Dòng họ Nguyễn Cảnh trên đất Nghệ An

NSND Nguyễn Cảnh Tiến Dũng

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean) - Nghệ An - nơi định cư của nhiều dòng họ nổi tiếng “danh gia vọng tộc”, có nhiều đóng góp cho đất nước, trong đó có dòng họ Nguyễn Cảnh.
Nghệ An từ xưa đến nay được xem là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều danh nhân và anh hùng dân tộc. Mảnh đất này cũng là nơi định cư của nhiều dòng họ nổi tiếng “danh gia vọng tộc”, có nhiều đóng góp cho đất nước, trong đó có dòng họ Nguyễn Cảnh - một dòng họ có truyền thống văn hóa, gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng và đã trở thành niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ.
Căn cứ vào gia phả và một số tài liệu còn lưu lại tại các nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở khu vực Thanh Chương và Đô Lương, cho thấy họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An có nguồn gốc từ làng Thiên Lý, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh di cư vào vùng đất làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đầu thế kỷ XV gắn với sự kiện vị Triệu tiên hầu Nguyễn Cảnh Lữ tìm đến vùng đất Thanh Chương ẩn mình do chiến tranh loạn lạc, từ làm nghề chèo đò trên sông Lam mà xây dựng nên một dòng họ lớn được xếp vào dòng “trâm anh thế phiệt” của vùng đất xứ Nghệ với nhiều danh tướng, lương thần cống hiến cho quê hương đất nước.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại và phát triển, dòng họ Nguyễn Cảnh với 25 đời, 100 chi họ, trên 100.000 nhân khẩu, cư trú phần lớn ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu và nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, gắn với nhiều di sản văn hóa liên quan như: nhà thờ họ, đền, đình làng, miếu, phủ - nơi thờ các vị thần là những nhân vật lịch sử của dòng họ. Khởi dựng cơ nghiệp ở vùng đất Nghệ An, họ Nguyễn Cảnh đã khẳng định được vị trí và tầm ảnh hưởng của một dòng họ có truyền thống trung quân ái quốc gắn với sự kiện suy tôn Trần Quý Khoáng cháu của Trần Nghệ Tông lên làm vua năm 1409 và tiếp tục cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của hai cha con Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng. 
Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã sinh ra nhiều danh tướng tài giỏi, đặc biệt thời Lê Trung Hưng con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã có liên tục năm thế hệ liên tiếp “ông, cha, con, cháu - chắt” làm tướng, có công lớn trong việc trung hưng đất nước của nhà hậu Lê, tiêu biểu như: Đời thứ 5, họ Nguyễn Cảnh có 5 cha con, anh em trong một nhà tham gia công cuộc phò Lê, song người có công lớn được nhiều sử sách ghi chép đến đó là Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.
Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm 1521, mất năm 1576 là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy, thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, năm 14 tuổi ông đã thi đậu hương cống, 15 tuổi đã cùng cha mình và 3 anh em ruột là Trung quận công Nguyễn Cảnh Hân, Cường quận công Nguyễn Cảnh Văn, Lập quận công Nguyễn Cảnh Chiêu đi yết kiến Vua Lê Trang Tông ở Sầm Châu, được Vua phong tước Dương đường Hầu và trở thành một trong những cận thần quan trọng của nhà Lê.
Trong sự nghiệp 40 năm cầm quân của mình, Nguyễn Cảnh Hoan cùng với các thuộc cấp trong đó có nhiều người là con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã nhiều lần góp công vào việc đánh đuổi quân nhà Mạc ở khu vực phía Bắc cũng như địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ông cũng đã được Thái sư Trịnh Kiểm đánh giá là con người mưu trí, dũng lược, đánh đâu thắng đó và ban cho quốc tính với tên là Trịnh Mô thuộc dòng dõi của chúa Trịnh. Sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ công lao của Tấn Quốc công, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã lập đền thờ phụng và tôn ông làm thành hoàng.
Sang đời thứ 6, dòng họ Nguyễn Cảnh có 4 vị Quận công và 11 vị tước Hầu, trong đó có Nham lĩnh hầu Nguyễn Cảnh Kiên, con trai thứ hai của Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan theo cha tham gia trận mạc phục vụ triều đình khi mới 12 tuổi. Trong sự nghiệp cầm quân của mình ông đã đánh thắng hơn 40 trận và được triều đình ban phong nhiều chức tước quan trọng như: Đô Đốc đồng tri; Đô đốc phủ tả đô đốc; Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc thái y viện chưởng viện sử; Thái bảo tả tư không, Thư quận công. Bên cạnh công trạng phò Lê diệt Mạc, ông còn là một  thầy thuốc giỏi thường xuyên chữa bệnh cho dân nghèo cũng như quan lại thời bấy giờ
Đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Cảnh có thêm 3 vị quận công và 2 vị tước hầu, trong đó có Thượng tướng quân Nguyễn Cảnh Hà, con trai thứ hai của Thái bảo quận công Nguyễn Cảnh Kiên được xem là một vị tướng dũng mãnh và đầy mưu lược, 19 tuổi đã theo cha đi dẹp loạn, lập được nhiều chiến công lớn trong các cuộc chinh phạt nhà Mạc ở Hải Dương, Kinh Bắc, Gia Lâm, Cao Bằng… được Bình An vương Trịnh Tùng coi trọng, nể phục và gả con gái là công chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh làm vợ và phong làm Thị vệ Phò mã Đô úy Quảng phú Hầu sau đó phong chức Đô đốc thiệm sự thắng Quận công; Đô đốc đồng tri và vinh phong “Tán trị công thần”.
Đời thứ 8 có 3 vị quận công, 2 tước hầu trong đó nổi bật là Tả Đô đốc Liêu quận Công Nguyễn Cảnh Quế (1605 - 1658). Ông là người có tư chất thông minh, mưu trí, trong sự nghiệp cầm quân của mình ông đã lập được nhiều chiến công, được Chúa Trịnh phong tước Lộc công hầu và gả con gái là công chúa Trịnh Thị Ngọc Loan, gia thăng thêm “phò mã Đô úy, phó tướng thư vệ sự Liêu quận Công”.
Năm 1630, Nguyễn Cảnh Quế được giao trấn giữ vùng đất Hoan Châu, trong thời gian này ông không những là một vị chỉ huy tài giỏi đã thống lĩnh lục quân và thủy quân từ Quỳnh Lưu đến đèo Ngang mà còn tổ chức huấn luyện đội thủy quân thành một đội quân tinh nhuệ của triều Lê Trung hưng.
Bốn người con trai của ông là Tín quận công Nguyễn Cảnh Hiệu, Yên Thọ hầu Nguyễn Cảnh Tường, Vĩnh Thọ hầu Nguyễn Cảnh Thung, Thọ Tường hầu Nguyễn Cảnh Nông được phân công phụ trách các đội thủy binh ven biển khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã cùng với cha của mình vừa bảo vệ vùng biển cùng dân chúng khai hoang, lập làng, ổn định sản xuất. 
Bước sang thời Tây Sơn, thời Nguyễn và thời kỳ cận hiện đại, các thế hệ của dòng họ Nguyễn Cảnh vẫn luôn trung thành với đất nước và có nhiều cống hiến góp phần xây dựng quê hương.Nổi bật ở giai đoạn này có thể kể đến Nguyễn Cảnh Quy thuộc đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Cảnh đã từng thành lập đội quân nội tộc gọi là “Thiên lý phường” để đánh dẹp giặc cướp, bảo vệ nhân dân, giúp dân yên ổn làm ăn, được Vua Quang Trung phong tước Yển Đức hầu.
Bên cạnh đó còn có Thước Võ hầu Nguyễn Cảnh Trữ làm đến chức “khâm sai trấn thủ Kinh Bắc”, ông đã từng ngăn cản và thu thuyền bè không cho Vua Lê Chiêu Thống vượt sông Xương Giang cầu cứu quân Thanh chống lại nhà Tây Sơn.
Dòng họ Nguyễn Cảnh còn để lại cho đất nước một cuốn sử quan trọng, mặc dù mang yếu tố là cuốn gia phả liên quan đến một dòng họ song lại được xếp vào hàng quốc sử Việt Nam. Đó là sách “Hoan Châu ký”, một di sản văn hóa của đất nước, góp phần bổ trợ và làm sáng tỏ thêm một số sự kiện liên quan đến lịch sử nước nhà trong một giai đoạn nhất định. 
bna_khu lang bia tunog niem duc thanh thai pho tan quoc cong nguyen canh hoan va cac vi to ( ru cam - trang son - do luong - nghe an)
Khu lăng bia tưởng niệm đức thánh Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị tổ (Rú Cấm, Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An).
Dòng họ Nguyễn Cảnh trên đất Nghệ An còn được biết đến với một nét văn hóa truyền thống đặc trưng đã được duy trì hàng trăm năm - “Thập niên sự lễ". Lịch sử hơn 350 năm của Lễ hội Đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và “Thập niên sự lễ” được kết tinh trên cơ sở truyền thống lịch sử rạng rỡ của dòng họ Nguyễn Cảnh, được bồi đắp thêm bởi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh và nhân dân lại tề tựu về đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan để cử hành nghi lễ mà nhân dân trong vùng quen gọi là “Lễ hội chay”. Và cứ 10 năm một lần, dòng họ lại tổ chức lễ hội với quy mô lớn, gọi là “Thập niên sự lễ”. Đây là dịp để con cháu dòng họ “ôn cố tri tân”, ca ngợi, giáo dục về truyền thống vẻ vang của một dòng họ Nguyễn Cảnh “Trung, Cần, Nhân, Nghĩa”.
Mỗi người dân Việt Nam đều thấm nhuần lời dạy của cha ông bao đời, rằng “Chim có tổ, người có tông” để nhắc nhở nhau phải biết hướng về nguồn cội. Và chính truyền thống lịch sử của dòng họ là nền tảng để các thế hệ tiếp tục phát huy, là sức mạnh để cố kết, tập hợp con cháu. 
Theo thống kê: Trong thời kỳ phong kiến, dòng họ Nguyễn Cảnh có 18 tước Quận công, 76 tước hầu, 16 tước bá, 3 tước tử, 3 tước nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng họ Nguyễn Cảnh có 3.500 con em lên đường nhập ngũ trong đó có 456 liệt sỹ, 873 thương binh bệnh binh, 29 gia đình liệt sỹ, 01 anh hùng lực lượng vũ trang, 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Kế tục truyền thống đó, hiện nay con em trong dòng họ luôn cố gắng hết mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cùng đó, dòng họ Nguyễn Cảnh còn nổi tiếng về hiếu học và khoa bảng. Thời Nguyễn tiêu biểu là Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân Nguyễn Cảnh Thái Điều, Phó Bảng Nguyễn Cảnh Cự; thời đại Hồ Chí Minh có gia đình Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn. Hiện nay dòng họ Nguyễn Cảnh có hơn 80 tiến sỹ,  hơn 200 thạc sỹ và nhiều người con là quân nhân, bác sỹ, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, giáo viên và đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. 

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.