Đồng chí Phan Đình Lại - Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn
Những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn, đặc biệt là thế hệ trẻ đã tiếp thu mạnh mẽ tư tưởng từ các phong trào yêu nước đương thời, tích cực tham gia lực lượng, quyên góp tiền bạc, thực phẩm và trở thành lực lượng, hậu cứ quan trọng của các phong trào. Đồng chí Phan Đình Lại, người con ưu tú của quê hương Nghĩa Đàn là một trong những tấm gương như thế.
Đồng chí Phan Đình Lại sinh năm 1905 tại làng Thọ Lộc, tổng Cự Lâm (nay là xã Nghĩa Khánh), huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình hoạt động, đồng chí còn có các bí danh khác như Bảo, Hương Bảo(1). Sinh ra trong gia đình khá giả, đồng chí Lại được cho theo học các lớp chữ Hán và chữ Quốc ngữ đến năm 20 tuổi. Cha là Chánh tổng nhưng có tinh thần yêu nước kháng Pháp nên nhà đồng chí là chỗ hội họp, qua lại của nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước. Do đó, ngay từ nhỏ, đồng chí đã sớm được tiếp xúc với tư tưởng, văn thơ yêu nước tiến bộ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Năm 1925 - 1926, đồng chí Phan Đình Lại đã tập hợp và sinh hoạt, trao đổi sách báo cùng một số thanh niên yêu nước đồng chí hướng tại Thọ Lộc, Cự Lâm.
Đầu năm 1929, sau khi dự huấn luyện ở Thái Lan về, đồng chí Võ Nguyên Hiến(2), thành viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Diễn Châu đã lên Nghĩa Đàn bắt liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước ở đây và lập ra nhóm Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thọ Lộc gồm 4 đồng chí: Phan Đình Lại, Nguyễn Đình Thạc, Phan Đình Tại và Phạm Ngọc Liên. Ngay sau khi thành lập, đồng chí Phan Đình Lại và các đồng chí hội viên đã chủ động tiến hành công tác tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng yêu nước, cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh bộ Việt Nam thanh niên tỉnh Nghệ An, các đồng chí còn vận động, đóng góp để xây dựng Trại cày theo mô hình Trại Cày ở Thái Lan. Trại Cày ở Xóm Lau (Thọ Lộc) mặc dù không tồn tại lâu nhưng nó là nơi để các đồng chí hội viên thanh niên ở Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên… cùng sinh hoạt, gây dựng tiềm lực kinh tế, mở lò rèn, đúc vũ khí, xây dựng căn cứ lâu dài cho cách mạng.
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh ủy Vinh và Tỉnh ủy Nghệ An. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Nghệ An, nhân dân các huyện đã vùng dậy đấu tranh, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Trong không khí sục sôi cách mạng, đồng chí Phan Đình Lại, Phạm Ngọc Liên được Chi bộ Thanh niên Thọ Lộc tín nhiệm cử làm phái viên về xuôi bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Cuối tháng 9/1930, sau bao khó khăn, nguy hiểm, hai đồng chí đã gặp được đồng chí Nguyễn Hữu Bình(3), cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An được giao nhiệm vụ phụ trách phong trào Diễn Châu. Sau khi bàn bạc chủ trương, đồng chí Phan Đình Lại, Phạm Ngọc Liên nhận chỉ thị và truyền đơn, tài liệu của Đảng. Các đồng chí đã tiến hành rải truyền đơn và tuyên truyền để gây dựng phong trào tại Nghĩa Đàn.
Đến đầu tháng 10/1930, chính quyền Xô viết đã ra đời ở một số nơi trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Để ngăn chặn làn sóng cách mạng ngày càng lan rộng trên cả nước và Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã tổ chức các cuộc khủng bố trắng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân, hòng dập tan phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Trước tình hình đó, để tránh sự khủng bố truy lùng của địch và duy trì phát triển cơ sở Đảng, Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng lên miền Tây Nghệ An. Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí Võ Nguyên Hiến và đồng chí Võ Thược lên huyện Nghĩa Đàn để gây dựng cơ sở. Đồng chí Võ Nguyên Hiến và Võ Thược trở lại Thọ Lộc, mở cuộc họp gồm đại diện thanh niên ưu tú Thọ Lộc, Cự Lâm. Cuộc họp đã thống nhất thành lập chi bộ ghép Thọ Lộc - Cự Lâm để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư, phụ trách chung. Có thể nói, chi bộ ghép Thọ Lộc - Cự Lâm là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An và đồng chí Phan Đình Lại chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản, Bí thư Chi bộ đầu tiên tại Nghĩa Đàn.
Sau khi thành lập, đồng chí Phan Đình Lại và Chi bộ ghép Thọ Lộc - Cự Lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân. Chi bộ đã cắt cử các đồng chí đảng viên về phụ trách, gây dựng phong trào tại các xã khác như Vĩnh Lại, Yên Hòa, Tri Chỉ… Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, số lượng đảng viên ở Nghĩa Đàn ngày một tăng lên. Tháng 1/1931, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới, đồng chí Phan Đình Lại và Võ Thược đã tiến hành triệu tập cuộc họp và tách chi bộ ghép thành 2 chi bộ độc lập: Chi bộ Cự Lâm và Chi bộ Thọ Lộc. Được sự tín nhiệm của tổ chức, đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư Chi bộ Thọ Lộc. Sự hình thành 2 Chi bộ mới đã khẳng định vai trò to lớn và nỗ lực không ngừng của đồng chí Phan Đình Lại trong phong trào cách mạng địa phương. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới cho lịch sử đấu tranh của toàn huyện, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành một số chi bộ khác như: Yên Hòa, Tri Chỉ, Sen, Sẻ,.. cũng như sự thành lập Huyện ủy Lâm thời huyện Nghĩa Đàn vào tháng 2 năm 1931 sau đó.
Huyện ủy Lâm thời huyện Nghĩa Đàn ra đời, phong trào cách mạng của Nghĩa Đàn có những chuyển biến mới hòa nhịp với các cuộc đấu tranh tại đồng bằng. Thực hiện chủ trương chung của Huyện ủy, đồng chí Phan Đình Lại và Chi bộ Thọ Lộc đã họp bàn và thành lập tổ chức Nông hội đỏ nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết của nhân dân trong làng. Chi bộ và nông hội đã tiến hành nhiều hoạt động rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết, vận động quần chúng tham gia đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống khủng bố. Nhờ đó, vai trò của Nông hội đỏ ngày càng được nâng cao, gần 80% nhân dân trong làng Thọ Lộc đã hăng hái gia nhập hội, đứng lên tham gia các cuộc đấu tranh. Trước sức mạnh của quần chúng, bộ máy hào lý ở Thọ Lộc tuy không tan rã hoàn toàn nhưng đã co cụm cố thủ, không dám động đến nhân dân. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi nhưng Chi bộ Đảng thông qua tổ chức Nông hội đỏ đứng ra hoạt động công khai, lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới có ý nghĩa như: tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ, vận động chống mê tín dị đoan, giảm đình đám tế tự, vay thóc của địa chủ chia cho dân nghèo…
Từ tháng 6/1931, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại lý Nghĩa Hưng Duytsken và tri huyện Nghĩa Đàn là Nguyễn Xuân Cần, lính đồn huyện đã về các làng có phong trào đấu tranh mạnh như Thọ Lộc, Cự Lâm, Yên Hòa, Tri Chỉ… Địch ngày đêm lùng sục, truy bắt cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Đến tháng 8 trở đi, sau những trận càn quét của địch, các cơ sở cách mạng bị vỡ, hầu hết các huyện ủy viên lâm thời, các chi ủy viên và đảng viên dù anh dũng đấu tranh song lần lượt bị sa vào lưới giặc. Phong trào cách mạng ở Thọ Lộc nói riêng và Nghĩa Đàn nói chung bắt đầu tạm lắng. Trong tình hình bất lợi, đồng chí Phan Đình Lại và một số anh em đã rút lui vào hoạt động bí mật.
Đầu năm 1934, được sự viện trợ của “Đông Dương viện trợ bộ” ở Thái Lan, đồng chí Võ Nguyên Hiến một lần nữa lên Nghĩa Đàn, bắt liên lạc với đồng chí Phan Đình Lại. Các đồng chí đã tập hợp những đảng viên đang lui vào hoạt động bí mật chờ thời ở đây và củng cố lại các chi bộ. Chi bộ Thọ Lộc do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư. Sau khi Chi bộ Thọ Lộc và Cự Lâm được củng cố, các cán bộ, đảng viên ở các chi bộ khác trong huyện sau cao trào cách mạng 1930-1931 hoặc mới ở tù về đã lần lượt bắt mối liên lạc và lập ra các chi bộ đảng như Chi bộ Yên Hòa, Chi bộ Tri Chỉ…
Đến giữa năm 1934, trên cơ sở nhiều chi bộ đảng được khôi phục, củng cố, đồng chí Võ Nguyên Hiến được Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ tổ chức hội nghị thống nhất các tổ chức Đảng tại Nghĩa Đàn. Cuộc họp diễn ra tại Thọ Lộc với đại biểu đại diện cho các chi bộ Đảng Nghĩa Đàn đã nhất trí thành lập ban chấp hành đảng bộ mới để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng Nghĩa Đàn trong bối cảnh lịch sử mới. Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 5 đồng chí do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư phụ trách chung.
Ngay sau khi kiện toàn, đồng chí Phan Đình Lại đã nhận chỉ thị của Tỉnh ủy, phân công các huyện ủy viên về phụ trách cơ sở, chú trọng lãnh đạo phong trào đấu tranh ở cả nông thôn lẫn tại các đồn điền. Nhờ đó, hệ thống tổ chức của đảng bộ và phong trào đấu tranh của quần chúng huyện Nghĩa Đàn được phục hồi và bắt đầu có bước phát triển mới.
Tháng 9/1934, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ thị tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh tại các địa phương nhằm khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nhận chỉ thị và truyền đơn từ Tỉnh ủy, đồng chí Phan Đình Lại đã chỉ đạo tổ ấn loát của huyện ủy hoạt động hết công suất. Tài liệu, truyền đơn được giao cho các chi bộ đi rải ở những nơi tập trung đông người như các quán vùng chợ Hiếu, chợ Bãi, các đồn điền, đường làng, trại lính…
Trong cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939, đồng chí Phan Đình Lại tiếp tục đứng đầu đảng bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình cũng như duy trì lực lượng. Tháng 10/1936, Huyện ủy và Ủy ban hành động Huyện ủy tổ chức rải truyền đơn rộng rãi trên quy mô toàn huyện. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhân dân các làng xã liên tiếp tổ chức các cuộc mít tinh hội họp, thảo luận nguyện vọng, thu thập chữ ký của nhân dân và đưa yêu sách chuẩn bị cho Đông Dương đại hội. Dưới sự điều hành của đồng chí Phan Đình Lại và Huyện ủy, một phong trào đấu tranh công khai và nửa công khai hợp pháp, đòi quyền dân sinh dân chủ, từ nông dân, công nhân đến tiểu thương, tiểu chủ, giáo giới được phát động sôi nổi và thống nhất. Nhờ đó, phong trào Đông Dương đại hội ở Nghĩa Đàn đã trở thành một trong những trung tâm mạnh của phong trào dân chủ do Đảng lãnh đạo ở Nghệ An lúc bấy giờ.
Lo sợ trước sự phát triển của cách mạng Nghĩa Đàn, công sứ tỉnh Nghệ An đã lệnh cho tên đồn trưởng kiêm đại lý Pháp ở Phủ Quỳ và tri huyện Nghĩa Đàn đưa lính về càn quét, bắt bớ tại các địa phương. Cuối năm 1937, địch bất ngờ khám xét, bắt giữ 9 đồng chí huyện ủy viên và cán bộ chủ chốt của các xã. Đồng chí Phan Đình Lại bị địch bắt đưa về giam tại nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn đủ mọi nhục hình nhưng đồng chí vẫn giữ vững chí khí. Tháng 5/1938, không khai thác được gì từ đồng chí, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã ra Bản án số 07 ngày 3/5/1938 kết án đồng chí 2 tháng tù giam, 2 tháng quản thúc(4).
Tháng 8/1938, đồng chí Phan Đình Lại được tha. Ra tù, đồng chí tiếp tục bắt mối liên lạc, gây dựng lại cơ sở cách mạng. Để khắc phục tình trạng bị địch bưng bít thông tin, đồng chí Phan Đình Lại đã tổ chức cuộc họp bí mật với các đồng chí Chu Huệ, Nguyễn Đình Thạc, Trần Ngọc Cán tại Thọ Lộc. Các đồng chí đã thống nhất quyết định ra tờ báo Liên Hiệp làm cơ quan ngôn luận của Huyện ủy để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương mới của Đảng đến với nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của đồng chí đã không qua mắt được hệ thống mật thám tay sai dày đặc tại Nghĩa Đàn, cuối năm 1939, đồng chí một lần nữa bị địch bắt. Nhận xét đồng chí Phan Đình Lại là “một nhân vật nguy hiểm”(5), ngày 16/6/1940, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã kết án đồng chí 3 năm tù giam và đày đi an trí tại Đắk Lây, Đắk Tô (Kon Tum).
Tháng 6/1945, sau khi ra tù, đồng chí Phan Đình Lại tiếp tục tham gia Ban vận động Việt Minh Nghĩa Đàn để lãnh đạo phong trào đấu tranh trên toàn huyện. 11 giờ trưa ngày 18/8/1945, đồng chí Phan Đình Lại và Trần Mật đã trực tiếp chỉ huy cuộc biểu tình của hơn 500 nhân dân các xã Thọ Lộc, Cự Lâm, Vĩnh Lại,… kéo lên huyện đường hô khẩu hiệu, diễn thuyết, tuần hành thị uy. Cuộc biểu tình khiến cho hệ thống quan lại tay sai địa phương hoang mang, rệu rã, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Nghĩa Đàn ngày 22/8/1945.
Tháng 3/1946, với những đóng góp to lớn của mình trong phong trào cách mạng tại quê nhà, đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư Huyện ủy tại Đại hội lần thứ I của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn. Sau này, vì tuổi cao nên đồng chí nghỉ hưu và an dưỡng tại quê nhà.
Cả cuộc đời của đồng chí Phan Đình Lại là sự tìm tòi, hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc sống tự do, hòa bình, ấm no của nhân dân Nghĩa Đàn. Chí khí cách mạng của đồng chí Phan Đình Lại - Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn là tấm gương cho các thế hệ chiến sĩ trẻ noi theo:
“Anh hùng gặp phải bước gian nan
Vì lũ tàn hung xứ Nghĩa Đàn
Vững chí hy sinh cùng xã hội
Kết đoàn ái hữu khắp tây nam
Vào trường tranh đấu thêm hăng hái
Quyết ra quét sạch lũ hung tàn”(6).
Chú thích:
(1) (4) (5) Hồ sơ tù của Mật thám Pháp lưu tại Kho của Bảo tàng XVNT
(2) Đ/c Võ Nguyên Hiến (còn có các tên khác là Võ Thiện Kế, Võ Khắc Đạo, Chắt Kế) sinh năm 1890 tại làng Hậu Luật, Diễn Châu, Nghệ An
(3) Đ/c Nguyễn Hữu Bình (bí danh Bình Định) của quê ở Tri Lễ, Anh Sơn, Nghệ An
(6) LSĐB huyện Nghĩa Đàn, NXB Chính trị Quốc gia năm 2012, tr.68