Đóng góp của Nghệ An với chiến dịch Trung - Hạ Lào trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954
Liên khu 4 và tỉnh Nghệ An đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa đường lối kháng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng để góp phần làm nên chiến thắng Trung - Hạ Lào; góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang năm thứ tám nhưng hình thái trên chiến trường vẫn chưa có thắng lợi quân sự quyết định. Trước tình hình đó, tháng 10 năm 1953, Bộ Chính trị họp ở Tỉnh Keo quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Các hướng tiến công được xác định là Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 19/11/1953, Tổng Quân ủy họp tại Định Hóa (Thái Nguyên) quyết định mở chiến dịch Trung – Hạ Lào.
Nhiệm vụ của chiến dịch Trung Lào, sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực phối hợp với quân Pathet (Lào) mở rộng vùng giải phóng; đánh vào hành lang Nam – Bắc Đông Dương tiêu hao một bộ phận sinh lực địch; phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ; giải phóng Thà Khẹc.
Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho Liên khu 4 (chủ yếu giao cho Nghệ An, Hà Tĩnh và vùng giải phóng Bắc Quảng Bình) chịu trách nhiệm. Trung ương Đảng Lào cũng động viên nhân dân khu vực Trung Lào sẵn sàng phục vụ chiến dịch.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch, Liên khu 4 đã thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận chuyên phục vụ chiến dịch. Tổng cục Cung cấp mặt trận cử một đoàn cán bộ do đồng chí Đinh Thiện phụ trách, trực tiếp cùng Hội đồng cung cấp Mặt trận Liên khu 4 tổ chức công tác đảm bảo cho chiến dịch. Liên Khu 4 tổ chức Ban chỉ huy tiếp tế vận tải để thiết lập một hành lang tiếp tế từ Nghệ An sang Trung Lào. Phòng cung cấp của Đại đoàn 325 làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch, bệnh viện hậu phương K43 ở Thanh Chương – Nghệ An, kho quân khí 700 ở Chu Lễ - Hương Khê – Hà Tĩnh đảm bảo tuyến sau cho Đại đoàn 325. Riêng Tiểu đoàn 436 của Đại đoàn 325 chỉ được Bình – Trị - Thiên đảm bảo hậu cần cho hành quân tới Hạ Lào. Khi đến Hạ Lào đơn vị sẽ dựa vào bạn để hoạt động.
Song song với việc vận động nhân dân đóng góp ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Liên khu 4 còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện ở Trung Lào để chuẩn bị thành lập chính quyền và tiếp thu quản lý vùng mới giải phóng. Đồng thời phối hợp với bạn đi vào từng bản vận động nhân dân xây dựng cơ sở cách mạng ở Ma Hả Xây, Bu La Pha, Tà Ôi, Mường Noòng, ven Đường số 9, Căm Cớt, động viên nhân dân Lào đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch, thành lập các trạm vận tải...
Thực hiện chủ trương của Liên khu 4 về việc huy động nguồn hậu cần cung cấp cho chiến dịch, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã đề ra nhiều biện pháp để thực hiện. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch từ việc tuyên truyền thống nhất tư tưởng và hành động; vận động thanh niên nhập ngũ, vận động nhân dân tham gia dân công để làm mới và tu sửa cầu cống, đường; huy động lương thực, thực phẩm; dụng cụ, phương tiện vận chuyển, lập trạm, vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men, tải thương ...diễn ra sôi nổi ở hai tỉnh như một "ngày hội của quần chúng".
Ở Nghệ An, Hội đồng cung cấp mặt trận được thành lập có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Văn Thân – Khu ủy viên và đồng chí Dương Văn Dật – đại diện tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An đã huy động 20 000 dân công, 1500 xe đạp thồ, 1006 dân công thuyền. Ngày 10 tháng 11 năm 1953, đội dân công hợp thành của Nghệ An gồm 32000 người cùng với 1800 xe đạp thồ của tỉnh Hà Tĩnh chuyển 4600 tấn gạo lên ga Thanh Luyện, Chu Lễ (thuộc huyện Hương Khê – Hà Tĩnh), ga Tân Ấp, xóm Cục (thuộc tỉnh Quảng Bình). Sau đó, đoàn dân công Nghệ An được phân công phục vụ hỏa tuyến ở khu vực Đường 12 tiến về Ba Ngào. Tiêu biểu là Đại đội Anh Sơn trong một đêm vượt 38 km đường rừng để kịp tiến vào Ma Hả Xay - Thà Khét theo sát bộ đội chủ lực. Nhờ bố trí, sắp xếp khoa học, động viên, giúp đỡ lẫn nhau, dân công đã nâng năng suất từ 60kg/chuyến lên 130kg/chuyến.
Anh Nguyễn Văn Hán, Nguyễn Văn Hựu – đội xe thồ Anh Sơn đã chở 240kg/chuyến, được tặng huân chương chiến công hạng Ba, chị Thái Thị Trúc (thị trấn Đô Lương – Nghệ An) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Đại đội 3 Diễn Châu đưa năng suất chở trung bình lên tới 135kg/chuyến. Ngoài việc vận tải lương thực, đạn dược, dân công còn tham gia tải thương, áp tải tù binh, cùng bộ đội tiến vào giải phóng Ba Na Phào, Ma Hả Xay, Nhom Ma Rát, Thà Khét. Khi địch tập trung 19 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh hình thành cứ điểm Xê Nô chiến lại Ba Na Phào, chia cắt đường 12, cả đoàn dân công của Nghệ An bị kẹt giữa 2 gọng kìm của định. Ban lãnh đạo dân công đã bình tĩnh cho dân công rút lui vào rừng để bảo toàn lực lượng và tìm cách liên lạc với Hội đồng cung cấp mặt trận.
Địch phát hiện dân công, chúng ném bom trúng trạm Y20 làm cho đồng chí Đồng - trạm trưởng và hai cán bộ dân công hy sinh. Quân Pháp tổ chức đánh ra Ka Vac, Pha Cuội cắt tuyến vận chuyển các đại đội xe thồ nhưng các Đại đội Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Quyết Tiến đã dũng cảm dời kho, trạm không để rơi vào tay địch.
Trong đợt 3 chiến dịch, Đại đội 4 và đại Đội Quỳnh Lưu được giao nhiệm vụ vượt đèo La Bồi, Ca Rong mở tuyến mới vận chuyển hậu cần cho Trung đoàn 66.
Trong suốt 16 ngày đêm, họ đã vượt qua mọi khó khăn, tự nguyện rút khẩu phần ăn xuống còn 40 gam để giành gạo cho bộ đội đủ ăn để chiến đấu. Khi hết hạn phục vụ chiến trường, nhiều cán bộ, đảng viên tự nguyện ở lại phục vụ chiến đấu đánh địch âm mưu tái chiếm thị xã Thà Khẹt và địa bàn thuộc tỉnh Khăm Muộn, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời cùng bộ đội chủ lực tiến quân xuống Đường số 9 trong mưa rét, địa hình phức tạp, dưới tầm đạn của địch. Công tác phục vụ của đội dân công Nghệ An đã góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt địch ở các vị trí Pha lan, Huội xai, Xê Ta Mốc, Mường Phìn, cắt đứt tuyến đường giao thông chiến lược Xavanakhet – Đông Hà – Huế - Đà Nẵng.
Suốt 7 tháng ròng, dân công Nghệ An đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hiểm nguy, giữ vững kỷ luật chiến trường, kỷ luật quan hệ với nhân dân và quân đội bạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch, để lại chiến công và tình cảm đẹp đẽ không thể nào phai trong lòng bộ đội ta và bạn Lào.
Đồng chí Hoàng Sâm, tư lệnh chiến dịch đã đánh giá: Dân công không chỉ là lực lượng hùng hậu vận chuyển tiếp tế, cứu nạn, tải thương mà còn là lực lượng chiến đấu nữa. Đồng chí Phummi Vôngvichit rất cảm động khi được dân công Nghệ An giúp đỡ khi đang trên đường đến dự lễ mừng chiến thắng giải phóng thị xã Thà Khek.
Chiến thắng Trung - Hạ Lào đã thực hiện được một yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Na Va tiếp tục phân tán khối quân cơ động chiến lược, góp phần làm giảm khối chủ lực của địch trên chiến trường chính Bắc bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ. Vùng giải phóng của nhân dân Lào tiếp tục tiếp tục được mở rộng từ nam, bắc đường 9 xuống đến đông Xavanakhét, vô hiệu hóa Đường số 12, cắt đứt Đường số 9, buộc địch phải ở trong tình trạng "Đông Dương bị cắt làm đôi". Ở Hạ Lào và Đông bắc Campuchia đã được giải phóng một vùng rộng lớn góp phần đánh thông hành lang chiến lược Nam - Bắc Đông Dương, sau đó tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Trung - Hạ Lào kéo dài gần 6 tháng, bộ đội và dân công phải hành quân và tác chiến trên một địa hình rừng núi rộng lớn, dài đến 1200km. Điểm xuất phát chiến dịch là sườn Đông của dãy Trường Sơn, địa bàn tác chiến là sườn Tây của dãy Trường Sơn.
Thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp nhưng dấu chân của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn in trên khắp các nẻo đường của dãy Trường Sơn để phục vụ chiến dịch.