Dự kiến tăng trên 26.000 học sinh năm học tới, các nhà trường ở Nghệ An phải tăng sĩ số lớp
(Baonghean.vn) - Năm học tới, Nghệ An dự kiến sẽ tăng 580 lớp với trên 26.000 học sinh. Khó khăn hiện nay đó là học sinh tăng nhưng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên lại chưa đáp ứng được theo yêu cầu.
Việc tăng học sinh THCS trong năm học này là số liệu đã được dự báo trước. Bởi lẽ, từ 5 năm trở lại đây, số học sinh của bậc tiểu học tăng khoảng 64.000 học sinh và trung bình mỗi năm tăng khoảng 12.000 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh tăng biến động tùy theo năm và tăng nhiều hơn với những năm được xem là năm đẹp.
Áp lực khi tăng học sinh nhưng hạn chế tăng lớp
Trường THCS Minh Châu là ngôi trường được sáp nhập từ 3 xã trên địa bàn của huyện Diễn Châu. Đây cũng là một trong những trường dự kiến sẽ tăng nhanh học sinh trong năm học tới 2 lớp, trên 90 học sinh.
Trước đó, việc tăng số lớp đã được chính quyền và nhà trường dự báo trước. Chính vì thế, thời điểm này, địa phương đang gấp rút để hoàn thành xây dựng dãy phòng học 2 tầng và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ năm học tới để làm nhà bộ môn và nhà hiệu bộ cho giáo viên.
Trường THCS Minh Châu đang khẩn trương xây dựng thêm lớp học để bố trí đủ trong năm học tới. Ảnh: Mỹ Hà |
Mặc dù đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhưng để đảm bảo đội ngũ đứng lớp theo đúng quy định thì đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, theo kế hoạch vừa được phê duyệt, dù học sinh lớp 6 tăng 2 lớp, nhưng tổng số lớp của nhà trường sẽ chỉ được tăng 1 lớp và buộc nhà trường phải dồn học sinh, tăng sĩ số.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Việt Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Châu cho biết: Trước mắt, chúng tôi phải bố trí đủ lớp 6 cho học sinh. Ngược lại, học sinh khối lớp 7 từ 4 lớp như trong năm học này phải dồn xuống còn 3 lớp.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Minh Châu (Diễn Châu), việc dồn lớp trong bối cảnh hiện nay dẫn đến những khó khăn nhất định cho nhà trường.
Trong đó, điều đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh có con ở lớp học phải chia nhỏ để dồn lớp hiểu được chủ trương và thông cảm với nhà trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải sắp xếp bố trí học sinh ở từng lớp sao cho hợp lý, đảm bảo đủ chỗ ngồi cho học sinh trong điều kiện diện tích lớp học quá bé mà học sinh mỗi lớp phải tăng thêm gần 10 em.
Chưa kể hiện nay, khi học sinh tăng nhưng cơ cấu giáo viên của nhà trường chưa đủ, thừa giáo viên Ngữ văn nhưng thiếu giáo viên Toán học, Ngoại ngữ và Thể dục cũng sẽ dẫn đến những khó khăn trong bố trí giáo viên.
Trường THCS Nghi Thuận (Nghi Lộc) cũng đang tính tới việc phải dồn học sinh lớp 7 sau khi nhà trường dự báo sẽ tăng 60 học sinh lớp 6 từ năm học tới. Nói về những khó khăn hiện nay, cô giáo Hoàng Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi nằm gần các khu công nghiệp của huyện Nghi Lộc nên không chỉ năm học 2023 - 2024 mà một vài năm tới số lượng học sinh đầu cấp sẽ tăng.
Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà |
Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Ví dụ, sang năm học tới, trường thiếu 2 phòng học, buộc phải lấy phòng Âm nhạc và phòng Mỹ thuật cho học sinh học. Số lượng giáo viên cũng có sự biến động bởi trong năm nay đã có 2 giáo viên xin nghỉ hưu sớm vì áp lực công việc. Sang năm tới, dự kiến sẽ có 3 giáo viên sinh năm 1970 cũng có kế hoạch xin nghỉ và chúng tôi chưa biết phải bố trí giáo viên thế nào cho đủ.
Quá tải vì thiếu giáo viên
Sau nhiều năm công tác tại Trường THCS Nghi Thạch (Nghi Lộc), ở tuổi ngoài 50 nhưng cô giáo Trần Thị Việt Hà vẫn tiếp tục phải đi tăng cường tại Trường THCS Hưng Đồng, ngôi trường cách xa nhà cô gần 20km với thời gian 2 năm.
Việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đang là giải pháp được ngành Giáo dục huyện Nghi Lộc thực hiện nhiều năm nay, dù điều này là không dễ dàng và phải “cân đo đong đếm” khá vất vả.
Học sinh tăng nhanh buộc nhiều trường phải thực hiện co lớp và tăng sỹ số. Ảnh: Mỹ Hà |
Về phía các nhà trường, giải pháp tăng cường có thể giúp nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên trước mắt, nhưng về lâu dài đây chỉ là giải pháp tình thế và chưa thực sự đem lại hiệu quả. Như tại Trường THCS Hưng Đồng, do thiếu giáo viên, nên năm nay nhà trường được bố trí 7 giáo viên tăng cường và phải hợp đồng thêm 6 giáo viên nữa mới cơ bản bố trí đủ giáo viên cho các lớp. Nhưng từ năm học tới, trong khi nhà trường tăng thêm 1 lớp thì số giáo viên tăng cường hết thời hạn lại phải chuyển về cơ sở cũ. Vậy nên, nếu tính toán để đủ giáo viên theo tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp, nhà trường đang cần tới 12 giáo viên.
Những giáo viên tăng cường chỉ đến công tác tại trường từ 1 - 2 năm nên thiếu sự ổn định và buộc chúng tôi phải thay giáo viên thường xuyên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.
Trong khi đó, nếu hợp đồng giáo viên cũng rất vất vả vì mức lương chỉ trả hơn 4 triệu đồng/tháng, hiện nay các giáo viên không mặn mà. Những giáo viên hợp đồng còn ở lại với trường là họ yêu nghề; nếu đi làm công việc khác ở các khu công nghiệp, mức lương có thể gấp đôi, gấp ba.
Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc, năm học tới, huyện Nghi Lộc tăng 51 lớp, trong đó riêng bậc THCS là 37 lớp với gần 2.000 học sinh. Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng quy mô, các điều kiện để phục vụ dạy học thì huyện Nghi Lộc đang thiếu khoảng 400 giáo viên. Trước mắt, huyện khẩn trương tuyển dụng những chỉ tiêu mà tỉnh đã giao để đáp ứng đội ngũ giáo viên cho bậc mầm non và tiểu học.
Giờ học của học sinh Trường THCS Hưng Đồng (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà |
Bên cạnh đó, huyện Nghi Lộc cũng đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu biên chế, đặc biệt ở bậc THCS cao hơn. Bởi lẽ, hiện tại qua thống kê, tỷ lệ giáo viên THCS trên địa bàn huyện chỉ mới được giao 1,7 giáo viên/lớp. Trong khi chương trình mới lại phải tăng môn, tăng tiết thì rất khó khăn cho các trường trong việc triển khai nhiệm vụ.
Ngoài ra, để có đủ giáo viên trong bối cảnh tinh giản biên chế, ngành Giáo dục huyện Nghi Lộc đang phải sử dụng giáo viên hợp đồng và chỉ đạo nhập lớp với những lớp sỹ số còn dưới 45 em/lớp lên tối đa gần 50 em/lớp.
Từ năm học tới, học sinh bậc THCS sẽ tăng nhanh qua các năm. Ảnh: Mỹ Hà |
Với việc tăng 69 lớp với khoảng 4.000 học sinh, chủ yếu là ở bậc THCS, thành phố Vinh cũng đang phải tìm lời giải để giải quyết bài toán thiếu cơ sở vật chất và thiếu gần 100 giáo viên trong năm học tới.
Qua trao đổi, bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Việc tăng nhanh học sinh sẽ gây áp lực thiếu phòng học. Do đó, dự kiến trong năm học tới, một số trường THCS sẽ phải tổ chức dạy học 2 ca. Song song với đó, chúng tôi đang đề nghị để tỉnh bố trí đủ định biên cho ngành và có cơ chế riêng để các nhà trường được tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng...
Với việc tăng trên 26.000 học sinh dự kiến năm học tới, toàn tỉnh sẽ tăng thêm khoảng 580 lớp.
Trước thực tế dự báo về tăng số lượng học sinh THCS năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cấp, ngành và toàn xã hội tập trung quan tâm sắp xếp hợp lý quy mô trường, lớp học.
Đồng thời, kịp thời đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và có phương án chuẩn bị đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng nhằm bố trí đủ giáo viên đứng lớp và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia.