Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm được Báo Nghệ An thông tin qua bài viết “Dấu hiệu lình xình ở dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm” trên các ấn phẩm ra ngày 4/8/2023.
Trong bài viết, đã nhắc đến sự việc năm 2017, Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm được Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập tổ chức kiểm tra. Trên cơ sở báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả kiểm tra tại Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 2/6/2017, kết luận dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm chậm tiến độ, và Công ty CP Bệnh viện Thành Tâm đang sử dụng đất không đúng mục tiêu quy hoạch.
Toàn văn kết luận của UBND tỉnh năm 2017 đối với dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm như sau: “Tồn tại, vi phạm: Dự án đã xây dựng một số hạng mục nhưng chậm tiến độ hoàn thành, hoạt động không đúng mục tiêu đầu tư (quy hoạch được duyệt Bệnh viện nhưng thực tế làm nơi đỗ xe vận chuyển cứu thương).
Phương án xử lý: Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 2/6/2017, yêu cầu Công ty CP Bệnh viện Thành Tâm có báo cáo giải trình làm rõ việc chậm tiến độ hoàn thành, hoạt động dự án không đúng mục tiêu đầu tư; Lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án (nếu có) và cam kết tiến độ hoàn thành dự án, gửi UBND tỉnh xem xét. Nếu đến ngày 1/9/2017, Chủ đầu tư không có hồ sơ, báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý theo quy định của pháp luật”.
Những ngày qua, sau khi tiếp cận một số hồ sơ, tài liệu liên quan dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm, PV Báo Nghệ An nhận thấy có những dấu hiệu bất thường trong hoạt động đầu tư ở dự án này.
Cụ thể, tại Biên bản kiểm tra được lập bởi Đoàn kiểm tra liên ngành vào 15h ngày 13/4/2017 cho thấy, ở thời điểm này, Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm đã chuyển nhượng cổ phần, thay đổi cổ đông và người đại diện pháp luật. Với dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm, thì đã chỉ là tên gọi trên danh nghĩa, còn về bản chất, khu đất thực hiện dự án rộng 2.900,6m2 bám Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh đã được sử dụng làm cơ sở cho đội vận chuyển cấp cứu 115, thuộc Công ty cổ phần Bệnh viện 115 với 25 xe cứu thương và 60 cán bộ, công nhân viên. Đoàn kiểm tra liên ngành có nhận xét: “Hiện tại, doanh nghiệp đã xây dựng cổng, tường rào bao quanh, nhà điều hành 3,5 tầng và đang sử dụng làm cơ sở của Đội vận chuyển cấp cứu 115. Dự án được hưởng các ưu đãi về đầu tư, nhưng chủ đầu tư chậm tiến độ so với quy định, vi phạm về mục đích sử dụng đất…”.
Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2017 có đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vinh, UBND xã Nghi Phú. Xem phần ý kiến của các thành viên đoàn, thì ý kiến đại diện các sở cơ bản đồng nhất với nhận xét trên. Duy nhất ý kiến của đại diện của UBND thành phố Vinh thì có sự khác biệt, và rất đáng quan tâm, cụ thể là: “Dự án tự chuyển nhượng chưa đúng, có dấu hiệu vi phạm quy định về quyền sử dụng đất”.
Trong ngày 13/4/2017, đại diện chủ đầu tư báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành về tổng vốn đầu tư đã thực hiện tại dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm là 6,054 tỷ đồng. Số liệu này được ghi cụ thể trong Biên bản kiểm tra, có xác nhận của các thành viên Đoàn, còn có thêm Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm là bà Phạm Thị Kim Diệp ký tên và đóng dấu. Ấy thế nhưng tròn 8 tháng sau, dù trên đất dự án vẫn chỉ cổng, tường rào bao quanh, ga ra để xe, nhà điều hành 3,5 tầng, thì tại Tờ trình số 10/TTr-Cty ngày 13/12/2017, Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm Phạm Thị Kim Diệp báo cáo UBND tỉnh tổng vốn đầu tư đã thực hiện tại dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm là 12,225 tỷ đồng!
Chưa hết, cũng tại đây Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm Phạm Thị Kim Diệp “thẳng thắn” nêu khó khăn, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án rằng: “Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm đã chuyển nhượng cổ phần, thay đổi cổ đông công ty và thay đổi người đại diện theo pháp luật. Một số cổ đông chủ chốt của Công ty cổ phần Bệnh viện 115 đã mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm. Các cổ đông của Công ty có yêu cầu đầu tư dự án đã được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng và công năng sử dụng cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế. Do đó, việc đầu tư xây dựng dự án bị chậm tiến độ theo văn bản phê duyệt”. Để có đề xuất: “Cho chủ đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng dự án đã được phê duyệt là Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm và điều chỉnh quy hoạch xây dựng và công năng sử dụng của dự án”.
Vào ngày 17/9/2018, nguyện vọng của Công ty cổ phần Bệnh viện Thành Tâm được đáp ứng. Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm đã được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 bằng Quyết định số 4161/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không nêu những nội dung điều chỉnh, chỉ đề cập những yêu cầu của UBND tỉnh (tại Điều 2, Quyết định số 4161/QĐ-UBND) đối với chủ đầu tư cùng các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Vinh, UBND xã Nghi Phú như sau: “1. Tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng tiến độ đã cam kết, đảm bảo chất lượng; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện dự án… 2. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế; UBND thành phố Vinh, UBND xã Nghi Phú chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy hoạch, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai và hoạt động đúng quy định”.
Yêu cầu của UBND tỉnh là cụ thể, chi tiết, rõ ràng, súc tích. Nhưng từ tháng 9/2018 cho đến nay, dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thành Tâm qua kiểm tra thực địa của Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2022 là “tại thời điểm kiểm tra, dự án đã xây dựng cổng, tường rào, gara để xe, nhà điều hành 3,5 tầng”; còn khu đất thực hiện dự án thì vẫn “sử dụng làm cơ sở của Đội vận chuyển cấp cứu…”. Những điều này đã chỉ ra rằng, nếu như chủ đầu tư trước đây “vẽ” dự án xin thuê đất với mục tiêu nhằm chuyển nhượng kiếm lợi, thì chủ đầu tư sau này lại tiền hậu bất nhất, thiếu tôn trọng chính quyền và các cơ quan chức năng, coi thường pháp luật. Đồng thời, cũng cần thẳng thắn mà rằng, qua nhiều năm ròng rã để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, sử dụng đất trái mục đích…, cho thấy có dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý từ một số cơ quan nhà nước!