Đồng chí Trịnh Thuyết – chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh kiên cường, người con ưu tú của quê hương Thanh Chương
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, đồng chí Trịnh Thuyết (hay còn gọi là Trịnh Văn Thuyết, Trịnh Văn Châu) đã sớm ý thức được cảnh đời cơ cực một cổ đôi tròng áp bức của nhân dân Đại Đồng nói chung và của chính cha mẹ đồng chí nói riêng.
Trong "Thanh Chương huyện chí", Tiến sĩ Bùi Dương Lịch - nguyên Đốc học Nghệ An đã nhận xét về vùng đất Thanh Chương:
"... Đất giáp ba sông hiểm
Núi hình muôn ngựa phi
Chương, Hương chia hai ngả
Lam, Phố hợp ba chi...".
Chính hoàn cảnh địa lý và bề dày truyền thống tốt đẹp của địa phương đã tạo nên bản sắc con người Thanh Chương: chất phác, thật thà, cần kiệm, hiếu học mà cũng rất mực khảng khái, giàu đức hy sinh, ngoan cường trong giông bão… Phát huy truyền thống quê hương, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), nhân dân Thanh Chương đã hăng hái đứng lên tham gia các cuộc đấu tranh dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Đây cũng là nơi chính quyền Xô viết ra đời đầu tiên trên mảnh đất Nghệ Tĩnh. Trong suốt chặng đường đấu tranh đó, nhiều tên đất, tên người cùng những đóng góp, hy sinh của họ đã in vào lịch sử, thơ ca. Đồng chí Trịnh Thuyết, người con của mảnh đất Thanh Phong, Thanh Chương là một trong những tấm gương như thế.
Đồng chí Trịnh Thuyết (hay còn gọi là Trịnh Văn Thuyết, Trịnh Văn Châu) sinh năm 1901, trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Bang, xã Phong Sơn, tổng Đại Đồng (nay là xã Thanh Phong), huyện Thanh Chương, Nghệ An. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, Trịnh Văn Thuyết đã sớm ý thức được cảnh đời cơ cực một cổ đôi tròng áp bức của nhân dân Đại Đồng nói chung và của chính cha mẹ đồng chí nói riêng. Lòng căm thù giặc và khát khao cởi xiềng, đòi tự do ngày một lớn đã thôi thúc đồng chí Trịnh Thuyết đến với phong trào yêu nước của địa phương.
Ngày 14/7/1925, tại núi Con Mèo ở Vinh - Bến Thủy, Hội Phục Việt được sáng lập. Những người con yêu nước của quê hương Thanh Chương như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách… lần lượt gia nhập hội và nhận nhiệm vụ phát triển cơ sở địa phương tại các làng Phong Sơn, Võ Liệt, Ngọc Sơn… Năm 1928, Đại tổ Tân Việt ở Thanh Chương đã tiến hành công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc qua văn thơ yêu nước tiến bộ. Như nắng hạn gặp mưa rào, người thanh niên yêu nước Trịnh Thuyết đã ngày đêm say sưa với những áng văn, những tư tưởng yêu nước tiến bộ đó và dần dần được kết nạp vào tổ chức. Đồng chí Trịnh Thuyết là thành viên tích cực trong công tác đọc sách, báo, tuyên truyền tư tưởng yêu nước. Trong quá trình hoạt động, đồng chí đã giới thiệu thêm nhiều quần chúng tích cực cho tổ chức. Không chỉ tuyên truyền, đồng chí còn hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi ở địa phương. Trước năm 1930, Trịnh Thuyết cùng các đồng chí trong các tiểu tổ Tân Việt và Thanh niên ở Thanh Chương tiến hành tổ chức vận động nhân dân tham gia được 29 cuộc đấu tranh đòi quyền lợi và chống sưu thuế, chống Tây đoan...
Ngày 20/3/1930, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ được triệu tập tại đền Tiến Sơn (Thanh Long, Thanh Chương). Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy đã cử các đồng chí đảng viên về tận các làng, xã để xúc tiến việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng cũng như các tổ chức, đoàn thể, quần chúng.
Được sự phân công của Huyện ủy Thanh Chương, Tổng ủy Đại Đồng, các đồng chí Nguyễn Viết Trung, Nguyễn Cảnh Kế đã nhanh chóng đến Phong Sơn bắt mối liên lạc để gây dựng cơ sở Đảng. Cũng trong thời gian đó, Huyện ủy Anh Sơn và Tổng ủy Thuần Trung đã cử các đồng chí Nguyễn Cảnh Đằng, Nguyễn Sỹ Doạn về làng Thanh Bang xây dựng cơ sở. Các đồng chí đã liên hệ với Trịnh Thuyết, Nguyễn Đình Phan… là những thanh niên nhanh nhẹn, có nhiệt huyết cách mạng ở Phong Sơn. Đồng chí Trịnh Thuyết được kết nạp Đảng và được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ Đảng làng Thanh Bang(1), trực thuộc Tổng ủy Thuần Trung. Ngay sau đó, các đồng chí Trịnh Thuyết, Nguyễn Đình Phan… đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho bà con nhân dân.
Ngày 21/7/1930, đồng chí Trịnh Thuyết tham gia cuộc họp bí mật của Tổng ủy Thuần Trung (Anh Sơn) và Tổng ủy Đại Đồng (Thanh Chương) ở nhà ông Nguyễn Đình Phúc. Tại cuộc họp này, 2 Tổng ủy đã họp bàn và đi đến thống nhất về việc bàn giao đảng viên để thành lập chi bộ. Chi bộ Phong Sơn ra đời gồm 7 đảng viên: Trịnh Thuyết, Nguyễn Đình Phan, Phan Pho, Nguyễn Trọng Cuồn, Trịnh Xuân Huế, Nguyễn Văn Thả, Trịnh Đăng. Đồng chí Trịnh Thuyết vừa là Bí thư chi bộ, vừa trực tiếp tham gia đội Xích vệ địa phương(2).
Ngay sau khi thành lập, nhằm chuẩn bị tốt lực lượng cho phong trào đấu tranh, đồng chí Trịnh Thuyết đã xúc tiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền củng cố, phát triển các tổ chức quần chúng địa phương. Nhờ những hoạt động tích cực của đồng chí Trịnh Thuyết và các đồng chí trong chi bộ, chỉ một thời gian ngắn, các tổ chức quần chúng xã Phong Sơn như: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ đã phát triển lực lượng đến tận các thôn, xóm. Ngoài ra, mỗi thôn đều lập được đội tự vệ với trang bị giáo mác, gậy gộc, có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc hội họp, mít tinh.
Trong không khí rạo rực tinh thần đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh, Huyện ủy Thanh Chương tiếp tục họp bàn phân tích âm mưu của địch và quyết định tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện vào ngày 1/9/1930. Ngay sau hội nghị, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương, đồng chí Trịnh Thuyết và các đồng chí trong chi bộ đã tiến hành họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Ngoài ra, đồng chí Trịnh Thuyết còn chỉ đạo Chi bộ Phong Sơn nhanh chóng vận động nhân dân toàn xã hưởng ứng và tham gia cuộc biểu tình.
Đêm 31/8/1930, đồng chí Trịnh Thuyết và Chi bộ Phong Sơn đã hướng dẫn nhân dân tập trung tại điểm chùa Nhường. Sau khi nghe chi bộ diễn thuyết về tội ác của thực dân Pháp cùng chính quyền tay sai, đoàn biểu tình liền hô vang khẩu hiệu đấu tranh. Ngay sau đó, đồng chí Trịnh Thuyết và các đồng chí đảng viên hướng dẫn đoàn biểu tình xã Phong Sơn bắt đầu di chuyển nhập vào đoàn của tổng Đại Đồng rồi kéo thẳng xuống Rộ. Truyền đơn được rải khắp ngả. Cờ đỏ được cắm trên nóc đình, cây cao và đỉnh núi. Hai bên bờ sông Lam đò dọc, đò ngang, thuyền nan, nốc thúng được huy động nhất tề làm phương tiện giao thông cho nhân dân qua lại đúng thời gian và thời điểm tập kết. Dưới sự hướng dẫn của chi bộ, đoàn biểu tình tổ chức hàng ngũ chỉnh tề, vừa đi vừa dương cao cờ và biểu ngữ, hai bên là các đội tự vệ. Khí thế đấu tranh ngùn ngụt của nhân dân Thanh Chương đã khiến chính quyền địch ở huyện và tổng xã tan rã nhanh chóng. Tri huyện Phan Sỹ Bàng đã phải bỏ triện lại và chạy trốn. Chỉ huy địch tại đồn Rào Gang, đồn chợ Đàng, đồn Bích Thị, đồn Thanh Quả, đồn Rạng đều lần lượt đầu hàng.
Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Nhân dân Phong Sơn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đứng đầu là đồng chí Trịnh Thuyết đã góp phần mình vào thắng lợi cuộc đấu tranh của nhân dân toàn huyện.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh tại Thanh Chương, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam Triều tỉnh Nghệ An đã thi hành hàng loạt chính sách khủng bố hòng dập tắt phong trào cách mạng nơi đây, như: ban bố tình trạng thiết quân luật, lập hàng chục đồn Tây cùng hệ thống lính khố xanh, khố lục, lê dương, bang tá, đoàn phu…
Thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đại hội Đảng bộ huyện ngày 4/10/1930, đồng chí Trịnh Thuyết và Chi bộ Phong Sơn đã phân công các đồng chí đảng viên, cán bộ về từng thôn, xóm nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng hiểu và cảnh giác hơn trước âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù. Mặt khác, đồng chí Trịnh Thuyết và chi bộ Đảng đã chủ động tăng cường củng cố đội tự vệ và duy trì công tác tuần hành, theo dõi, trấn áp bọn hào lý tay sai đang ngóc đầu dậy chống phá phong trào cách mạng địa phương. Nhờ những hoạt động tích cực của Chi bộ Phong Sơn mà đứng đầu là đồng chí Trịnh Thuyết, tình hình ở Phong Sơn vẫn tương đối an toàn, phong trào cách mạng được duy trì.
Bên cạnh đó, nhận thấy địa hình Phong Sơn có vị trí thuận lợi, là điểm giao kết giữa huyện Anh Sơn, Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc nên Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất dời cơ quan lên địa bàn xã Phong Sơn. Trong thời gian cơ quan Tỉnh ủy hoạt động tại đây, Chi bộ Đảng Phong Sơn, đồng chí Trịnh Thuyết và nhân dân đã hết lòng bảo vệ, nuôi giấu, đảm bảo an toàn cho các đồng chí Tỉnh ủy viên cũng như các tài liệu bí mật của Đảng(3).
Tuy nhiên, sau một thời gian, thực dân Pháp đã chỉ huy toán lính khố xanh kéo về Phong Sơn. Được chỉ điểm đồng chí Trịnh Thuyết là chiến sĩ cộng sản cốt cán tại địa phương, chúng đã cho lính đốt cháy nhà và ra sức lùng sục, bắt giam đồng chí. Ngày 18/01/1932, sau một thời gian giam cầm, tra tấn nhưng không khai thác được thông tin gì, thực dân Pháp và Tòa án Nam Triều tay sai đã kết án đồng chí “9 năm tù khổ sai và 5 năm quản thúc vì hoạt động cách mạng chống chính quyền Pháp - Nam Triều”(4). Trong lao tù, đồng chí Trịnh Thuyết luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, biến nhà tù thành trường học để hội họp, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Đồng chí đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ tù nhân, chống chế độ lao tù khắc nghiệt do Chi bộ Đảng Cộng sản Nhà lao Vinh tổ chức như: đấu tranh đòi dân sinh, chống tra tấn, đánh đập, bảo vệ, chăm sóc những người bị đau ốm, người già, phụ nữ với nhiều hình thức: “làm reo”, “tuyệt thực”, hô khẩu hiệu... Ngày 6/10/1933, với những hoạt động cách mạng trong lao tù của mình, đồng chí Trịnh Thuyết tiếp tục bị “Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An kết án tù khổ sai chung thân”(5).
Tháng 7/1937, đồng chí Trịnh Thuyết ra tù đã ngay lập tức bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Tất Thắng ở Diễn Châu, Nguyễn Văn Niệm ở Anh Sơn xúc tiến khôi phục cơ sở Đảng. Trên cơ sở đó, Chi bộ Phong Sơn được khôi phục do đồng chí Trịnh Thuyết làm Bí thư. Vì tình hình đặc biệt, nên lúc đó Chi bộ Phong Sơn trực thuộc Huyện ủy Anh Sơn(6). Vừa được khôi phục, Chi bộ Đảng Thanh Phong đã ngay lập tức bắt tay vào hoạt động. Một mặt, các đồng chí chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương mới của Đảng, mặt khác, đồng chí đã chỉ đạo chi bộ Đảng tiến hành khôi phục, phát triển thêm các tổ chức ái hữu như: Hội Hiếu Nghĩa, phường tranh lợp nhà… và vận động nhân dân, lãnh đạo các phong trào đấu tranh với bọn hào lý địa phương chống phụ thu lạm bổ sưu thuế, nhũng lạm của công… Nhờ những hoạt động tích cực đó, ở Phong Sơn, những hậu quả do chính sách khủng bố trắng của địch dần được khắc phục.
Năm 1939, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thẳng tay đàn áp, khủng bố cách mạng Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng trên quy mô rộng khắp. Cuối năm 1939, đồng chí Trịnh Thuyết sa vào tay giặc. Tháng 3/1940, đồng chí bị địch đưa vào diện “phần tử đặc biệt nguy hiểm đối với nền an ninh quốc gia”(7).
Sau một thời gian bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đến tháng 5/1945, đồng chí Trịnh Thuyết được trả tự do, liền bắt liên lạc và họp bàn kế hoạch xây dựng tổ chức Việt Minh địa phương với các đồng chí Nguyễn Quang Đường, Nguyễn Việt Kế. Cuối tháng 6/1945, Mặt trận Việt Minh xã Phong Sơn ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Phong Sơn trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa xã Phong Sơn được thành lập do đồng chí Trịnh Thuyết làm Trưởng ban, đã lãnh đạo nhân dân Phong Sơn khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Sau cuộc khởi nghĩa, đồng chí Trịnh Thuyết được tổ chức và nhân dân bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời (8/1945-2/1946). Tháng 3/1946, đồng chí Trịnh Thuyết tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Phong Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã giữ nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều đóng góp cho quê hương... Năm 1961, trong dịp Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, đồng chí cùng các bậc lão thành cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã vinh dự được gặp và chụp ảnh chung với Người.
Đồng chí Trịnh Thuyết, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, Bí thư đầu tiên của Chi bộ Phong Sơn, với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trịnh Thuyết xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Chú thích:
(1). Trước khi thành lập Chi bộ Phong Sơn, ở Phong Sơn có 2 tổ Đảng: Tổ Đảng Thanh Bang do đồng chí Trịnh Thuyết làm tổ trưởng và tổ Đảng ở Phú Thọ, Diên Tràng, Mỹ Hòa do đồng chí Nguyễn Đình Phan làm Tổ trưởng.
(2). Thanh Phong đất và người, 2005, tr.74.
(3). Lịch sử Đảng bộ huyên Thanh Chương (1930-2010), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr.92 có thông tin: đồng chí Trịnh Thuyết là Ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An năm 1931.
(4), (5). Theo hồ sơ mật thám Pháp do Bộ Công an cung cấp.
(6). Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Phong (1930-2015), NXB Đại học Vinh, 2018, tr.62.
(7). Theo hồ sơ mật thám Pháp do Bộ Công an cung cấp.