Dự báo giá vàng hàng tuần: Nhà đầu tư chờ đợi tin tức thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu lạm phát Mỹ
Dự báo giá vàng hàng tuần - Giá vàng trong tuần mới sẽ chịu chi phối bởi hai yếu tố chính: kết quả đàm phán Mỹ - Trung và dữ liệu CPI của Mỹ
Diễn biến giá vàng tuần qua
Trong tuần qua, giá vàng (XAU/USD) đã trải qua những biến động mạnh, khởi đầu bằng đà tăng ấn tượng nhờ dòng tiền trú ẩn an toàn, sau đó suy yếu do các tín hiệu chính sách tiền tệ của Mỹ và kỳ vọng phục hồi thương mại toàn cầu.
Đầu tuần, giá vàng bật tăng gần 3%, vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce nhờ lo ngại leo thang địa chính trị. Vụ tấn công tên lửa gần sân bay Ben Gurion (Israel) được lực lượng Houthi thân Iran nhận trách nhiệm, cùng tuyên bố trả đũa từ Thủ tướng Israel và căng thẳng không ngừng giữa Ấn Độ và Pakistan, đã khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh phòng vệ.
Tuy nhiên, sang giữa tuần, kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung phần nào làm giảm nhu cầu trú ẩn. Việc Washington xác nhận tổ chức cuộc gặp cấp cao với đại diện Trung Quốc vào thứ Bảy tại Geneva đã tạo tâm lý tích cực trên thị trường, kéo giá vàng giảm trở lại dưới mốc 3.400 USD/ounce.
Sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), vàng tiếp tục chịu áp lực. Dù Fed không điều chỉnh lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell tỏ ra thận trọng trước lạm phát và chưa sẵn sàng thay đổi chính sách tiền tệ.
Tuyên bố này khiến xác suất cắt giảm lãi suất trong tháng Sáu giảm mạnh, từ hơn 50% xuống dưới 20%, qua đó hỗ trợ đồng USD tăng giá và đẩy vàng giảm gần 2% trong ngày.
Ngoài ra, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh cùng bình luận của Tổng thống Trump về khả năng giảm thuế quan với Trung Quốc cũng khiến tâm lý rủi ro trên thị trường duy trì tích cực, tiếp tục gây áp lực lên giá vàng trong phiên thứ Năm.
Dù vậy, các rủi ro địa chính trị vẫn giữ vai trò tăng giá vàng. Trong nửa cuối tuần, căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang nghiêm trọng, với các vụ phóng tên lửa, máy bay không người lái và thương vong gia tăng. Đây là yếu tố hỗ trợ giúp giá vàng ổn định trở lại quanh vùng 3.300 USD/ounce.
Tuy nhiên, người mua vẫn tỏ ra do dự khi đứng trước nhiều luồng thông tin trái chiều. Với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp diễn ra và dữ liệu lạm phát tháng Tư từ Mỹ chuẩn bị công bố, thị trường vàng sẽ tiếp tục biến động trong tuần tới.
Nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm đến những tín hiệu mới về chính sách thuế quan và định hướng lãi suất từ các ngân hàng trung ương để xác định rõ xu hướng tiếp theo của kim loại quý.

Giá vàng tuần này: Nhà đầu tư chờ đợi tin tức thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu lạm phát Mỹ
Giới đầu tư vàng đang bước vào tuần mới với tâm thế thận trọng, khi tâm điểm thị trường tập trung vào kết quả vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung và các dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ, đặc biệt là báo cáo lạm phát tháng Tư.
Theo giới phân tích, giá vàng có thể mở đầu tuần với biến động mạnh, tùy thuộc vào nội dung các tuyên bố sau đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu hai bên đạt được đồng thuận trong việc tạm ngừng hoặc giảm thuế quan lên một số mặt hàng, đồng thời cam kết tiếp tục đàm phán, điều này có thể làm giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng và gây áp lực lên giá ngay đầu phiên thứ Hai.
Ngược lại, nếu không có dấu hiệu tích cực nào cho thấy căng thẳng thương mại hạ nhiệt, vàng có thể bật tăng trở lại nhờ vai trò phòng vệ trong bối cảnh bất ổn.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng theo dõi khả năng Mỹ ký kết các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tiết lộ Washington sẽ công bố một số thỏa thuận mới trong tháng tới. Nếu được xác nhận, đây sẽ là tín hiệu hỗ trợ tâm lý thị trường, đồng thời gây bất lợi cho giá vàng.
Bên cạnh yếu tố thương mại, báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba và được kỳ vọng là chất xúc tác mạnh cho thị trường vàng.
Cả CPI tổng thể và CPI lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) đều được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước. Nếu CPI lõi vượt kỳ vọng, đồng USD có thể tăng giá và gây áp lực lên vàng. Ngược lại, nếu chỉ số này thấp hơn 0,2%, giá vàng sẽ có cơ hội bật tăng nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, các dữ liệu khác như doanh số bán lẻ tháng Tư (công bố thứ Năm) và chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng Năm từ Đại học Michigan (công bố cuối tuần) được cho là ít tác động đến giá vàng hơn, trừ khi có biến động bất ngờ.
Không thể bỏ qua yếu tố địa chính trị. Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Israel và Iran, cùng với diễn biến ngày càng căng giữa Ấn Độ và Pakistan, tiếp tục duy trì rủi ro toàn cầu. Nếu tình hình leo thang, vai trò trú ẩn của vàng sẽ phát huy rõ rệt và có thể thúc đẩy giá vàng tăng mạnh, bất chấp các yếu tố kinh tế.