Thông tin Dự án khai thác quặng vàng trên núi Pu Phen thuộc phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An – Di sản thiên nhiên cấp Quốc gia đặc biệt do UNESCO công nhận được nêu tại Văn bản số 9389/STNMT-BVMT ngày 29/12/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở dĩ Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 9389 /STNMT-BVMT gửi UBND tỉnh, bởi trước đó, vào ngày 6/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 10340/BTNMTKSVN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tiếp tục cho phép và hướng dẫn, hỗ trợ Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô hoàn thiện các vấn đề liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án khai thác quặng vàng trên núi Pu Phen trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm đưa mỏ vào khai thác. Cũng tại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến: “Trường hợp không đồng thuận việc tổ chức tham vấn cộng đồng, dự án không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét giải quyết vấn đề của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo xem xét, tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật liên quan”.
Để thực hiện các nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tại Công văn số 10544/UBND- NN ngày 8/12/2023, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu Văn bản triển khai chỉ đạo. Rà soát các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 9389 /STNMT-BVMT báo cáo UBND tỉnh các nội dung:
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2001/QĐ- UBND.ĐC ngày 22/5/2013. Do dự án không được triển khai trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên đã hết hiệu lực kể từ ngày 23/5/2015 . Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án thuộc đối tượng phải lập Báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý các dự án chậm tiến độ tại Công văn số 6179/UBND-CN ngày 25/8/2021 và Công văn 9556/UBND-CN ngày 07/12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 2 Công văn từ năm 2021 đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Khoáng sản Việt Nam) thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản do dự án chậm tiến độ.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na – Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An thuộc Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên cấp Quốc gia đặc biệt. Hoạt động bảo vệ môi trường của dự án nêu trên phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 7, Điều 21, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 (Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu dự trữ sinh quyển). Vì vậy, việc tham vấn trong đánh giá tác động môi trường của dự án cần thực hiện đầy đủ các đối tượng, nội dung và hình thức theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 (trong đó, lưu ý ngoài các nội dung và đối tượng tham vấn khác, dự án cần phải có thêm nội dung phương án bồi hoàn đa dạng sinh học và ý kiến của cơ quan Nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường).
Ngoài ra, chủ dự án cần thực hiện nội dung theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 26, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 (trong trường hợp có chuyển mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển từ 1 ha trở lên).
Rà soát Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì “Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự án có diện tích lớn nằm trong khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường và không được sự đồng thuận của người dân cũng như chính quyền địa phương trong thời gian qua”. Bên cạnh đó, vì đã được các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương và UBND huyện Tương Dương góp ý kiến, nên tại Văn bản số 9389 /STNMT-BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo:
“Giao UBND huyện Tương Dương chủ trì tổ chức họp lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ, UBND các xã Yên Na và Yên Tĩnh, cộng đồng dân cư (mời Công ty CP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ đô và các sở, ngành liên quan tham dự) đối với việc triển khai tham vấn cộng đồng. Trường hợp chính quyền địa phương và người dân đồng thuận tổ chức tham vấn cộng đồng, UBND huyện hướng dẫn chủ dự án thực hiện tham vấn cộng đồng đối với Báo cáo ĐTM của dự án theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp chính quyền địa phương và người dân không đồng thuận tổ chức tham vấn cộng đồng, UBND huyện tổng hợp ý kiến báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản và chấm dứt dự án theo hướng dẫn tại Công văn số 10340/BTNMT- KSVN.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với Dự án Công trình khai thác hầm lò mỏ vàng gốc tại các xã Yên Na và Yên Tĩnh trên cơ sở kết quả báo cáo của UBND huyện Tương Dương”.
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9389/STNMT-BVMT, ngày 2/1/2024, UBND tỉnh có Công văn số16 /UBND-NN về việc tham mưu các vấn đề liên quan đến việc khai thác mỏ vàng Yên Na – Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, với nội dung:
“1. Giao UBND huyện Tương Dương chủ trì tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư với thành phần, trình tự theo hướng dẫn, đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản nêu trên; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15/01/2024.
2. Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Tương Dương và quy định hiện hành của pháp luật, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý đối với Dự án Công trình khai thác hầm lò mỏ vàng gốc tại các xã Yên Na và Yên Tĩnh; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 31/01/2024”.
Vào ngày 11/1/2024, UBND huyện Tương Dương đã phát giấy mời các thành phần dự họp lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ, UBND các xã Yên Na và Yên Tĩnh, cộng đồng dân cư; trong đó có mời Công ty CP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ đô và các sở, ngành liên quan tham dự theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số16 /UBND-NN và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian họp được ấn định vào ngày 15/1/2024 (buổi sáng tại trụ sở xã Yên Tĩnh; buổi chiều tại trụ sở xã Yên Na).
Tuy nhiên, liên hệ UBND huyện Tương Dương cuối ngày 15/1/2024 thì cuộc họp lấy ý kiến đã không diễn ra vì ngày 13/1/2024, Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô có tờ trình xin hoãn, với lý do đưa ra là “thời gian quá gấp” “chưa chuẩn bị xong tài liệu liên quan”… Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, ông Nguyễn Phùng Hùng trao đổi: “Ngày hôm qua (ngày 14/1/2024 – P.V), huyện Tương Dương phải liên hệ các nơi để báo hoãn vì chủ dự án xin lùi thời gian lấy ý kiến. Vì đây là nhiệm vụ được UBND tỉnh giao nên huyện sẽ có văn bản báo cáo về nội dung này…”.
Ngày 24/11/2023, tại Sở Tài nguyên và Môi trường, đoàn công tác Cục Khoáng sản Việt Nam đã làm việc về các vấn đề liên quan dự án khai thác quặng vàng trên núi Pu Phen. Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, 2 xã Yên Tĩnh, Yên Na và Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô. Quan điểm của cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương cũng như 2 xã Yên Tĩnh, Yên Na là đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT. Với Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô, đề nghị được triển khai tham vấn ý kiến cộng đồng; và cam kết trong trường hợp người dân không đồng thuận, sẽ đồng ý việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép.