Dự báo sẽ xuất hiện 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2024
(Baonghean.vn) - Sáng 10/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT; Đại diện các bộ, ban, ngành.
Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.
Thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng do thiên tai
Ở nước ta, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng.
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, các sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước. Thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính 9.324 tỷ đồng
Một số trận thiên tai lớn như trong năm 2023 như: Đợt mưa lớn từ ngày 02-08/8 xảy ra tại khu vực miền núi Bắc Bộ đã làm 16 người chết, mất tích, thiệt hại về cơ sở, vật chất trên 969 tỷ đồng; Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên khu vực Tây Nguyên; Đợt mưa lớn từ 24-29/9 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại 6 tỉnh miền Trung và 13 tỉnh Bắc Bộ đã gây ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, nghiêm trọng nhất tại tỉnh Nghệ An (thời điểm lớn nhất 2.337 nhà bị ngập). Mưa lũ, sạt lở đã làm 21 người chết, mất tích, bị thương (chết: 10; bị thương:11).
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung đã xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng làm 14 người chết, mất tích; Nắng nóng gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm, xảy ra nhiều đợt nắng nóng kỷ lục vượt giá trị lịch sử như Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ, Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ - đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từng được quan trắc ở Việt Nam...
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ); nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước...
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở; các địa phương đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động PCTT với tổng kinh phí trên 3.070 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, nắng nóng, mưa lớn. Cụ thể, có 22 đợt không khí lạnh (trong đó, có 16 đợt gió mùa Đông Bắc); 3 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn cục bộ tại nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh; 1 đợt mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng dự báo thiên tai
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết: Đầu năm 2024, toàn quốc đã ghi nhận nhiệt độ nắng nóng kỷ lục tại các địa phương với số ngày nắng tăng cao. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có các đợt nắng kéo dài với cường độ mạnh hơn, gây khô hạn diện rộng. Đối với bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến sẽ có từ 11 – 13 cơn, trong đó có khoảng 5 -7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Lũ lụt dự kiến sẽ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11... Do đó, các ban ngành, địa phương cần chủ động lên các phương án phòng chống thiên tai từ sớm để giảm thiểu thiệt hại.
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn thế giới, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai dễ xảy ra và gây thiệt hại lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia thường chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong các giải pháp phòng chống thiên tai đồng thời sẽ phối hợp để có các hoạt động nhân đạo, hỗ trợ về lương thực, y tế… cho các địa phương, hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai.
Đại diện các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Tiền Giang, Cà Mau đã trình bày các báo cáo về công tác phòng chống thiên tai của từng địa phương đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ các địa phương kinh phí để tu sửa các công trình ách yếu và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai vì đây là điều rất quan trọng để các địa phương chủ động các giải pháp phòng chống.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Năm 2023 là một năm đặc biệt, dù không xuất hiện các cơn bão nhưng đổi lại, nước ta phải đối phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác như xâm nhập mặn, sạt lở, lũ lụt, cháy nổ…Dù gặp nhiều khó khăn tuy nhiên các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
Năm 2024 dự báo thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt là nắng nóng, khô hạn ở giữa năm và mưa bão, lũ lụt dự kiến sẽ xuất hiện từ nay đến hết năm. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra hiện trạng các khu vực cách yếu trước mùa mưa bão; thực hiện tốt Luật Phòng thủ dân sự đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, sự cố.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin với đa dạng các hình thức, đặc biệt là mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai; kiểm tra, rà soát các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Đối với Cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn cần nâng cao chất lượng dự báo, thông tin kịp thời để các địa phương chủ động phương án phòng chống. Người đứng đầu các địa phương phải nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo khi xảy ra các sự cố về thiên tai đồng thời huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng, khắc phục hậu quả, tranh thủ các nguồn xã hội hoá ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương.
Đối với các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong muốn các đơn vị tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ đào tạo chuyên môn về phòng chống thiên tai. Ngoài ra có thể hỗ trợ, đầu tư cho các địa phương trên cả nước về hạ tầng phòng chống thiên tai thông qua các dự án.