Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và công bố Di sản phi vật thể cấp quốc gia

Huy Thư 22/04/2024 22:25

(Baonghean.vn) - Tối 22/4, huyện Đô Lương và dòng họ Nguyễn Cảnh đã long trọng tổ chức khai hội đền Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024 và công bố Lễ hội là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Tham dự buổi lễ có đồng chí: Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Đền Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn (Đô Lương) là di tích lịch sử quan trọng của dòng họ Nguyễn Cảnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII để thờ Đức Thánh Thái phó và những danh tướng của dòng họ Nguyễn Cảnh.

bna_d1.jpg
Đền Nguyễn Cảnh Hoan tọa lạc bên bờ sông Lam. Ảnh: Huy Thư

Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là nhân vật lịch sử có công lớn đối với đất nước thời Lê trung hưng.

Ông thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ 2 của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy quê ở huyện Thanh Chương. Với nhiều công lao hiển hách, sau khi ông qua đời đã được triều đình và nhân dân nhiều địa phương lập đền thờ phụng, trong đó có đền Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Tràng Sơn.

bna_d2.JPG
Bàn thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Ảnh: Huy Thư

Sau hơn 400 năm tồn tại, đền thờ Thái phó Tấn Quốc công tại xã Tràng Sơn đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu gần đây, khởi công vào năm 2023, đền đã có được diện mạo khang trang như ngày hôm nay.

Trong khuôn viên hơn 13.000 m2 bên dòng sông Lam, gần đập dâng Đô Lương, di tích có nhiều công trình như nghi môn, tam quan, nhà bia, hạ, trung, thượng điện, tả hữu vu, nhà lễ hội…

bna_3.JPG
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Huy Thư

Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan mang vẻ đẹp cổ kính, nhiều kết cấu gỗ được điêu khắc chạm trổ công phu, vẽ rồng mây sống động. Tại đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí và hiện vật cổ kính như long ngai, kiệu rồng, hoành phi, câu đối, sắc phong...

Ngoài thờ ngài Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, đền còn thờ nhiều danh tướng họ Nguyễn Cảnh như Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế... Đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.

bna_4.JPG
Đại biểu và đông đảo nhân dân tham dự buổi lễ. Ảnh: Huy Thư

Đền Nguyễn Cảnh Hoan cứ 10 năm tổ chức lễ hội 1 lần gọi là "Thập niên sự lệ" hay "Lễ hội chay".... Lễ hội độc đáo này được dòng họ Nguyễn Cảnh duy trì hàng trăm năm qua. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, lễ hội tạm hoãn 3 lần vào các năm 1954, 1964 và 1974.

Từ năm 1984, dòng họ Nguyễn Cảnh đã khôi phục lại lễ hội và tổ chức ngày càng quy mô, long trọng hơn. Năm 2023, Lễ hội "Thập niên sự lệ" đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

bna_5.JPG
Trao bằng chứng nhận Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản phi vật thể cấp quốc gia cho đại điện chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh. Ảnh: Huy Thư

Lễ hội “Thập niên sự lệ” năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (21 - 23/4, tức ngày 13 đến 15/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như lễ rước tổ tiên, lễ cầu siêu, cầu an, lễ rước thần, hành hương về cội nguồn, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… trong đó lễ rước thần từ đền Nguyễn Cảnh Hoan đến chùa Phúc Mỹ và đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn) và ngược lại là một trong những điểm nhấn quan trọng, hấp dẫn của lễ hội.

Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản phi vật thể cấp quốc gia cho chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật "Sáng mãi bài ca truyền thống" với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước.

bna_6.JPG
Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi bài ca truyền thống". Ảnh: Huy Thư

Lễ hội "Thập niên sự lệ" đền Nguyễn Cảnh Hoan mang tính độc đáo, giàu bản sắc văn hóa của một dòng họ "danh gia vọng tộc" có truyền thống “trung - cần - nhân - nghĩa” ở xứ Nghệ.

Lễ hội không chỉ khơi dậy niềm tự hào của dòng họ, của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Đô Lương - địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời gắn liền với nhiều di tích nổi tiếng đang từng ngày thay da đổi thịt./.

Mới nhất

x
Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và công bố Di sản phi vật thể cấp quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO