Dự án chè xanh chất lượng cao chưa thực hiện đã...'chết yểu'

Tiến Đông 08/12/2023 06:45

(Baonghean.vn) -Được kỳ vọng giải quyết việc làm cho cán bộ, đội viên sau khi Tổng đội Thanh niên xung phong 1 giải thể, vậy nhưng, Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao của Công ty Việt Phát (trụ sở tại Hà Nội) lại không triển khai như kế hoạch.

KỲ VỌNG LỚN

Tổng đội Thanh niên xung phong 1 là đơn vị Thanh niên xung phong - Xây dựng kinh tế đầu tiên của tỉnh Nghệ An được thành lập sau chiến tranh vào năm 1986, trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An, để thực hiện chủ trương xây dựng mô hình Thanh niên xung phong – Xây dựng kinh tế trên địa bàn 3 xã: Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn (thuộc huyện Anh Sơn). Từng được đánh giá là đơn vị phát triển nhanh và hiệu quả, trở thành mô hình tiêu biểu, điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn miền núi của huyện Anh Sơn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Dịp này, chúng tôi trở lại trụ sở tổng đội đặt tại xã Long Sơn; khác với khung cảnh trước đây, bây giờ những đồi chè đìu hiu, đường sá đi lại bị hư hỏng và trụ sở hoang phế khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

BNA_Trụ sở Tổng đội TNXP 1 đã được Công ty Việt Phát trúng đấu giá nhưng không đưa vào sử dụng. Ảnh Tiến Đông.jpg
Trụ sở Tổng đội Thanh niên xung phong 1 đã được Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát trúng đấu giá nhưng không đưa vào sử dụng. Ảnh: Tiến Đông

Câu chuyện giải thể Tổng đội Thanh niên xung phong 1 đã được Báo Nghệ An đề cập trong một số bài viết gần đây. Tuy nhiên, nếu xét Phương án giải thể đơn vị này được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo Quyết định số 4917/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 thì rõ ràng, mục tiêu đặt ra là chưa đạt được.

Cụ thể, trước khi Phương án giải thể được phê duyệt, ngày 29/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 7423/QĐ-UBND.CN về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao (gọi tắt là Dự án chè xanh Nhật) tại xã Long Sơn (Anh Sơn), của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát (Công ty Việt Phát, có trụ sở tại Hà Nội, do ông Nguyễn Xuân Trường làm người đại diện trước pháp luật). Địa điểm thực hiện dự án là đất xây dựng trụ sở đang do Tổng đội Thanh niên xung phong 1 quản lý, sử dụng. Tổng diện tích đất sử dụng để thực hiện dự án khoảng 10.077m2; công suất hoạt động khoảng 25-30 tấn nguyên liệu/ngày, với tổng mức đầu tư dự kiến là 15 tỷ đồng.

BNA_quy hoạch.jpg
Quy hoạch dự án được phê duyệt. Ảnh: Tiến Đông

Đến ngày 18/3/2015, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với dự án này cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tổng diện tích xây dựng công trình là 2.478,34m2, với các hạng mục như: Nhà xưởng sản xuất, nhà làm việc, nhà hội trường, nhà tạp vụ, hành lang giao thông, các hạng mục phụ trợ khác… Cũng theo quyết định phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục liên quan để khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng và đầu tư xây dựng xong để đưa dự án vào sử dụng trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Chỉ ít lâu sau khi quy hoạch chi tiết của dự án này được phê duyệt, ngày 14/4/2015 UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Phát. Trong năm 2017, các tài sản trên đất của Tổng đội Thanh niên xung phong 1 như: Nhà văn hóa cấp 4, nhà làm việc 2 tầng, hội trường cấp 1, 2 chiếc xe tải… cũng đã được bán đấu giá cho Công ty Việt Phát với số tiền hơn 726 triệu đồng.

BNA_Trụ sở Tổng đội TNXP 1 bị xuống cấp hư hỏng. Ảnh Tiến Đông.jpg
Cơ sở vật chất bị xuống cấp hư hỏng. Ảnh: Tiến Đông

Để triển khai dự án này, Công ty Việt Phát đã cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ cán bộ của Tổng đội Thanh niên xung phong 1 về làm việc cho công ty; bảo đảm thực hiện các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… theo quy định của Nhà nước; ưu tiên giải quyết việc làm cho các đội viên và con em đội viên làm việc tại nhà máy. Đồng thời, chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của Tổng đội Thanh niên xung phong 1 và nhân dân trong vùng, cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với địa phương.

"QUẢ ĐẮNG"

Sự xuất hiện của Dự án chè xanh Nhật từng khiến cho các hộ đội viên của Tổng đội Thanh niên xung phong 1 rất hào hứng. Vậy nhưng, những gì diễn ra sau đó lại hoàn toàn trái ngược. Thay vì triển khai dự án như cam kết ban đầu cũng như trên các văn bản, giấy tờ được cơ quan chức năng phê duyệt, thì chủ đầu tư đã không thực hiện, dù đã từng được cho phép giãn tiến độ vào năm 2018.

BNA_Đường vào khu vực trung tâm Tổng đội TNXP 1 trước đây đã bị xuống cấp hư hỏng. Ảnh Tiến Đông.jpg
Đường vào khu vực trung tâm Tổng đội Thanh niên xung phong 1 trước đây đã bị xuống cấp hư hỏng. Ảnh: Tiến Đông

Để rồi sau thời gian quá hạn, năm 2020 dự án đầu tư này đã bị hủy bỏ và thu hồi các quyết định liên quan. Lý do được đưa ra là do dự án đã quá thời gian thực hiện theo tiến độ đăng ký đầu tư và quá thời gian cho phép giãn tiến độ, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa triển khai xây dựng trên thực địa.

Vào ngày 23/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2441/QĐ.UBND chấm dứt hiệu lực thi hành các quyết định của UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến Dự án chè xanh Nhật tại xã Long Sơn.

BNA_Nhiều đồi chè xanh mướt trước đây nay đã trở nên cằn cỗi. Ảnh Tiến Đông.jpg
Nhiều đồi chè xanh mướt trước đây đã trở nên cằn cỗi. Ảnh: Tiến Đông

Điều đáng nói là Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật được thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân, đội viên tại Tổng đội Thanh niên xung phong 1 và để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động, quản lý tốt cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước tại Tổng đội Thanh niên xung phong 1. Thế nhưng, nó đã “chết yểu” trước khi Tổng đội Thanh niên xung phong 1 chính thức có quyết định giải thể (ngày 19/10/2021).

Ông Nguyễn Xuân Hào - nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Tổng đội Thanh niên xung phong 1, hiện là Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Long Sơn cho biết: Thời điểm UBND tỉnh phê duyệt phương án giải thể Tổng đội Thanh niên xung phong 1, lúc này đơn vị đang có hơn 130 cán bộ, đội viên, trong đó, có khoảng 60 người đóng bảo hiểm xã hội.

 BNA_Do không có đơn vị bao tiêu, thu mua cố định nên việc trồng chè của các hộ dân cũng rất bấp bênh. Ảnh Tiến Đông.jpg
Do không có đơn vị bao tiêu, thu mua cố định nên việc trồng chè của các hộ dân cũng rất bấp bênh. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hào cũng nằm trong danh sách chuyển đến làm việc cho Công ty Việt Phát. Tuy nhiên, khi dự án không thành, các cán bộ, đội viên đều phải tự liên hệ tìm kiếm công việc khác cho mình, kể cả việc gửi đóng bảo hiểm xã hội chỉ mong đến tuổi được nhận lương hưu.

Cũng theo ông Hào, sau khi được phê duyệt phương án giải thể, có 110 hộ đội viên của Tổng đội Thanh niên xung phong 1 với hơn 300 nhân khẩu đã được bàn giao về xóm 8, xã Long Sơn; 24 hộ về xã Khai Sơn và 17 hộ về xã Cao Sơn. Nhưng do chưa hoàn tất thủ tục bàn giao đất nên từ năm 2014 đến nay, gần như các hộ dân đang canh tác tự do. Từ khoảng 200 ha chè công nghiệp khi bàn giao, nay đã giảm khoảng 40 ha do một số hộ đã chuyển sang trồng keo, trồng sắn. Chưa kể đến việc dù trồng chè nhưng không có đơn vị bao tiêu sản phẩm cố định nên đầu ra cũng rất bấp bênh.

BNA_huỷ dự án.jpg
Quyết định chấm dứt hiệu lực thi hành các quyết định của UBND tỉnh liên quan đến dự án của Công ty Việt Phát. Ảnh: Tiến Đông

Ông Đặng Văn Chương - nguyên Tổng đội phó Tổng đội Thanh niên xung phong 1 bày tỏ băn khoăn: Tại sao Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật đã bị chấm dứt từ hơn 1 năm trước ngày Tổng đội Thanh niên xung phong 1 chính thức có quyết định giải thể, mà không có phương án dự phòng khác, ví như kêu gọi đơn vị khác vào đầu tư, hay xây dựng phương án tái cơ cấu, tổ chức lại Tổng đội Thanh niên xung phong 1 để phát triển hiệu quả hơn, thay vì giải thể, để rồi các vướng mắc kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong.

Theo Quyết định số 2441 của UBND tỉnh, sau khi chấm dứt hiệu lực thi hành các quyết định của UBND tỉnh đối với Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật, UBND huyện Anh Sơn được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan có liên quan đề xuất phương án xử lý đối với khu đất dự án theo đúng quy định pháp luật.

BNA_Nhiều diện tích chè đã bị phá trồng keo. Ảnh Tiến Đông.jpg
Nhiều diện tích chè đã bị phá để trồng keo. Ảnh: Tiến Đông

Ông Bùi Công An - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn, cho biết, dù Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật đã chấm dứt, nhưng phía Công ty Việt Phát vẫn còn tài sản trên đất đã trúng đấu giá, và chưa xây dựng gì thêm. Nếu đơn vị này tiếp tục thực hiện dự án thì phải làm lại các thủ tục, quy trình để được Nhà nước cho thuê đất. Nếu trong trường hợp có một nhà đầu tư mới thì phía đơn vị này phải xử lý tài sản để bàn giao mặt bằng.

Rõ ràng, việc giải thể Tổng đội Thanh niên xung phong 1 là “sự đã rồi”, đây cũng là một bài học lớn trong việc giải thể, sáp nhập hay sắp xếp lại các doanh nghiệp, đơn vị mà Nhà nước đang nắm quyền chi phối. Dù có thể không thay đổi được các quyết định, nhưng trước mắt cần phải giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến bàn giao đất để quản lý một cách có hiệu quả, tránh để kéo dài sẽ gây bức xúc cho người dân, thậm chí sẽ phát sinh việc chuyển nhượng trái phép, gây khó khăn cho việc xử lý về sau.

Mới nhất

x
Dự án chè xanh chất lượng cao chưa thực hiện đã...'chết yểu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO