảnh màn trời chiếu đất, phải thường xuyên di chuyển, cán bộ, đảng viên phải chịu đói rét, ốm đau. Dù vậy, ai cũng cố gắng phấn đấu, không để gián đoạn mối liên hệ với dân, với Đảng [7]. Đồng chí Nguyễn Tư Vạn cùng những cán bộ, đảng viên, quần chúng kiên trung như: Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ, Nguyễn Hữu Viện... tiếp tục bám trụ trong rừng, mặc cho đói khát, gian khổ. Nhận thấy tình trạng này không thể kéo dài, các đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Quốc Hạ đã tìm đường lên làng Vều (Anh Sơn) chắp nối liên lạc với cấp trên để tìm giải pháp hoạt động.

Đến tháng 02 năm 1932, đồng chí Nguyễn Tư Vạn bị địch bắt. Biết đồng chí là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng, địch ra sức dụ dỗ, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, tra tấn hòng tìm bắt nốt những đồng chí còn lại nhưng chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, quyết giữ vẹn lòng trung thành, bảo vệ bí mật tổ chức Đảng.

Ngày 09 tháng 7 năm 1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí Nguyễn Tư Vạn với mức án tử hình, theo bản án số 172. Sau đó, chúng giải đồng chí về quê nhà, tại làng Hòa Quân để xử bắn, nhằm răn đe những người cộng sản và quần chúng cách mạng nơi đây. Đồng chí đã hy sinh vào hồi 09 giờ, ngày 27 tháng 12 năm 1932.

Bằng Tổ quốc ghi công của đồng chí Nguyễn Tư Vạn.

Với 30 năm tuổi đời, tuy ngắn ngủi nhưng những hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Tư Vạn luôn gắn liền với chặng đường đấu tranh đầy sôi nổi, rất đỗi oanh liệt và tự hào.

Theo hồ sơ do Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh - Bộ Công an, trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Tư Vạn đã tham gia ám sát 9 kẻ địch nguy hiểm. Những đóng góp của đồng chí đã góp phần dệt nên một Xô viết Thanh Chương hào hùng, đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, của quê hương như một bản tráng ca bất hủ. Đồng chí hy sinh nhưng tên tuổi và hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân luôn được các thế hệ đời đời ghi nhớ.

Trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của Nguyễn Tư Vạn, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tên tuổi của đồng chí được trang trọng khắc ghi trên văn bia tại Nhà tưởng niệm các Liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931 trong khuôn viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, số thứ tự 1025.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Tư Vạn là một tấm gương trung dũng, kiên cường để các thế hệ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, con cháu học tập và noi theo./.

-----

Chú thích

[1] BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 -1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr 54,55.

[2] Ngoài ra còn có sự tham gia của Ông Nguyễn Như Mão người Đại Định (Nay là xã Đại Đồng) chắp nối liên lạc với ông Nguyễn Tư Vạn và Nguyễn Tư Kiên để ra đời tổ chức cơ sở Đảng.

[3] Theo Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương, viết ngày 10 tháng 7 năm 1967.

[4] Theo Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương.

[5] Trích bản tự thuật của đồng chí Nguyễn Hữu Viện, nguyên Ủy viên BCH Huyện bộ, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương.

[6] Trích Theo Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương, viết ngày 10 tháng 7 năm 1967.

[7] BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 -1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr 99.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-nguyen-tu-van-nguoi-chien-sy-cong-san-kien-trung
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-nguyen-tu-van-nguoi-chien-sy-cong-san-kien-trung
Đồng chí Nguyễn Tư Vạn với những đóng góp hào hùng cho phong trào Xô viết ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh