Đập sông Lam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục dự án ưu tiên thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi
(Baonghean.vn) - Thủ tướng giao các Bộ: NN&PTNT, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện.
Đây là một trong các công trình thuộc danh mục các dự án ưu tiên thực hiện được ban hành kèm Quyết định số 145/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo đó, đập sông Lam là một trong những công trình thuộc danh mục công trình khắc phục hạ thấp mức nước được triển khai trên sông Lam đoạn qua Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thủ tướng giao các Bộ: NN&PTNT, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện.
Công trình được phân kỳ đầu tư trong các giai đoạn: 2021 - 2025 và 2026 - 2030, ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Theo Quyết định số 145/QĐ-TTg, vị trí, quy mô, nhiệm vụ các công trình, dự án ban hành tại danh mục đi kèm, trong đó có đập sông Lam sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong quá trình lập, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sông Lam là tên gọi đoạn hạ du của sông Cả. Tổng diện tích lưu vực của sông Cả là 27.200 km2; trong đó phần diện tích trên lãnh thổ Việt Nam là 17.730 km2, chiếm 65,2% diện tích lưu vực; diện tích thuộc Lào là 9.470 km2 chiếm 34,8% diện tích lưu vực.
Công trình đập trên sông Lam là ấp ủ lâu nay của Nghệ An nhằm ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trước tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tài chính để thực hiện.
Hiện nay, trên sông Lam mới chỉ có công trình đập dâng Đô Lương - là công trình đầu mối của hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được xây dựng từ năm 1930 đến năm 1937.
Sau gần 8 thập kỷ vận hành, hệ thống thủy lợi này bị xuống cấp trầm trọng, khả năng cấp nước bị giảm sút, thiếu ổn định, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác.
Do đó, năm 2016, Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, trong đó có đập dâng Đô Lương được thực hiện với kinh phí 5.705 tỷ đồng và vừa khánh thành cuối tháng 3 vừa qua.
Nếu công trình đập sông Lam được xây dựng trong giai đoạn tới thì đây sẽ là đập thứ 2 trên con sông lớn nhất Nghệ An này.
Hiện nay, vị trí đập chưa được xác định, tuy nhiên qua tìm hiểu, trước đây các nhà khoa học đã nghiên cứu và có những khuyến nghị cụ thể.
Tại Đề tài nghiên cứu đề xuất lựa chọn vị trí xây dựng công trình cống sông Lam để ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường được tiến hành trong khuôn dự án: “Ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Lam” do liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện công bố năm 2018 đã có những khuyến nghị cụ thể.
Theo các nhà khoa học, nhiệm vụ của cống sông Lam chủ yếu là ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước tưới cho vùng hạ du sông Cả của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vùng hưởng lợi của công trình bao gồm các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An); các huyện: Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Công trình phải xây dựng âu thuyền để đảm bảo giao thông thủy nội địa cho các tàu thuyền ra vào trong khu vực vùng hạ lưu sông Lam; đồng thời đảm bảo không được làm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của hệ thống sông Cả trong mùa mưa lũ.
Tư vấn thiết kế đã đưa ra 2 tuyến để lựa chọn, gồm:
- Tuyến 1: Vị trí tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Tuyến này nằm ở hạ lưu cầu Bến Thủy cách cầu 5,5 km và cách cửa Hội 14,5 km. Đây là đoạn sông thẳng, tương đối ổn định, có chiều rộng sông khoảng 660m, cao độ đáy sông khoảng -6,0.
- Tuyến 2: Vị trí tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tuyến này nằm ở hạ lưu cầu Bến Thủy, cách cầu 0,5 km và cách cửa Hội 19,5 km. Đây cũng là đoạn sông thẳng, tương đối ổn định, có chiều rộng sông khoảng 1.005 m, cao độ đáy khoảng -6,8.
Trên cơ sở đề xuất của tư vấn thiết kế; qua nghiên cứu, tính toán, xem xét, đánh giá, nhất là về quá trình bồi lắng ở từng đoạn sông, diễn biến độ sâu mực nước, vận tốc dòng chảy tại bất kỳ vị trí nào dọc tuyến sông, các nhà khoa học khuyến nghị dự án nên lựa chọn tuyến 1, tức là tại vị trí xã Hưng Hòa, thành phố Vinh để xây dựng công trình.
Trong danh mục các dự án ưu tiên thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An còn có một số công trình thủy lợi khác được lựa chọn để thực hiện.
Theo đó, trong phân kỳ đầu tư các giai đoạn: 2021 - 2025 và 2026 - 2030, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An được giao xây dựng hồ Thác Muối, đây là công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Giăng; nâng cao dung tích hồ chứa hồ Sông Sào; nâng cấp 2 hệ thống thủy lợi Đô Lương và Nam Hưng Nghi.