Dự đoán về đại dịch Covid-19 trong năm 2022
Các chuyên gia dự đoán 2022 có thể là năm Covid-19 “không còn là đại dịch", phần lớn do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng cao và các thuốc kháng virus trở nên phổ biến.
Thay vào đó, nCoV trở thành loại virus tồn tại lâu dài, độ nghiêm trọng giảm dần và trở thành một phần trong cuộc sống bình thường mới.
Trong lịch sử y khoa, nhiều mầm bệnh hô hấp phát triển theo mô hình tương tự, từ cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến cúm lợn năm 2009. Covid-19 có thể vẫn nguy hiểm trong thời kỳ hậu đại dịch. Thực tế, bệnh cúm mùa gây tử vong cho 62.000 người Mỹ kể từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Nhưng theo các chuyên gia, hy vọng về một cuộc sống bình thường ở trong tầm mắt.
Covid-19 thành mầm bệnh theo mùa
Khi trở thành căn bệnh tồn tại lâu dài, Covid-19 sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của cộng đồng. Tỷ phú Bill Gates từng nhận định: "Nó không còn là yếu tố quyết định xem chúng ta có nên làm việc tại văn phòng, xem bóng đá ở sân vận động hay đến rạp chiếu phim".
Các mầm bệnh kiểu này gọi là "đặc hữu", luôn lưu hành khắp nơi trên thế giới, gây triệu chứng nhẹ vì nhiều người có sẵn khả năng miễn dịch từ tiêm chủng hoặc lây nhiễm trong quá khứ. Người bệnh có thể ho và sổ mũi, nhưng điều chỉnh vaccine là đủ để ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong.
Giống với các virus đường hô hấp khác, Covid-19 sẽ đạt cao điểm ở một số thời gian trong năm, rất có thể vào những tháng thu đông. Như vậy, dịch Covid-19 và cúm mùa sẽ trùng nhau trong tương lai.
Một nhóm bạn họp mặt tại nhà hàng ở Auckland, New Zealand, tháng 12/2021. Ảnh: NY Times |
Các F0 chỉ cần đeo khẩu trang và cách ly tại nhà
Theo Shaun Truelove, chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nếu virus trở thành đặc hữu, lúc đó người bệnh chỉ cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng và ở trong nhà thời gian mắc bệnh. Chuyên gia đề xuất duy trì các phương pháp phòng dịch khác như rửa tay, hạn chế tiếp xúc ở những nơi nguy cơ cao.
"Chúng ta không nhất thiết phải áp dụng các quy định mới (để ngăn chặn Covid-19), chỉ cần tiếp tục những biện pháp đã được chứng minh hiệu quả", giáo sư Timothy Brewer, Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding, nói.
Tiến sĩ Truelove hy vọng người dân có ý thức cá nhân, tự cách ly ở nhà khi bị bệnh. "Bạn sẽ làm việc tại nhà nếu có triệu chứng, nghỉ ốm một đến hai ngày nếu thấy mệt", ông nói.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca nhiễm hoặc tiếp xúc F0. Tây Ban Nha ngày 29/12 thông báo rút ngắn thời gian cách ly từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Italy cũng bỏ quy định cách ly đối với trường hợp tiếp xúc gần người nhiễm nCoV. Các F1 không cần cách ly nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine hoặc từng mắc Covid-19 trong vòng 120 ngày gần đây. Họ chỉ cần đeo khẩu trang KN95 hoặc N95.
Điều trị Covid-19 hiệu quả bằng thuốc
Cuối năm 2021, hầu hết các nước thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19, từ bỏ biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để tạo đà phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia, năm 2022 sẽ đánh dấu những tiến bộ mới trong điều trị Covid-19, thay thế các biện pháp hạn chế mạnh mẽ của hai năm đại dịch vừa qua.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận hai thuốc viên chống Covid-19 molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer đều hiệu quả chống biến chủng. Quyết định đưa ra sau khi Cơ quan Thuốc châu Âu bật đèn xanh với Paxlovid.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, giới khoa học đặt nhiều kỳ vọng vào các phương pháp điều trị tiện lợi và dễ dàng. Thuốc Covid-19 không ngăn chặn sự lây lan hoặc làm phẳng đường cong dịch tễ, nhưng nó giúp cắt giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân.
Molnupiravir và Paxlovid chỉ là sự khởi đầu. Khi Omicron đang hoành hành và các biến chủng khác tiếp tục xuất hiện, giới khoa học cho rằng thế giới cần kho thuốc dồi dào để chống lại những kẻ thù mới, đặc biệt nếu biến chủng có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine.
Nhiều chuyên gia đang nghiên cứu một loại thuốc thế hệ tiếp theo, nhắm mục tiêu chính xác vào những điểm yếu trong cấu trúc phân tử của nCoV. Số khác kiểm tra xem nên dùng kết hợp hay độc lập với các thuốc viên trị Covid-19.
Xét nghiệm tại nhà đóng vai trò quan trọng
Nhu cầu xét nghiệm nhanh (còn gọi là xét nghiệm kháng nguyên) tăng vọt khi biến chủng Delta chiếm ưu thế. Omicron xuất hiện, ngày càng nhiều người làm quen với việc tự lấy dịch mũi tại nhà. Thông thường, xét nghiệm PCR tiêu chuẩn được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế, vài ngày mới có kết quả. Theo các chuyên gia, trong thời gian chờ đợi, tình trạng của người bệnh có thể thay đổi.
"Xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng giải đáp câu hỏi ‘Tôi có nhiễm nCoV không?’. Đây là điều bạn cần biết trước khi quyết định đi gặp một ai đó", Joseph Allen, phó giáo sư Đại học Harvard TH Chan, cho biết.
Giới chức Mỹ và nhiều quốc gia nỗ lực nhân rộng sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên, cho rằng đây là chiến lược đúng đắn. Theo giáo sư Rachael Piltch-Loeb, Đại học Harvard TH Chan, cơ quan y tế cần giúp cộng đồng làm quen với việc tự xét nghiệm tại nhà.
Bộ kit miễn phí được phát cho shipper tại một điểm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, ngày 29/9. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tiêm phòng Covid-19 định kỳ
Một số chuyên gia cho rằng trong năm 2022, người dân toàn cầu có thể cần tiêm hơn ba liều vaccine Covid-19, thậm chí tiêm phòng định kỳ hàng năm như cúm. Nếu biến chủng nCoV tiếp tục xuất hiện, các nhà khoa học sẽ điều chỉnh vaccine tăng cường hàng năm để phù hợp nhu cầu thực tế. Giới chuyên gia cũng đang nghiên cứu loại vaccine phổ quát, ngăn ngừa tất cả biến chủng nCoV.
Trong quá khứ, chuyên gia y tế và sức khỏe cộng đồng nhiều lần điều chỉnh chiến lược tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế. Họ từng khuyến nghị tiêm liều tăng cường vaccine phòng bệnh sởi, quai bị và rubella sau khi ghi nhận một số ca nhiễm đột phá.
Gần đây, Israel tiêm liều thứ 4 cho nhóm thử nghiệm gồm các nhân viên y tế kể từ ngày 27/12. Kent Sepkowitz, bác sĩ tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York cũng ủng hộ cách làm trên. Ông cho rằng tiêm đủ vaccine và liều tăng cường là phương pháp tốt nhất giúp đẩy lùi đại dịch.
Tiêm phòng hàng năm có thể là thách thức. Việc thuyết phục người dân, đặc biệt là nhóm hoài nghi vaccine sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi Covid-19 trở thành căn bệnh theo mùa, không còn gây triệu chứng nghiêm trọng, một số người có thể chủ quan và bỏ qua tiêm chủng. Trong dịch cúm năm 2019, diễn ra trước Covid-19, chỉ 48% người Mỹ trưởng thành tiêm vaccine.
Theo một số chuyên gia, năm 2020, Covid-19 khiến cộng đồng bất ngờ, hoang mang, nhưng cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của khoa học, y tế. Năm 2021, đại dịch có thời điểm đẩy toàn cầu vào ngưỡng tuyệt vọng, nhưng cũng ghi nhận chiến dịch tiêm chủng thần tốc chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người kỳ vọng 2022 sẽ là năm mà nhân loại học cách sống chung với mầm bệnh, Covid-19 dần trở thành một phần của "bình thường mới".
"Chúng ta không đi thành vòng luẩn quẩn. Các đại dịch đều sẽ kết thúc", Syra Madad, Giám đốc cấp cao tại hệ thống Bệnh viện NYC Health Plus, nhận định.