Vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền thiêng gắn liền với Lễ hội 'Thập niên sự lệ'

Huy Thư 20/04/2024 07:07

(Baonghean.vn) - Tọa lạc bên dòng sông Lam, đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương) là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia gắn với Lễ hội "Thập niên sự lệ" độc đáo.

bna_1.jpg
Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là nhân vật lịch sử có công lớn đối với đất nước thời Lê. Sau khi ông qua đời đã được triều đình cho lập đền thờ tại xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương). Đền nằm bên bờ sông Lam với cảnh quan non nước hữu tình. Ảnh: Huy Thư
bna_2.JPG
Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của dòng họ Nguyễn Cảnh và là nơi thờ chính của Đức Thánh Thái phó. Ảnh: Huy Thư
bna_3.jpg
Sau hơn 400 năm tồn tại, đền thờ Thái phó Tấn Quốc công đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lần gần đây nhất khởi công năm 2023. Hiện nay, trên khuôn viên hơn 13.000 m2, di tích có nhiều công trình như nghi môn, tam quan, nhà bia, hạ, trung, thượng điện, tả hữu vu, nhà lễ hội, lầu hóa vàng, nhà quản lý... Trong ảnh: Nghi môn và tam quan của đền hướng ra sông Lam. Ảnh: Huy Thư
bna_4..jpg
Sau tam quan là 2 nhà bia vừa mới được tôn tạo. Trong nhà bia bên trái (nhìn từ ngoài vào) là nơi dựng tấm bia cổ khắc chữ Hán nói về công lao, sự nghiệp của Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Trong nhà bia bên phải có bia đá khắc bài thơ tuyệt mệnh của ngài. Nội dung bài thơ nói lên nỗi lòng yêu nước, thương dân của danh tướng. Ảnh: Huy Thư
bna_5.jpg
Hạ điện là ngôi nhà 5 gian xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Hai dải tường bên của hạ điện gắn với 2 trụ biểu đề câu đối phía trên có nghê chầu uy nghi. Ảnh: Huy Thư
bna_6..JPG
Hai bên (phía trước) hạ điện có tượng voi ngựa đứng chầu, mỗi bên có 1 con ngựa và 9 thớt voi. Theo ban quản lý đền, 18 thớt voi mang ý nghĩa tượng trưng. Con số 18 muốn nói đến 18 vị quận công của dòng họ Nguyễn Cảnh. Ảnh: Huy Thư
bna_7.JPG
Trung điện là ngôi nhà 5 gian. Mặt trước nhà được vẽ, trang trí bằng nhiều hình ảnh rồng mây sống động. Trung điện là nơi thờ 3 vị quận công họ Nguyễn Cảnh, gồm Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế... Ảnh: Huy Thư
bna_8.JPG
Thượng điện là ngôi nhà 2 gian nằm dọc. Trên khung gỗ của thượng điện được điêu khắc chạm trổ công phu. Đây là điện thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Ảnh: Huy Thư
bna_9.JPG
Mảng điêu khắc "phượng hàm thư" tuyệt đẹp được chạm bong kênh trên xà hạ của thượng điện. Ảnh: Huy Thư
bna_10.JPG
Tại đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan còn lưu giữ nhiều đồ tế khí và hiện vật cổ kính như long ngai, kiệu rồng, hoành phi, câu đối, sắc phong... Đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991. Trong ảnh: Một chiếc kiệu cổ độc đáo đang được lưu giữ tại đền. Ảnh: Huy Thư
bna_11a.jpg
Hằng năm, tại đền diễn ra Lễ giỗ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan vào ngày 15/9 âm lịch; 10 năm tổ chức lễ hội 1 lần vào mùa Xuân gọi là "Thập niên sự lệ", "Lễ hội chay".... Lễ hội "Thập niên sự lệ" được dòng họ Nguyễn Cảnh duy trì hàng trăm năm qua, mới đây đã được Nhà nước đưa vào danh sách Di sản phi vật thể cấp Quốc gia. Năm nay, lễ hội độc đáo này diễn ra trong 3 ngày (21 - 23/4, tức ngày 13 đến 15/3 âm lịch) với nhiều nội dung đặc sắc: lễ tế thần, lễ cầu siêu, lễ rước thần, đêm thơ “ Nguyễn Cảnh thi tập”, chương trình văn nghệ “Sáng mãi bài ca truyền thống”, các hoạt động thể thao như bóng chuyền, kéo co, biểu diễn võ thuật,... Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Ảnh: Huy Thư
Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Video: Huy Thư
Mới nhất
x
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền thiêng gắn liền với Lễ hội 'Thập niên sự lệ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO