Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu và những tác phẩm giá trị về Bác Hồ

Công Khang 31/01/2023 11:08

(Baonghean.vn) - Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Minh Siêu vừa qua đời ở tuổi 89, để lại bao tiếc thương cho gia đình và bè bạn gần xa. Gần trọn cuộc đời, ông dành thời gian cho việc nghiên cứu, viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (SN 1935) quê ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Từ nhỏ, ông đã đam mê tìm hiểu về lịch sử - văn hóa quê hương, đất nước, đặc biệt là các danh nhân kiệt xuất.

Năm 1957, ông được cử tham gia lớp đào tạo sư phạm ngắn hạn rồi về dạy tại Trường cấp 2 ở Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Thời gian này, ông Siêu vừa giảng dạy, vừa làm công tác quản lý, rồi lại dành thời gian nghiên cứu lịch sử.

Năm 1959, Trần Minh Siêu thi đậu vào khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1962 tốt nghiệp ra trường, ông về nhận công tác tại Bộ Văn hóa và tiếp tục với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử - văn hóa.

Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông được điều chuyển về Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) với nhiệm vụ quản lý di tích, tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, gia đình và quê hương Bác Hồ.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu. Ảnh tư liệu

Làm việc tại Khu di tích Kim Liên, ông Trần Minh Siêu dành nhiều thời gian cho việc tôn tạo, nâng cấp các hạng mục có giá trị và tập trung nghiên cứu về Bác Hồ. Trong quá trình công tác, ông đã tham mưu cho Sở Văn hóa và UBND tỉnh phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến cuộc đời và gia đình của Bác Hồ như: Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân, nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cử nhân Vương Thúc Quý…

Riêng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là nơi ông bỏ nhiều công sức nhất để nghiên cứu về địa thế, phong thủy để giúp cho việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. Năm 1982, đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ về Nam Đàn khảo sát để tu sửa khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ông Siêu cùng đồng chí Vũ Kỳ đi lên dãy núi Đại Huệ tìm hiểu, thảo luận về địa lý, phong thủy và làm đơn đề nghị Bộ Văn hóa cho tôn tạo lại.

Ông Trần Minh Siêu thường sắp xếp thời gian đạp xe đi khắp nơi để gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những gì thu nhận và gom nhặt được ông ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ để làm vốn liếng cho đời. Gần 50 năm nghiên cứu lịch sử - văn hóa, phần lớn thời gian là nghiên cứu về Bác Hồ, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu có hàng chục công trình nghiên cứu về Người, trở thành một trong những người đứng hàng đầu có nhiều công trình nghiên cứu về Bác.

Du khách về thăm Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Đình Tuyên

Trong đó, phải kể đến những công trình có giá trị và ý nghĩa khoa học, nhân văn như: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Những năm cuối đời, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng ông Trần Minh Siêu vẫn dành nhiều tâm huyết để tiếp tục nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tâm nguyện đóng góp một phần công sức nhỏ bé để thế hệ sau biết nhiều hơn về Bác Hồ - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam sinh ra trên quê hương xứ Nghệ giàu truyền thống.

Ngày 30/1/2023, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu trút hơi thở cuối cùng do tuổi cao, sức yếu. Ông ra đi để lại khoảng trống không dễ lấp đầy trong việc nghiên cứu về cuộc đời, gia đình, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ.

Nhân dân Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung luôn biết ơn ông vì niềm say mê và những công trình nghiên cứu về Bác Hồ, vì những đóng góp cho Khu di tích Kim Liên - nơi gắn bó với tuổi thơ và gia đình của Người./.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu và những tác phẩm giá trị về Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO