Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết khi kiện toàn, giải thể các Tổng đội Thanh niên xung phong

Tiến Đông 30/11/2023 10:14

(Baonghean.vn) -Từ 12 đơn vị, sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ, một số Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) đã được sáp nhập, giải thể, chuyển giao. Vậy nhưng đến thời điểm này, nhiều vấn đề liên quan như bàn giao đất đai, khi một số đơn vị này giải thể lại chưa được giải quyết dứt điểm.

Hoàn tất “sứ mệnh”

Từ năm 1986, Tổng đội TNXP đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã được thành lập. Kể từ đó đến năm 2012, toàn tỉnh đã thành lập được 12 Tổng đội TNXP. Sau khi hoàn thành “sứ mệnh” của mình, một số đơn vị đã được sáp nhập, chuyển giao, hoặc là giải thể để bàn giao đất đai về cho địa phương quản lý.

Cụ thể, ngày 1/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3051/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong - xây dựng kinh tế (TNXP - XDKT) tỉnh Nghệ An”. Sau khi tổ chức kiện toàn, đã có 6 Tổng đội TNXP được giải thể, chuyển giao, sáp nhập. Trong đó, Tổng đội TNXP huyện Anh Sơn đã được chuyển giao cho Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An và Tổng đội TNXP Quỳnh Lưu trực thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu.

Ngoài ra, có 4 Tổng đội TNXP đã hoàn thành việc giải thể, chuyển giao, gồm Tổng đội TNXP 1, 4, 6, 7. Và 2 đơn vị đang tiến hành các bước giải thể, là Tổng đội TNXP 2 tại huyện Thanh Chương và Tổng đội TNXP 3 tại huyện Quỳ Hợp. Hiện tại, còn 4 Tổng đội TNXP trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An là đang hoạt động (Tổng đội TNXP 5, 8, 9, 10), các đơn vị này được giao quản lý 22.677,33 ha đất nông nghiệp và 78,70 ha đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất văn phòng và diện tích mặt nước, sông, suối.

BNA_Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương thăm mô hình chăn nuôi tại Tổng đội TNXP 9. Ảnh Tiến Đông.jpg
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương thăm mô hình chăn nuôi tại Tổng đội TNXP 9. Ảnh: Tư liệu

Có thể thấy, sự xuất hiện của các Tổng đội TNXP đã góp phần biến các vùng đất khô cằn, đồi núi trọc ở các huyện miền núi, vùng sâu thành những vùng nguyên liệu với nhiều mô hình, giống cây con mới được đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các Tổng đội TNXP đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đội viên tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở những vùng khó khăn. Đặc biệt, khi các Tổng đội TNXP được thành lập, với sự đầu tư đồng bộ của Trung ương Đoàn và UBND tỉnh qua nhiều năm, 12 điểm dân cư tại nơi đặt trụ sở các Tổng đội TNXP, với hàng nghìn hộ dân đã được hình thành. Các công trình thiết yếu như đường giao thông, điện, hồ đập thủy lợi, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá, nhà văn hóa... đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án và vùng phụ cận…

BNA_Đường vào Tổng đội TNXP 3. Ảnh Tiến Đông.jpg
Đường vào Tổng đội TNXP 3 tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Tiến Đông

Để phát huy hiệu quả quản lý đất đai sau khi giải thể

Mặc dù để lại nhiều dấu ấn, đem lại hiệu quả kinh tế, tác động xã hội lớn tại các vùng khó khăn, nhưng việc bàn giao, sáp nhập, giải thể một số Tổng đội TNXP là điều không tránh khỏi. Dù vậy, hiện nay, công tác giải thể, chuyển giao các Tổng đội, nhất là Tổng đội TNXP 1, 2, 3 vẫn còn nhiều bất cập chưa giải quyết xong.

Ông Đặng Văn Chương - nguyên Tổng đội Phó, Tổng đội TNXP 1, đóng tại các xã Long Sơn, Cao Sơn, Khai Sơn (Anh Sơn) cho biết: Tổng đội TNXP 1 là đơn vị thành lập sớm nhất (năm 1986), đến năm 2021 thì chính thức có Quyết định giải thể. Nhưng, trước đó từ năm 2014 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát (có trụ sở ở Hà Nội) xây dựng Nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao tại xã Long Sơn (thuộc vùng đất dự án Tổng đội TNXP 1 quản lý).

BNA_Trụ sở chính của Tổng đội TNXP 1 hiện nay đã được bán đầu giá, nhưng do không sử dụng nên bị xuống cấp, hư hỏng.JPG
Trụ sở chính của Tổng đội TNXP 1 hiện nay đã được bán đầu giá cho Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát (có trụ sở ở Hà Nội), để thực hiện dự án nhà máy chè chất lượng cao nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được thực hiện. Ảnh: Tiến Đông

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như dự án xây dựng nhà máy này được thực hiện. Trớ trêu thay, dù đã được “trải thảm đỏ”; được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy; được chuyển giao toàn bộ khu vực văn phòng làm việc của Tổng đội TNXP 1 để xây dựng nhà máy. Thậm chí nhà đầu tư này còn có phương án và cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ cán bộ của Tổng đội TNXP 1 về làm việc, bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Vậy nhưng, những viễn cảnh tốt đẹp mà dự án này vẽ ra chỉ nằm… trên giấy. Còn thực tại, 151 hộ đội viên thì đã được “xé lẻ” bàn giao về cho các xã Long Sơn (110 hộ), Khai Sơn (24 hộ) và Cao Sơn (17 hộ) quản lý, trong khi đó việc bàn giao hơn 383ha đất mà đơn vị này quản lý trước đây đến nay vẫn chưa thực hiện xong.

BNA_Nhà văn hoá cộng đồng được ây dựng những năm mới thành lập đến nay đã trở thành phế tích.JPG
Nhà văn hoá cộng đồng tại Tổng đội TNXP 1 nay đã trở thành phế tích. Ảnh: Tiến Đông

Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy lực lượng TNXP tỉnh cho biết: Nếu như việc giải thể Tổng đội TNXP 1 đã hoàn tất, việc bàn giao đất đai về cho địa phương để giao cho người dân cũng đã thực hiện cơ bản, thì việc giải thể Tổng đội TNXP 2 và 3 đang gặp nhiều trở ngại hơn. Trong đó, Tổng đội TNXP 3, đóng tại các xã Châu Thái, Châu Đình, Văn Lợi (Quỳ Hợp), dù đã có chủ trương giải thể từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định, khiến cho việc quản lý hơn 5.694ha đất của đơn vị này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh đã có Văn bản số 10053/UBND-KT về việc giải thể các Tổng đội TNXP - XDKT Nghệ An, trong đó giao cho Tỉnh đoàn Nghệ An chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan để bàn giao nguyên trạng diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất các hộ đang nhận khoán trồng rừng tại Tổng đội TNXP 3. Đồng thời, tiến hành các thủ tục bàn giao tài sản, công trình; đo đạc địa chính… tiến tới ban hành Quyết định giải thể đối với Tổng đội TNXP 3…

BNA_Mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Tổng đội TNXP 3 từ tháng 6_2022 nhưng đến nay vẫn chưa bán đấu giá được. Ảnh TĐ.jpg
Mặc dù đã có chủ trương giải thể từ năm 2014 nhưng đến nay Tổng đội TNXP 3 tại huyện Quỳ Hợp vẫn chưa giải thể được. Ảnh: Tiến Đông

Tại Tổng đội TNXP 2, thuộc địa bàn các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm (Thanh Chương), dù đã hoàn thành việc bàn giao hơn 15.068 ha đất mà đơn vị này được giao quản lý cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương, UBND xã Thanh Đức (Thanh Chương) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An, nhưng cho đến nay, việc giải thể cũng chưa thành.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù được thành lập theo chủ trương của Nhà nước, nhưng hầu hết diện tích đất do các Tổng đội TNXP quản lý, sử dụng chỉ được ghi trong Quyết định thành lập, chưa được UBND tỉnh ban hành Quyết định giao hay cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, theo Quyết định số 4649/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 của UBND tỉnh về việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì các Tổng đội TNXP là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An. Vì vậy, các Tổng đội TNXP không thuộc đối tượng thuê đất của Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay mô hình tổ chức Tổng đội TNXP chưa được quy định rõ ràng, cụ thể nên trong Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn chưa điều chỉnh hình thức giao đất, thuê đất cho các trường hợp này. Chưa kể, với diện tích đất lớn, việc quản lý, sử dụng đất, giao khoán đất giữa Tổng đội TNXP và các đội viên vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các vấn đề liên quan đến đất ở; xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp; thậm chí là chuyển nhượng trái quy định khi chưa được cấp quyền sử dụng đất…

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tại các Tổng đội TNXP, thì trước mắt, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về mô hình tổ chức Tổng đội TNXP để làm cơ sở trong việc quản lý, sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng cần bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất của các Tổng đội thanh niên xung phong để UBND tỉnh giao thuê đất theo quy định, làm cơ sở để quản lý việc sử dụng đất của các Tổng đội. Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cũng cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt quan tâm tình trạng cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định để xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật…

Mới nhất
x
Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết khi kiện toàn, giải thể các Tổng đội Thanh niên xung phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO